Mấy
năm trước đây, tôi có đọc một đặc san Đất Quảng viết về Danh nhân xứ
Quảng, có tên Ông Phạm nhữ Tăng. Một dòng ngắn giới thiệu ông là một
công thần khai quốc. Vậy tôi xin viết về ông với một số chi tiết dựa
trên gia phả giòng Họ Phạm ở xã Phú Hương quận Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Ông Phạm nhữ Tăng không những có công mở mang bờ cõi, mà còn liên hệ đến
sự khai sinh vùng đất Quảng Nam Đà Nẳng của chúng ta ngày nay. Xin cống
hiến qúy bạn đọc bài viết về Ông Phạm nhữ Tăng và cuộc Bình Chiêm Nam
Tiến.
Nghĩa Sĩ Uẫn Mưu Cơ, Hiệp Lực Nhất Tâm Bình Chiêm Quốc
Miếu Đài Khai Tráng Lệ, Hương Hồn Thiên Cổ Hiển Nam Bang.
Xin tạm dịch:
Nghĩa sĩ đủ cơ mưu, chí cả một lòng bình nước Chiêm
Miếu đài xây tráng lệ, hồn thiêng muôn thuở rạng trời Nam.
Đây là câu điếu văn của vua Lê Thánh Tông tặng, được khắc trên bia mộ
ông Phạm nhữ Tăng (1479.) Nhà vua đã thân hành đến ngự linh cữu ông khi
được đưa về an táng tại xứ Bàu Sanh, làng Hương Quế, nay thuộc xã Quế
Phú huyện Quế sơn tỉnh Quãng Nam.
Ông Phạm nhữ Tăng sinh vào năm 1421, con của ông Phạm nhữ Dự. Ông Phạm
nhữ Dự có công giúp vua Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, được phong Cáo Thọ
Tập Phước Hầu, lệnh lưu trấn Thăng Ba phủ. Ông Phạm nhữ Dự bị bịnh mất,
hưởng thọ 82 tuổi. Vua Lê Thái Tổ ai vãn câu đối sau đây:
Thiên điạ thử gian hoàn cựu vật
Giang sơn chung cổ biểu tiền công
Xin tạm dịch:
Trời đất thuở này hoàn vật cũ
Nước non muôn thuở rạng công xưa.
Vào năm Ất Sửu đời vua Nhân Tông niên hiệu Đại Hòa năm thứ ba (1445)
ông Phạm nhữ Tăng thi đỗ đệ nhị Điện Hoằng Từ Khoa, được phong làm Thái
Bảo, kiêm Tri Quân Dân Chính Sự Vụ.
Đến năm vua Quang Thuận thứ bảy, (1467) được ban sắc tặng Ông làm Phụ
Chánh Tham Tướng Phủ, Quãng Dương Hầu, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự.
Đời Hồng Đức thứ 2, mùa xuân năm Tân Tỵ, (1471) vua Lê Thánh Tông hạ
chiếu đình thần, nghị luận việc khai thác biên cương và Di Dân Nam Tiến.
Vua hạ sắc phong Ông Phạm nhữ Tăng làm Trung Quân Đô Thống, lãnh ấn
Tiên Phong, Thự Đỗng Nhung, Chưởng Thập Đạo Tinh Binh Tiết Chế Thủy Lục
Quân. Vua ban Ngự tửu và gắn Hàn Lâm Viện Học sĩ chương. Ngài dẫn đạo
tiền phong, phát pháo hưng binh, mở thành môn thượng đại kỳ (Cờ vuông
trong đỏ, ngoài viền vàng, có thêu bốn chữ “ BÌNH CHIÊM HƯNG QUỐC” ) Và
vua Lê thánh Tông ngự giá hậu tập.
Đại binh (hơn 20 vạn,) vào đến Thuận Hóa, dừng lại luyện tập rồi mới tiến quân vào Chiêm Động và Cổ Lũy. Nguyên văn sắc phong,
ĐIỆN TIỀN SẮC HẠ
Chiếu Dụ chỉ sở, báo đạo các khoản:
Những
tiên Chiêm Thành dử ngã quốc kỳ hiệp bang giao hữu đặt Sứ thần, y quốc
thường niên cống nhập thỉnh sự cầu hòa. Hiện kim, Chiêm Thành phãn
nghịch, hành quân loạn động. Vu Thập Nhị Thừa Tuyên Công thần Phạm nhữ
Tăng tuân lệnh. Nguyên Cai Phụ Chánh Tham tướng sự, Quảng Dương Hầu
“THẦN” văn võ toàn tài, thông bửu chiếu chỉ “THẦN” tuân lệnh. Lãnh Trung
Quân Đô Thống Thự Đổng Nhung lãnh ấn tiên phong, chưởng thập đạo tinh
binh, chế thủy bộ lục bị quân trang tự Thuận hóa Thừa tuyên chỉ nam
Chiêm Thành Nam hoa, Cổ Lũy địa, trừ nghịch lộ tảo tán quân Chiêm loạn.
“KHANH” tận kỳ trung báo quốc, tận kỳ nghĩa sự quân, hà hữu công tắt
thưởng, hà hữu tội tắt trừng.
Xin tạm dịch
Lệnh vua ban ra, gồm các khoản:
Những năm trước đây, nước Chiêm Thành đã có bang giao với nước ta, và
đặt Sứ thần, hàng năm có triều cống giãng hòa. Bây giờ, nước Chiêm Thành
phãn nghịch, đánh phá nhiều nơi. Nay công thần Phạm nhữ Tăng đang tại
chức Phụ Chánh Tham Tướng Phủ, tước là Quảng Dương Hầu; “Ngươi” văn hay
võ giỏi, hãy nhận lệnh nhậm chức Trung Quân Đô Thống Thự Đỗng Nhung, dẫn
đầu 10 đạo quân tinh nhuệ. Lệnh lãnh đạo tất cả hải lục quân và hãy lo
trang bị quân trang quân dụng, từ Thuận Hóa (Thanh Hóa) trực chỉ hướng
Nam vào đất Cổ Lũy của Chiêm Thành, tiêu diệt quân Chiêm phãn loạn. Nhà
Ngươi phải hết lòng vì nước, hết tình vì quân. Nếu có công được thưởng,
nếu có tội ắt bị phạt.
THÁNH MẠNG ĐIỆN CHIẾU
Thần, Phạm nhữ Tăng tuân mạng lệnh
Hồng Đức nhị niên, tam nguyệt, thập bát nhựt
(Hồng Đức năm thứ hai, tháng ba, ngày mười tám)
ĐẠI ẤN: Chế Mạng Chi Bửu.
Ông lãnh ấn tiên phong, dẫn quân vào Chiêm Động (Quảng Nam, Thăng Bình
ngày nay), Cổ Lũy (Quảng Nghĩa) và nhà vua ngự giá thân chinh. Quân nhà
Lê tiến vào cửa Thị Nại (CRIBANOY) vây hạ thành Đồ Bàn, bắt sống Chiêm
chúa là Trà Toàn. Tướng Chiêm Thành là Bồ Trì Trì, chạy vào Phan Lung
(PANDURANGA) xưng Chúa, và dâng sớ lên triều đình ta, xin cống hiến. Lấy
xong thành Đồ bàn, vua hạ lệnh tiếp tục di dân từ Thanh, Nghệ Tĩnh vào
Nam cho đến sông Phan Rang.
Sau khi chiếm được thành Đồ Bàn, vua trú lại Quãng Nam thừa tuyên, để
thiết lập Quãng Nam Đô Thống Phủ, ngay tại thành Đồ Bàn (thành Bình
Định)
Thừa phụng chỉ, Ông Phạm nhữ Tăng lưu trấn tại thành Đồ Bàn, dựng lên
nền hành chánh và chia từ đèo Hải vân trở vào làm sáu phủ: Thăng Ba, Tư
Nghĩa, Hoài Nhơn, Phú An, Thái Ninh và Hàm Thuận hoàn toàn trực thuộc
Quãng Nam Thừa Tuyên.
BỘ MÁY CAI TRỊ
Ông đặt ra các phòng sở để cai trị từ hành chánh đến quân sự gồm có:
Thừa chánh sử ty: do Ngự sử xem xét về việc hành chính. Viện Hiến sát sử ty: coi việc hình sự (an ninh). Đô tổng binh sử ty: coi
việc binh lính. Chức chưởng các cơ quan đều được quy định rõ ràng. Ông
chiêu mộ nhân dân khai thác Thăng ba phủ, lập xã Hương Lư (nay thuộc
huyện Thăng Bình) và bắt đầu khai địa tịch (sổ ruộng đất) ở Ngũ Hương.
Ngũ Hương tức 5 làng gồm có: Hương Quế, Hương Lộc, Hương An, Hương Yên,
và Hương Lư...(Nay thuộc xã Quế Phú huyện Quế sơn Quãng Nam) Ông Phạm
nhữ Tăng lưu trấn ở thành Đồ Bàn sáu năm. Mùa xuân năm Hồng đức 8 (1478)
ông bị bịnh và từ trần ngày 21 tháng 2 đời Hồng đức thứ 8, hưởng thọ 57
tuổi.
Khi hay tin ông bị bệnh, vua Thánh tông đã cho Thái y đến nơi chăm lo
thuốc thang, nhưng bệnh mỗi ngày thêm trầm trọng đến giờ tuất thì từ
trần.
Quân tốc báo về triều, vua Hồng Đức lấy làm thương tiếc, bèn hạ chiếu chỉ rằng:
“Công
thần khai quốc, tịch sự tam triều huân vọng, vị triều đình ỷ trọng, xã
tắc an nguy, tại “KHANH” số nhơn kiệt nãi, tâm lực kỳ dư vu trị, chí
nhựt thọ bệnh nhi chung. “TRẪM” tại bá kỳ phi tâm hoảng ốc. “KHANH” đẳng
thời quyền đới nghĩa khí vu tư, vị cập thù công kịch đương dĩ quốc vi
niệm,” TRẪM” sở thâm vọng chi tình “KHANH” cự thượng giả trung đặc thân
giả chánh, đàn tịch tả hửu vu tư, lục niên ái quốc chi trung, tử nhi hậu
dĩ”
Xin tạm dịch,
Là một người có công mở mang bờ cõi, phục vụ ba triều, đã vì triều đình
coi trọng, vì đất nước an nguy, nhà Ngươi số sống đã tận, sức cùng
không chửa được, thọ bệnh mà chết. Ta đây tâm lòng không yên. Ngươi khi
sống vì nghĩa mà vô tư, vì nước mà ra sức. Ta đối với Ngươi tình rất
nặng tình, sáu năm vì yêu nước mến vua, nếm mật nằm gai, con cháu ngày
sau thừa hưởng.
Di hài của Ông được khâm liệm, và mộ Ông được an táng tại Trường Xà
Thành, nay thuộc quận An nhơn, cách thành Bình Định 6 km về phía tây.
Vua hạ chiếu đặt bàn thọ chế 21 ngày. Sáu tháng sau, nhà vua sai Thái lý
về quê quán ở làng Hương Quế, tìm huyệt để làm lễ đại táng. Địa lý tìm
được huyệt tốt tại xứ Bàu Sanh làng Hương Quế, bèn lập sớ dâng lên vua.
Huyệt ấy gọi là “Lục Long Tranh Châu” có tiền án hậu chẫm, có tả Thanh
long, hữu Bạch hỗ, và phía trước có Minh đường thủy tụ. Vua y cho, và
giáng chiếu cho lục bộ quan viên vào Trường Xà Thành khai quật hài cốt
lên đại liệm vào hòm sành, và sắp đặt việc cử hành lễ di quan về quê.
Nhà vua ngự vào tận huyệt coi việc trị táng. Ngài cũng cho thợ xây lăng
mộ và trích trí khuê điền một mẫu bảy sào giao hồi xã dân phụng tự. Đức
vua gia phong là Hoằng Túc Trợ Võ Oai, Đặc Tấn Phụ Quốc, Quảng Dương
Hầu, Phạm quý Công Đại Phu.
NGUYÊN VĂN SẮC PHONG
NGỰ TIỀN THÔNG BỬU SẮC PHONG
Cai tá vạn Lê Triều Phụ Chánh Tham Tướng Phủ Dực Bảo Trung Hưng Phạm Nhữ Tăng
PHỤNG THÁNH CHỈ
Trung quân Đô Thống lãnh ấn tiên phong, thự Đỗng Nhung chưởng thập đạo
tinh binh thủy lục bộ thiết bị quân trang, bình Chiêm phản loạn đoạt Đồ
Bàn thành. Di dân chí Thái Ninh Hàm Thuận. Hiện kim, thập tam thừa tuyên
công, Thần hữu công đức tài bồi sáng nghiệp, khai thác biên thùy. Thần
Quý Công thệ thế, điện tiền ái mộ, quân thần tận nghĩa vị quốc tận
trung, hoàn thành nghĩa vụ.
BAN LIÊM NGHĨA SĨ.
TRIỀU NGHỊ GIA PHONG:
Hoằng Túc Trợ Võ Oai, Đặc Tấn Phụ Quốc, Quảng Dương Hầu, Phạm Quý Công
Đại Phu.Khâm phong Sắc thần sách Minh Bửu. Hồng Đức, bát niên, ngũ
nguyệt sơ lục nhựt.
ĐẠI ẤN: Chế Mạng Chi Bửu.
Với tổ quốc Việt Nam, ông Phạm nhữ Tăng là một vị công thần. Là con
cháu chúng tôi lấy làm hãnh diện, nhưng nhìn lại về mặt lương tâm, ôi
Chiêm Quốc nay còn đâu? Một dân tộc có văn hóa, có lịch sử đã để lại
biết bao nhiêu kỳ quan. Chúng ta hãy bình tâm mà suy gẫm, đâu có phải là
ít. Những cái tháp Chàm ngày đêm đang buồn rầu ủ rủ, khóc thương từng
viên gạch, trên gò vắng Bằng An, hay thung lũng Mỹ Sơn. Một số khác xiêu
vẹo đổ nát, gãy đứt oằn oại trong rừng núi với 300,000 người sống rải
rác ở miền Trung nước Việt? Trước cảnh bể dâu ấy, ai mà không ngậm ngùi
cho người dân Chiêm quốc. Nhiều khi nghe những khúc hát của dân Chiêm,
như ai oán như tủi hờn, như trách móc còn văng vẳng đâu đây...
Rừng hoang vu! (Hận Đồ Bàn)
........
Ngàn muôn tiếng âm
Tháng, năm buồn ngân...
Âm thầm hòa bài, hận vong quốc ca.
Người xưa đâu?
Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu.
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.
Đồ Bàn miền Trung đường về đây...
Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm...khó tan....
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp!
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga...
Vượt khơi
Về kinh đô
............
Đồ Bàn miền Trung đường về đây...
Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm...khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp !
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga...
Người xưa đâu ?
hay,
Vua tôi dân Việt tươi cười,
Người Chiêm vong quốc, khổ đời nào khuây....?
Phạm đào Nguyên biên soạn (Những phần tạm dịch, thật không mấy suông, xin qúy vị miễn chấp cho )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét