Đã đăng trên blog của Nguyễn Hưng Quốc .
Truyện ngắn “Lạc thú ẩm thực” dưới đây của Hoàng Ngọc-Tuấn, theo tôi,
là một truyện ngắn đặc sắc. Về phương diện kỹ thuật, nó có một số đặc
điểm nổi bật:
1. Cách trình bày: Giống cách viết trong các cuốn sách dạy nấu ăn và
không giống bất cứ một truyện ngắn nào bằng tiếng Việt từ trước đến nay.
2. Ngôn ngữ: Từ đầu đến cuối không có chủ ngữ. Cũng không có các hình dung từ mô tả cảm xúc. Giọng văn hoàn toàn lạnh.
3. Tính truyện: Không có nhân vật chính; không có đời sống nội tâm,
không có diễn tiến hay kịch tính, vốn là những yếu tố làm nên “truyện”
theo nghĩa thông thường.
4. Cấu trúc: “Người” cũng được sắp ngang hàng với “gà” và “vịt”, cũng được mô tả từ hai góc độ: “Vật liệu” và “Cách dùng”.
5. Hiệu quả nghệ thuật:
a. Với các đặc điểm 1, 2 và 3 nêu trên, có thể xem truyện ngắn “Lạc
thú ẩm thực” là một thứ truyện phản-truyện. Hơn nữa, nếu tôi không
nhầm, đó là truyện phản-truyện tiêu biểu nhất trong tiếng Việt cho tới
nay.
b. Với đặc điểm về cấu trúc nêu ở điểm 4, chúng ta có thể nhận diện
được chủ đề của truyện ngắn này: “người” biến thành một trong những món
ăn. Cũng như thịt gà và thịt vịt. Cũng mang lại “lạc thú”, một thứ “lạc
thú ẩm thực” cho ai đó. “Ai đó” là ai? Không biết. Trong văn bản, từ
đầu đến cuối, hoàn toàn không có chủ ngữ. Kẻ bị giết cũng không có tên
tuổi gì cả. Chỉ là “con người”. “Con người” có thể là một cá nhân nhưng
cũng có thể là nhân loại hay nhân tính nói chung. Câu chuyện, do đó,
không phải chỉ là quá trình thi hành một bản án tử hình đâu đó. Nó mở ra
một tầm nhìn rộng lớn hơn nhiều, về những hiện tượng “ăn thịt người”
trong lịch sử — theo cách nói của Lỗ Tấn —, chẳng hạn.
Bạn đọc thử truyện ngắn “Lạc thú ẩm thực” dưới đây và xem nó có thực hay như tôi nghĩ không nhé.
Xin đọc thực chậm và so sánh với các truyện ngắn bằng tiếng Việt khác mà bạn đã đọc từ trước đến nay.
Và cũng so sánh với cả những kinh nghiệm sống mà bạn đã có.
LẠC THÚ ẨM THỰC
Truyện ngắn Hoàng Ngọc-Tuấn
Trong lạc thú ẩm thực, không cần những món cầu kỳ. Bí quyết của lạc thú
này là: các món ăn tuy giản dị, phải được nấu đúng cách, và thực khách
phải được chuẩn bị một tâm lý thích nghi trước khi thưởng thức. Dưới đây
là bản chỉ dẫn cách nấu vài món ăn căn bản và cách gây sự sảng khoái,
hào hứng nơi thực khách.
I. Vịt
Vật liệu:
- 3 con vịt.
- 600 gờ-ram gạo.
- 9 lít nước.
- 450 gờ-ram đậu phộng rang giã nhuyễn.
- 600 gờ-ram hành phi.
- 3 bó rau răm.
- 3 bó rau quế.
- 3 bắp chuối.
- 300 gờ-ram hành lá.
- 4 củ gừng.
- 3 củ tỏi.
- 3 bó ngò.
- 3 trái chanh.
- 3 trái ớt.
- 3 củ hành.
- Tiêu, đường, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn (đủ dùng).
Cách làm:
Rửa vịt cho thật sạch. Vo gạo, để ráo, đem rang vàng với 6 muỗng canh
dầu ăn. Rửa sạch rau sống, để ráo, xắt nhuyễn. Xắt nhỏ bắp chuối, ngâm
trong nước lạnh pha chanh, trước khi ăn thì vớt ra, rửa qua nước lạnh,
để cho ráo, trộn chung với rau sống. Rửa sạch hành lá và ngò, xắt
nhuyễn, để riêng. Gọt vỏ 2 củ gừng, xắt thành chỉ nhỏ. Bắt nước, cho
gừng xắt chỉ vào, nấu sôi. Bỏ chút muối vào nước sôi, thả vịt vào luộc.
Khi luộc, trở vịt qua lại cho chín đều. Khi vịt gần chín, vớt ra, để vào
xửng, hấp cho vừa chín để thịt khỏi bị bở. Chặt vịt thành miếng vừa ăn.
Đặt xương đầu, cổ, cánh, chân cùng với gạo rang vào nồi nước vịt luộc.
Nấu cho gạo nở nhừ, rồi nêm cho vừa ăn bằng các củ hành đập dập, nước
mắm, đường, bột ngọt, tiêu. Mang nồi ra khỏi bếp. Bỏ hành phi vào, trộn
đều cho thơm. Xếp bắp chuối trộn rau sống lên đĩa. Để thịt vịt xắt lát
lên. Rưới thêm mỡ hành phi và rắc đậu phộng. Khi ăn, múc cháo ra tô, bỏ
hành lá, ngò, tiêu vào, ăn kèm với gỏi vịt và nước mắm gừng. Để làm nước
mắm gừng, giã 3 củ tỏi, 3 trái ớt và 2 củ gừng cho thật nhuyễn. Cho tất
cả vào cái tô, xong cho 9 muỗng canh nước mắm ngon, 6 muỗng đường, 9
muỗng nước ấm, và nước 2 trái chanh vắt. Quậy đều, nếm cho vừa khẩu vị.
II. Gà
Vật liệu:
- 3 con gà mái tơ.
- 6 ký nếp.
- 6 bó lá dứa.
- 6 cặp lạp xưởng.
- 600 gờ-ram củ cải muối (sợi nhỏ).
- 600 gờ-ram cải bắp thảo muối.
- 1.2 ký pa-tê gan.
- 600 gờ-rạm củ hành đỏ phi vàng.
- 1.2 ký chả lụa chiên.
- 600 gờ-ram đậu phộng rang.
- 600 gờ-ram hành lá.
- 6 củ tỏi.
- 6 bó ngò.
- Muối, tiêu, bột ngọt, xì dầu, đường, dầu ăn (đủ dùng).
Cách làm:
Vo sạch nếp, ngâm vài giờ, rồi vớt ra để ráo, trộn với 6 muỗng muối
nhỏ. Làm sạch gà, ướp gia vị gồm: muối, tiêu, bột ngọt, 6 muỗng canh xì
dầu, và 6 củ tỏi bằm. Luộc sơ lạp xưởng, chiên vàng, xắt lát vừa mỏng.
Ngâm củ cải muối vào nước, rửa sạch, xắt nhỏ. Xắt chả lụa vừa mỏng. Rang
vàng đậu phộng, bóc vỏ, giã dập. Xắt nhỏ hành lá, phi cho vàng. Bắc
chảo dầu cho nóng, để lửa nhỏ, đặt gà vào, chiên vàng. Khi gà chín vàng
đều, gắp ra, xé nhỏ. Bắc xửng nước sôi, cho lá dứa vào, rồi cho nếp vào,
hấp chín. Bắc chảo dầu nóng, phi tỏi vàng thơm, cho củ cải và cải bắp
thảo muối vào, xào, nêm tiêu, đường, bột ngọt. Xới xôi ra dĩa, phủ pa-tê
lên mặt xôi. Để cải muối, cải bắp thảo, lạp xưởng, chả lụa và gà xé lên
xôi. Rải thêm hành phi, đậu phộng, hành lá, ngò. Khi ăn, có thể dùng
thêm xì dầu, nếu cần.
III. Người
Vật liệu:
- 1 con người.
- 1 bộ quần áo bà ba sạch sẽ.
- 1 bát cháo vịt.
- 1 đĩa xôi gà.
- 1 tách trà.
- 1 trái chanh.
- 2 sợi dây thừng (dài 3 mét và 1 mét).
- 2 miếng vải đen (mỗi miếng dài 1 mét).
- 1 cây cột gỗ cao 2 mét 50.
- 1 cái xẻng.
- 6 xạ thủ.
- 5 cây súng dài.
- 1 khẩu súng lục.
Cách làm:
Đem con người ra khỏi buồng giam, cởi bỏ quần áo dơ, mặc bộ quần áo bà
ba sạch sẽ vào. Mang con người vào phòng ăn. Đặt con người ngồi trước
một cái bàn. Dọn ra một bát cháo vịt, một đĩa xôi gà, và một tách trà.
Cho con người ăn uống trong vòng 15 phút. Nếu con người không ăn, hay ói
mửa, vẫn cho 15 phút. Dùng các súng dài và súng ngắn canh giữ chung
quanh để con người khỏi chạy trốn. Sau đó, cạy miệng con người ra, nhét
trái chanh vào, và lấy một miếng vải đen buộc chặt quanh mồm để khỏi kêu
gào. Xốc nách cho con người đứng dậy. Mang con người ra xe. Chở đến địa
điểm đã quy định. Dựng cây cột gỗ bằng cách dùng xẻng đào xuống đất sâu
nửa mét, cắm một đầu cây cột xuống, và đằm đất cho cột được đứng thật
vững. Mang con người đến đặt tựa lưng vào cây cột, kéo hai cườm tay vòng
ra sau cây cột, và dùng sợi dây thừng ngắn trói hai cườm tay lại cho
chặt. Dùng sợi dây thừng dài quấn quanh thân con người từ cổ xuống chân,
trói thật chặt vào cây cột. Dùng một miếng vải đen bịt ngang hai mắt
con người và cột lại sau gáy. Năm xạ thủ mang súng dài, đứng cách con
người 15 mét. Một xạ thủ mang súng ngắn, giữ vai trò chỉ huy, đứng riêng
ra một bên. Khi chỉ huy ra lệnh, năm xạ thủ bồng súng, lên đạn, nhắm và
bắn vào con người đúng theo quy cách. Chỉ huy bước đến gần sát con
người, dùng súng ngắn bắn xuyên qua màng tang của con người.
IV. Tiệc
Khi xong việc, tất nhiên bụng đã đói, nhưng cảm giác sảng khoái đang
dâng cao. Nhanh chóng trở về căn cứ, cất súng vào nơi an toàn, lau chùi
bàn ăn, sàn nhà (nếu trước đó con người đã ói mửa), và rửa tay thật
sạch. Hâm cháo vịt và xôi gà cho nóng. Dọn ra bàn theo đúng cách thức đã
chỉ dẫn ở phần I và II. Để nâng cao khẩu vị, cần phải có nhiều bia hoặc
rượu. Có thể mở nhạc để làm tăng thêm không khí nhộn nhịp. Rót bia hoặc
rượu vào ly. Chúc mừng nhau. Uống cạn ly. Rồi bắt đầu ăn.
(Nguồn Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét