Sông
Thu Bồn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ
ngọn núi Ngọc Linh ở chỗ giáp giới hai tỉnh Quảng Nam – Kon Tum (thuộc
huyện Duy Xuyên). Sông Thu Bồn như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của
mảnh đất Quảng Nam , len lỏi qua những vùng núi non hiểm trở mạn tây
Quảng Nam rồi đổ xuống các cánh đồng phì nhiêu.
Qua chặng đường dài hàng trăm cây số, khi ầm ầm băng qua các ghềnh
thác, khi thênh thang băng qua những đồng ruộng phì nhiêu, làng mạc trù
phú, khi ghé qua những vùng kỹ nghệ phát đạt, mỗi một đoạn sông biểu
hiện một dáng dấp riêng. Nhưng bất cứ ở đâu, Thu Bồn cũng là một dòng
sông hài hòa sự kết hợp giữa vẻ đẹp của thiên nhiên với sự phong phú của
cải được bàn tay và khối óc của người đất Quảng gây dựng.Từ Trà Mi,
dòng sông đổ về Tiên Phước. Phía dưới Tiên Phước có Thác Cả, nước đổ
trắng xóa như một dải thắt lưng lụa bạch trên nền áo xanh của rừng núi.
Nơi đây không gian tĩnh mịch, chỉ đôi khi mới có một đàn voi xuất hiện
lội qua sông, làm náo động dòng nước ào ào. Qua khỏi Trà Linh, sông lượn
mình giữa hai ngọn núi cao sừng sững như bức tường gọi là hòn Kẽm. Chân
núi hòn Kẽm có nhiều phiến đá trắng, trên đó còn lưu giữ những chữ cổ
Chiêm Thành. Đến Giao Thủy, sông Thu Bồn đón nhận nhánh sông Vu Gia từ
Hà Tân đổ về để cùng chảy về phía Nam, rồi chia làm hai nhánh bao bọc
lấy vùng Gò Nổi. Từ đó hai dòng chảy qua Chợ Củi, Câu Lâu và cuối cùng
hòa nhập để ra Cửa đại. Những vùng bãi bồi ở Duy Xuyên, Điện Bàn có sông
Thu Bồn chảy qua còn lưu giữ những câu chuyện nên thơ và cảm động.
Dân gian vẫn truyền nhau câu chuyện nàng thôn nữ Chiêm Sơn. Chúa thượng
Nguyễn Phước Lan lúc còn trẻ sống với cha là Thụy Quận Công đang trấn
thủ Quảng Nam, tại dinh trấn Thanh Chiêm. Vào một đêm trăng, công tử
Nguyễn Phước Lan cùng cha thả thuyền rong chơi trên dòng Thu Bồn. Giữa
đêm trăng thanh vắng bỗng có tiếng hát véo von từ một nương dâu vọng
lại. Thuyền rồng vội ghé đậu ở ghềnh điện Châu. Và dưới bãi dâu xanh
nhuộm ánh trăng vàng, Nguyễn Phước Lan - sau này là Chúa thượng, đã bàng
hoàng trước sắc đẹp của cô thôn nữ họ Đoàn, người huyện Tiên Phước,
thuộc phủ điện Bàn. Chúa cho rước về cung và cô hái dâu họ Đoàn bên dòng
sông Thu Bồn kia trở thành Hiếu Chiêu Hoàng hậu, mẹ của Thái Tôn Nguyễn
Phước Tần tức chúa Hiền. Hiện nay, ở Chiêm Sơn (Duy Xuyên), về phía Tây
Gò Cốc Hùng, còn có lăng Vĩnh Viễn, thờ bà Hiếu Chiêu hoàng hậu. Dòng
sông Thu Bồn cũng sâu sắc lắng đọng trong ký ức và tình cảm của nhiều
văn sĩ đất Quảng. Trong bài thơ "Từ vùng đất quê hương", nhà văn Nguyễn
Văn Bổng viết về dòng sông Thu Bồn: "Từ làng tôi đi Hội An thì buổi
chiều ra bến trên sông Thu Bồn, xuống đò. Tối, đò nhổ, rời bến, lúc
chống chèo, lúc căng buồm chạy phăng phăng trên mặt nước. Nửa đêm thức
giấc, chập chờn trong tiếng hò. Tiếng hò văng vẳng đâu sau lái đò mình;
ơi ới trên những chiếc khác cùng xuôi dòng sông, giọng nam nữ đối đáp
nhau vang vọng giữa trăng nước...Sáng hôm sau mở mắt, đò đã cắm sào bến
Hội An. Hai bên sông, bên này thị xã, bên kia Cẩm Phô, tiếng gà gáy.
Trên mặt nước và đường phố tiếng rao cháo hến, khoai Tiên đỏa, mì Quảng,
bánh mì mật nạm (sốt vang)". Con sông Thu Bồn có màu nước trong xanh,
có bãi dâu bạt ngàn, có núi Thạch Bích, có nhiều câu hò, câu hát.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), sông Thu Bồn là một ranh
giới: Hữu ngạn trở lên phía Tây là vùng tự do; tả ngạn về phía đông là
vùng tạm chiếm. Biết bao cuộc chiến đấu ác liệt chống thực dân Pháp và
xâm lược Mỹ đã diễn ra hai bên bờ và ngay cả trên sông này.Không kể bao
nhiên chiến sĩ cách mạng, bao nhiêu bộ đội, dân quân du kích, những
người dân thường yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại trên những mảnh đất gắn
bó với dòng sông. Những con người ấy trở nên bất tử. Còn dòng sông Thu
Bồn thì mãi mãi tươi đẹp, như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh
đất Quảng Nam .
Theo Tổng cục Du Lịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét