Trước
đây, trong bài viết về chuyến đi Hàn Quốc vào cuối tháng 9 năm 2011,
tôi có nêu nhận xét về tính cách của người Hàn Quốc qua hiện tượng lặng
lẽ xếp hàng cả tiếng đồng hồ trước giờ lên máy bay. Vừa rồi, trong
chuyến bay từ Bangkok đến Bắc Kinh, tôi thấy một hiện tượng khác hẳn.
Khi đến phòng đợi, tôi đã thấy rất đông người ngồi la liệt trên ghế hoặc
dưới đất nói chuyện ồn ã hoặc ăn uống nhồm nhoàm. Hầu hết là người
Trung Quốc. Nét nổi bật nhất là cường độ âm thanh trong giọng nói của
họ. Hiếm khi tôi thấy cảnh nào ồn ào đến như vậy. Tôi muốn mở laptop ra
để đọc hay viết một cái gì đó nhưng không có cách gì tập trung được.
Khi
nhân viên báo tin đã đến giờ lên máy bay, tất cả mọi người đều đứng bật
dậy và hối hả chạy ra giành chỗ vào cửa. Họ chen lấn nhau, xô đẩy nhau,
thậm chí, la hét chửi bới nhau. Cuối cùng, mọi người cũng lên được máy
bay. Trên máy bay lại diễn ra cảnh giành giật các chỗ để hành lý.
Thường, máy bay nào cũng hạn chế số lượng và kích thước hành lý cầm tay.
Thế nhưng không hiểu sao người ta lại có thể mang hành lý nhiều và cồng
kềnh đến như vậy. Công việc cất hành lý đáng lẽ chỉ diễn ra trong vài
phút, đằng này, nó kéo dài khá lâu, làm không khí trên máy bay nhốn nháo
hẳn lên.
Khi
đã ngồi vào ghế, người ta bắt đầu mở miệng hoặc để chuyện trò hoặc để
cãi cọ. Như một cái chợ. Đến độ tôi hoàn toàn không nghe được lời chào
hoặc thông báo gì đó của phi hành đoàn. Tuyệt đối không nghe. Mãi đến cả
một, hai tiếng sau, có lẽ do thấm mệt, âm thanh trong máy bay mới bắt
đầu giảm để đến lúc máy bay hạ cánh lại diễn ra cảnh giành nhau lấy hành
lý. Lại cãi cọ. Lại ồn ào.
Trên
máy bay, tôi mở laptop ra định viết bài cho blog. Đang viết, nhìn vào
màn ảnh trên laptop, thấy thấp thoáng có mặt người. Tôi quay lại, bắt
quả tang một anh Tàu ngồi hàng ghế sau đang nhoài đầu ra phía trước nhìn
vào màn ảnh laptop của tôi. Anh bẽn lẽn ngả người ra sau. Tôi quay lại
tiếp tục viết. Nhưng lại thấy khuôn mặt của anh phản chiếu trên màn ảnh.
Tôi quay lại nhìn. Anh ta lại ngả người ra sau, ngó ra ngoài cửa, nhưng
không còn lộ vẻ gì bẽn lẽn nữa. Cứ thế, mỗi lần tôi viết, anh ta lại
nhoài người lên dòm. Tôi không nghĩ anh ta là công an. Làm công an, được
huấn luyện để theo dõi người khác, không ai lại vụng về đến như vậy.
Tôi chỉ nghĩ có lẽ anh ta là một người tò mò một cách thô bỉ vậy thôi.
Nhưng không thể kiềm được sự khó chịu, tôi tắt laptop. Cả gần bốn giờ
bay, do đó, chỉ ngồi thừ người nghĩ ngợi bâng quơ. Chả làm được gì cả.
Suốt
10 ngày ở Trung Quốc, ở đâu tôi cũng gặp hai nét tính cách ấy: chen lấn
và sẵn sàng xâm phạm vào sự riêng tư của người khác. Có thể nói ở Trung
Quốc, ở chỗ nào có đông người chỗ ấy có chen lấn. Mà hình như ở Trung
Quốc không nơi nào không đông người nên cảnh chen lấn dường như xuất
hiện ở khắp nơi. Ngay ở các địa điểm du lịch, nơi đáng lẽ người ta cần
sự thảnh thơi thoải mái và nhàn nhã, người Trung Quốc cũng chen lấn
nhau. Đi dọc theo bờ Hồ Tây ở Hàng Châu, bên cạnh cảnh sông nước và cây
cối tuyệt đẹp và đầy thơ mộng, mỗi vật đều gợi nhớ đến lịch sử và văn
chương vốn được mọi người ngưỡng mộ cả hàng ngàn năm, họ cũng chen lấn. Ở
khu phố cổ ở Thượng Hải (Miếu Thành Hoàng), nơi đáng lẽ cần sự yên tĩnh
để ngắm nghía phong cách kiến trúc độc đáo truyền thống, người ta cũng
chen lấn xô đẩy nhau kịch liệt. Tôi quan sát, thấy, khi đi bộ, người ta
thường không bao giờ chú ý đến người khác. Họ cứ đi thẳng. Ai nhường
đường, mặc, họ không một lời cám ơn. Không nhường đường thì bị họ dùng
vai đẩy dạt ra. Dĩ nhiên cũng không một lời xin lỗi. Trên chiếc thuyền
chở du khách chạy dọc sông Hoàng Phố (黄浦江)
ở Thượng Hải, nhóm chúng tôi an phận ngồi trên một dãy ghế ở tầng hầm,
nơi tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều. Nhưng cũng không yên. Một lúc nào đó,
hình như ở tầng trên quá lạnh, nhiều người lại ào ào chạy xuống tầng
hầm và giành ghế của người khác. Chỉ cần đứng dậy là có người chĩa đít
vào giành ngay ghế của mình. Bạn nói đó là ghế bạn đang ngồi ư? Họ mặc
kệ, ngó đi chỗ khác và tiếp tục ngồi. Nhóm chúng tôi gồm 10 người bị
cướp mất năm hay sáu ghế. Cuối cùng, mọi người đành đứng.
Ở
Trung Quốc, sự riêng tư không bao giờ là một giá trị. Về chính trị, nhà
cầm quyền trố mắt theo dõi mọi người ở mọi nơi và mọi lúc. Trong xã
hội, ở đâu người ta cũng lom lom dòm vào người khác. Bạn đứng chụp hình
ư? Rất có khả năng một người nào đó dí mắt nhìn vào màn ảnh của bạn.
Không phải bạn chụp hình ở nơi nào trọng yếu hay có ý nghĩa quân sự gì
đâu. Ngay cả khi bạn đứng trên chiếc du thuyền chạy dọc theo bờ sông và
chỉ chụp cảnh phố xá hai bên, người ta cũng nhìn. Có lẽ chỉ vì tò mò
thôi.
Đến
Bắc Kinh, tôi tham gia vào một tour du lịch khá đông, khoảng 60 người.
Hầu hết là người Hoa sinh sống ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Mỹ, Canada
và Úc. Có người đi từ Trung Quốc, từ Hong Kong và cũng có một số người
đi từ Việt Nam, đặc biệt từ Móng Cái, vùng giáp biên giới Việt-Trung,
trong những năm 1978-79. Điều đặc biệt nhất là tất cả, kể cả thanh niên
sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, đều nói tiếng Quảng Đông rất giỏi. Suốt
cuộc hành trình, nói chuyện với nhau, tất cả đều dùng tiếng Quảng Đông.
Nhóm của tôi có mấy thanh niên khoảng 30 tuổi, sinh ở Móng Cái, đến Mỹ
lúc mới 2 hay 3 tuổi, hoàn toàn quên tiếng Việt, nhưng lại nói tiếng
Quảng Đông rất trôi chảy. Và có vẻ rất thích nói tiếng Quảng Đông với
bạn bè trong nhóm. Dường như người ta có chút tự hào khi nói tiếng Tàu.
Đó là điều tôi ít thấy trong cộng đồng người Việt. Trẻ em Việt Nam ở hải
ngoại, ngay cả khi có thể nói tiếng Việt lưu loát, vẫn có khuynh hướng
dùng tiếng Anh hơn tiếng Việt.
Tuy
nhiên ngay cả người Hoa ở ngoại quốc về cũng bị kỳ thị. Khi đoàn du
lịch đến ở khách sạn, hầu hết là khách sạn thật sang, thuộc loại 5 sao,
tôi để ý thấy tất cả các tủ lạnh trong phòng đều bị khoá chặt. Hỏi,
người ta đáp: Sợ bị ăn trộm. Buổi sáng, theo kế hoạch, đoàn thường lên
đường vào lúc 7 giờ. Khách sạn đòi mọi người phải trả chìa khoá trễ nhất
là lúc 6 giờ. Lý do: khách sạn cần khoảng một tiếng để kiểm tra phòng
xem có bị mất trộm gì không. Nhiều người kể, ở khách sạn, hở cái gì là
mất ngay cái ấy. Rượu bia để trong tủ lạnh: mất. Đồng hồ báo thức để
trên đầu giường: mất. Có khi cả điện thoại cũng bị mất. Khách sạn đành
áp dụng chiến thuật cẩn tắc vô áy náy: Khoá tủ lạnh và đuổi khách ra
khỏi phòng một tiếng để kiểm tra trước khi để họ rời khỏi khách sạn.
Thú
thực tôi không có số liệu về nạn trộm cắp ở Trung Quốc. Có điều, trong
suốt chuyến du lịch, điều hướng dẫn viên dặn dò nhiều nhất, dặn đi dặn
lại, là phải coi chừng bị mất trộm. Túi xách của phụ nữ phải đeo trước
bụng, không được kè kè bên hông. Giấy tờ và ví tiền phải để chỗ kín đáo,
không được để túi quần sau, rất dễ bị móc.
Trong
các nhà vệ sinh công cộng, người ta không dám để giấy vì sợ trộm, đã
đành. Trong hầu hết các nhà hàng, ngay cả những nhà hàng có vẻ rất sang
trọng và nghe nói rất nổi tiếng, cũng không có khăn giấy trên bàn. Khi
dọn thức ăn, người ta mới phát cho mỗi người một cái khăn giấy nhỏ xíu
và mỏng lét. Có nơi còn đòi tiền: một miếng khăn giấy là một đồng nhân
dân tệ.
Không phải tại khăn giấy khan hiếm. Chỉ tại người ta sợ ăn cắp: để ra bao nhiêu là mất bấy nhiêu.
Nói
đến người Tàu, tự nhiên tôi sực nhớ một đồng nghiệp cũ. Chị có bằng
tiến sĩ, dạy đại học, nghe nói dạy khá giỏi, nhưng tính nết thì rất quái
gở: Lúc nào chị cũng nghi ngờ người khác. Chị thường xuyên khiếu nại
hay than phiền là có ai đó lén vào phòng chị, lục lọi computer của chị.
Có lần, tôi muốn vào phòng chị để bàn bạc một số công việc trong Khoa.
Tôi gõ cửa. Có tiếng mở cửa lách tách, tôi biết là chị khoá bên trong.
Tôi vừa bước vào, chưa kịp ngồi xuống ghế, đã thấy chị nhoài người ra
ngoài, nhìn quanh, rồi khoá hẳn cửa lại. Tôi hơi giật mình. Thường, ở
đại học, không ai khoá cửa kiểu như vậy. Ngay cả việc khép cửa cũng hoạ
hoằn. Sau đó, tôi kể cho một số đồng nghiệp nghe. Mọi người cười ầm: Họ
cũng từng có kinh nghiệm y như vậy. Và người ta cố tìm lời giải thích:
có lẽ là do ảnh hưởng từ thời cách mạng văn hoá, lúc mọi người tìm cách
hãm hại nhau. Và không ai tin ai cả.
Kể
những điều trên, tôi không có hàm ý miệt thị người Tàu. Không. Tôi biết
trong lịch sử có vô số người Tàu vĩ đại. Vĩ đại về trí tuệ. Vĩ đại về
tài năng. Và vĩ đại về tính cách. Hiện nay, chắc chắn cũng có vô số
người Tàu ưu tú và khả kính, tạo thành một tầng lớp tinh hoa không thua
kém ở bất cứ đâu khác. Những nhận xét ở trên, thật ra, chỉ giới hạn
trong tầng lớp những người bình thường mà ai cũng có thể gặp gỡ hàng
ngày. Ở mọi nơi.
Họ chỉ là đám bình dân. Có điều, bình dân bao giờ cũng đông đảo. Chính họ tạo nên diện mạo của một xã hội.
Để
trở thành một siêu cường thực sự, điều Trung Quốc cần làm đầu tiên và
cũng mất nhiều thời gian nhất chính là cải tạo cái khối bình dân đông
đảo ấy. Có lẽ chính quyền Trung Quốc cũng ý thức được điều ấy. Ở đâu tôi
cũng thấy bảng hiệu nhắc nhở người ta làm người văn minh và có văn hoá.
Nhưng nói là một chuyện. Làm được hay không lại là chuyện khác.
Cũng như ở Việt Nam vậy thôi./.
( nguồn Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét