Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Hồi ký: Khúc tiêu đồng (Kỳ 4)

… Năm 18 tuổi, tôi ra Huế thi Hương.
Theo chính thể lúc ấy thì ở kinh đô Huế, nhà nước lập trường Quốc Tử Giám. Quan tế tửu, quan tư nghiệp và các giáo viên dạy. Người thụ huấn gồm có tôn sinh, con em trong họ vua, ấm sinh, con cháu các quan và học sinh, con em nhà thường dân sau khi khảo hạch trúng tuyển. Các người thụ huấn đều được cấp lương: tôn sinh, ấm sinh: hai đồng rưỡi, học sinh: một đồng tám giác (2$50 và 1$80). Người có tú tài và con nhà thường dân mà ưu tú cũng được vào học.
… Chế độ khoa cử nước ta bắt đầu từ vua Thánh Tôn nhà Lý. Sau khi lập văn miếu, tô tượng Khổng phu tử và các vị hiền triết lại lập nhà Quốc Tử Giám, vua mở khoa thi lấy nhân tài dùng vào các chức vụ trong nước. Đến vua Thái Tôn nhà Trần đặt ra Kinh Trạng Nguyên và Trại Trạng Nguyên.


Trường Thi.  
Đời Lê có tham khảo chế độ khoa cử của các triều Minh, Thanh bên Trung Hoa để thêm bớt, thay đổi cho hợp lý, có mở khoa minh kinh và hoành từ. Triều Nguyễn cũng có thêm bớt ít nhiều thể lệ thi và thay đổi một ít danh từ.
Như đời Lê, Hương cống đổi ra Cử nhân, Sinh đồ đổi Tú tài song vẫn theo đúng lối cũ, cứ ba năm một kỳ thi Hương, sau thi Hương là thi Hội và thi Đình. Những năm Tỵ, Ngọ, Mẹo, Dậu thì thi Hương; Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì thi Hội và thi Đình. Ngoài mấy năm ấy ra mà gặp những năm vua lên ngôi, sinh thái tử, khánh thọ thái hậu hay khánh thọ đức vua thì mở những khoa đặc biệt gọi là ân khoa.
Đời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nước ta có 7 trường thi là: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Bình Định và Gia Định ở Nam kỳ. Đến cuối đời Tự Đức, trường Hà thi chung trường Nam gọi là Hà Nam hợp thí.


Ngoài học trò đi thi chính, còn có phụ thí. Phụ thí dành cho học trò có trường hợp: như cha quán ở Bắc vào làm việc ở Nam, không thể về Bắc thi, thì người con theo cha thi ở Nam. Và những duyên cớ chính đáng khác đều có thể xin phụ thí. Duy có điều đặc biệt là những người xin phụ thí có khi quan trường bắt ngồi riêng ở đường thập đạo.
Vì người phụ thí phần nhiều là con quan hay mượn thế lực hoặc thuê người làm bài cho chắc đỗ và lại có những người học giỏi mà lão đão khoa trường nên nản lòng, chỉ mong được vào trường làm thuê kiếm tiền. Vì thế, phải ngồi riêng cho dễ kiểm soát.

Ban khảo thí thi Hương gồm có một quan Chánh chủ khảo, một Phó chủ khảo hàm tùng nhất phẩm hay nhị phẩm; hai viên phân khảo, hai viên giám khảo, hai viên đề tuyển, bốn hay tám viên phúc khảo, tám hay mười sáu viên sơ khảo (tùy số thí sinh).
Ban giám sát gồm có hai viên Ngự sử giám sát nội trường hay ngoại trường; thêm tám đội thế sát, bốn coi việc thi, bốn giữ trật tự. Đến kỳ thi, văn ban đình thần đề cử ban giám thí chọn hai viên đề tuyển trong hạng lại diễn xuất thân; còn các vị khác đều có chân khoa mục cả. Đình thần chọn xong làm sớ tâu lên nhà vua châu phê lạc tống tuân phụng.
Giải ngạch là số cử nhân mà mỗi khoa triều đình định lấy trong mỗi trường, phải tùy số thí sinh nhiều hay ít cho nên bảy trường trong nước Nam, số giải ngạch không như nhau. Trường Thừa Thiên lấy 32 cử nhân; mỗi cử nhân lấy 3 tú tài là 96 người.
Đời trước, thi Hương trường Nhất: bảy bài Kinh Nghĩa (học trò làm 1 Kinh 1 Truyện là đủ quyển), đề mục lấy trong Ngũ Kinh (Thi, Thơ, Dịch, Lễ, Xuân Thu) mỗi Kinh một đề, lấy trong tứ truyện (Trung dung, Đại học, Luận ngữ, Mạnh tử) 4 Truyện chỉ lấy 2 đề. Lúc ấy, quan trường phê ưu, bình, thứ, liệt. Ưu nhất, Bình nhì, Thứ là đủ đỗ, liệt là thua sút, hỏng.
Trường nhì: một bài chiếu (là mệnh lệnh vua) một bài chế (là pháp luật do vua ban).
Trường ba: một bài thi, một bài phú.
Trường tư: một bài văn sách dài.
Lúc tôi lớn lên, học tập làm Kinh nghĩa, thi phú và văn sách. Nhưng đến năm Kỷ Dậu, tôi thi khoa đầu thì bỏ Kinh nghĩa mà đổi ra 5 đạo văn sách, trường nhì còn thi phú, trường ba thi 2 bài luận quốc ngữ. Khoa ấy, tôi đỗ trường nhất, trường nhì; bị hỏng trường ba. Vậy tôi học Kinh nghĩa mà không được thi; còn thi phú cũng chỉ thi một lần khoa Dậu thôi.
Đến năm Nhâm Tý, trường nhất: 5 đạo văn sách; trường nhì: 2 bài luận Hán văn; trường ba: 2 bài luận quốc văn; trường phúc hạch: 1 bài văn sách, 1 bài luận hán văn, 1 bài luận quốc văn.
Lúc tôi đi thi thì quan trường cho điểm số như bây giờ, từ 10 đến 20 điểm là trúng tuyển chớ không cho ưu, bình, thứ, liệt nữa.
Thi Hương, người đỗ đầu là thủ khoa, thường gọi là Giải nguyên, thứ nhì, thường gọi là Á nguyên, thứ ba trở xuống gọi là Cử nhân. Học trò các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình thi tại trường Thừa Thiên.
Lúc ấy, những người cắp sách đi học, trừ các vị làm cách mạng, còn ai cũng lo danh phận, cho việc thi cử là tối hệ trọng trong đời người. Không những thi đỗ làm quan là tốt lắm mà làm cho được khóa sinh, thí sinh cũng không dễ chi.
Những người muốn được ứng thí, trừ Tú tài, tôn sinh, ấm sinh, học sinh, không hạch cũng được (thời ấy, rất ưu đãi con quan và nhà quyền quý), còn ai muốn thi thì năm trước phải hạch đỗ, năm sau mới được thi. Theo lệ định, mỗi năm ở các tỉnh đều có một kỳ hạch mà 3 năm mới có một khoa thi.
Những năm không thi kỳ hạch ấy gọi là hạch trù sưu, vì mỗi tráng đinh mỗi năm nạp thuế thân 2$20, ai hạch trúng tuyển trong số đinh của làng được đứng hạng miễn diêu và khỏi nạp thuế ấy. Còn những năm có khoa thi, thì hễ hạch đỗ, đã được trừ sưu lại được đi thi. Hạch đỗ mà chưa đi thi, gọi là khóa sinh (anh khóa), được đi thi thì gọi là thí sinh.
Tâm lý con người thời ấy quá thiên trọng việc học, việc thi cho nên giai cấp trong xã hội cũng theo đó mà ấn định. Mỗi làng có bộ đinh kê khai những nhân khẩu trong làng. Theo luật triều đình thì kê khai những người có phẩm hàm, từ cửu phẩm đến nhất phẩm, có trật chính và tùng lên trên (chánh bát phẩm, tùng cửu phẩm v.v…) rồi mới đến hạng chức sắc như tú tài, ấm sinh, học sinh v.v…
Sau hạng chức sắc là hạng miễn sai như lý trưởng và các hạng lính chưa có phẩm hàm v.v… Sau hạng miễn sai là miễn diêu như thí sinh, khóa sinh và nhiêu ấm là những người mà cha hoặc con đã “đền nợ nước” trong chiến tranh v.v… Ấy là phép vua. Nhưng phép vua thua lệ làng.
Xứ ta lại trọng văn hơn võ nên tú tài chưa có phẩm hàm mà họ để đứng trên cửu phẩm hay bát phẩm bá hộ (bá hộ là bên võ). Có người kiện đến quan sở tại, nhưng quan vốn là quan văn, lẽ tất nhiên trọng văn, lại cũng phải theo tình tục nên cứ y theo làng.
Năm Kỷ Dậu, cùng đi thi với tôi, có một ông bạn đồng hương mà cũng đồng học, lớn tuổi hơn tôi mà học rất tầm thường. Duy bạn tôi thường mua bút mực, giấy tốt biếu tôi nên tôi phải giúp đỡ việc học, như làm thế bài cho anh ta…
Nhờ đi học nên anh mới lấy được người vợ, con một quả phụ nhà khá giả. Năm gần khoa thi, anh ấy nói với tôi, nhờ tôi tìm cách nào cho anh được đi thi để khỏi mang tiếng với bên vợ là học dốt. Lúc ấy, quan giáo thọ Điện bàn là Võ Thái (*) tiên sinh, thấy tôi học khá, yêu tôi lắm. Tôi đem chuyện ấy bẩm rõ đầu đuôi với quan giáo. Ngài cười và nói:
- Đã là bạn thân của trò để thầy giúp cho.
Đến kỳ hạch, tôi và anh ấy đều trúng tuyển ứng thí. Vợ chồng và anh em trong họ anh ấy thôi thì mừng rỡ, vì họ ấy xưa nay chưa ai đi thi. Chúng tôi sắp sửa hành trang. Anh ấy mang theo tiền, bánh nhiều lắm. Còn tôi được học trò đưa đi đồ vật và tiền bạc cũng khá. Tôi để lại nhà cho mẹ tôi một số. Đến Huế, tôi nhờ một người bạn làm bài cho anh ta với giá 5$00; không phải mong để đỗ, chuyện ấy là chuyện viễn vông.

 Sĩ tử và thân nhân đến nghe xướng danh (1897).
Vì giá thuê bài để đỗ đến những 50$00 (thời giá một con bò 4$00). Đây là chỉ cốt cho anh có đủ quyển để hỏng là được, vì thí sinh mà làm bài không đủ quyển, các quan địa phương giới thiệu đi thi, có thể bị khiển trách. Còn phần tôi khi ở trong trường thi, thấy có thì giờ, bán một đoạn văn được 5$00. Khi ra trường, tôi lấy 5$00 ấy mua đồ đồng rồi nhờ anh bạn ấy mang về cho mẹ tôi. Bạn tôi được gọi là thí sinh đã quá mãn nguyện nên bước ra trường là lo sắm sửa, đợi ngày yết bảng trường Nhất, không cần coi bảng, vội về kẻo vợ trông…
(còn tiếp)
..............
(*)Võ Thái: người Thần Phù, Hương Thủy, Thừa Thiên. Cử nhân Bính Ngọ (Thành Thái 18, 1906). Đậu năm 39 tuổi. Làm Chưởng Ấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét