Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Tỏa sáng vùng đất di tích

Là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước, văn hoá và cách mạng, nên huyện Điện Bàn đã được Nhà nước công nhận 36 di tích lịch sử-văn hoá, trong đó có 4 di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia (Lăng mộ Tổng đốc Hoàng Diệu, Lăng mộ Tiến sĩ Trần Quý Cáp, Tháp Bằng An và Giếng nhà Nhì -nơi chiến đấu của các Dũng sĩ Điện Ngọc)
Mỗi di tích gắn liền với từng địa danh qua các giai đoạn lịch sử, thể hiện khí phách kiên cường trong đấu tranh chống các thế lực xâm lược và truyền thống hiếu học của đất và người Điện Bàn. Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 5 khoá VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” huyện Điện Bàn đã đề ra mục tiêu “vận động xã hội hoá để tăng cường đầu tư nâng cấp, xây dựng, quản lý các di tích, biến các di tích ở từng vùng trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau, kết hợp xây dựng những nơi ấy thành khu công viên, khu du lịch lịch sử -văn hoá.”          
    Khởi đầu cho việc quản lý di tích, ngành Văn hóa thông tin phối hợp với các ngành liên quan khảo sát, đo đạc xác định lại diện tích, lập bản đồ qui hoạch, cắm mốc để có cơ sở giao cho xã, thị trấn quản lý và lần lượt phát động xây dựng, nâng cấp qua từng năm. Do điều kiện nguồn vốn ngân sách không đảm bảo, nên huyện Điện Bàn dựa vào các tộc họ, gia đình, làng xóm, bà con Điện Bàn sống xa quê và các tấm lòng mạnh thường quân để chung tay, góp sức cho cuộc vận động nâng cấp di tích. Với niềm tự hào vô hạn về những danh nhân trong làng, các tộc ở xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Tiến, Điện Thọ đã có những việc làm đầy tình nghĩa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đóng góp khá lớn về tiền bạc, công sức cho cuộc vận động có ý nghĩa này. Anh Nguyễn Đức Chơi, Chủ tịch UBND xã Điện Quang, quê hương Chương Dương- Hoàng Diệu, nơi sản sinh nhiều danh nhân, nơi số lượng di tích nhiều nhất ở huyện Điện Bàn đã khẳng định với tôi “không vận động xã hội hoá thì không thể nào đủ sức nâng cấp di tích theo hướng bền vững, để vừa chống chọi với thiên tai bão lụt, vừa tạo ra vị thế di tích hoành tráng, trang nghiêm và sáng đẹp. Ở xã Điện Quang chúng tôi cũng chính từ sức mạnh xã hội hoá, đặt biệt là vai trò tộc họ nên đã đầu tư nâng cấp khang trang, bề thế di tích Lăng mộ chí sĩ Lê Đình Dương, bia chiến tích Chương Dương, Lăng mộ Hoàng Diệu và một số di tích khác trên địa bàn xã”. Còn ở xã Điện Trung, dân làng và bà con tộc Phạm Phú rất tự hào, ngưỡng mộ về tấm gương danh nhân Phạm Phú Thứ, một người thông minh hiếu học, mới 23 tuổi đã đỗ Tiến sĩ, một vị đại khoa có tầm nhìn sớm về hướng canh tân đất nước theo xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật nên tộc đứng ra vận động các thế hệ con cháu trong tộc nâng cấp lăng mộ của ông nằm trên cánh đồng Điện Trung bạc ngàn bãi bắp, nương dâu, đồng lúa như nhắc nhở lớp con cháu hãy học tập và làm theo tấm gương hiếu học của ông để làm sống mãi truyền thống đất học Gò Nổi - Điện Bàn.          
    Về Điện Tiến, mảnh đất năm xưa “cá rô chim chéo lúa trì. Ai về Điện Tiến thì đi với mình”, mảnh đất mà cách đây gần 54 năm chấn động với trận chiến thắng Bồ Bồ, một Điện Biên Phủ ở Quảng Nam, và hôm nay là một xã văn hoá ở huyện Điện Bàn tôi lại càng cảm phục trước tấm lòng của bà con các chư tộc với di tích đình làng Diệm Sơn. Trải qua hàng trăm năm với bao biến thiên của lịch sử và thời gian mưa gió, bão lũ dồn dập nhưng đình Diệm Sơn vẫn hiên ngang đứng vững giữa lòng đất Điện Tiến anh hùng. Những ngày đầu về lại với ngành Văn hoá thông tin huyện, tôi có dịp trở lại Diệm Sơn, được tận mắt chứng kiến ngôi đình tuy rêu phong nhưng tràn đầy “hồn” di tích lịch sử. Chính dưới nền đình là căn hầm bí mật đã từng chở che biết bao chiến sĩ và cán bộ lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà và đã trải qua hàng chục năm kể từ ngày quê hương im tiếng súng đến bây giờ, nắp hầm và đường xuống miệng hầm vẫn còn y nguyên như lòng dân Xuân Diệm, Điện Tiến suốt một đời thuỷ chung son sắc với cách mạng. Lại càng cảm động hơn với các đồng chí đã một thời đội mưa bom, bão đạn sống mái với quân thù trên chiến trường Bồ Bồ năm xưa như anh Tiễn, anh Cường đã lặn lội khắp nơi, hết đi Đà Nẵng lại đi vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm gặp đồng hương vận động ủng hộ nâng cấp di tích đình Diệm  Sơn. Về làng La Trung xã Điện Thọ, đến di tích nhà thờ tộc Phan Công, nơi tổ chức các cuộc họp phát động quần chúng nổi dậy và tiến công của Huyện uỷ Điện Bàn trong kháng chiến chống Mỹ, tôi rất vui khi chứng kiến không khí bà con trong tộc họ và bà con dân làng sống xa quê cùng chung sức mở  con đường bê tông thẳng tắp băng qua cánh đồng cao sản đi về di tích, và xem đây là hướng đột phá ban đầu để tiếp tục cho một chương trình nâng cấp toàn diện di tích trong những năm đến. Ông Phan Thỉnh, một trong những thành viên tích cực trong tộc đã tâm sự với tôi “Tộc chúng tôi rất có vinh dự vì có nhà thờ tộc được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử-văn hoá cấp tỉnh. Bà con trong tộc quyết tâm chỉnh trang lại nhà thờ để vừa có nơi trang nghiêm thờ phụng ông bà tổ tiên, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu trong tộc, vừa mở ra không gian du lịch ở làng quê Điện Thọ. Nhưng muốn làm được việc ấy, Nhà nước nên quan tâm đến việc qui hoạch bố trí đất đai cho di tích”.          
    Không chỉ dừng lại ở con số di tích hiện có , hiện nay ngành Văn hoá thông tin -Thể thao huyện Điện Bàn đang cùng với các địa phương tiếp tục khảo sát lập hồ sơ để đề nghị về trên tiếp tục công nhận hàng loạt di tích khác. UBND huyện đã ban hành qui chế quản lý di tích phân rõ trách nhiệm của từng địa phương, từng chủ di tích. Trong các cuộc họp hàng năm của Huyện uỷ, HĐND,UBND huyện đều có ghi vào Nghị quyết nhiệm vụ quản lý di tích và giao trách nhiệm cho ngành Văn hoá thông tin tăng cường công tác quản lý Nhà nước , nắm chắc thực trạng để tham mưu cho huyện có định hướng xây dựng, nâng cấp, kiên quyết không được để các di tích bị xâm lấn đất đai hoặc xuống cấp hư hại nghiêm trọng nhưng không có biện pháp trùng tu, sửa chữa.
 PHẠM NÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét