Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

DANH NHÂN GÒ NỔI ĐIỆN BÀN

Bãi đất nhỏ nằm giữa sông Thu Bồn ở đoạn hạ lưu chính là Gò Nổi gồm ba xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong thuộc huyện Điện Bàn. Từ trên cầu Câu Lâu của quốc lộ 1 bắc qua sông Thu, phóng tầm mắt xa xa một chút chỉ thấy bãi bờ xanh ngắt bắp, dâu ngoài rìa những rặng tre thanh bình

Làng mạc danh nhân


alt
Gò Nổi – một gò đất giữa hai nhánh của sông Thu Bồn



Không biết bãi đất này được hình thành tự thuở nào qua quá trình bồi lắng của sông Thu Bồn để trở thành một vùng địa linh nhân kiệt của xứ Quảng. Các nhà phong thuỷ khẳng định, thế đất Gò Nổi hội đủ những yếu tố tốt nhất của địa lý. Phía đông, trước mặt Gò Nổi có cù lao Chàm làm tiền án, phía tây núi Chúa làm hậu chẩm, tả thanh long sông Vĩnh Điện, hữu bạch hổ dãy núi Hòn Bằng…

“Ngũ phụng tề phi”

Núi sông do tú khí tạo nên đã sinh ra những anh hùng hiệt kiệt. Nhắc tới vùng đất Quảng Nam ngày xưa người ta hay nhắc tới “Ngũ phụng tề phi” với truyền thống hiếu học và học giỏi. Chắc hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết trong “Ngũ phụng” (ba tiến sĩ, hai phó bảng của khoa thi Mậu Tuất 1898) có đến bốn vị của đất học Gò Nổi. Thời Hán học triều Nguyễn, chỉ riêng vùng Điện Quang có tới 33 vị đỗ tiến sĩ, cử nhân. Thống kê từ đời Gia Long đến Bảo Đại có 93 người quê Diên Phước đỗ đạt cao. Trong đó có nhiều người đỗ thủ khoa như Phạm Liệu (đứng đầu Ngũ phụng) hay Phạm Phú Thứ (thủ khoa Nhâm Dần 1842)… Đặc biệt Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh tân đã có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc. Tư tưởng canh tân của Phạm Phú Thứ là canh tân thực hành: canh tân giáo dục, học tập khoa học kỹ thuật phương Tây, tự do tín ngưỡng, mở cửa phát triển kinh tế thị trường, trang bị quân sự quốc phòng và đối ngoại… Ông làm quan dưới triều Tự Đức, nắm giữ bộ Hộ, mở cảng Hải Phòng, đi sứ Tây phương… Có lần vì dâng sớ can gián vua, ông bị đày đi cắt cỏ ngựa ở trạm Thừa Nông… Các nhà sử học đánh giá cao tư tưởng canh tân của Phạm Phú Thứ bởi từ vùng đất Gò Nổi con người này đã có cái nhìn xuyên qua đại dương từ thời kinh tế còn lạc hậu. Tư tưởng canh tân của Phạm Phú Thứ có trước khi Nhật Bản mở màn Duy Tân (1868) và trước cả tư trào cải cách của sĩ phu Trung Quốc (1890).

Nuôi những anh hùng

Anh Nguyễn Đức Chơi – chủ tịch xã Điện Quang đưa chúng tôi đi một vòng quanh Gò Nổi bằng ca nô. Từng thước đất phù sa ở xứ sở này đều gắn liền tên tuổi các danh nhân. Chúng tôi bật cười khi anh Chơi trình bày ý tưởng lập công viên danh nhân của xã Điện Quang qua nỗi lo rất chân chất rằng công viên phải quy hoạch đất thật lớn, nếu không thì không có chỗ để tượng vì mật độ dày đặc. Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Lê Đình Dương, Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Khôi, Lê Đình Thám, Phạm Liệu, Dương Hiển Tiến, Phạm Hầu, Phạm Phú Tiết, Hoàng Tuỵ, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Bình… Chỉ riêng dòng họ Phan ở làng Bảo An cũng đủ viết một cuốn sách vài trăm trang. Thật kỳ lạ, ở vùng đất này thời kỳ nào, trên nhiều lĩnh vực khác nhau đều có những con người mang tư tưởng Duy Tân. Ít ai biết rằng, từ năm 1927, ở Gò Nổi đã có một công ty cổ phần của những người nông dân. Nhận thấy việc tát nước bằng gàu sòng hay xe trâu của cụ Phạm Phú Thứ đưa về từ sông Nil không hiệu quả, một số hộ nông dân hùn tiền, cử người sang Áo mua máy bơm nước! Hàng năm, nông dân sử dụng nước của “công ty” này trả phí bằng lương thực hoặc bằng tiền mặt… Lịch sử văn học Việt Nam từ cụ Phan Khôi đánh dấu sự mở màn một giai đoạn mới. Bài thơ Tình già của Phan Khôi khởi đầu cho phong trào thơ mới của Việt Nam. Cụ Phan Khôi sinh ra ở làng Bảo An, xuất thân từ Nho học nhưng có tư tưởng tiến bộ bởi cụ đã tiếp xúc với Tây học, nhận thấy xu hướng lịch sử sẽ phát triển theo đúng quy luật, con người không thể kìm hãm tư duy trong hoàn cảnh xã hội như vậy. Tính cách Phan Khôi là tính cách đặc trưng của người Quảng.

Đến Gò Nổi, có một địa chỉ không thể bỏ qua, lăng mộ cụ Hoàng Diệu, tổng đốc Hà thành. Xã Điện Quang có tới hai người làm tổng đốc Hà thành là cụ Hoàng Diệu và cụ Lê Đình Đĩnh. Lăng mộ đơn sơ của cụ Hoàng Diệu nằm ở giữa cánh đồng bắp làng Xuân Đài. Đôi câu đối của Tôn Thất Thuyết được khắc trên hai trụ biểu trước mộ: “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyên. Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khả vô tâm” (Một cái chết nên danh không phải chí anh hùng từ trước. Trọn đời trung nghĩa không thẹn lòng với đại cuộc ngày nay). Sử ghi lại, ngày 25.4.1882, trong tình thế tuyệt vọng khi quân Pháp tràn vào Hà thành, Hoàng Diệu đã đến trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự vẫn. Khi ông qua đời, lúc đó bà vợ đầu của ông đang làm cỏ lúa ở cánh đồng Xuân Đài. Cái chết của Hoàng Diệu là “sát thân thành nhân” được người đời sau ghi nhắc. Không thể kể hết những danh nhân, anh hùng hào kiệt của đất Gò Nổi trong một khuôn khổ có hạn. Chỉ biết vùng đất Gò Nổi – đứa con phù sa của sông mẹ Thu Bồn đã hun đúc cho con người xứ này những tư tưởng lớn lao, những ý chí quyết liệt. Gò Nổi cống hiến cho dân tộc qua các thời kỳ lịch sử không chỉ những phát kiến quan trọng mà bằng cả máu xuơng…

bài và ảnh Nguyễn Yên Thy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét