Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Hoài niệm Hội An

Nguyễn Tường Bách



Tôi náo nức trở lại Hội An, thành phố cổ.

Bốn mươi năm trước, tôi đã đến đây. Ấn tượng ngày xưa của một cậu bé tiểu học vốn mau mờ nhạt trước sự thay đổi nhanh chóng của tuổi thiếu niên. Do đó, Hội An chỉ đọng lại trong tôi với chiếc Chùa Cầu. Đối với tôi, Chùa Cầu thật lạ, chùa nào mà nằm ngay giữa phố, lại bắc qua sông, chùa phải xa chợ! Bốn mươi năm trước, đến Chùa Cầu Hội An tôi đứng tần ngần trước tượng thần khỉ ở đầu cầu, có ai vừa thắp một nén hương. Ngày đó tôi đã biết Hội An là một thành phố cổ, ngày xưa nơi đây tấp nập những thuyền bè nước ngoài. Nhưng ai đã dựng xây Chùa Cầu và nhất là tại sao chùa nằm ngay giữa phố, tôi tự hỏi.

Bốn mươi năm qua là một thời gian kỳ lạ của lịch sử, trên thế giới và trong lòng đất nước. Nếu hai mươi năm đầu còn mang năng dấu vết của thù hận, chiến tranh và ý thức hệ thì hai mươi năm sau, như nhờ một phép lạ, mọi tranh chấp và chiến tranh nóng lạnh hầu như chấm dứt. Hòa bình trở lại tại Việt Nam. Tại phương Tây, bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đánh dấu một khúc ngoặt của sự tranh chấp Đông-Tây và mở ra một kỷ nguyên mới của sự toàn cầu hóa. Hai mươi năm qua cũng đánh dấu một hiện tượng chưa hề có trong lịch sử con người, đó là sự di dân với qui mô lớn từ nước này qua nước khác, từ lục địa nay qua lục địa khác. Hàng trăm ngàn người đi từ Đông Âu qua Đức, từ Bắc Phi qua Pháp, từ Việt Nam qua Mỹ, từ Pakistan qua Anh, từ Tây Tạng qua Ấn Độ... Phương tiện giao thông và khả năng thông tin hiện đại đã làm trái đất trở nên nhỏ bé. Ngày nay, con người lên đường đi định cư tại một nước khác dĩ nhiên cũng có chút phiêu lưu mạo hiểm nhưng không khác gì lắm nếu so với trăm năm trước dân quê bỏ lũy tre xanh lại đằng sau. Họ lên đường tìm cuộc sống một nơi xa lạ, đó là những người được mệnh danh là "kiều dân".

Kiều dân không phải chỉ trong thế kỷ hai mươi mới có. Tôi khám phá ra một cách thú vị và muộn màng rằng, từ thế kỷ thứ 16, Hội An là nơi kiều dân Nhật Bản và Trung Quốc đã sống. Khoảng năm 1560, người Nhật đã đến đây giao thương, có người ở lại lâu dài. Tại Trung Quốc, khi nhà Thanh thắng lợi, con cháu nhà Minh cũng bỏ xứ ra đi và lưu lạc đến tận Hội An, tìm nơi đây là quê hương mới của mình. Thì ra dân Việt không chỉ sản sinh kiều dân Việt Nam sống nhiều nơi trên thế giới, chúng ta cũng đã cưu mang kiều dân nước khác từ nhiều thế kỷ trước. Cách đây vài trăm năm những con người lưu lạc đó đã chân ướt chân ráo qua đây, mang theo thuyền gỗ, súng đồng, sản phẩm cao cấp như tơ lụa và đồ sứ để buôn bán làm ăn, nhất là cả một vốn liếng văn hóa và kiến trúc.

Câu hỏi ngày xưa xem ra đã có câu trả lời. Chùa Cầu có lẽ do thương nhân người Nhật xây dựng khoảng thế kỷ thứ 17, khi họ xem Hội An là một trong những nơi dừng chân ít ỏi, là nơi họ sinh cơ lập nghiệp và hội nhập với người bản xứ. Chẳng thế mà Chùa Cầu có tên là Cầu Nhật Bản. Cũng vì thế mà người Nhật sẵn sàng bỏ tiền ra trùng tu Chùa Cầu khi kiến trúc này xuống cấp. Người Việt thuyết minh kể một cách hãnh diện rằng năm ngoái năm kia, một đoàn nhà sư Nhật đã đến Hội An để thăm mộ tổ tiên và "trấn huyệt" cho cà xứ Nhật vì khe nhánh sông Thu Bồn ngay tại Chùa Cầu nằm ngay trên lưng một con thủy quái khổng lồ. Con vật này có tên tiếng Nhật là Mamazu, đầu nằm ở Nhật, đuôi ở Ấn Độ. Nhờ các nhà sư trấn huyệt mà linh vật bớt vẫy đuôi, nước Nhật năm đó bớt bị động đất. Dáng phục thay các nhà sư già, họ không quản đường xa khó nhọc, họ làm tất cả vì tiền nhân và xã tắc của họ.

Cách Chùa Cầu vài trăm mét, khách có thể tham quan vài ngôi chùa của các bang hội người Hoa. Trong chủa họ thờ vị nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu năm xưa đã phù hộ cho họ vượt biển an toàn. Chùa được bảo quản vô cùng chu đáo, tượng nữ thần hiện trên đầu sóng hết sức uy nghi. Bà con trong bang hội phần lớn nay đã xa xứ làm ăn, người giữ chùa cho biết. Họ đi xa, Hội An đâu phải chỗ làm ăn, người ra nước ngoài, người về cố hương. Người giữ chùa kể, nét mặt không dấu được nỗi buồn của người ở lại đơn chiếc. Nhưng họ hãnh diện và biết ơn tổ tiên, họ gửi tiền về để chăm sóc giữ gìn nơi thờ tự trang nghiêm sạch sẽ.

Nhắc lại người Nhật, người Hoa của vài trăm năm trước, tôi bỗng nhớ đến thân phận của những người được gọi là Việt kiều hiện nay đang lưu lạc trên toàn thế giới. Những vấn đề của ngày xưa hẳn không khác ngày nay. Chắc những người Nhật người Hoa đó cũng trăn trở lắm điều, cũng thực hiện một cách khó khăn phương châm "vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa hội nhập với người bản xứ". Nhiều người trong số họ đã kết hôn với người Việt, con cháu họ chỉ còn nói được tiếng Việt và bị cha mẹ la rầy. Họ cũng ngóng trông quê hương của mình, là "giọt máu rơi" của tổ quốc họ. Rồi cũng đến ngày, họ cũng có cái đau xót bỏ thân nơi xứ lạ quê người. Nhưng họ không bao giờ ngờ, vài trăm năm sau, sẽ có một ngày mà một đoàn nhà sư già sẽ đến cầu siêu cho mình và hành đoàn con cháu sẽ đến viếng lăng mộ của mình.
alt
Tôi vào lại Chùa Cầu, tìm đâu là nơi thờ cúng mà ngày xưa tôi do ham đứng xem tượng thần khỉ, thần chó không chịu vào lễ bái. Án thờ trưng hình vị Bắc Đế Trấn Vũ, xung quanh đầy bụi bặm. Ảnh thờ cong queo khô rốc, lạnh tanh. Thấy cán bộ hăng hái bán vé tham quan, tôi hỏi tại sao không ai lau bàn quét bụi trên án thờ và không nghe tiếng trả lời. Chỉ cách chùa người Hoa mấy trăm mét mà sự chu đáo hai nơi khác nhau một trời một vực. Trên bàn cạnh án thờ, người bày bán một xấp tranh lụa vẽ vời cẩu thả. Sau án thờ là chỗ sinh hoạt của cán bộ phụ trách tham quan, một bàn cờ tướng còn đánh dở. Bụi bặm này làm tôi nhớ đến các nơi thờ tự trong lăng tẩm xứ Huế, ở đâu cũng đóng bụi như nhau. Con cháu Nguyễn tộc ở đâu cả ? Trên án thờ Chùa Cầu, không hề có một nén hương thơm, phải chăng tại vì vị Bắc Đế Trấn Vũ là người Hoa hay do ta đã mất thói quen thờ cúng ? Hay tại vì cán bộ đang mải xem ai là người nước ngoài để bán vé lấy gấp mười lần ?

Tôi đứng lại trước tượng thần khỉ thần chó. Bây giờ tôi mới biết hai vị này cũng là linh vật, đứng nơi đây để "yểm" thủy quái Mamazu. Thắp một nén hương để nhớ công ơn hai vị và cũng để nhớ ngày xưa, chiêm nghiệm về thời gian và những điều dâu bể. Ôi, bốn mươi năm trôi qua. Bây giờ tôi cũng là kiều dân, sống nhờ trong một nước khác. Dưới chân cầu hầu như không có nước chảy. Trên thế gian bao nhiêu điều đã diễn ra. Nhiều điều trọng đại đã thay trời đổi đất, đã mở kỷ nguyên mới cho đất nước, đã đổi đời cho một số lớn người. Nhưng cũng có một số người khác, vì hoàn cảnh riêng, cũng phải di tản ra nước ngoài làm kiều dân, như những người Nhật năm xưa đã xây dựng ngôi Chùa Cầu này, hỡi thần thức hai vị.

Kiều dân người Việt ngày nay sống khắp thế giới, con số có thể lên đến ba triệu người. Họ có để lại dấu vết văn hóa gì trong các nước sở tại hay không, điều đó thời gian sẽ trả lời. Còn tôi thì tôi không mấy tin tưởng. Dù có rất nhiều bằng cớ về sự thành công của người Việt Nam ở nước ngoài, tôi vẫn thấy đau đáu điều gì về kiều dân người Việt. Họ dứt khoát không phải là những người đầy tự tin và có nhiều ảnh hưởng như người Nhật, người Hoa ngày trước. Trên đường phố xuôi ngược ở nước ngoài, nếu cứ thấy người châu Á, mặt mày đăm chiêu, tò mò đi lại gần nghe thử tiếng nói thì ta thấy, y như rằng, đó là người Việt Nam. Họ là những con người làm đủ thứ nghề, nhưng vốn ít, chí nhỏ, sống nội tâm, thiếu đoàn kết. Lịch sử gần nửa thế kỷ qua của dân tộc dường như dạy cho họ một bài học, tồn sinh được qua ngày là may mắn lắm rồi, tất cả mọi sự khác là xa xỉ. Kinh nghiệm lớn nhất của họ dường như là, đừng hợp tác với ai, đừng làm điều gì lớn lao, chỉ thất bại thôi. Họ không hề có tâm lý mở đường như kiều dân nước ngoài ở Hội An mà ngược lại, một phần trong số họ nghĩ mình là những người cùng đường. Làm sao đòi họ làm một điều gì để đời, vượt thời gian?

Điều chắc chắn là họ nhớ quê hương và biết đâu là "chốn để về" của mình. Nhưng họ đã lỡ quen nghi ngại nhau nên sẽ không có những công trình văn hóa đồ sộ, những bang hội lớn lao, những sự hợp tác tầm cỡ. Họ quen chôn những điều ấp ủ đó ở trong lòng. Vài mươi năm nữa, con cháu họ chắc sẽ không còn ai chịu quét tước đền chùa, hoài niệm nhắc nhở lịch sử di dân của cha ông hồi xưa và các thánh thần đã một thời phù hộ.

Nếu họ có về thăm nước, thấy bàn thờ phủ đầy bụi bặm, họ sẽ thấy hình ảnh quen thuộc, chẳng có gì đáng trách. Và người thuyết minh vẫn kể một cách hãnh diện, có một đoàn nhà sư người Nhật...

6.1996

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét