Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Giọng Quảng

“Quảng Nam ăn cục nói hòn...”. Câu này thoạt nghe có thể cho là của người địa phương nào đó nhận định về con người đất Quảng. Nhưng tôi lại nghĩ đó là cách nói của chính người Quảng khi nhận xét về mình.
Có lẽ trên khắp đất nước này, chỉ người Quảng - bao gồm dân cư hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi - là giữ riêng cho mình cái giọng “chẳng giống ai”. Tất nhiên không riêng gì Quảng Nam mà bất cứ địa phương nào cũng có những dấu hiệu đặc trưng về ngôn ngữ. Những dấu hiệu đó bao gồm các yếu tố về thổ ngữ, thổ âm, thanh điệu giọng nói và phong cách phát ngôn, trong đó yếu tố sau cùng là khó sửa, khó bắt chước và mang tính đặc trưng hơn cả bởi nó còn định hình một tập quán ứng xử của cộng đồng cư dân được di truyền qua nhiều thế hệ. Có lẽ cái “thương hiệu” ăn cục nói hòn của người Quảng Nam cũng đã được xác lập từ yếu tố này.
Nhớ có lần cùng mấy anh em nhậu tại một quán cóc ở Vinh. Lúc ngà ngà say, có hai anh cãi nhau riết rồi chuyển qua trò khích tướng. Anh này bảo:
- Uống kiểu như mi mần răng mà đẻ con trai được?
Anh kia sừng sộ: Kẹt ta mi nề!
Vừa lúc cô chủ quán bưng lên một đĩa nem nướng, không rõ cô ta nghe ra thế nào mà lại rối rít:
- Dạ vâng! Cảm ơn bác ạ!
Thực ra, những thổ ngữ như răng rứa ni tê chi mô…thì cư dân suốt dải bắc Trung bộ đều dùng nên ngày nay cả nước đều có thể hiểu được. Cái sự khác người ở giọng Quảng là ở thổ âm. So với tiếng phổ thông, tiếng Quảng có sự sai biệt khá rõ ở những vần đuôi như: a, ai,  ao, au, ay, am, ap, an, ang, ac, at, ăm, ăp, ăn, ăng, ăc , ăt, oi, oai, ong, oc, op, uyên... Cư dân các vùng miền khác chắc chắn sẽ trợn mắt lắc đầu khi nghe những câu rặt Quảng đại loại như:
- Bá lốp, núa rứa lồm reng cho lột tưa héng (Bá láp, nói rứa làm răng cho lọt tai hắn).
- Hộp hùa, nghe béc lang ác (Họp hoài, nghe bắt long óc).
Còn về phong cách phát ngôn, có lẽ bản sắc riêng trong giọng Quảng là ở cấu trúc câu văn. Hình như trong câu nói của người Quảng, nhiều tiếng, nhiều từ đã bị giản lược tối đa và được hiểu ngầm qua ngữ điệu. Thử nghe một mẩu đối thoại sau đây giữa một phóng viên người Bắc và một nông dân Quảng:
- Chào bác ạ! Năm nay chắc đồng mình được mùa bác nhỉ?
- Ri đây! Xơm xơm rứa chớ mấy hột!
- Sao vậy bác? Cháu thấy lúa mùa này bông to, trổ đều lắm mà!
- Bạc lạc hết! Mới phun đòng gặp bấc chịu chi nổi.
Phong cách nói năng kiểu Quảng còn thấm đẫm cả trong văn chương chữ nghĩa. Ở Điện Bàn còn lưu truyền một cặp vế đối trứ danh của hai cụ Tú thuộc hai làng Phước Chỉ và La Qua:
Con gái La Qua, qua hun qua hít, qua vít qua véo, qua chọc qua ghẹo, biểu em đừng có la qua.
Đàn bà Phước Chỉ, chỉ xấu chỉ xa, chỉ bài chỉ bạc, chỉ lười chỉ nhác, Chỉ có chồng là may phước chỉ.

Và Phan Khôi, một thi nhân đất Quảng, trong giai đoạn quẫn bách nhất cũng đã buông một câu thở dài theo cốt cách Quảng Nam:
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao!
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi!


Phan Văn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét