Gò nổi - Diện Bàn |
Ông Phan Nam, một trong những người con tộc Phan Bảo An, luôn dành tâm huyết cho tộc họ nói riêng và quê hương Bảo An, Điện Quang nói chung qua nhiều hoạt động, nghiên cứu, khảo luận có giá trị. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết từ năm 2003 của ông về vùng đất nổi tiếng giàu truyền thống này
Vùng đất Gò Nổi ngày nay gồm 3 xã: Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong. Thuở tổ tiên các dòng họ từ các tỉnh phía Bắc vào khai cơ lập nghiệp, dựng nên làng xã, nơi đây còn là rừng nguyên sinh hoang vu, cây cối rậm rạp, sinh sống nhiều loại dã thú. Những dòng họ đến trước, ghi lại trong các phổ hệ “…Điển địa phì nhiêu, thảo mộc tú mận, nhật tắc lâm trung trảm phạt, dạ thăng thượng mộc cao miên …” (Tạm dịch: Đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt, ban ngày vào rừng chặt phá, ban đêm lên cây cao ngủ). Mặc dù, vùng đất này chỉ cách kinh đô và thánh đại của người Chiêm một dòng sông. Dòng chảy của dọng sông, đến nay còn lưu lại vết trũng chạy dọc theo tỉnh lộ 104, đoạn từ Cầu Chìm đến Cù Bàn huyện Duy Xuyên.
Buổi đầu vào vùng đất mới khai cơ lập nghiệp, đất rộng, người không đông, khả năng khai phá lấn dần liên địa, liên canh, liên cư, diện tích khai phá được bao nhiêu, rộng hay hẹp, nhiều hay ít tuỳ theo lực lượng lao động, nguồn tài chính, đến sớm hay đến muộn, chọn địa thế chiếm đất. Sau khi hoàn thành công cuộc khai phá, đặt tên làng, xã. Dần dần xây dựng các công trình văn hoá, nhà ở, đường sá … Trải qua nhiều triều đại hưng phế, tên đất, tên làng nhiều lần thay đổi, xác nhập hay phân chia cho phù hợp với điều kiện chính trị của mỗi thời đại. Đền triều Bảo Đại, khu Gò Nổi có 30 làng gồm: Vân Ly, Tư Phú Đông, Tư Phú Tây, Phi Phú, Ân Phú, Xuân Đài, Bàn Lãnh châu, Bàn Lãnh xã, Đông Bàn châu, Đông Bàn xã, Trường Giang, Dinh Trận, Phương Trà, Cẩm Lậu, Phú Bông, Hà Mật, Thi Lai, An Trường thuộc huyện Điện Bàn và hai thôn thuộc huyện Duy Xuyên là Tiệm Rượu và Mỹ An.
Khu Gò Nổi ngày nay thuộc lưu vực sông Thu Bồn, phát nguyên từ nhiều nguồn: nguồn Chiên Đàn phía Tây Nam Tam Kỳ, nguồn Ô Gia phía Tây huyện Đại Lộc. Hai nguồn hợp lưu với nhau tại Giao Thuỷ, từ Giao Thuỷ dòng nước chảy về hướng Đông, gặp một cồn cát lớn, gần đầu làng Vân Ly. Dòng nước chia thành hai nhánh, một nhánh chảy ra phía bắc, một nhánh chảy qua phía nam là sông lớn. Dòng sống lớn chảy qua các làng ở phía nam dòng sông như: An Lâm, Cù Bàn, La Tháp, Thanh Châu, Thọ Xuyên, Chiêm Sơn, Trà Kiệu, Mỹ Xuyên (thuộc huyện Duy Xuyên), chảy tiếp theo hướng đông nam qua bến Dưỡng Chân phía bắc huyện Quế Sơn, chảy qua các làng An Lạc, Châu Trà, Nhiêu Đông, hợp lưu với sông Chợ Củi, đổ ra cửu Đại Chiêm. Dòng sông này có tên gọi sông Trước hay sông Bà Rén.
Thời gian dài, bởi tác động của con người và thiên nhiên làm xói lở bờ sông, đổi dòng chảy, chia cắt một số làng ở phía bắc dòng sông: Na Kham, Thạnh Mỹ, Phú Bông, Thi Lai. Dòng chảy đến Thi Lai, tách ra một nhánh chảy ra hướng bắc qua các làng Mỹ An, Tiệm Rượu, Câu Nhí. Nơi miệng sông này lại tách ra một nhánh chảy xuống hướng đông hoà vào sông Chợ Củi (nơi đây vốn là con sông có từ trước).
Đến niên hiệu Minh Mạng thứ ba (1822), nhà vua cho đào sông Câu Nhí đến Cẩm Sa, dài 850 trượng dựa theo đường thuỷ đạo cũ. Lòng sông cạn và hẹp, uốn khúc, quanh co, chỉ đi được thuyền nhỏ. Năm Minh Mạng thứ bảy (1826), nhà vua cho sửa sang lại, dời xuống 40 trượng, miệng sông rộng và sâu để đón nước ở sông Lớn (sông Trước). Sông Vĩnh Điện chảy về hướng bắc, đến làng Hoá Khuê Trung (Hoà Vang) hợp lưu với sông Cẩm Lệ, chảy ra cửa biển sông Hàn.
Sau thời gian hình thành sông Vĩnh Điện, thế nước sông Lớn (sông Trước) dồn về, dẫn đến mực nước ở sông này cạn dần. Ngược lại, nhánh sông chảy ra phía bắc đầu làng Văn Ly được dòng nước dồn về, tốc độ chảy lớn làm xói lở, chia cắt một số làng làm đôi: Văn Ly, Kỳ Lam, Bất Nhị, Câu Nhí, tiếp nối với sông Chợ Củi, nhân dân gọi khúc sông này là sông Sau, có câu ca dao để lại:
Ai đua sông Trước thì đua,
Sông Sau có miếu thờ vua xin đừng!
Dòng sông từ cửa Đại lên thượng nguồn gọi chung là sông Thu Bồn, nằm về phái bắc khu Gò Nổi. Ghe thuyền xuôi ngược đều qua sông này. Từ đó, dòng sông Trước (sông Bà Rén) khô, cạn dần, năm nào có lụt lớn nước mới chảy qua.
Những năm gần đây, giữa các xã nhận bàn giao cho nhau phần đất và dân cư liên địa để tiện việc quản lý
- Xã Điện Quang bàn giao cho xã Duy Châu (Duy Xuyên) phần đất thuộc thôn Na Kham và Thạnh Mỹ nằm bên kia sông Trước và bàn giao cho xã Điện Hồng phần đất ở thôn Văn Ly Bắc.
- Ngược lại xã Điện Quang nhận bàn giao của xã Điện Thọ phần đất và dân cư thôn Kỳ Lam ấp Nam (ở bờ nam sông Thu Bồn)
- Xã Điện Phong vẫn giữ phần đất và số dân cư bên bờ nam sông Trước, thành lập thôn Tây An và phần đất, dân cư ở bờ bắc sông Thu Bồn lập thành thôn Cẩm Đồng.
- Xã Điện An vẫn giữ phần đất nằm bên Gò Nổi tự cach tác.
- Thôn Tiệm Rượu và thôn Mỹ An quản lý hai xóm nằm ở đuôi Gò Nổi.
Qua khảo sát thực tế, nghiên cứu, phân tích các hiện tượng trên, có thể khẳng định: tổ tiên các dòng họ đến khai phá vùng đất này chỉ có một dòng sông nằm phía nam vùng đất. Về sau, do tác động của con người và thiên nhiên gây nên nhiều trận lụt lớn làm xói lở, phân dòng, đổi dòng, chia cắt một số làng nằm ở phía nam và phía đông vùng đất. Sau đó một thời gian, chia cắt thêm thêm một số làng ở phía bắc vùng đất, từ đó sông nước thông thương, bốn bề hình thành một gò đất lớn nổi lên, người đời đặt tên là Gò Nổi.
Tóm lại, địa danh khu Gò Nổi xuất hiện sau thời gian tổ tiên các dòng họ hoàn thành công cuộc khai phá, xây dựng xong làng xã, sinh con đẻ cháu kế tiếp đời thứ mười chín, hai mươi.
HOPHANBAOAN (Theo Phan Nam 2003 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét