Nhân về thăm nhà, ông tôi dắt tôi lên làng Phú Thứ chơi, sau khi được thầy Tú Ngô cho nghỉ phép mấy ngày. Cũng nên nhắc lại là thời ấy, không có thứ năm, chúa nhật gì cả. Trong một năm chỉ nghỉ các ngày: trước sau Tết và trước sau mồng Năm tháng Năm tùy ý từng trường định thời hạn dài hay ngắn, có khi mới hết tháng 11 mà đã tạ trường nghỉ Tết, qua tháng Giêng nếu gặp việc tế tự ngăn trở, hay coi ngày tốt chưa được, thì trễ đến tháng 2 mới khai trường cũng có. Đó là việc riêng của nhân dân, nhà nước không can thiệp đến, nên không có pháp thức quy định.
Tôi lên trường, thấy học trò đều lớn tuổi, tổng số trên 20 người. Tôi hỏi họ học có khá không? Ông tôi bảo:
- Họ học để cưới vợ nên ít người giỏi lắm.
Tôi hỏi:
- Tại sao cưới vợ lại phải học?
- Con gái ưng lấy học trò để mong đỗ đạt, hy vọng làm bà này bà nọ, mở mặt với đời. Vì thế, nếu các anh ấy nghỉ học thì khó hỏi vợ lắm.
Vừa lúc ấy, ông Nguyễn Tuyển cho người đem thư lên mời ông tôi theo đúng nhật kỳ đã định đem học trò đến hạch nhật lực với học trò của ông Tuyển. Hạch nhật lực là thi luôn một ngày từ sớm đến chiều một bài Kinh Nghĩa, hai vần phú với một đoạn văn sách.
Ông tôi nhận lời, lại bảo tôi cùng đi với anh em. Tôi nạp quyển đề tên Nguyễn Phương. Khi học trò hai trường đến đủ, hai thầy ra đề, y theo thể thức của trường thi. Học trò biên đề, làm bài rất nghiêm chỉnh. Trưa ngày ấy, chủ nhà là ông Xã Đoan làm heo đãi cơm tất cả học sinh của hai trường. Bữa ăn họp đông đủ thầy giáo và học trò gây một không khí náo nhiệt mà vô cùng thân mật. Chủ nhà vì lòng hiếu học mà không ngại tốn kém chứ không mưu cầu một lợi lộc nào. Tôi nhắc điều này cốt để cho bạn đọc thấy thời ấy tinh thần trọng học cao đến mức độ nào, dù ở miền đồng bằng hay giáp núi rừng… Nhiều bậc phụ lão đến xem. Một cụ hỏi tôi:
- Trò viết cho ai?
Tôi thưa:
- Viết cho tôi.
Ông ấy lại nói:
- Nghe nói trò là cháu thầy tú. Trò viết cho Nguyễn Phương thì phải, chớ chắc trò còn nhỏ, đâu đã làm nổi bài này.
Các ông khác cũng xúm lại và đều khen tôi viết chữ tốt. Tôi phân vân chưa kịp trả lời thì ông tôi bảo:
- Quyển của nó đó. Nó không muốn đề tên nó mà đề Nguyễn Phương. Thật ra, nó học đã cụ thể.
Cụ thể là đã làm được Kinh Nghĩa, thi phụ và văn sách. Các phụ lão khen và mừng cho ông tôi có cháu học thông sớm.
Khi yết bảng, học trò thầy Nguyễn Tuyển đỗ đầu, Nguyễn Phương đỗ thứ hai; còn học trò “học để cưới vợ” của ông tôi đỗ thấp hoặc hỏng.
Nhân tin tôi đỗ thứ hai đồn ra, nhiều người chú ý; nhất là tôi còn nhỏ quá so với các anh sắp cưới vợ, càng gợi thêm sự tò mò. Thế là một vị phụ lão, ông thủ Khương thưa với ông tôi, xin đem tôi về nhà dạy cháu ông ấy và đi học với thầy Nguyễn Tuyển. Thầy Tuyển và các anh học trò vì có cảm tình với tôi sau khi yết bảng, đều tán thành rồi tới bên ông tôi năn nỉ mãi. Nể lời, ông tôi mới chịu. Tôi về thưa lại cha mẹ, cha mẹ tôi ngại đường xa, nhưng không dám trái ý ông tôi.
Thế là bắt đầu cuộc đời làm thầy của tôi.
Từ đây, tôi không còn dám chơi đùa nghịch ngợm thế nào tùy ý. Vì tôi đã nghiễm nhiên trở thành một ông thầy con con, được học trò gọi bằng Thầy và được phụ huynh yêu trọng.
Dạy ở nhà ông thủ Khương, thầy trò rất tương đắc. Nhất là được ở gần ông tôi rất vui. Mới hơn nửa năm, gặp ngày Tết tôi nghỉ về nhà. Ông thủ Khương kỉnh tôi những đồ thổ sản với 5 đồng bạc và hẹn sau Tết trở lên dạy lại. Ông ấy cũng nói: sẽ xuống thăm gia đình tôi sau Tết.
Trong dịp Tết này, có người trong làng đến nói với tôi, bàn định là sau Tết này, xin mời tôi đến dạy trẻ em trong nhà ông ấy và trình bày tỉ mỉ:
- Ở đây, tôi đã bàn với trong xóm sẽ có trên 20 trẻ nhỏ đi học, sẽ có lễ Tết thầy hẳn hoi. Xin thầy nhận lời cho.
Tôi thưa lại, ông tôi và cha mẹ tôi nhận lời. Tôi lên từ biệt ông thủ Khương, thầy Nguyễn Tuyển và anh em bạn.
Trong thời gian từ 15 đến 17 tuổi, tôi ngồi dạy trong làng và đi học trường thầy tú Ngô. Học trò tôi trên 20; những kỳ mồng Năm, ngày Tết, phụ huynh các học sinh trịnh trọng mang lễ vật tới nhà. Tôi đỏ mặt vì e thẹn, may nhờ có cha mẹ tôi tiếp đãi. Ngoài lễ vật còn có tiền bạc nữa. Đó là những món thâu đầu tiên của đời tôi, làm cho tôi sung sướng đến rung động cả người. Cha mẹ tôi cũng vui lây. Các bà bạn mẹ tôi nói với mẹ tôi:
- Chị có phước được hưởng lộc con.
Tôi tiếp tục công việc vừa của người học trò chăm, vừa của ông thầy nghiêm và chuẩn bị đầy đủ cho các kỳ thi sắp tới…
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét