SGTT - Từ thành phố Quy Nhơn, đi hơn 20km đường liên thôn, ngang qua tháp Đôi nổi tiếng về mặt kiến trúc, qua mộ nghệ nhân tuồng Đào Tấn, gần tới nhà tưởng niệm của thi sĩ Xuân Diệu, dọc theo hai bên ruộng lúa, nếu gặp đúng mùa trổ đòng nữa thì con đường tới quán bánh xèo quả thật là con đường hương đồng gió nội, đưa ta trở về với quê hương tuổi thơ đầy kỷ niệm.
Cái quán ấy nằm khiêm tốn dưới chân cầu Mỹ Cang, thuộc thôn Gò Bồi, xã Mỹ Cang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Quán là căn nhà cũ kỹ, vách tường gạch mộc, nền đất nện, mái rạ lợp thưa đã qua vài mùa mưa nắng. Quán nhỏ, không có bảng hiệu, diện tích chỉ đủ đặt hai bàn cho 5 – 7 thực khách. Bên hông quán là luỹ tre xanh, có dòng sông nước đục lặng lờ trôi như bao miền quê khác.
Chúng tôi ngồi ngoài sân để được hưởng làn gió thật, không phải gió quạt máy hay máy lạnh, thoảng nhẹ trong một buổi sáng yên bình, chờ bà chủ quán tuổi hơn 70, đứng trong bếp ám khói, đúc từng cái bánh xèo đường kính cỡ lòng bàn tay, khách ăn đến đâu thì đúc đến đấy.
Bánh được dọn ra nóng hổi, thơm giòn. Bánh không pha bột nghệ và nước cốt dừa như bánh xèo miền Tây của bà Mười Xiềm nổi tiếng mà chỉ thuần chất bột gạo ngâm, xay tay, béo ngậy nhờ chiên với mỡ trên bếp củi. Mỗi cái bánh trắng trong, có chừng mười con tôm chín đỏ au và hành chẻ xanh mướt làm nhưn. Chén nước chấm là nước mắm cốt, pha với chanh đường, tỏi ớt giã nhuyễn. Dĩa rau sống điểm xanh non những lá xàlách nhỏ xinh.
Mùa này đang có xoài nên món bánh xèo được cho thêm những sợi xoài vàng đượm, giòn giòn, chua chua, ngọt ngọt chất tinh bột của loại quả chín già trên cây. Một món truyền thống không thể thiếu của miền Trung là dĩa bánh tráng nhúng mềm mại. Bánh tráng dùng để gói bánh xèo, rau sống, xoài chua. Chấm cả cuộn bánh vào nước mắm cay, nồng, ngọt đậm, bạn sẽ thấy thấm thía vì cái dẻo dai của loại gạo dùng tráng bánh đã nâng đỡ tất cả mùi vị, làm cho bạn cảm nhận được những tinh tuý của lúa gạo, rau trái và tôm cá từ sông nước Gò Bồi.
Quán bán hàng ngày, từ khoảng 7 giờ sáng đến 9 giờ là hết hàng. Dù có khách nài thêm bà cũng không làm vì bột gạo xay và tôm tươi được chuẩn bị có chừng mực. Bà tên Lê Thị Thu, người bản địa, mở quán bán từ năm 1976, vì chỉ có một người con trai tên Tuấn, chưa có vợ ở với bà nên những người quen biết đều gọi là bà Năm Tuấn.
Mỗi sáng bà dậy xay bột, giã tỏi ớt pha nước chấm trong khi anh con trai đi chợ thôn Gò Bồi mua rau và tôm tươi mới chài lưới từ dòng sông. Tôm con nào cũng còn sống nhảy tanh tách. Đi chợ về thì bà và anh Tuấn lặt rau, cắt râu, đuôi tôm và bắt đầu chiên bánh. Có khi con tôm đưa lên khuôn đúc còn nhảy nên bánh được thực khách đặt tên là bánh-xèo-tôm-nhảy, chớ bà Năm và anh Tuấn thì chỉ cười hiền lành khi nghe mọi người trầm trồ khen bánh ngon quá là ngon.
Nếu khách là người ở xa tới thì nên đặt trước để bà chuẩn bị đủ nguyên vật liệu cho số người sẽ ăn và cái chính là không sợ đến muộn phải về không. Dù cái bánh nhìn không lớn nhưng mỗi người ước lượng ăn chừng hai, ba cái là “no chết xác”, nói như người ở đây.
Đi về hơn 40km nếu xuất phát từ thành phố Quy Nhơn, nhưng đi rồi bạn sẽ thấy rất đáng đồng tiền bát gạo. Tại trung tâm thành phố Quy Nhơn và tại một con đường lớn của TP.HCM, chúng tôi cũng thấy có vài quán trưng biển giới thiệu món bánh-xèo-tôm-nhảy nhưng chắc cái ngon lành của vị tôm tươi, của bột gạo xay chiên giòn thật giòn, chấm với nước mắm tỏi ớt, hoà quyện cái dẻo mềm của bánh tráng nhúng, của rau thơm mướt xanh, cộng với ngọn gió đồng mát rượi từ ruộng lúa thẳng cánh cò bay… thì bảo đảm không có cái quán nào ở nơi thị tứ bắt chước được!
Điều thú vị nữa khi đến đây bạn sẽ được đắm mình trong cái quán thật, thấy bụi tre thật, con sông thật chớ không phải là một không gian nhân tạo, vay mượn từ công trình kiến trúc giả cổ, phục dựng ở các resort, khu vui chơi, nghỉ dưỡng… mà ngày nay khách du lịch phải làm bộ coi như thật để tự an ủi cho nhu cầu về nguồn của mình.
Một đặc điểm nữa của quán, đó là cái dáng tảo tần của bà Năm, giống như bao nhiêu bà mẹ quê nhà, cùng sự ân cần niềm nở của anh Tuấn như một người trong gia đình chờ đón những người anh em đi xa mới về, làm cho ai đến quán một lần đều thấy nhớ như nhớ quê hương bản quán của mình. Trong nỗi nhớ đó có cái lo hơi xa xôi. Lỡ một mai khi bà Năm trăm tuổi già thì ai sẽ là người nối tiếp để cho cái mái rạ bên dốc cầu Mỹ Cang mỗi sáng còn bốc lên làn khói bánh xèo thơm phức chờ đón những người đi xa lâu lâu mới được trở về.
Nguyễn Thị Anh Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét