Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Người Quảng không chỉ biết cãi

Dạo nọ, đọc bài viết của một vị tiến sĩ về đất “địa linh nhân kiệt” xuất hiện trên một tờ báo Việt tại Sydney (Australia), trong tôi chợt nảy sinh ý tưởng nghi ngờ về cách dùng “địa linh nhân kiệt”. Thành ngữ “địa linh nhân kiệt” (ĐLNK), dĩ nhiên, đến với tôi từ thời niên thiếu qua nhiều cách truyền... tụng nhau. Và, càng dĩ nhiên hơn, sự ám chỉ về đất ĐLNK là sự ám chỉ đã thành quy ước. Không phải ngẫu nhiên, Quảng Nam – Đà Nẵng trở thành hiện tượng của phong trào ca tụng. Nhưng bài viết của vị tiến sĩ nọ lại viết về Phú Yên nên buộc tôi phải suy nghĩ ít nhiều về lối dùng của thành ngữ trên.

Trong bài viết của mình, vị tiến sĩ chủ yếu trình bày về “phong thuỷ”, tức vị trí địa lí, địa hình của Phú Yên hơn là nói về những thành quả mà người dân Phú Yên đạt được. Nhưng ít nhiều, cách đặt đầu đề của ông đã làm cho tôi băn khoăn. Người Quảng Nam, vốn hay cãi, tự phong cho mình cái niềm tự hào trên, tức ĐLNK, thì người Phú Yên có quyền nhìn nhận quê hương của họ cũng địa linh nhân kiệt như ai, miễn là lịch sử cũng như hiện tại chứng minh được điều đó. Và, cứ như thế, bất cứ địa phương nào, tỉnh lỵ nào, phố quận nào cũng có quyền “claim” điều đó, miễn là phải thoả mãn những điều kiện cần và đủ để trở thành quê hương của ĐLNK. Từ đó, nói rộng ra, bất cứ người Việt nào cũng đều có quyền ca ngợi cái hình cong chữ S là đất ĐLNK miễn là cái hình cong chữ S hiện giờ sản sinh ra nhiều nhân kiệt so với thế giới.

Như thế nào là đất ĐLNK? Định nghĩa đó hoàn toàn vượt quá tầm suy nghĩ của tôi. Là người thuộc gốc Quảng nên tôi chỉ dám bàn về vấn đề nội bộ của đồng hương xứ Quảng thôi.

Hồi nhỏ, mỗi khi trường trung học phổ thông Nguyễn Duy Hiệu ở thị trấn Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn) có học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi văn cấp tỉnh, thì tôi lại chứng kiến cảnh người ta khâm phục theo kiểu lấy lệ: “đất địa linh nhân kiệt mà” hoặc thì “đất ngũ phụng mà”. Tự nhiên trong người tôi nổi máu ... ganh tị. Bởi tôi không phải là người Điện Bàn. Mà lúc đó, tôi cũng chả biết gì về Ngũ Phụng Tề Phi cả. Khi nghe người ta khen lấy khen để kiểu lợi dụng “Ngũ Phụng” ấy làm tôi đâm buồn cho cái vùng “khỉ ho cò gáy” như huyện tôi. Rồi có một dịp nọ, tôi lan man cỡi mây lạc vào website xứ Quảng, tôi thực sự hiểu được cách dùng ấy. Phần đông trong năm ông “Phụng” đỗ cùng kì năm nọ là các ông thuộc thần dân của xứ Gò Nổi (Điện Bàn). Nếu xét về nơi sinh quán, đất Điện Bàn là đất của Ngũ Phụng Tề Phi. Âu cách so sánh trên chẳng có gì là lạ. Tuy nhiên, có lẽ dân Quế Sơn không chịu cho không ông TS Phan Quang đâu. Người Quế Sơn có thể lý luận rằng TS Phan Quang sinh sống tại cái nơi “chó ăn đá gà ăn muối” này nên ông thuộc về Quế Sơn. Người Quảng Nam biết cãi thì người Quế Sơn cũng biết cãi chứ.

Từ đâu mà gọi là đất ĐLNK? Thật khó có một câu trả lời thoả đáng. Người ta giải thích địa linh vì đất Quảng Nam nằm giữa hai miền của đất nước. Lại đem hình ảnh năm hòn núi Ngũ Hành là một sự hình thành rất đặc biệt của tạo hoá để khẳng định thêm thuyết địa linh đó. Ngũ Hành Sơn là kết quả trung bình số của núi Ba Vì ở miền Bắc cộng với núi Thất Sơn ở miền Nam. Rồi non sông cẩm tú, vị trí địa lí, địa hình gì đó cũng được đem vào cho thuyết địa linh thêm phần thuyết phục.

Về vế nhân kiệt, thì ôi thôi, người Quảng cố gắng trưng ra cho mình những hình ảnh có tầm ảnh hưởng rất lớn trong lòng người Việt. Đó là những vị anh hùng dân tộc như Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm hay những chí sĩ, những nhà cách mạng can trường như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Tiểu La Nguyễn Thành, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi, Nguyễn Tường Tam... trong thời kì phong kiến và thời kì kháng Pháp. Về văn hoá văn học thì yếu tố Ngũ Phụng đóng vai trò chính cho việc ca tụng đội ngũ nhân kiệt. Những gương mặt trên đáng để cho người đời khâm phục, do đó, nói họ là nhân kiệt thì cũng không quá đáng lắm. Đó chỉ là chuyện thuộc về lịch sử. Liệu bây giờ, cái danh hiệu đất ĐLNK có còn để người đời nể nang, khâm phục?

Chúng ta thử điểm qua vài nhân vật tiêu biểu cho xứ Quảng ngày nay để xem sao.

Trong bài “Một số tên tuổi gốc Quảng Nam đang hoạt động văn học sau 1975 tại hải ngoại” đăng trong tập san Quảng Đà do Sông Thu xuất bản, Phan Xuân Sinh có trích câu nói của người xưa “Đất Quảng Nam nhân tài mọc nhiều quá nên lúa mọc không nổi”. Đáng nổi bật trong rừng “nhân tài” đó có nhà phê bình trẻ tuổi Nguyễn Hưng Quốc. Nguyễn Hưng Quốc trở thành một hiện tượng qua lăng kính của những người (dám chắc là của người dân gốc Quảng lắm) khâm phục tài năng của ông. Từ đó, Phan Xuân Sinh đưa ra một kết luận “có một điều lạ là người Quảng chúng ta, có một sự ngẫu nhiên mà trùng hợp kỳ lạ là cứ một chu kỳ 30 năm lại xuất hiện một nhà phê bình văn học lỗi lạc. Trong thập niên 30, chúng ta có Phan Khôi làm mưa làm gió trên văn đàn thuở ấy, được người đời mệnh danh là Ngự Sử của văn đàn. Thập niên 60, chúng ta có Đặng Tiến, lẫy lừng trong văn đàn của miền Nam và thập niên 90 tới nay tại hải ngoại, chúng ta có Nguyễn Hưng Quốc, xuất sắc trên văn đàn hải ngoại” Rồi có lẽ nhà văn Phan Xuân Sinh muốn dự đoán thêm chu kỳ 30 năm tới bằng câu văn kế tiếp. “Về nhà văn trẻ tuổi nổi tiếng chúng ta có Hoàng Nga ở Đức, người được nhà văn Võ Phiến hết lời ca tụng”. Tuy nhiên, cái chu kỳ để xuất hiện một nhà phê bình nổi đình nổi đám thì dám lắm có một Nguyễn Hoàng Văn, còn có bút hiệu khác là Thuận Văn, mà theo nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc khi viết lời tựa cho cuốn sách của anh Văn hoá, Giới tính và Văn học là “Vâng, với các nhà văn khác thì việc “mất trinh” nhiều lần quả là chẳng sao cả. Nhưng với riêng Nguyễn Hoàng Văn thì cách viết như thế lại có ý nghĩa lớn: nó tạo cho anh một phong cách riêng, một phong cách... thông minh tinh quái”. Với đà này, 30 năm sau, Nguyễn Hoàng Văn chẳng thua một Võ Phiến, một Phạm Thị Hoài. Nhưng điều đó thuộc thì tương lai. Chỉ có Nguyễn Hoàng Văn mới khẳng định được mình. Không ai khác ngoài anh.

Trở lại hiện tượng Nguyễn Hưng Quốc, trong cuốn 30 năm văn học nghệ thuật của người Việt ở Úc, Ngô Lâm viết “... qua ngòi bút sắc bén của nhà phê bình văn học dưới 50 tuổi, hiếm có và chưa có từ sau nhà phê bình Vũ Ngọc Phan (từ 1945 ... đến nay) đọc sách của Nguyễn Hưng Quốc sẽ thích thú lắm”, thì quả thật ông Ngô Lâm đã nói trúng ý người Quảng rồi. Cũng may ông Ngô Lâm là người Vĩnh Long. Nếu không, tôi e rằng nhận định của nhà văn gốc Quảng Phan Xuân Sinh có phần nhuận sắc lắm.

Coi bộ, qua cách nhìn nhận của Phan Xuân Sinh, cũng như qua nhận định của Ngô Lâm, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đáng làm đại diện cho xứ Quảng trong địa hạt văn đàn từ sau 1945 đến nay, mặc dù rằng những tên tuổi như Nguyễn Tuân, Võ Phiến ... đã ngự trị trong lòng độc giả bình dân cho đến những nhà phê bình kì cựu. Đó là không nói đến các học giả danh tiếng khác như Nguyễn Hiến Lê, Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Việt...

Nếu nói về địa hạt văn học, người xứ Quảng có thể tự hào về Bùi Giáng xuất sắc đa tài. Sau nhà văn Duyên Anh (người Bắc) chuyên trị thị hiếu của độc giả mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh của xứ Quảng thực sự quyến rũ được độc giả mọi lứa tuổi, từ nhí tới già. Có người bĩu môi, văn của Nguyễn Nhật Ánh thường thôi, không đáng để bàn. Hỏi thử mấy ai “làm được chuyện bình thường một cách phi thường” như thế không? Nếu làm không được thì không thể phủ nhận công khó và thành công của nhà văn trong địa hạt thiếu nhi của mình.

Nhân kiệt mọc nhiều (nếu có chăng) nhưng nổi bật thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay vài người. Những địa phương khác cũng có đại diện xuất sắc, chẳng hạn như một Nguyễn Mộng Giác với nhiều trường thiên trong đó có Sông Côn mùa lũ. Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương với nhiều truyện được dịch ra tiếng nước ngoài. Hay, ít ra cũng là một Kiên Nguyễn (Nha Trang) với The Unwanted, có thời là một best seller trên thị trường nước Mỹ. Về chất lượng văn học, thi nhân, văn sĩ mọc nhiều nhưng có tiếng như Xuân Diệu, như Hàn Mặc Tử thì lại quá hiếm. Tuy thế, cứ tạm xem vế “nhân kiệt” trong lĩnh vực này là ổn đi mặc dù hai chữ “nhân tài” và “nhân kiệt” có ý nghĩa ít nhiều khác nhau. Và “nhân tài” không có nghĩa là viết nhiều, được lăng xê lên báo thường xuyên.

Đã gọi là đất ĐLNK thì phải chứng minh sao cho cái vế sau là phải có nhiều nhân tài kiệt xuất, nổi trội hơn các vùng khác. Còn nếu cũng xoàng xoàng như ai thì nên tránh lạm dụng những thành ngữ như vậy để tiền nhân khỏi mắc cỡ.

Và nhân kiệt, hay là nhân tài kiệt xuất phải xuất hiện ở nhiều lãnh vực chứ không thể vin vào địa hạt văn học rồi ca rồi tụng. Nghe hơi kỳ.

Nhân kiệt ít ra phải là một nhân tài kiệt xuất: hoặc là một người đi tiên phong, hoặc là một người đầu đàn, hoặc là một người thành công mang tính nổi bật trong một lĩnh vực nào đó, không nhất thiết trên địa hạt văn đàn hay thi đàn. Càng tốt hơn, nhân tài kiệt xuất đó chứng minh khả năng tiền phong, đầu đàn, hay thành công nổi bật của mình một cách liên tục thì danh xưng nhân kiệt mới xứng đáng.

Nếu vịn vào cái nấc thang văn chương, người Quảng không đến nỗi hổ thẹn. Nhưng khi len lén nhìn qua các địa hạt khác, người Quảng cũng nên tự xét lại mình hơn.

Thử xem một lãnh vực có hơi hướng của văn học nghệ thuật là lãnh vực âm nhạc. Trong số các nhạc sĩ tài ba của đất nước, có thể công nhận nổi tiếng nhất trong giới bình dân cũng như giới phê bình âm nhạc là Tam Đại Lão Gia: Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Tiếc thay ba ông kia chả có ông nào chịu nhận mình là người xứ Quảng. Sự nổi tiếng của La Hối chỉ là một đóng góp khiêm tốn trong giới sáng tác mà thôi.

Nói đến âm nhạc thì phải nói đến các nhà nhạc học. Hiện nay, nước ta có một vài vị thực sự nổi bật, không chỉ được biết đến ở trong nước, lan rộng hơn là tầm ảnh hưởng của họ dưới con mắt của các bạn đồng nghiệp nước ngoài. Đó chính là GS Trần Văn Khê và con của ông, TS Trần Quang Hải. Hai ông này chẳng phải là dân Quảng Nam. Nói đến nhạc thì nên nhắc luôn đến người chơi nhạc. Đặng Thái Sơn tài năng có một cuộc đời đáng dựng nên một cuốn phim hấp dẫn. Là cậu học trò nhỏ thiên bẩm trong từng ngón tay, Đặng Thái Sơn xuất thân từ một gia đình nghèo ở miền Bắc nhưng nổi tiếng khắp thế giới.

Cũng được quốc tế biết đến, có điều dấu ấn của họ để lại trên địa hạt mang tính tượng hình hơn. Trần Cao Lĩnh và Nguyễn Cao Đàm đã gây sóng gió ở các phòng triển lãm ảnh quốc tế. Họ mang về cho đất Việt biết bao vinh dự qua các huy chương vàng óng ánh. Họ chôn nhau cắt rốn ở đất Bắc giá lạnh. Vẫn thuộc lãnh vực tượng hình, nhưng Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái và Tô Ngọc Vân được thế giới khâm phục qua đôi tay tài hoa. Các đôi tay vàng tạo nên nhiều bức tranh để đời này chưa hẳn là người Quảng. Một Vũ Hối xứ Quảng có tên trong 5000 danh nhân thế giới khó có thể bảo vệ danh xưng nhân kiệt cho đất địa linh được. Cần phải có nhiều Vũ Hối như vậy, và tốt hơn, phải có tầm cỡ hơn Nguyễn Gia Trí. Lúc đó danh xưng ĐLNK chẳng ai dám bàn cãi.

Nói đến tính quốc tế và sự nổi bật của người Việt cần phải nói đến các nhà toán học. Hiện giờ, ngoài cuộc chiến Việt Nam gây ra biết bao đau thương cho người Việt và đất Việt, thế giới còn biết đến khả năng thông minh của người Việt thể hiện thế mạnh của mình trong toán học. Họ là những người rất giỏi được biết đến trong quá khứ cũng như ở hiện tại. Hãy thử lấy tiêu chuẩn các kì thi quốc tế để xem xét như IMO (Interational Mathematical Olympiad) chẳng hạn. Nổi tiếng một thời là Lê Bá Khánh Trình (người gốc Huế?). Sở dĩ Lê Bá Khánh Trình nổi tiếng vì anh là người đầu tiên (năm 1979) đạt huy chương vàng của nước Việt (sau 1975? ). Trong số họ còn có Lê Tự Quốc Thắng (gold medal in 1982), Nguyễn Tiến Dũng (gold medal in 1985). Nổi bật nhất là Ngô Bảo Châu người gốc Hà Nội với hai huy chương vàng liên tục cho hai năm 1988 và 1989. Năm 1988, Ngô Bảo Châu là học sinh lớp 11 nhưng đánh bại các đàn anh khác trên thế giới. Ngô Bảo Châu đạt điểm khá cao 40/42 mà một số người gọi là perfect score. Sự thành công của Ngô Bảo Châu còn thể hiện qua sáu giải thưởng Clay cho sáu năm liên tục. Xét trên bình diện nổi bật nhất và tính liên tục của sự thành công thì sau này Lê Bá Khánh Trình không có các công trình nghiên cứu cũng như đóng góp đáng kể (đối với giới toán học) bằng các vị kể trên. Họ vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới, là giáo sư nhiều trường đại học danh tiếng. Trong khi đó, Lê Bá Khánh Trình co ro trong vỏ ốc Việt Nam nên tài năng của vị TS này không phát huy được dầu anh giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp TPHCM.

Thế hệ trẻ sau này chẳng thua kém các bậc đàn anh, thi nhau đem về cho Việt Nam nhiều huy chương vàng, góp phần tăng thêm độ dày của bộ sưu tập huy chương vàng Olympic toán quốc tế. Do Quoc Anh (Đỗ Quốc Anh?), Vu Viet Anh (Vũ Việt Anh?) và Vu Ngoc Minh (Vũ Ngọc Minh?) mỗi người giành được một gold medal theo thứ tự cho các năm 1997, 1998 và 2001. Có hai năm Việt Nam bội thu huy chương vàng. Le Thai Hoang (Lê Thái Hoàng?), Do Quang Yen (Đỗ Quang Yên?) và Bui Manh Hung (Bùi Mạnh Hùng?) là những gold Olympians của năm 1999. Riêng năm 2004, người viết không có thông tin về tên tuổi các gold Olympians nhưng ít nhất có 4 gold medals sáng rực. Năm 1995, Việt Nam đạt được hai huy chương vàng. Tuy ít về lượng, nhưng nhiều về chất. Dao Hai Long (Đào Hải Long?) đạt điểm 40/42. Và Ngo Dac Tuan (Ngô Đắc Tuấn?) xứng đáng ghi tên trong danh sách perfect score khi anh đạt điểm tối đa 42/42. Sau đó một năm (1996), chính anh lại lần nữa đưa tay với một gold medal khác tuy rằng điểm số thấp hơn (37/42). Một perfect score khác đáng được nhắc đến là Do Quoc Anh (in 1997) có số điểm 42/42. Dĩ nhiên danh sách gold Olympians này còn nhiều. Trên đây là danh sách đại diện chính thức cho đất Việt. Không biết, có bao nhiêu con Lạc cháu Hồng sinh sống và đại diện cho nước sở tại gặt hái được những thành công trên. Đấy là một ẩn số. Và, nếu tính đến các silver medal hay bronze medal thì danh sách ấy dài lắm. Danh sách ấy trên thực tế dài hơn nếu tính đến các cuộc thi cho các bộ môn khác như vật lý chẳng hạn. Không biết trong danh sách ấy bao nhiêu vị có “yếu tố” Quảng Nam-Đà Nẵng?

Gold medal, silver medal hay bronze medal chỉ dùng để ghi nhận tài năng của các thí sinh. Điều quan trọng là sau này họ đóng góp được gì cho giới khoa học nói riêng và cho nước Việt và dân Việt nói chung.

Nói đến toán học, chúng ta cũng nên nói đến một người Việt khác. Đó là Kiều Tiến Dũng. Anh nghiên cứu ở lãnh vực được gọi là Theoretical Research In Quantum/Particle Physics. Tên tuổi của anh được các nhà khoa học thế giới khâm phục. Điều thích thú nhất chính anh là người đầu tiên trên thế giới giải được một bài toán đã để ngỏ cách đây hơn 100 năm.

Về phía nữ, nổi bật nhất là Hong Van Le (Lê Hồng Vân). Trong trang web của ICTP (International Centre for Theoretical Physics) có ghi “Hong Van Le, the only woman ever to be awarded the ICTP prize (1991)”. Tạm dịch là “Lê Hồng Vân, người phụ nữ duy nhất từ trước cho đến bây giờ đạt được giải thưởng ICTP”. Quả thật, cho đến bây giờ, chúng ta chỉ thấy một bông hoa duy nhất trong rừng gươm chất xám ở lãnh địa ICTP. Do đó, gọi Lê Hồng Vân là nhân kiệt cũng chẳng có gì là quá đáng.

Không biết xứ Quảng có sở hữu được hai vị trên không? Đối với TS Kiều Tiến Dũng, người viết còn mơ hồ về xuất xứ của anh. Còn với vị nữ TS trên, chị có quê gốc là Hà Nội.

Dĩ nhiên, Việt Nam có rất nhiều nhà toán học khác, và trong số đó xứ Quảng cũng đóng góp nhiều vị. Không biết có bao nhiêu vị có thành tích nổi bật. Rất tiếc không có một con số thống kê rõ ràng. Nếu có, liệu con số những nhà toán học nổi bật gốc Quảng có thực sự khuynh đảo được các địa phương khác để nắm lấy danh xưng nhân kiệt không?

Tưởng cần nói thêm, báo chí Việt thường ca ngợi tài năng của người Việt. Và đa số công nhận người Việt rất giỏi toán. Khi nghiên cứu về lịch sử toán học, người ta thường nói đến các nhà toán học Lưỡng Hà, các nhà toán học Hy Lạp, Ai Cập, Ấn Độ và hệ thống toán học ở Trung Hoa. Cận đại có Newton, có Gausse, có Pascal, có Einstein, v.v... Trong khi đó lịch sử toán học của Việt Nam có Lương Thế Vinh, một trạng nguyên tài giỏi với những giai thoại đáng nhớ, nhưng hình như tên của ông không có trong tự điển nghiên cứu đối với giới toán học thế giới. Còn các nhà toán học Việt Nam bây giờ nổi bật chủ yếu là nhờ tài giải toán hơn là lập nên những lý thuyết toán học đáng phục. Tuy vậy, chúng ta vẫn tin tưởng một ngày nào đó, giống dân Việt có đại diện tầm cỡ như Newton?

Hãy tạm gác ngành toán học, và bước qua các ngành khoa học khác mà ít nhiều có liên quan đến toán học. Họ cũng có tên tuổi trên thế giới. Trước năm 75, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, người cùng quê với cụ Đề Thám, có nhiều đóng góp lớn cho cơ quan NASA. Eugene Trịnh Hữu Châu là người Á Châu đầu tiên bay vào không gian trên phi thuyền của NASA để nghiên cứu. Eugene Trịnh sinh ra tại Sài Gòn, lớn lên tại Pháp, định cư tại Hoa Kỳ, và làm việc nhiều nơi trên thế giới.

Các ngành nghề khác cũng ghi lại tên tuổi của các dòng dõi Kinh Dương Vương qua sự thành công của họ trên bình diện thế giới, nhất là đối với Hoa Kỳ. Một Leyna Nguyễn (người Quảng Trị) là xướng ngôn nhân và reporter cho hai đài truyền thông danh tiếng của Mỹ: KCAL 9 và CBS 2. Một Bomb Lady Dương Nguyệt Ánh là đầu đàn được giới chế tạo bom Mỹ nể trọng khi chị đứng đầu nhóm nghiên cứu ra Thermobaric Weapon. Một Kiều Chinh kiều diễm; khuôn mặt được biết đến trong giới điện ảnh Hoa Kỳ trong mấy thập niên qua. Đạt Phan trở thành the winner of the NBC Reality Show Last Comic Standing mà nếu Thủ Thiệm sống lại cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Một Đinh Việt (xuất thân từ trường Phan Bội Châu, Phan Thiết, Bình Thuận) là Assistant Attorney General for the Office of Legal Policy do chính tổng thống đương nhiệm George Bush đề bạt. Nếu dịch cái chức vụ này ra sao cho đúng thì cũng mang tính tranh cãi lắm. Hầu hết các báo chí Việt hải ngoại có cách dịch là Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Cho dù rối rắm trong cách dịch để tìm ra chữ tương đương, cái chức vụ Assistant Attorney General là chức vụ lắm trọng lượng. Không dễ gì một người Á Châu nào đều có thể được vinh hạnh như vậy. Chức vụ là một đàng; đàng khác, những gì ông Đinh Việt làm cho nước Mỹ mới quan trọng. Là tác giả của một đạo luật về an ninh chống khổng bố, ông Đinh Việt thực sự giúp nước Mỹ an toàn hơn. Hiện nay, ông thôi làm chức vụ trên, trở lại trường đại học cũ tiếp tục công việc giáo sư (professor) của mình.

Trong lĩnh vực kinh doanh, có những người đáng nể trọng như Trần Đình Trường, ông chủ của một tập đoàn khánh sạn, đã đóng góp 2 triệu dollars cho biến cố September 11. Ông Trung Dung hiện nay được biết đến là The Founder & CEO of Fogbreak Software. Ông đã trở thành tỉ phú khi bán công ty OnDisplay khoảng 1 tỷ 8 US dollars. Được biết, OnDisplay là một trong 10 IPO (Initial Public Offer) thành công nhất (1999). Dĩ nhiên, còn có nhiều vị đầu đàn khác trong từng địa hạt nhỏ của lãnh vực IT.

Một doanh nhân khác có tên tuổi nhưng lại không phải là công dân Hoa Kỳ. Hiện giờ không ai biết được tài sản của ông còn bao nhiêu. Được mệnh danh là Vua Chả giò ở Hà Lan thì không dễ mấy ai được vinh hạnh như vậy. Ông chính là Trịnh Vĩnh Bình, người đang theo đuổi một vụ kiện pháp lý với chính phủ Việt Nam. Thử hỏi ông có phải là người gốc Quảng không?

Hay là ở một lãnh vực khá mới mẻ được biết đến với cái tên là di dời các công trình. Quảng Nam – Đà Nẵng không có người nào nổi bật. Khi di dời một di tích lịch sử trên chính mảnh đất của mình, người Quảng phải nhờ người ngoài. Ông Nguyễn Cẩm Luỹ chính là “thần đèn” di dời di tích Thi Nại Am và hai cây đa gần đó. Trong ngành này có nhiều thần đèn như ông, nhưng Tiên phong Nguyễn Cẩm Luỹ nổi bật hơn không chỉ ở tài cao mà còn ở đức rộng, nặng tình của người miền Nam. Việc di dời cổng chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn với giá khá khiêm nhường là một trong những thí dụ điển hình. Người hâm mộ thi nhau xin chụp hình chung với ông làm chúng ta liên tưởng rằng ông chẳng khác gì một siêu sao bóng đá, hay một minh tinh điện ảnh thời thượng. Sự nổi tiếng của ông choán cả suy nghĩ của con người khi có tin đề nghị ông sao không thử dựng lại độ nghiêng của tháp Pisa ở Ý.

Hay mới đây, vào năm 2000, tại Sydney, cô gái vàng Trần Hiếu Ngân của Việt Nam là người duy nhất trong lịch sử Việt Nam cho đến lúc bấy giờ đoạt huy chương bạc thế vận hội cho bộ môn võ thuật. Như vậy cô xứng đáng được gọi là nhân kiệt. Nhưng cô từ đâu đến trên bản đồ hình cong chữ S?

Thì đấy, lướt qua những tên tuổi trên, không biết có bao danh nhân đất Quảng? Điều đó, người Quảng cần phải suy nghĩ lại. Cái thời ĐLNK đã trở thành dĩ vãng rồi. Nhớ thời hai ông Trương Duy Hy và Trần Gia Phụng tranh luận (trên website xứ Quảng) mà không thể không ngậm ngùi. Đối với sử gia Trần Gia Phụng thì cần sự rõ ràng và chính xác. Còn với ông Trương Duy Hy là tôn vinh, là ca ngợi để khơi dậy tinh thần hiếu học của người Quảng. Đành rằng chủ trương của ông Trương Duy Hy là khuyến khích, cổ động truyền thống hiếu học, dung dưỡng tinh thần lập chí để giới trẻ ý thức mình chính là người gánh vác nhiệm vụ phát huy tính địa-linh-nhân-kiệt cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình; nhưng rồi chúng ta thấy sao sao đó có một sự níu kéo ngượng ngùng. Đất Ngũ Phụng Tề Phi hiện giờ thiếu vắng những nhân tài kiệt xuất trong các ngành nghề thực tiễn, đóng góp cho việc kinh bang tế thế của nước nhà, đưa tiếng tăm của người Việt đến với thế giới. Không thể cãi chầy cãi cối trong lãnh vực văn chương, nói theo Nguyễn Hoàng Văn trong “Mì Quảng không biết cãi” là “để tự an ủi mình”.

Và thế nào là thần dân xứ Quảng: một người sinh ra ở đất Quảng, hay một người là con cháu của người dân gốc Quảng, hay là một người đến xứ Quảng để lập nghiệp? Định nghĩa được điều này cũng mang tính tranh cãi lắm lắm. Cãi? Cãi thì người Quảng đâu thua ai. Này nhé, sinh ra ở Quảng Nam thì là người Quảng, con cháu người gốc Quảng thì cũng là người Quảng rồi, và đến Quảng lập nghiệp chẳng phải vì tham lam mà nhận bừa, chẳng qua là tôn vinh công lao của họ, xem họ như người cùng nhà, thể hiện tinh thần bác ái của mình. Nhưng, nếu nói là địa linh nhân kiệt tức phải hiểu là đất địa linh đó sinh ra nhân kiệt. Ít ra, nhân kiệt ấy phải sinh ra trên mảnh đất thân yêu của mình. Tuy nhiên, nếu người đến lập nghiệp muốn tự xem mình là người Quảng thì sao? Cái kiểu mà ai cũng muốn làm người Sài Gòn đối với trong nước, hay cái kiểu I am American đối với thế giới mặc dù khi chưa được phép ở Mỹ thì ghét Mỹ, bài Mỹ một cách rất cực đoan. Điều đó, nói nhiều dám chừng lại thành người Quảng luôn. Thôi thì để hạ hồi phân giải.

Như đã điểm ở trên những nhân tài có tiếng tăm gần và hiện nay, chúng ta thấy rằng sự đóng góp của xứ Quảng quá khiêm nhường trong toàn bộ các lãnh vực. Do đó, người Quảng chúng ta cần xét lại mình thêm, tránh tự khen mình mãi để rồi chính mình đào hố chôn lấy mình. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Chúng ta đã có làng pháo Nam Ô. Một làng pháo mà viên pháo nào cũng nổ dòn tang, nổ to đùng, không lẹt đẹt như những làng pháo ở các tỉnh thành khác. Như vậy, chúng ta đã có đủ pháo rồi. Và pháo đã nổ to rồi. Tự trong pháo Nam Ô có chất pháo rồi. Chúng ta không cần một viên pháo nào thêm nữa. Đã đến lúc hãy bắt chước Nguyễn Hoàng Văn qua đầu đề “Mì Quảng không biết cãi” mà nói rằng Người Quảng không biết... nổ.

Sydney 6/2005

© 2005 talawas

 Và hãy xem người Quảng cãi ra răng :

Re: Người Quảng không chỉ biết cãi
Reply #2 - 01/23/06 at 05:36:24 
Xin lỗi người viết bài này, không biết anh vô tình không biết hay thật sự vì kiến thức hạn hẹp của mình mà trong tất cả mọi lĩnh vực, anh nhắc đến người vùng khác mà không hề đề cập đến tên của những người con đất Quảng. Tôi sẽ liệt kê vài vị để anh coi nhé, và thêm nữa, người đất Quảng thành công đâu phải chỉ có những người ở nước ngoài. Nguyễn Hưng Quốc thì thơ văn hay ho gì mà anh khen như trác tuyệt thế, anh cố tình tung hê một người kém tài năng lên để miệt thị người đất Quảng có giỏi thì cỡ anh này là cùng à. Tôi rất bất ngờ khi bài này của anh thấy đề là đăng ở talawas, viết thế Nguyễn Hưng Quốc mới cho đăng à, trước khi public anh phải verify đã chứ, tôi không có nhiều thời gian, nên liệt kê tên vài người ở đây nhé, anh hãy tự tìm hiểu để làm giàu kiến thức của mình trước khi public những bài sau nhé, mà thật sự tôi cũng chẳng biết anh là ai nữa.

1. Về toán học, người được mệnh danh là nhà Bác học duy nhất của VN ở thế kỷ 20, người đã sáng lập ra jounal uy tín nhất về optimization và được mời làm chủ tịch hiệp hội  optimization của thế giới, người mà giữa những năm khói lửa của chiến tranh, khi Việt - Mỹ đánh nhau vẫn được Mỹ mời sang làm visiting professor lại không được anh nhắc đến. Vâng ông là GS. TSKH Hoàng Tuỵ, người Điện Bàn. Anh không biết người này thì lạ thật, buồn thay cho kiến thức  của anh.
2. Người này cũng là một cây đại thụ về toán, hiện đang ở cùng thành phố Sydney với anh mà anh không biết nghĩ cũng tức cười, đó là TS Hoàng Dương Tuấn, con trai GS. Hoàng Tuy.
3. Người này anh có nhắc đến, nhưng chắc là anh không biết người này là người Điện Bàn, con của GS. Lê Tự Hỉ, anh tên là Lê Tự Quyết Thắng.
4. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, không biết anh đã nghe tên chưa, nếu chưa thì anh dùng google mà search để tìm hiểu anh nhé, cũng người Điện Bàn, đã được trao giải vinh danh đất Việt.
5. Về Văn thơ, hiện nay  có một người Điện Bàn tương đối  nổi tiếng, hiện vẫn đang ở Điện Bàn, ông từ chối mọi vinh hoa, danh lợi, hy sinh vì Thi ca, bám mình với quê hương, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung.
6. Lý Đợi, thành viên tài năng nhất của nhóm Mở Miệng, người đang đau đáu cải cách thi ca theo hướng hậu hiện đại, có nhiều bài đăng ở talawas, người Điện Bàn.
7. NS Trương Huỳnh Điểu cũng người Quảng Nam đó anh, người mà tất cả đều già trừ con tim không già, tác giả của "ở hai đầu nỗi nhớ " và  "Quảng Nam yêu thương"
8. NS Thuận Yến và cô con gái Thanh Lam chắc cũng đáng gọi là nhân tài chứ nhỉ
9. Mỹ Tâm, ngôi sao nhạc pop sáng giá nhất hiện nay tại TPHCM sinh ra và lớn lên ở Điện Bàn.

Thế đủ chưa anh, anh đem nhân tài của một tỉnh nghèo để so sánh với nhân tài cả nước gồm 60 tỉnh thành còn lại, so sánh unfair anh ạ, chỉ mỗi tỉnh ấy có 1 người, 60 tỉnh có 60 người thì phải 60 cái tỉnh QN mới theo kịp chứ anh, hưống hồ gì nhân tài đất Quảng hầu hết người Điện Bàn, cái huyện mà đến Tết năm Dậu này vẫn có người đói ăn, có người không có tiền ăn Tết. Đem nhân tài một huyện so với nhân tài 1 nước, dấu = không có chỗ ở đây.
Anh làm tôi tốn nhiều thời gian quá, có gì thắc mắc anh cứ email để trao đổi với tôi anh nhé: victory2nite@gmail.com. Tôi cũng là 1 người Điện Bàn, tôi tự hào nơi tôi đã sinh ra anh ạ.

 Người Quảng không chỉ biết cãi
Reply #3 - 01/26/06 at 00:57:54 
Theo như nội dung từ bài viết "Người Quảng không chỉ biết cãi" của DongHuongQuangDa, victory2nite đã hiểu lầm ý của người viết rồi đấy.  Mời bạn đọc kỹ lại để hiểu rõ ý của người viết hơn trước khi bạn thực hiện câu "Quãng Nam hay cãi".
 (Nguồn Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét