Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Giới thiệu chung về Điện Bàn

Điện Bàn là huyện đồng bằng ven biển phía Bắc của tỉnh Quảng Nam. Lịch sử hình thành và phát triển của Điện Bàn gắn liền với quá trình mở đất của dân tộc Việt về phương Nam. Qua nhiều thế kỷ, địa giới hành chính có nhiều thay đổi nhưng tên gọi Điện Bàn vẫn được lưu giữ với nhiều truyền thống tốt đẹp về văn hóa lịch sử và cách mạng.
Diện tích tự nhiên: 21.428 ha, trong đó có 12.000 ha DT nông nghiệp
            Dân số:200.782 người.
            Đơn vị hành chính: 20 xã, thị trấn
            Huyện lỵ: Thị trấn Vĩnh Điện
            Khí hậu nhiệt đới gió mùa
            Nhiệt độ trung bình 25,50C
            Độ ẩm trung bình: 82,3%
            Lượng mưa bình quân năm 2000-2500mm, tập trung các tháng 9,10,11.
           Địa bàn huyện Điện Bàn trải từ 15050 đến 15057 vĩ độ Bắc và từ 1080 đến 108020’ kinh độ Đông, cách tỉnh lỵ Tam Kỳ 48km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 25km về phía Nam. Phía Bắc giáp huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), phía Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Đông Nam giáp thị xã Hội An, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Đại Lộc.

           Vùng đất Điện Bàn xưa thuộc đất Việt Thường Thị của vua Hùng. Từ năm 214 đến năm 205 TCN, thời nhà Tần, thuộc Tượng Quận. Từ năm 206 TCN đến năm 192 SCN, thời nhà Hán, thuộc quận Tượng Lâm và từ năm 192 đến năm 1306 thuộc vương quốc Chăm Pa.
 Sau cuộc hôn nhân huyền thoại của công chúa Trần Huyền Trân vào năm 1306, vua Chăm là Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý cho nhà Trần để làm sính lễ. Năm 1307, hai châu Ô và Lý được đổi thành Thuận Châu, Hóa Châu. Vùng đất Điện Bàn thuộc phần đất phía Nam của Hóa Châu.
Năm 1435, địa danh Điện Bàn được Nguyễn Trãi ghi vào “Dư địa chí” gồm 95 xã thuộc phủ Triệu Phong của lộ Thuận Hóa.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1520, vua Lê Chiêu Tông đổi thành trấn Quảng Nam. Điện Bàn bấy giờ là một huyện thuộc phủ Triệu Phong của trấn Thuận Hóa.
Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi thành dinh Quảng Nam và năm 1604 tách huyện Điện Bàn ra khỏi trấn Thuận Hóa, thăng lên thành phủ và nhập về Quảng Nam. Dinh trấn Quảng Nam đóng tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, do các công tử của Chúa Nguyễn lần lượt đến trấn thủ.
Năm 1803, vua Gia Long lập Dinh Quảng Nam gồm 2 phủ: Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn gồm 2 huyện: Diên Phước và Hòa Vang. Năm 1806, dinh Quảng Nam đổi thành trực lệ Quảng Nam dinh thuộc Kinh Sư. Năm 1827, vua Minh Mạng cho đổi thành trấn Quảng Nam. Năm 1832, đổi trấn Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam. Năm 1833, tỉnh đường Quảng Nam được xây dựng tại làng La Qua. Năm 1899, Điện Bàn có thêm huyện Đại Lộc. Sang đầu thế kỷ XX, khi huyện, phủ thành những đơn vị hành chính riêng thì huyện Điện Bàn hôm nay chính là phần đất của huyện Diên Phước trước đây.
 Điện Bàn đã được biết đến là vùng đất trù phú với nhiều sản vật dồi dào, là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Quảng Nam, đồng thời rất nổi tiếng với các ngành nghề: trồng dâu nuôi tắm, ươm tơ dệt lụa, làm đường bát, trồng đay dệt chiếu, làm đồ gốm, đúc đồng Phước Kiều...
 Điện Bàn được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”, “đất học”, “đất khoa bảng” với vinh danh “Ngũ phụng tề phi” “Tứ hổ đăng khoa” gắn liền với tên tuổi các nhà khoa bảng, danh nhân, chí sĩ nổi tiếng như: Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Thành Ý, Phạm Như Xương, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Phan Thúc Duyện, Lê Đình Thám, Phan Thanh, Phan Bôi...
Nói đến Điện Bàn cũng là nói đến vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu của cả nước như: Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Nguyễn Phan Vinh, Võ Như Hưng, bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (Điện Thắng) có 9 con liệt sĩ, mẹ VNAH Nguyễn Thị Lân (Điện Hòa) có chồng và 7 con là liệt sĩ... Huyện Điện Bàn và 15/16 xã, thị trấn, 5 đơn vị, 27 cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Qua 32 năm hòa bình và xây dựng, Điện Bàn không ngừng đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - văn hóa-xã hội. Đặc biệt, sự ra đời của khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc đã đưa Điện Bàn tạo cho Điện Bàn một diện mạo mới. Hai HTX nông nghiệp Điện Thọ 1, Điện Phước 1 được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Đặc biệt, năm 2005, Điện Bàn vinh dự được Đảng và Nhà nước  phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.
Với truyền thống văn hóa lịch sử, cách mạng tốt đẹp và lâu đời, Điện Bàn tiếp tục phát huy thế mạnh nội lực, mở rộng thu hút ngoại lực, tự tin phấn đấu cơ bản thành huyện công nghiệp vào năm 2010.
LƯƠNG MỸ LINH
Phòng Văn hóa - TT-TT Điện bàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét