Xuân Hoàng
Đến
khi lên Huế học, những huyền thoại về bún bò Huế càng có vẻ mọc cành
mọc lá sum sê hơn. Thế giới học trò cũng nhỏ bé và xinh xinh như thành
phố. Phía sau trường Hàm Nghi của tôi là Viện Bảo Tàng và nhà thờ Nguyễn
Phước Tộc hay là Tôn Nhân Phủ.. Bên kia đường là cửa Hiển Nhơn vào Đại
Nội. Kế đó, có hai trường văn nghệ nhất Huế, đó là trường Quốc Gia Âm
Nhạc và Cao Đẳng Mỹ Thuật mà lũ học sinh nghịch ngợm của chúng tôi
thường chọc mấy anh chị sinh viên bằng cách gọi là “Trường Kèn” và
“Trường Cọ”. Sinh viên hai trường Kèn Cọ thường la cà ở quán cà phê Tôn,
nơi đó, thật ra chỉ là một chiếc xe kiểu xe sinh tố đặt mé trái trước
Tôn Nhân Phủ do vợ chồng bác Tôn đứng bán bún bò và cà phê. Giới nghệ sĩ
lang thang thường bàn luận một cách công khai rằng, ngày nào vợ chồng
bác Tôn không cãi nhau là ngày đó bún bò không ngon vì thiếu đi cái
“tinh thần hào sảng” của cặp vợ chồng bác Tôn khi nấu bún.
Giới văn nghệ sĩ cà phê Tôn còn đi xa hơn khi kháo nhau rằng nếu lỡ một
mai kia, lịch sử thành thơ đưa họ lên làm lãnh tụ, thì họ sẽ đặt tên
con đưòng từ Vỹ Dạ lên Ga Huế là "Đường Cơm Hến" và đường từ cầu An Cựu
lên cầu Trường Tiền là "Đại Lộ Bún Bò"
vì mỗi buổi sáng tinh sương, dọc
trên con đường nầy có cả đoàn bún gánh phát xuất từ An Cựu tỏa ra khắp
thành phố Huế. Khói xanh đun nồi bún bay phơ phất trên đường như một sự
mời gọi êm đềm: Bún bò An Cựu, cơm hến Đò Cồn, trứng lộn Chợ Dinh, bánh
canh Nam Phổ... Cũng may hay cũng buồn, lịch sử không phải là thơ nên
tuy Huế có những con đường tình cảm mang tên kỷ niệm và giai nhân bất
thành văn như đường Hàng Me, đường Áo Trắng, nhưng vẫn chưa có tên đại
lộ Bún Bò.
Bản thân tôi từ một vùng quê ruộng đồng lên tỉnh học, sau mấy năm học
đòi văn hóa Huế, cũng bị nhiễm bún bò rất nặng.. Tôi đã ưu tư nhiều về
sự hiện diện của bún bò giò heo kể từ khi làm quen với một cô hàng xóm
nhân dịp cô đi xe đạp, vạt áo dài tung bay phất phới và cuốn theo chiều
gió mà quấn vào trong giây "sên", trong "ổ líp". Tôi bèn ra tay cứu khổn
phò nguy gỡ áo em ra và không quên bôi thêm dầu sên lên tay lên mặt cho
ra vẻ lẫm liệt, can trường. Tên cô là Mộng Hoàng, tất nhiên có cái họ
đi trước rất chi là thế gia vọng tộc. Chỉ mới cái tên thôi cũng đủ biến
tôi thành Trương Chi bên cạnh Mỵ Nương đi xe đạp mất rồi. ễ làng, tôi đi
từ xóm trong ra xóm ngoài để sưu tầm những tên giai nhân đẹp nhất thì
cũng chỉ có những Nguyễn Thị Gái, Trần Thị Chắt, Lê Thị Dẹp... đào đâu
ra có Mộng, có Hoàng.
Những buổi sáng, tôi và Hoàng vẫn đạp xe đạp song song chung đường từ
Thành Nội, qua cầu Trường Tiền, rồi Hoàng vào Đồng Khánh và tôi vào Quốc
Học. Đôi ba lần Hoàng quay sang phía tôi cười, một phiến ớt màu bún bò
tí ti đỏ chói nằm trong góc chiếc răng khểnh trắng nõn nà của Hoàng. Tự
nhiên tôi cảm thấy hơi mất đi cái cảm giác thanh thoát khi nhìn sự hiện
diện vô duyên của ớt màu nằm trên chiếc răng khểnh duyên dáng đã làm tôi
xao xuyến bao lần. Tôi lên tiếng, nhẹ nhàng như nắng, sợ làm vỡ những
giọt sương tình cảm long lanh. Rồi cả hai đứa dừng lại, đứng khuất sau
gốc cây long não, tôi xé mảnh giấy trắng nhất trong tập vở học trò, vo
lại thành cây tăm và nín thở khêu chút ớt màu bún bò vô tình nằm chênh
vênh không đúng chỗ. Hai đứa nói nhỏ như ngại hàng long não đứng nghe..
Hoàng vùng vằng sợ tôi nhìn sâu hơn đáy mắt:
- Ngó dữ chưa tề, dị chết!
Tôi thanh minh như Vương Tử Trực:
- Coi tề, không ngó chộ mô mà khêu!
Khi lên xe đạp đi tiếp, Hoàng phàn nàn, cái phàn nàn mà tôi cho rằng đáng lẽ ra là một sự biết ơn:
- Me phiền dễ sợ! Sáng mô cũng bắt Hoàng ăn bún bò ớn phát sợ luôn.
Cái "ớn phát sợ" của Hoàng lại là cái ước mơ ngoài tầm tay của đám học
trò nghèo như tôi. Cứ tưởng tượng mỗi buổi sáng, khi trời Huế còn lành
lạnh mà được ăn một tô bún bò giò heo, có váng mỡ vàng mơ ngã hồng trên
mặt, nêm thêm một "múi đũa" ớt tương màu huyết dụ chắc sẽ sáng mắt sáng
lòng mà học một nhớ mười. So với một chén cháo gạo với muối trắng của
tôi hay một chén cơm chan chút nước mắm ớt của tụi bạn cùng hoàn cảnh ăn
điểm tâm trước khi đi học, tự nhiên một cảm giác hơi buồn buồn pha chút
tủi thân lặng lẽ dâng lên trong lòng. Bún bò tự nó không có giai cấp,
nhưng giai cấp tự nó có bún bò: Phận nghèo bấm bụng nằm co. Giàu thời
nem chả, bún bò giò heo!
Tuổi trẻ của Huế êm đềm và dễ hòa diệu sống như giòng sông Hương. Tôi
đã quên rất nhanh hình ảnh tô bún bò của Hoàng và chén cháo gạo của tôi.
Hai đứa chưa bao giờ dám nói thương nhau mà chỉ lửng lơ nói chuyện đã
cùng "thương con đường đi học".. Mỗi cô gái Huế đều có một bà chúa trong
hồn và mỗi cậu con trai Huế đều có một ông hoàng trong bụng. Bà chúa
thì thích sang mà ông hoàng thì thích ngọt, cho nên tôi đã nhẹ dạ nghe
Hoàng dỗ ngọt mà hẹn hò lần đầu lên chùa Thiên Mụ và về ăn bún bò Kim
Long. Chúng tôi đã phạm vào hai điều tối kỵ làm tan vỡ bao nhiêu mối
tình đầu đẹp như mơ của Huế: Đó là hẹn hò lần đầu không được lên chùa
Thiên Mụ và không được ăn bún. Đồi Linh Mụ là đất thần kinh, nơi để
chiêm bái chứ không phải là nơi tính chuyện ân tình hò hẹn.. Tình cảm
trai gái chớm mầm trên đất thánh thì sẽ không bén rễ trong tim người.
Còn ăn bún là trơn tru, không níu kéo như gừng cay muối mặn, nên cuộc
tình rồi cũng theo bún mà trôi đi! Rất có thể bà Linh Mụ đã nhìn thấy
tôi và Hoàng hò hẹn, cho nên mới "xui" về Kim Long ăn bún. Bởi vậy, nên
tới Hè, Hoàng giã từ Đồng Khánh, chuyển qua Jeanne d'Arc để chuẩn bị đi
Tây.
Kỷ niệm chia tay cũng êm đềm mà nhức buốt như những cơn mưa phùn tháng
Giêng của Huế. Hoàng gởi cho tôi cuốn sổ lưu bút có giấy pơ-luya màu
xanh, màu trắng, màu hồng; có thắt nơ tím với câu thơ tiếng Tây quá quen
thuộc với tuổi học trò của Huế ghi nắn nót ở trang đầu: "Partir, c'est
mourir un peu!... Ra đi là chết trong lòng một ít. Biết nói sao bây
giờ?!". Tôi là học trò ban B (Toán - Lý Hóa toàn ròn) nên trong đầu lúc
nào cũng lùng bùng ròng những đạo hàm và ẩn số của thầy Trần Tuệ và thầy
Hồng Giũ Lưu. Huế lại là vùng đất ưa hò vay trả. Đào đâu cho ra chút
văn chương man mác nòi tình mà đáp lại cho Hoàng đây. Tôi bỏ cả việc đi
trại Hè để cố đào cho ra dăm câu thơ nếu không “ác liệt” thì ít ra cũng
có vẻ môn đăng hộ đối với Hoàng. Bên tê dẫn thơ Tây thì bên ni phải
trích thơ Mỹ. Tôi vô thư viện, tìm mục thơ tình lãng mạn để kiếm vài câu
làm thuốc. Thơ tình chết tiệt rủ nhau trốn đâu mất cả. Bí quá, bỗng vớ
được vài câu thơ đề tựa cuốn sách của Helen Steiner Rice, tôi thấy như
mở cờ trong bụng: “Somebody loves you than you know. And will always be
with you wherever you go!” (Ai nào thấu hết tình ai.. Chân mây góc biển
thương hoài ngàn năm). Và, để phụ đề Việt ngữ tôi chọn hai câu thơ của
Hàn Mặc Tử, đọc đi đọc lại đắc ý nổi da gà: “Người đi một nửa hồn tôi
mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ!”.
Kèm với thơ thẩn là cái lược bằng gỗ trầm hương, vật kỷ niệm của mẹ,
tôi xin và tặng lại cho Hoàng mà bỗng tự cảm thấy mình sâu sắc như một
người tình trong chuyện thần thoại;Năm 1992 về lại con đường cũ, đọc thơ
Xuân Hoàng mà nhớ bâng khuâng đốm ớt bún bò và nét cười răng khểnh:
Tôi đi trên đường Lê Lợi dọc sông Hương
Nắng trong suốt lọc qua hai hàng long não
Đất nước đổi thay qua bao mùa giông bão
Con đường xưa vẫn dáng dấp diệu kỳ...
Hơn mười năm, tôi mới có dịp trở lại chen chân trên đường phố Huế vào
một buổi chiều 29 Tết. Đi trong nắng cuối Đông dìu dịu thương quen của
Huế mà cứ ngỡ như mình mới xa Huế hôm qua. Nghĩ đến mai xa Huế tự nhiên
tôi có cảm gíác như mình là kẻ phụ tình với Huế. Huế vẫn lặng lẽ chờ đợi
như người tình trăm năm mà tôi thì cứ dứt áo ra đi lang bạt kỳ hồ.
Rồi quả đất cũng tròn và thế giới nầy cũng nhỏ nên “những kẻ phụ tình
với Huế” vẫn có lúc gặp nhau ở quê người như một sự tình cờ của định
mệnh. Hơn 30 năm sau, rất tình cờ, tôi gặp lại Mộng Hoàng ở Little
Sàigòn, Quận Cam Ca-li. Tôi nhận ra Hoàng, bà chủ tiệm ăn có tên vừa Tây
vừa Huế, nhờ chiếc răng khểnh "thương bắt chết" vẫn tô điểm cho nụ cười
duyên dáng ngày xưa. Tất nhiên, tôi từ phương xa ghé vào đây cũng vì
món "bún bò Huế chính gốc". Nhắc chuyện cũ, cả hai đứa cùng cười ngặt
nghẽo. Giọng Hoàng tuy phảng phất một chút âm vang trời Tây nhưng vẫn
chưa phai màu Huế:
- Thời nớ, răng tụi mình dễ thương dễ sợ hí!
Tôi cười cười nhắc lại:
-Sau nớ, còn ai khêu ớt trên răng cho Hoàng nữa không?
Mắt Hoàng bỗng thoáng một chút trầm tư "nhắc làm chi sương khói thuở xa xăm" và ánh lên màu kỷ niệm:
- Lạ chưa tề. Nhắc chi nữa, dị chết!
Tôi nhìn Hoàng. Mắt bâng quơ đậu trên vài ba sợi tóc loà xòa điểm bạc.
Hoàng biết và ngúng nguẩy che đi. Hoàng nói thật bất ngờ, giọng trang
đài như đọc câu thơ tình thời cổ:
- Chải lược trầm hương nên sớm thành tóc bạc!
Tôi hiểu Hoàng nói gì nhưng phản ứng như anh học trò cả ngố:
- Thơ của ai rứa Hoàng?
Hoàng trả lời “mần đày”:
-Thơ ai? Thơ ông cai bến đò!
Đàn bà Huế mà đã “mần đày” thì Tần Thủy Hoàng cũng phải biết rằng mình
đã lỡ vô tình, cần lẳng lặng chui vào ổ rơm nằm ngủ qua đêm.
Rứa đó! Dân Huế suốt đời vẫn là những đứa trẻ thơ mỗi lần nhớ Huế, nhớ
những kỷ niệm đã thiu thiu ngủ trong ký ức và trên quê mẹ của mình.
Xa quê, rủ nhau ăn một tô bún bò Huế nấu bằng heo Mỹ, bò Anh, ruốc Tàu,
bún Nhật.... Miếng ăn có thể khác nhau vì ngon hay dở, nhưng nỗi nhớ
quê nhà thì vẫn hiu hắt giống nhau trong cùng thẳm của mỗi tấm lòng. Bún
bò Huế đã vượt sông Mỹ Chánh ra Bắc, vượt đèo Hải Vân vô Nam, vượt
trùng dương sang Âu tới Mỹ. Giữa những phố phường xa lạ quê người, đọc
trên một tấm biển của một tiệm ăn nào đó có ghi “Bún Bò Huế”, người Việt
tha hương nào mà khỏi thấy lòng mình ấm lại. Bún Bò Huế không còn là
riêng của Huế mà hương sả nồng, vị ớt cay, mùi ruốc mặn đã thấm vào mạch
đất quê hương và lòng dân tộc Việt đầy yêu thương nhưng cũng lắm đoạn
trường chưa có ngày sum họp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét