Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Khám phá thung lũng huyền thoại

Phủ lên trên mảnh đất ấy là câu chuyện huyễn hoặc về quả ngọt, suối mát, hoa tươi giữa một vùng quanh năm là nắng gió…
     
Năm xưa, có một người thợ săn ở Trung Lộc vì mải mê theo đuổi con mồi nên lạc lối trên ngọn núi Chúa thâm u. Trời ngả về chiều, vừa đói
vừa khát, bỗng bắt gặp một vườn cây, trái sai quả ngọt và một giếng nước trong lành. Ăn uống no nê, người thợ săn định hướng lần tìm về nhà. Đem câu chuyện may mắn trên kể cho người làng nghe, mấy ngày sau người thợ săn cấm khẩu và ngã bệnh ba tháng mười ngày thì qua đời.

Bí mật trên núi thiêng

Chuyện hoang đường về cái chết của người thợ săn coi như một lời cảnh báo cho tất cả những ai vô tình hay hữu ý xâm phạm đến vùng đất thánh và tiết lộ bí mật cho người trần mắt thịt như một câu chuyện mua vui, hấp dẫn bình thường. Quả thật, cho đến ngày hôm nay, ít có người dân xung quanh vùng này đặt chân thám hiểm khắp trên dỉnh ngọn núi Chúa với rất nhiều đá tảng hang sâu, nơi trú ngụ của loài gấu ngựa suốt mùa đông dài nằm mút ngón tay, mơ màng về những đõ mật ong ngon lành trong mùa xuân đến. Thú dữ và những điềm chẳng lành đã kịp ghìm bước những người thợ săn nổi tiếng của vùng đất này muốn mạo hiểm đi tìm một con mồi ngon nhất trong đời thợ săn của mình.

Núi Chúa là một ngọn núi kỳ bí nhất của vùng đất Quảng Nam - hệt như đỉnh Olympia trong thần thoại Hy Lạp. Theo tín ngưỡng của người Chăm xưa, núi Chúa hay còn gọi Hòn Đền (Kasula) là đỉnh núi thiêng tượng trưng cho đấng tối cao Shiva - vị thần sáng tạo và huỷ diệt. Sông Thu Bồn là sông Mẹ Ganga tượng trưng cho sông thiêng gắn liền với tín ngưỡng của những nền văn minh lúa nước. Âm dương giao hoà, cảnh sắc gợi mở cho những liên tưởng độc đáo xung quanh đời sống của con người ở xứ sở này. Những ngày nắng đẹp, từ dưới thung lũng Mỹ Sơn, nơi có khu đền tháp lộng lẫy được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới nhìn lên đỉnh trông như một chiếc mỏ của con chim đại bàng khắc hoạ vào trời xanh uy nghi hoành tráng. Nhưng lạ lùng thay, từ thung lũng Tây Viên bên kia núi Chúa thuộc vùng Trung Lộc của huyện Quế Sơn nhìn lên, đỉnh núi Chúa tròn đều đặn như bầu sữa mẹ. Một ngọn núi, đứng ở những góc nhìn khác nhau sẽ có những dáng vẻ khác nhau như các góc cạnh phức tạp trong tính cách và đời sống tâm hồn của con người đất này.

Cách đây hơn 10 năm, NXB Đà Nẵng đã cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Miền hoang tưởng của Nguyễn Xuân Khánh. Cuốn sách dấy lên một cuộc tranh luận quyết liệt đến mức vị giám đốc phải rời ghế của mình ra đi. Nhà thơ Trinh Đường khi đó phải viện dẫn các góc nhìn hình dáng của núi Chúa trong miền đất Quảng Nam coi như những quan điểm khác biệt nhau mà bất cứ nhà lý luận nào cũng phải bình tĩnh ngắm nhìn để mong tìm ra chân lý.

Thung lũng huyền thoại

Thưở thiếu thời chăn trâu cắt cỏ ban đêm trong thung lũng sau ngọn Hòn Đền, thỉnh thoảng chàng mục đồng bắt gặp những ánh sao băng không phải màu xanh ánh chớp mà là màu máu xẹt từ đỉnh núi này đến đỉnh núi Cà Tang. Người lớn trong làng thường cấm trẻ con quở đến ánh lửa này. Trong tâm tưởng của họ, đó là lúc núi Ông đi thăm núi Bà. Núi Ông chính là núi Chúa, núi Bà là núi Cà Tang nằm cách nhau chừng 10 cây số đường chim bay ở hai hướng dông - tây đối nhau tạo thành thung lũng Trung Lộc. Một vùng đất nhỏ nhưng có số phận kỳ lạ nhất trong lịch sử xứ Quảng Nam đã từng được khâm sứ Jean Baille nhắc đến trong cuốn sách Souvenir d'Annam từ cuối thế kỷ XIX gắn liền với những người anh hùng thảo dã đứng lên chống Pháp trong phong trào nghĩa hội.

Trí tưởng tượng của con người sống trong thung lũng huyền bí này quả là phong phú khi dựng lên câu chuyện tình yêu thiêng liêng giữa hai... ngọn núi giữa bao la đất trời.

Người làng Tây Viên bên kia núi Chúa còn gọi tên ngọn núi này là núi Ấn. Đây không phải là một câu chuyện huyền thoại hay hoang đường bởi yếu tố thật, đáng tin cậy mà các nhà nghiên cứu hoặc điền dã hay thám hiểm (rất ít ở Việt Nam) phải lưu tâm. Những người thợ rừng lâu năm cả quyết rằng đã tận mắt nhìn thấy trên một vách đá dựng đứng, cao 30 mét ở gần đỉnh núi Chúa có một dấu ấn son đỏ chót hình tròn và ở giữa là hình vuông tồn tại từ bao đời nay trước nắng dội mưa dầm. Không biết bằng cách nào, người xưa, ai đó đã khắc biểu tượng âm - dương, linga - yoni được cách điệu vào vách đá dựng ngược đến mức con người không thể dùng phương tiện nào trèo lên được. Một vòng tròn bên ngoài bao bọc một hình vuông cũng chính là biểu tượng của tổ chức UNESCO hiện nay!

Dưới chân núi Chúa, cuối làng Tây Viên có hai vũng nước nóng quanh năm sôi sùng sục, tương truyền gọi là vũng Ông và vũng Bà. Vũng Ông nhỏ nhưng sôi nhiều hơn, vũng Bà rộng và nhiệt độ thấp hơn chút ít.

Tây Viên nay thuộc xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn là đại bản doanh của căn cứ Tân Tỉnh của Nguyễn Duy Hiệu lập nên thời chống Pháp với ý chí thay trời hành đạo nhưng mưu sự bất thành. Đó cũng chính là quê hương của cụ Nguyễn Đình Hiến trong "tam hùng" của xứ Quảng. Nằm sau lưng thánh địa Mỹ Sơn, thung lũng huyền thoại này có thể là hậu cứ của vương quốc Chămpa trước kia với nhiều dấu tích còn lại như những ngôi mộ cổ bằng đá bên triền núi Cà Tang cùng một vài ngôi tháp nhỏ đã đổ nát và hoang phế. Những năm 40 của thế kỷ trước, Trung niên thi sĩ Bùi Giáng trốn đời lên ngụ ở đất này để làm chàng Tô Vũ chăn dê.

Nếu các bạn muốn một lần thử làm Tô Vũ ở nơi "đồi tăm tắp chạy về ôm chân núi" thơ mộng và huyền hoặc này thì có thể vuợt con đường độc đạo qua đèo Le hoặc xuống thuyền từ phố cổ Hội An để lên mạn ngược Thu Bồn. Tuy nhiên, leo núi Hòn Đền đầy mạo hiểm và hấp dẫn để đến đấy thật thú vị hơn! Khách du lịch Việt Nam chưa ai hề có ý tưởng ấy trong khi nhóm đua thuyền buồm quốc tế đến Việt Nam đã từng có ý định thực hiện hồi tháng 7.2005 vừa qua. Tuy nhiên, giờ cuối, có sự trục trặc gì đó về thời gian nên tour vượt Hòn Đền phải hoãn lại!

Theo Nguyễn Minh Sơn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét