Người ta đang ước mơ khôi phục lại những biểu tượng cây mang giá trị lịch sử văn hoá quý giá này.Không biết vô tình hay chủ ý mà tên của vùng đất “thép” Củ Chi (TP.HCM) lại chính là tên một loại cây cực độc: củ chi – loại cây được cho là có nhiều strichnine, được xếp là độc bảng A, nhưng ở một liều nhất định có tác dụng trị đau nhức.
Củ Chi và loài cây độc
Nhiều người lớn tuổi ở huyện Củ Chi cho biết thực ra cây củ chi tên là cổ chi, gọi riết mà trại thành củ chi, giới khoa học còn gọi là cây mã tiền. Ngày xưa, đất Củ Chi tràn ngập cây cổ chi, nơi nào cũng có, mọc hoang dại, từ vườn ra ngõ. Nhưng đến nay, vùng đất này hầu như không còn thấy bóng cây cổ chi nữa. Ở xã Phú Hoà Đông còn lại bốn, năm cây. Chỉ vào cây cổ chi cổ thụ, đường kính khoảng 50 – 60cm, ông Tâm, người dân xã này kể: từ những năm 1967 tôi đã thấy nó là một cây to rồi, đường kính khoảng 40cm. Hồi đó bọn trẻ con như ông Tâm vẫn thường đi lượm hột cây về chơi, nhưng luôn nhớ lời người lớn “ăn vô là chết!” Những cây cổ thụ bóng mát này luôn có một vị trí tâm linh với bà con nơi đây. Ngày xưa, mỗi khi bếp lò hay bát cúng nhang, ảnh thờ các vị thần bị bể…, người dân trong xã đều không đem vứt bậy bạ mà bỏ dưới gốc cây này.
Đặc trưng của loài cây này là gỗ của nó không thông dụng, nhưng ông bà ta có kinh nghiệm cưa làm phản nằm trị đau lưng. Vỏ cây đâm lấy nước uống là chết. Ăn phải hột của nó cũng chết. Gỗ cây làm củi nấu cơm cũng khiến người ta say vì ngộ độc khói. Độc vậy, nhưng hạt, vỏ, rễ cây cổ chi trị bệnh rất hay trong những bài thuốc dân gian. “Ngay thời chiến tranh, bộ đội ta vẫn thường lấy nó ngâm với rượu để bóp cho chân tay rắn chắc, khi nhức mỏi, trị đau nhức xương, khớp, phong thấp…”, ông Tâm nói. Ông Tâm bảo thêm, cây đó hay lắm, ra trái vào mùa khô, rồi rụng ngay vào mùa mưa, độ ẩm của đất sẽ giúp hột cây bung mầm, cứ 1.000 hột sẽ mọc được 5 – 7 cây. Về sau, khi đời sống người dân Củ Chi khá lên, điện đã có, nước không còn ngặt nghèo, rồi đất đai bị phân hoá, ruộng vườn chia ra manh mún, không còn rộng như xưa thì người ta chặt bỏ hết những cây không có giá trị kinh tế như cổ chi.
Hiện nay, huyện Củ Chi đã chủ động khôi phục lại cây củ chi bằng trồng khoảng 50 cây này tại rừng di tích Bến Đình. Cây trồng đã 10 năm nhưng đường kính chỉ khoảng 15cm, còn ở giai đoạn chậm lớn. |
Sách sử viết lại: Sài Gòn xưa là rừng, đến giữa thế kỷ 20 vẫn còn nhiều vết tích. Đến tận bây giờ trong tâm trí người Sài Gòn còn tồn tại những địa danh mang tên các loài cây như cây vấp (Gò Vấp), cây củ chi (huyện Củ Chi),
cây sanh (cùng loài với cây si – Ngã ba hàng Sanh gọi riết thành ...ngã tư Hàng Xanh)
Cây vấp nhiều hoa tại Thảo cầm viên |
Kể lại gần đây ở đại lộ Đông Tây có một cây gòn cổ thụ, là một biểu tượng cho tên Sài Gòn, nhưng để làm công trình này, người ta đã chặt mất, bà Điệp ngậm ngùi: “để trồng lại được những cây cổ thụ biểu tượng cho một vùng không hề đơn giản, có khi phải mất cả mấy trăm năm. Và con cháu đời sau thì rất cần những lưu lại giá trị văn hoá lịch sử như vậy!
Lê Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét