Như
nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Nam Nguyễn Văn Xuân đã nhận xét: "Người
Quảng ăn đậm, đặc". Mặn thì mặn đắng, nước mắm, mắm nêm không pha chanh,
pha giấm, không thêm đường; cay thì cay xé họng và đã béo thì phải béo
ngậy. Tôi đã từng được mời dự mấy cỗ ăn khao ở Chợ Ðược, thấy thịt heo,
thịt bò xắt từng cục vừa miệng, cả lòng, ruột, phèo, lá sách phổi, bao
tử đều xắt, đều luộc... Rồi bỏ vào rổ, đổ thêm dầu phụng vào mà xóc đều,
trông láng lưỡng. Bưng lên mấy thực khách đồng quê, họ kẹp rau, chấm
mắm nêm làm ráo trọi một cách ngon lành. Ta ở thị trấn về nhìn thấy mà
phát ngán. Phần đông ăn thiệt tình, không bài bản, thanh cảnh như người
thành phố. Ðất đai không phì nhiêu, lại đông dân, thời tiết bất thường,
mưa gió, bão lụt liên miên, nên người Quảng phải cần kiệm theo câu châm
ngôn: "Ăn chắc, mặc bền" và "ăn bữa ni, để dành bữa mốt".
* Khoai Ðầu
tiên, phải nói ngay là người Quảng thích món khoai lang. Lúc đầu bắt
buộc phải ăn khoai lang thế cơm hay khá hơn ghế cơm (độn cơm). Nói độn
cho có chữ nghĩa đẹp chứ khoai lang chiếm hai phần ba, hay có khi chiếm
bốn phần năm rồi.- Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm
Rồi
thành thói quen thích món khoai lang và tìm cách cải thiện giống, cho
đến khi có được giống khoai ngon. Còn nếu cứ ăn cơm thoải mái thuần gạo
thì: - Không khoai lang thì mang lấy nợ!
Mà khoai trong tỉnh ở đâu ngon, nổi tiếng nhứt? - Trên trời, dưới khoai lang, không ngoài Trà Ðõa.
Trà Ðõa là một địa danh vùng biển thuộc phủ Thăng Bình (Quảng Nam).
Khoai lang trồng ở đây ngon nhứt, tiếng tăm lẫy lừng trong tỉnh và đồn
ra tới Huế.
Quan
lại cấp thấp ở tỉnh nhà ra tới Kinh là trong phần quà cáp luôn luôn có
mặt khoai lang Trà Ðõa. Chẳng là các chức sắc và giới quý tộc ở Kinh cao
lương mỹ vị suốt năm nên phải ở bữa bằng khoai lang bột, tươm mật Trà
Ðõa (Tiên Ðõa đọc trại ra), củ to bằng bắp vế người lớn, phải cắt ra
từng khoanh đem hấp. Lát khoai nổi bột, mật tươm trên mặt. Ăn nghe bùi,
ngọt, thơm lạ lùng. Thường ăn với cháo, với canh hến, sáng thì ăn với cá
kho, thịt kho... Buổi sáng thuở nhỏ, ăn được một lát khoai là đã thấy
no bụng, yên tâm đi học. Nghe nói ngày nay đã mất giống vì chiến tranh
liên miên và cũng vì trồng trọt phải săn sóc rất tỉ mỉ, tốn nhiều công
sức và thời gian. Còn các củ nhỏ (khoai ở các địa phương khác cũng ngon)
sau khi thu hoạch, các củ lớn bám vào các rễ lòng thòng, tròn, to bằng
trái chanh, đem gọt vỏ sạch, ngâm vào chậu nước đã được quậy vôi ăn
trầu. Sau đó đem đường bát bỏ vào chảo sên, với một ít gừng sắt sợi, rồi
đổ khoai vào ngào. Chín múp, khoai nứt ngọt, giòn, thơm mùi gừng. Khoai
ngào kiểu này có một mùi vị khó quên... Còn tụi nhỏ chúng tôi, cách đây
gần 70 năm, moi đâu được một mớ khoai củ nhỏ, giấu người nhà đem lùi
tro nóng, cháy sém cả vỏ, gắp ra (nóng lắm!) vừa thổi vừa lột vỏ ăn là
khoái khẩu nhất.
Nhứt đậu phụng rang, nhì khoai lang nướng Trăng rằm đã tỏ lại tròn Khoai lang đất cát đã ngon, lại bùi.
Những
tốp công cấy, công gặt đến thời vụ rảo qua những làng cần lao động. Hỏi
cơm ăn ghế mấy phần khoai, mấy phần gạo. Nếu khoai ít quá họ không chịu
làm, vì ít khoai cơm ăn sẽ lạt lẽo, không đậm đà, ăn không được nhiều.
Ngay ở thị trấn, có một số nhà gần chợ, đông con, cũng ghế khoai, ghế
bắp, ghế đậu (đậu đen, đậu đỏ) vào cơm, cũng là biện pháp tiết kiệm
trong những ngày mưa gió liên miên, buôn bán ế ẩm - Món khoai trụng là
khoai vỏ đỏ ruột vàng, luộc chín, xắt lát theo chiều dọc, phơi khô để
dành ăn lần. Mấy bạn ở quê xuống học thường mang theo ăn, thế quà vặt.
Thỉnh thoảng có chia cho các bạn ngồi gần nhau ăn cho đỡ buồn. Như trẻ
bây giờ nhai kẹo cao su vậy.
Lâu
lâu chiều thứ năm (thường nghỉ học) và chiều chủ nhật, có nhà nấu khoai
lang khô với đường bát làm một món quà ngọt, ăn vào giờ xế... Khoai
lang khô còn được ghế cơm...
* Mít Ở Quảng còn có câu hát:
Ai về đất Quế làm dâu Ăn cơm ghế mít, hát câu ân tình.
Mít
ở đây là mít non. Mít ở vùng gò nổng dễ trồng, lại tươi tốt. Các vùng
này thường thiếu gạo, mít được chở xuống phố (Hội An) bán lấy tiền mua
gạo. ở chợ phố trước kia, từ chợ trên bước xuống mấy bực cấp là tới chợ
giữa, mé tay trái có một khu vực gọi là chợ Gò, bán chủ yếu mít chín,
mít non và các loại trái cây; bòng (bưởi lớn nhưng ăn the), trái xây,
ổi, chuối, thị, sim, bứa mọc ở vùng đồi, nổng... và chuối, xoài cơm (hột
lớn, ít cơm)...
Ai về nhắn với họ nguồn Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên
Mít non kho với thịt, với cá là chuyện thường ở các bữa ăn của người Quảng. Mít còn dùng để nấu canh.- Dù có nem gà, chả vịt, cũng mớ rau canh mít già.
Ngoài
ra trong các món cơm chay, mít non cũng chiếm một vị trí ưu thế. Do tài
khéo léo của người nấu, thưởng thức mà không phân biệt được món nào
chay, món nào mặn. Sau cùng, mít trộn cũng khá hấp dẫn, gần đây món này
được nâng cao và cải tiến vào ngồi trong mấy quán đặc sản ở Sài Gòn.
Cũng được đánh giá là khá ngon và lạ miệng, đáng "đồng tiền bát gạo". ở
tỉnh nhà, mít non trộn với rau răm, đậu phụng rang với một vật liệu tùy
sở thích: da heo luộc, thịt gà luộc, tép sấy, nhộng tằm, với tôm thịt...
(ở Quảng không có tôm khô, chỉ có tôm nhỏ sấy khô, ăn thấy khác tôm
trong Nam).
Và
phải nhắc đến một món dân dã khác, phổ biến ở vùng lổm chổm đồi nổng.
Mít non muối dưa chấm nước cá, nước thịt, mắm nêm, mắm mòi... cũng bắt
cơm lắm!
* Mắm Người
Quảng là một tay khét tiếng vế ăn mắm: người vùng cao, như người đồng
bằng và cả người ven biển. Mà lại ăn rất mặn. Ăn gần nguyên chất, không
thêm đường, pha chanh, pha giấm. Nhiều khi có mắm với rau là ăn được cơm
rồi. Cho nên xưa kia có một số chủ điền tránh dọn mắm trong bữa ăn cho
công cấy, công gặt... vì sợ hao cơm! Mắm là một loại thực phẩm nhiều đạm
(đạm hữu cơ) để dành được lâu:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau Thấy em kho mắm, luộc rau anh thèm.
Người
Quảng cũng kho mắm nhưng là mắm cá biển và không công phu, không quá
dồi dào gia vị như người miền Nam kho mắm cá sông, cá đồng. Cá sông, cá
đồng không đủ để ăn tươi, có đâu dư giả mà đem làm mắm! Mắm cá mòi kho
với thịt mỡ rục nát, vớt xương ra, chấm đọt lang, rau muống hoặc bông bí
luộc. Mắm nêm có khi kho với thịt mỡ hoặc mỡ không để chấm rau. Có khi
mắm dưa (không phải dưa mắm trong Nam - dưa gang muối trong mắm đồng) là
dưa gang, củ cải, đu đủ xắt lát bỏ mắm nêm, đem kho với thịt mỡ, chấm
rau. Người Quảng chưng cá nục, cá chuồn thính với thịt mỡ, có nước chấm
rau lang, rau muống, chấm cà dĩa xắt lát, có khi kèm theo khế. Người Huế
thường nêm mắm ruốc (lọc lấy nước trong) vào rất nhiều thức ăn: cá kho,
tôm rim và cả một số canh... Người Khmer trong Nam thường nêm mắm bù
hóc vào nhiều món ăn thì người Quảng Nam lại nêm mắm cái vào một số thức
ăn. Chẳng hạn có món thịt bò nấu với đọt lang, nêm mắm cái. Thấy lạ, có
người sợ tanh. Nhưng ăn vào thấy hấp dẫn, ngon miệng. Bẹ môn nấu với
xương heo hay cá tràu (cá quả, cá lóc nhưng nhỏ hơn nhiều) cũng nêm mắm
cái. Trong Nam có món Xiêm lo, một loại canh nấu theo người Khmer. Bắp
xắt nhuyễn mướp non xắt lát mỏng, lá mồng tơi, bình bát, người Khmer nêm
mắm bù hóc. Người Việt nêm mắm sặt. Tùy theo địa phương, có người bớt
một số rau, thêm vào cọng bông súng... Ăn lạ miệng, cũng bắt cơm lắm!
Mắm
cái (mắm nêm) dùng để chấm thịt luộc, bánh tráng giập, thịt nướng bánh
ướt, cuốn bánh tráng cá nục luộc, mực luộc, thịt bò, thịt bê thui. Mắm
còn pha gừng giã nát, dầm cá rô chiên giòn.
Xin
kể sơ một số mắm ở Quảng: mắm thính cá nục, mắm thính cá chuồn, cá cờ,
mắm thính cá liệt hột dưa, mắm cá ngừ bỏ cà, mắm ruột cá ngừ, mắm hàu,
mắm nhum (cầu gai), mắm cá thu, mắm mực, mắm mại (con mại giống còng gió
trong Nam) còn được gọi là "mắm nhà nghèo", không ai làm, ai bán, mình
muốn ăn thì tự đi bắt lấy rồi đem về làm; mắm dảnh, mắm rất ngon, cá
dảnh đánh bắt được rất ít, giá cao, làm cốt để bán cho nhà giàu lấy tiền
mua gạo, rồi nhà giàu cũng không dám ăn, đem ra Huế biếu xén những nơi
ơn nghĩa, quan quyền. Ngư dân giữ lại đầu và bộ xương cá, băm nát, làm
ra một loại mắm thứ yếu, không có thịt., chỉ nước với xương, gọi là mắm
dè. ở Quảng, ngoài mắm ruốc, có mắm tôm, cách chế biến và hương vị khác
mắm tôm ngoài Bắc, khác mắm tôm chua nổi tiếng xưa nay ở Huế và cũng
khác mắm tôm thường và mắm tôm chà ở Gò Công. Mỗi thứ đều mang hương vị
rất riêng, thích hợp cho vị giác mỗi địa phương. Sau cùng làm mắm mực
(từ Nha Trang đem ra) kho tôm thịt và mắm mòi dầu nhập từ Phan Thiết. ở
những nơi này, mực và cá mòi rất dồi dào, dư giả mới đem đi muối mắm...
* Hến Có
thể nói hến là thức ăn vừa rẻ, vừa ngon và qua chế biến đã nuôi sống cư
dân tỉnh Quảng khi họ bắt đầu du nhập từ các tỉnh miền Bắc vào Quảng
hồi đầu thế kỷ 15. Các cồn nổi trên sông đều có hến, sông Thu Bồn, sông
Vu Gia, sông Bà Rén, sông Trường Giang, sông Hàn, sông Thủy Tú, sông
Trương Ðịnh... đã cung cấp thức ăn cho dân quanh năm suốt tháng, trừ
những ngày lụt bão, mưa to gió lớn, không đi cào được.
Lấy chồng về đất Mỹ Xuyên Bắp rang, canh hến, nứt niền cối xay
Thật
vậy, hến cào không khó lắm, chế biến cũng đơn giản. Mua một tô hến có
nước, có cái, có khi chỉ hâm nóng nêm nếm mắm muối, tỏi, hành, ăn với
bún, với cơm nguội, với bánh tráng bóp nhỏ, với bắp hông mềm, với khoai
lang hấp. Nấu canh với cải tàn ô (cải cúc), rau muống, đọt lang, với
rong sợi (rong chỉ, còn gọi là mứt), nước rất ngọt, rau lại tươi xanh.
Tùy thích, nấu canh hến với bầu, với dưa hường, cũng là một món ăn giải
nhiệt trong mùa hè oi ả. Canh hến với bông lý, theo các cụ, là một món
ăn an thần, trợ tim rất hiệu quả. Hến xào với hành tây, rau răm, rắc đậu
phụng rang là một món có cỡ... Sau cùng, cháo hến là món nhiều người
thích, dễ nấu, lại ngon và bổ... ở Quảng không thấy món cơm hến, nấu
theo kiểu Huế, tỉ mỉ, bài bản và phức tạp, chỉ xuất hiện ở đất vua chúa
cung đình.
* Cá Người
Quảng tiêu thụ nhiều nhứt là cá biển. Những vùng sâu, vùng cao cũng ăn
cá biển mà cá hấp trước kia được chuyên chở trên vai bằng đôi gánh, đi
từng trạm. Có người sẵn sàng đứng đợi, gánh tiếp đến trạm khác. Họ đi
mau như chạy bộ. Bấy giờ làm gì có xe hơi, xe máy, xe lam... Trong câu
hát, câu hò, nói về các thức ăn ở Quảng thì món cá được nhắc đến nhiều
nhứt:
Thương em vì cá trích ve Vì rau muống luộc, vì mè trộn măng.
Ngồi buồn nhớ cá trích ve Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non.
Cá
trích ve thịt ít nhiều xương nhưng rất ngon, rất béo, rất thơm. Kho rục
hay chiên giòn, ăn cả xương. Người Quảng uống nhiều nước vì ăn quá mặn.
Thường uống nước chè tươi, uống từng bát, từng tô lớn, uống nóng hổi,
rót từ cao xuống bát phải nổi bọt mới ngon. Còn đường non là đường mật,
sền sệt, chưa thành đường cứng. Ăn rất ngon, chưa qua khâu gạn lọc bằng
hóa chất.Cá trích mà kho với thịt là món ngon:
Nhớ hồi cá trích y con Thịt heo cắt khúc, lòng còn ước mơ...
Măng giang nấu cá ngạch nguồn Ðến đây nên phải bán buồn mua vui.
Cá
ngạch xương đầu rất cứng, dạng giống cá chốt trong Nam (vùng Bạc Liêu),
đến mùa lụt từ nguồn đổ về đồng bằng, thịt béo, lòi cặp trứng vàng hườm
dưới bụng. Kho nghệ, khế, chuối chát nấu canh chua măng rất ngon, ăn
trong mùa bão lụt. Cá mè nhỏ cũng nấu canh chua:
Canh chua nấu cá mè ranh Cay, chua, mặn, ngọt chớ đành bỏ nhau.
Nhứt là miếng chả cá chim Nhì ngọn lang luộc, ba thêm cá mòi.
ở
Quảng đâu phải chỉ có chả cá chim mà còn có chả cá mối, cá thát lát, cá
rựa, cá lạc và sang hơn là chả cá thu, ăn rất giòn và rất ngon. Về cá
mòi còn có câu hát:
Trên non túc một hồi còi Không đi thì lệnh quan đòi Ði thì nhớ trã cá mòi kho rim.
Nhứt ngon là đầu cá gáy Nhì thơm là cơm cháy vừa than.
Cũng
như cá ngạnh nguồn, cá gáy (cùng họ với cá chép, còn tên lý ngư) mình
tròn mập, thịt béo, đến mùa lũ từ nguồn, suối trôi về xuôi, được đánh
bắt. ở phố nhà nào có thờ Ông (Quan Công), kiêng không dám ăn, vì cho
gáy là loại cá thần thánh, vượt vũ môn để hóa rồng... Cá kho với nghệ,
khế, chuối chát ăn rất béo, rất thơm. Nhứt là cái đầu: một năm chỉ có
một số ngày có cá gáy, nhằm vào những lúc mưa gió dầm dề, trời se
lạnh... Ăn cá gáy rất ngon, rất thú vị.
Say
mê một đối tượng mà phải bỏ vợ, không phải vì nhan sắc "chim sa, cá
lặn" của một người đàn bà, nhưng vì người đẹp có biệt tài nấu những món
ăn quá ngon:
Cá nục nấu với dưa hường Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi
Bữa cơm sui (thông gia) không bằng cái mui (môi) con cá chuồn
Cấy ruộng đầu cầu, ăn đầu cá đối.
Ruộng
đầu cầu là ruộng tốt của nhà giàu. Ðến đầu cầu thường mua được cá đối
(cá đối sông ngon hơn cá đối biển). Cụ Tản Ðà - một nhà thơ rất sành ăn -
đã từng ca tụng cái ngon tuyệt vời của đầu cá đối miền Trung Trung Bộ.
Cơm trì với cá rô chiên Ăn đà no bụng, còn ghiền muốn thêm.
Cơm
trì là gạo trì, một loại gạo ngon ở Quảng. Cá rô Quảng có gì lạ? Trong
Nam cá rô câu, đến mùa nước rút đã lớn lại mập nùng nục, thịt béo. Sau
38 năm xa cách, tôi về lại Quảng, tìm ăn các loại cá, thấy cá rô tỉnh
nhà nhỏ và ốm hơn nhiều, nhưng chiên ăn ngon đặc biệt, đậm đà một hương
vị độc đáo. Có lẽ thổ ngơi, khí hậu đã sản sinh ra hương vị đặc biệt địa
phương.
Lòng
thủy chung; cái tình nghĩa khi giàu sang vinh hiển không quên lúc nghèo
khó, khốn khổ; rồi tình đồng bào và lời kêu gọi thương yêu, đùm bọc
được lồng vào một số câu hát về ẩm thực xứ Quảng:
Ăn tiêu thì nhớ đến hành Dù ăn nem gà, chả vịt, thì cũng nhớ tới rau canh mít già.
Canh chua nấu cá mè ranh Cay, chua, mặn, ngọt chớ đành bỏ nhau!
Cá sông kho với lá gừng Bà con mình đó, xin đừng quên nhau!
(Theo Tạp chí Kiến thức ngày nay)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét