Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Xuất xứ và ý nghĩa đại lễ VU LAN

Loài người là tối linh trong muôn vật nên có trí tuệ, đạo đức, tâm tư tình cảm... chẳng những làm đẹp về cuộc sống của bản thân và gia đình, còn chế ngự phần nào trở ngại thiên nhiên, để cải thiện và canh tân nếp sinh hoạt xã hội. Đặc biệt con người sống có gia đình thì cha mẹ, con cái, trên từ hòa dưới hiếu thuận, yêu thương đùm bọc sống chết có nhau. Cha mẹ thương con không bờ bến là thiên chức làm người, con cháu hiếu kính với ông cha là đạo lý muôn đời qua không gian và thời gian, kể cả sinh vật cũng có được phần nào, đó là lẽ sinh tồn của vạn loại. Con người là giống hữu tình, đương nhiên phải sống bằng tình cảm thiên liêng, khác với bản năng sinh hóa của muôn vật.
Cha mẹ là ân nhân bậc nhất, thì hiếu đạo cũng đứng hàng đầu trong mọi nết đẹp của thế nhân, là lẽ sống, là quan niệm của người đời: „Hiếu kính đứng đầu trăm nết đẹp“. Do đó nên giai tiết Vu Lan, một tiết lễ của Phật Giáo có trên tinh cầu hơn 26 thế kỷ vẫn thích ứng với người muôn đời, đã thành ra truyền thống đẹp trong văn hóa nhân sinh như ngày Mother's Day và Father's Day của người Âu Mỹ ngày nay vậy.
Mùa Vu Lan báo hiếu, chúng ta có thể tìm hiểu rộng rãi qua phẩm Vu Lan, Kinh Trường A Hàm hay Kinh Pháp Hoa... để rõ về ân nghĩa sinh thành, và lòng hiếu kính đối với thất thế phụ mẫu, lịch đại tiên linh, vì chúng ta đã thừa hưởng của chư vị nhiều phước báo cao cả, nhiều công đức thâm hậu rất khó nghĩ bàn. Có thể khi chúng ta ở vào cương vị cha mẹ, ông bà, mới thấm thía được phần nào thiên chức của con người trong gia đjình và quê hương, xã hội, qua tâm niệm của người xưa: „Dưỡng tử phương tri phụ mẫu ân“. Ca dao Việt Nam cũng có câu đồng nghĩa:
„Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao song đường“

DUYÊN KHỞI
Một trong 6 phẩm của kinh Tam Bảo là phẩm Vu Lan, nói rõ về xuất xứ của Đại Lễ Vu Lan – Rằm Tháng Bảy – và đề cao hiếu hạnh của Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên. Mục Liên Tôn Giả là vị đại đệ tử của Đức Thích Ca Như Lai, nguyên là giáo chủ của Bái Hỏa Giáo. Tôn Giả được lên ngôi cao quý đó, phần lớn do sự hỗ trợ tích cực của mẹ là bà Thanh Đề. Bà thuộc giai cấp quý tộc ở Ấn Độ, muốn cho con hiển đạt và danh vọng hơn người, nên đã vận dụng tiền tài thế lực, kể cả việc trừ khử những đối thủ, gây tội lỗi với nhiều người đương thời, xúc phạm đến thánh hiền, do đó sau khi chết bà phải đọa vào Vô Gián địa ngục, làm kiếp ngạ quỷ, khốn khổ triền miên!
Đức Mục Kiến Liên là một thức giả đương thời, Ngài xem thường danh lợi địa vị mà đặt nặng việc tu tiến, khi nghe Đức Phật là đấng đạo cao đức trọng được thế nhân kính ngưỡng tôn vinh, nên Tôn Giả đưa tín chúng đến xin thọ giáo quy y, sáp nhập Tăng Đoàn của Như Lai, lần hồi Tôn Giả trở nên vị đại đệ tử thần thông bậc nhất, Ngài trưởng lão Xá Lợi Phất là bậc trí huệ tuyệt vời!
Do hiếu hạnh cao cả lại có phép thần thông diệu dụng, Tôn Giả quán chiếu, biết mẹ mình đang thọ khổ nơi âm cung, nên Ngài đích thân đến viếng và dâng cơm cho mẹ. Có thể do nghiệp lực bà Thanh Đề quá nặng, hay tại cảnh giới ngạ quỷ không cho phép các tội hồn thọ dụng phẩm vị bất cứ từ đâu đến nên cơn hóa thành lửa, trước tình mẫu tử thân thương mừng mừng tủi tủi, phép thần thông của Tôn Giả khó chuyển biến lý nhân quả, nên Ngài cũng đành chịu! Ngài xót xa từ giã mẫu thân, trở về thỉnh ý Như Lai, xin tìm phương tế độ.
PHẬT DẠY: Mẹ ông tội lỗi sâu dày, mặc dù ông phước trí trang nghiêm, hiếu hạnh vẹn toàn nhưng chưa chuyển hóa được, nên phải nhờ sức chú nguyện của Mười Phương Thánh Tăng trong ngày Tự Tứ vào Giai Tiết Vu Lan. Nhân ngày chư Phật hoan hỷ, Chúng Tăng tự tứ, ông nên phát tâm tác tạo phước duyên, cúng dường bố thí, hoằng pháp lợi sanh, để nhờ công đức tinh tụ tịnh hạnh sau mùa An Cư Kiết Hạ, nên nguyện lực của chư vị càng cao, hồi hướng công đức để chuyển hóa tội lỗi của mẹ ông. Khi tội hồn đã tỉnh ngộ, thành khẩn sám hối, niệm Phật cầu vãng sanh, thì nghiệp chướng tiêu trừ, căn lành tăng trưởng. Chư Phật và Bồ Tát cũng đều hoan hỷ phóng quang tiếp dẫn về Tây Phương An Lạc Độ của Phật A Di Đà. Các Phật tử vì kẻ mất người còn mà thành khẩn thực hành hạnh lợi tha thì cha mẹ nhiều đời, gia thân quyến thuộc, rộng ra là thân hữu đồng hương, hay các giới hữu tình cũng sinh tâm hoan hỷ, dũng tiến trên đường, là tạo nhân lành hay tạo sẵn tư lương rất cần cho mai hậu, những người quá cố, thập loại cô hồn cũng quân triêm thắng phước.
Ngài Mục Kiền Liên và Đại Chúng „y giáo phụng hành“. Truyền thống Vu Lan báo hiếu khởi đầu từ đó. Trong Kinh Trường A Hàm, Đức Phật khuyến thị chúng ta thực thi các hạnh Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi Hành, Đồng Sự là cách báo hiếu tốt đẹp nhất.
BỐ THÍ: Bố thí cho người bằng tâm hạnh hoan hỷ, cử chỉ vui hòa nhã nhặn như giúp người tìm đường đi, hay giúp kẻ bơ vơ kiếm việc làm. Khi gặp thuận duyên nên giúp người già lão neo đơn, giúp người tàn tật ốm đau, giúp trẻ côi cút bần hàn... chút vật chất để an ủi nhau trong cuộc sống khó khăn. Giúp ích cho người, làm lợi lạc sinh linh, đương nhiên cha mẹ cũng vui lòng đẹp ý đã tạo ra người hữu ích cho thế nhân!
ÁI NGỮ: Lời nói dịu ngọt nhưng chân thành, dễ cảm thông với nhiều hạng người. Ca dao Việt Nam có câu :
„Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau“

Cũng là lối xã giao khôn khéo biết dường nào!
LỢI HÀNH: Sốt sắng và tạo thói quen làm việc lợi ích cho bản thân, gia đình như giúp đỡ cha mẹ những việc thông thường; rồi đến việc tộc thuộc, thôn trang, quốc gia, xã hội... thấy điều cần thiết ta nên tùy khả năng thực hành hạnh lợi tha là nghĩa vụ làm người.
ĐỔNG SỰ: Công việc phải làm với nhau nên vui vẻ chung cùng là tạo tinh thần hợp tác, gây tinh thần đoàn kết thân thương nhau để hoàn thành trách nhiệm. Suy ra việc phụng dưỡng cha mẹ khi ốm đau già yếu, anh chị em, dâu rể, con cháu vui hòa thân mật thì trong ấm ngoài êm, hiếu đạo chu toàn. Nếp „tề gia“ xử thế được lưu truyền êm đẹp qua mấy nghìn năm văn hiến của người Á Đông vậy.
Thượng Tọa Thích Nhật Từ có trích dẫn đại ý lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa:
* Người hiếu tử sống đúng với tư cách một con người trong gia đình: Người con là một phần tử trong gia đình nên cố gắng gìn giữ hiếu đạo, gia phong. Cha mẹ dày công sinh dưỡng giáo hóa các con khi người còn trẻ cho đến lúc lưng còng tóc bạc, nên các con phải hòa ái nhường nhịn nhau nhất là chung nhau cung kính, hiếu dưỡng cha mẹ khi cần. Tùy theo nếp sống gia đình tập quán xã hội mà ta có những ngôn từ, thái độ thích hợp với cha mẹ. Ngoài ra chúng ta còn phải suy tư, cân nhắc khi ứng xử với đời để bảo toàn nề nếp gia phong. Cổ nhân có câu “Giấy rách phải giữ lấy lề“ hay „Đói cho sạch, rách cho thơm“ ý nói dù gặp cảnh ngộ nào đi nữa người biết tự trọng không làm điều gì sai quấy để người đời mai mỉa, làm mất thanh danh của tổ tông cha mẹ mình. Câu nói: „Con nhà công không giống lông cũng giống cánh“ ngụ ý tốn kính tiền nhân mình, khi ta làm điều tốt, hay chê trách đến ông bà cha mẹ đã an giấc nghìn thu nhưng có con cháu buông lung hư hỏng vậy!
* Người hiếu thảo là người con sống đúng với chánh pháp: Người con vâng lời hay lẽ phải của cha mẹ khuyên bảo là tốt, người biết học hỏi và trau giồi nhân cách để thăng hoa trên đường đời càng tốt hơn. Trong cuộc sống thế nhân mấy hạng người trên đều được ca ngợi.
Nhưng có một lớp người vừa cố gắng tu thân hành thiện lại hướng về đời sống tâm linh, họ tu tập đạo đức, sống theo hạnh từ bi của chư Phật, hỷ xả của Thánh nhân, biết đủ là đủ và dành phần còn lại, để làm việc lợi tha. Họ kính hiền trọng đạo, luôn hoan hỷ chấp nhận cuộc sống thanh đạm và an lạc là nếp sống hạnh phúc bản thân, nên họ tôn trọng hạnh phúc và cuộc sống an lành của tha nhân vạn loại. Họ nghĩ rằng, cứu giúp được phần nào khổ đau của người bất hạnh là hàng trí dũng, nên họ không từ nan. Họ không cố chấp, xả bỏ chuyện thị phi của nhân thế, nên dễ tránh được sự đam mê dục lạc ngoài đời, đó là lớp người „Cư Trần Bất Nhiễm“ tức là sống đúng với Chánh Pháp, bởi lẽ:
„Trăm năm trước thì ta chưa có Trăm năm sau có cũng bằng không Cuộc đời sắc sắc không không
Còn chăng chỉ một tấm lòng mà thôi“
* Người con hiếu phải hướng cha mẹ về Chánh Pháp Phật Đà: Hiếu kính cha mẹ, làm đẹp ý song thân... có thể nói đó là tinh thần của hiếu hạnh. Hiếu dưỡng cha mẹ, cung ứng nhu cầu về cuộc sống cho người, đó là hiếu hạnh về vật chất cả 2 đều là chuyện hiếu của thế nhân. Trường hợp người con hiếu sống đúng với chánh pháp mà chưa tìm cách hướng cha mẹ đi cúng đường với mình e có điều thiếu sót chăng?. Bởi lẽ tự thuở xa xưa vấn đề tu học chưa phổ cập, nên thiểu số người cố chấp chưa chịu cởi mở trong cuộc sống. Họ chưa quy y Tam Bảo, chưa rõ lý nhân quả nên nhiều người đã nói: „vật dưỡng nhân“ và quả quyết cho rằng không ăn huyết nhục của sinh vật sẽ bị yếu vong. Thậm chí có những câu về ăn uống vu vơ mà các bậc thường nhân thường dè dặt tối đa, vì các vị quan niệm „ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn“, hay người có tâm lành nghe thấy con vật kêu la vùng vẫy khi bị hạ thịt, nên không nỡ ăn thịt chúng, vì họ cảm thông về sự đau thương chết chóc và nỗi oán hận về kẻ mạnh đã nhẫn tâm cắt đứt cuộc sống bầy đàn của chúng. Chúng tôi mạo muội nêu ra câu “Bệnh tòng khẩu nhập, họa do khẩu xuất“ với nghĩa đơn giản là ăn uống không cẩn trọng tất dễ sinh bệnh, nói năng không dè dặt có khi mang họa, chứ mấy chữ „vật dưỡng nhân“ không rõ xuất xứ nơi nào?
* Người con hiếu là thiện tri thức của cha mẹ: Ngoài đời ai cũng muốn ăn no mặc đẹp, rồi lúc hoàng cảnh cho phép người ta chủ trương ăn biết mùi. Mặc đúng kiểu để trở nên người lịch lãm; cũng có người sống theo cách „biết đủ là đủ“ họ vui với kịch tính, đạo đức để dinh dưỡng tinh thần, lại lo giải thoát tâm linh là hàng thức giả thanh cao. Thế nhân thiếu gì bậc minh quân lương tướng chí sĩ văn nhân khi hoàn thành nhiệm vụ hộ quốc an dân, chư vị sống ngoài vòng danh lợi để thân an tâm lạc là tiên cảnh giữa trần gian, hay nói theo nhà Phật và Tịnh Độ hiện tiền. Người con chí hiếu hay bậc thức giả lo tu thân hành thiện, biết phổ biến Chánh Pháp cho cha mẹ và người thân, biến gia đình thánh thiện rồi xóm làng thuần lương, thì họ là người thiện tri thức của cha mẹ, gia đình và xã hội đúng như câu:
„Nhất nhân tác phước thiên nhân hưởng,
Độc thụ khai hoa vạn thụ hương“

Với đại ý:
Một người gieo phước, nghìn người chung hưởng, Một cây nở hoa, nhiều cây cùng thơm vậy“
Những Truyền Thống Đẹp Trong Mùa Vu Lan
1. Vu Lan: Là mùa cầu siêu độ cho Tiên linh quá cố, các chiến sĩ trận vong, sinh linh tử nạn, cùn gvới thập nhị loại cô hồn và cầu an cho tứ thân phụ mẫu tại thế, thân bằng quyến thuộc hiện tiền được thân an tâm lạc dũng tiến trên đường tu học để tự lợi lợi tha. Vu Lan Bồn phiên âm từ Phạn ngữ Sanskrit hay Ulambana, người Trung Hoa dịch là „Giải Đảo Huyền“ với đại ý giải thoát cực hình treo ngược tội nhân trong địa ngục và sự thống khổ ở các cảnh giới ngạ quỷ, súc sinh. Nói chung thì địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là „Tam ác đạo“ nghĩa là 3 đường dữ để các tội hồn phải chịu quả khổ đã gây ra.
Luật nhân quả rất phân minh, chúng ta nguyện cầu để nhờ uy lực của Tam Bảo, của chư Tăng Ni thanh tịnh sau 3 tháng an cư kiết hạ dư lòng lân mẫn chuyển hóa các tội hồn biết thành khẩn sám hối, mới mong thoát khỏi cảnh thống khổ triền miên như Tôn Giả Mục Kiền Liên đã tha thiết thỉnh giáo Như Lai, rồi quyết tâm thực hiện trong việc cứu độ Mẹ hiền. Những dịp tiết lễ con cháu thường nguyện cầu cho các thân nhân hiện tại, gần nhất là cha mẹ được sống vui vẻ an lành, thì hàng tôn trưởng phụ huynh nên vui với hiếu tình của lớp trẻ mà phát tâm lành làm việc nghĩa cho đẹp đạo tốt đời, tức là có sự nhất trí trong gia đình, cảm ứng với chư Phật và các đấng thiêng liêng thánh thiện, đương nhiên người được cầu sẽ an tâm, ý hảo, gia đạo hài hòa. Kiết tường như ý.
Đã là con người ít ai tránh khỏi lỗi lầm sai quấy, gặp thuận duyên chúng ta tinh tấn sửa đổi, nguyện cố gắng tu trì như cổ đức đã nói: „Người không sợ có lỗi, chỉ sợ có lỗi mà không biết đổi“ hay lớp người cầu tiến thường noi gương thầy Trình Tử, một trong các bậc cao hiền của Nho Giáo đã coi trọng việc lập chí tiến tu: „Nhất nhật tam tĩnh ngô thân“ với hậu ý hằng ngày phải tự tĩnh 3 lần, mong thành người tài đức kiêm ưu. Trường hợp chúng ta chủ quan không đặt nặng việc sửa mình, xem nhẹ về gia sự thế tình, khác gì người bệnh được thân nhân tìm thầy chữa thuốc, lại gặp bác sĩ tận tình xét nghiệm và quan tâm trị bệnh, nhưng bệnh nhân hờ hững, không thuốc men chu đáo để chứng bệnh trầm kha, thật đáng tiếc lắm thay!
2. Mùa An Cư Kiết Hạ: Sau khi thành đạo, Đức Phật đi hoằng hóa để phổ độ chúng sinh:
„Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vị sanh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu“

Với đại ý:
Chiếc bát nhận phẩm cúng
Một mình đi khắp nơi
Lý tưởng của cuộc sống
Luôn phổ độ chúng sinh.

Ngài là bậc hào kiệt của thế gian, vị siêu nhân khắp 3 cõi, nhưng sống thanh đạm theo hạnh vị tha đáng ngưỡng vọng tôn thờ, nên Ngài thu hút tín chúng đông đảo. Mùa hè ở Ấn Độ mưa gió liên miên, đương thời y áo cá nhân còn thiếu thốn, sự giao thông lắm trở ngại, cũng lá lúc loài thấp sinh sanh nở, đi lại giẫm đạp làm thương tổn mạng sống của chúng, nên Phật chế ra phép an cư kiết hạ 3 tháng để giáo đoàn cấm túc tu học, cùng nhau thực hiện nếp sống thiền môn thanh tịnh, đạo vị thanh cao, vừa ôn cố tri tân, vừa sáng tác văn phẩm để phổ biến công hạnh của mình và lưu di cho hậu thế. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều Bối Diệp Kinh Văn là bút tích ghi trên lá bối, đã xác minh việc tu học của Tăng Ni trong mùa An Cư là cần thiết.
3. Ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng Tự Tứ: Sau 3 tháng an cư, các vị câu h i để kiểm điểm công hạnh của cá nhân, cầu Phật chứng minh, cầu thầy bạn góp ý xây dựng cho mình, trường hợp vị nào có chút khuyết điểm thì hoan hỷ sửa đổi cho hoàn thiện hơn gọi là lễ Tự Tứ. Sau ngày „Tăng Tự Tứ“, người được thầy bạn chấp nhận kết quả tốt sẽ được tuyên dương, là thăng hoa một bước trên đường tu học, tức là được gia tăng một tuổi đạo, do đó Vu Lan còn là mùa Hạ Lạp trong Phật Giáo. Tỷ như một vị Tăng hay Ni sau khi liễu đạo được tính tuổi thọ 80, hạ lạp 60 tức là Ngài hưởng tuổi đời 80, có 60 năm hoằng dương chánh pháp, lợi lạc hữu tình vậy. Phật chế giới pháp để tăng đoàn tinh tấn tu trì, làm lợi lạc sinh linh. Lời Phật dạy: Giáo pháp còn, đạo ta còn“ giờ Phật nhập Niết Bàn hơn 25 thế kỷ rưỡi nhưng Đạo Pháp gặp thuận duyên phát triển khắp nơi nơi, tứ chúng thuần lương, nhân sinh thăng tiến, ngưòi con thêm hiền hiếu, nhiều người biết giới sát phóng sinh... đương nhiên Vu Lan thắng hội, ngày kết thúc 3 tháng An Cư là ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng Tự Tứ, ngày siêu độ hương linh: „Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân“.
4. Ngày Bông Hồng Cài Áo: Phật giáo không lập dị, sống xa quần chúng, nên cận lai rút mỹ tục tặng hoa của các quốc gia trên thế giới, người ta đã chuyển đổi thành tập tục cài hoa hồng trong giai tiết Vu Lan, nói lên niềm cung kính hướng vọng Từ Thân người đối diện với mình.
Những ai còn Mẹ sẽ được cài Hoa Hồng Thắm, ngụ ý chúc thọ bậc cao niên có phước đức, sinh người hiền hiếu và mừng người trực diện với mình được vui vẻ chung sống với mẫu thân, hay còn được cung phụng mẹ hiền; những người Mẹ đã mất được cài Hoa Hồng Trắng, nói lên sự thương tiếc người đối diện đã mất đi bậc kính quý thân thương, nên chung lời cầu nguyện và tác tạo phước duyên, hồi hướng cho người ra đi được tiêu diêu miền Cực Lạc.
TÌM HIỂU VỀ TÌNH ĐỜI NGHĨA ĐẠO
Trong Giai Tiết Vu Lan
Thế nhân thường chủ quan, nhưng Phật giáo chủ trương có nhân quả luân hồi, nên mới có ;Nhân nhân nan đắc, Phật Pháp nan văn“ nghĩa là ai hân hạnh lắm mới có được thân người với lục căn đầy đủ, phước trí vẹn toàn, lại tinh thông Phật Pháp, am tường kinh sách, triết lý của thánh hiền là một việc khó.
Cổ nhân cũng đề cao con người là thiêng liêng nhất trong sinh linh vạn loại (thiên sinh vạn vật, nhân chi tối linh). Thật vậy, trên hành tinh của chúng ta ngày một tiến phát thăng hoa, phải nhờ bàn tay khối óc con người xây dựng và phát triển. Nhờ văn minh khoa học, con người có thể lên rừng, xuống biển khảo sát, tìm cách xử dụng thiên nhiên, họ thám hiểm cả đại lục, không gian để vén màn bí mật của tạo hóa.
Có tài trí, lại thêm đức hạnh vẹn toàn, con người sẽ thành hàng thánh thiện, hay trở nên hiền quân quân tử, nên tôn giáo và các học thuyết dần dần xuất hiện, ngõ hầu hướng đạo thế nhân khéo sử dụng phần tâm linh và thăng hoa tư tưởng, để phong phú hóa nếp sống vật chất và tinh thần. Tự cổ chí kim, từ đông sang tây, biết bao gương sáng về „Xử Kỷ Tiếp Vật, Tình Nghĩa Hiếu Trung“, nhân mùa Vu Lan chúng tôi xin mạn phép nhắc lại và tô điểm thêm những điều hiếu kính của người muôn nơi, kể các các đấng quân vương, hàng dân giả, cho đến những trẻ em năm ba tuổi, đã biết nhõng nhẽo làm vui cho cha mẹ.
* Kinh điển Phật giáo thường đề cao hiếu đạo: „Tâm hiếu là tâm Phật; hạnh hiếu là hạnh Phật“, hay lời Phật dạy: „Người quên ơn dù đứng bên cạnh ta, vẫn xem như cách ta nghìn dặm“. Phải chăng Phật giáo thường đặt nặng „Bốn Trọng Ân“ mà cha mẹ là hàng chính yếu.
* Các bậc cao niên Nho giáo đã nêu cao ân đức sinh thành: „Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai tai phụ mẫu, sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên vọng cực!“. Với đại ý: Cha sinh ta, mẹ dưỡng ta. Than ôi cha mẹ khó nhọc vì ta, muốn tìm hiểu để đền đáp thâm ân, như trông vời xa thẳm!“.
* Các thi văn khắp nơi đã đề cao ân đức sinh thành:
- “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt hảo vẫn là quả tim của người mẹ“ (Bersot).
- “Nơi ẩn náu vững chắc nhất, là cung lòng người mẹ“ (Floriand).
- “Trong đời con có những ngày buồn thảm, nhưng buồn thảm nhất là ngày con mất mẹ“ (Amicis).
* Nhà thơ Giác Trí trong bài Tâm Hiếu đã tha thiết nêu cao ơn cha nghĩa mẹ:
„Vu Lan tuyệt đẹp vô vàn
Ơn cha nghĩa mẹ ngút ngàn non cao
Trên trời có vạn vì sao
Xin đem dâng hết đón chào Vu Lan“.
* Đôi vợ chồng nghèo, nhất trí xây lăng một để phụng thờ Tứ Thân Phụ Mẫu:
„Công cha ba năm ân ưu dưỡng dục
Nghĩa mẹ chín tháng nặng nhọc cưu mang. Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn?
Thôi thì đôi ta hãy lên non gánh đá, xây lăng phụng thờ“.
* Nhà thơ Mặc Giang luôn hồi tưởng bóng hình cha muôn thuở:
„Cha tôi đó, ôi tình cha muôn thuở,
Nhờ bóng hình cha, tôi mới có hôm nay. Dù cha tôi không niềm nở từng ngày,
Nhưng vẫn trơ gan cùng phong sương tuế nguyệt.
Bến bóng bụi mờ – Đêm dài nuối tiếc
Bên dòng lịch sử – Băng giá lên ngôi
Bên dòng sông xưa – nay lở mai bồi
Còn đó mãi – bóng hình cha muôn thuở!“.
* Mục sư Anna Yarvis vừa là một nữ giáo viên, vận dụng khả năng hiện hữu để tổ chức đại lễ truy niệm ngày mẹ qua đời. Khởi đầu chỉ thu gọn ở Philadelphia, nơi Anna Yarvis coi việc quản thủ sổ sách cho một hãng bảo hiểm. Mãi đến năm 1914 được Tổng Thống Woodrow Wilson chấp nhận thành lễ Mother's Day khắp toàn quốc Hoa Kỳ vào ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng May.
* Do đề xuất của bà John B. Dodd ở Spokane, Washington, từ năm 1910. Sau đó ngày lễ „Các Bậc Thân Sinh“ đã được vị Thị Trưởng Spokane chấp nhận. Năm 1924 được Tổng Thống Calvin Coolidge đồng ý hỗ trợ. Mãi đến năm 1966 lễ Father's Day được tổ chức hàng năm vào ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng June trên lãnh thổ Hoa Kỳ, do Đạo Luật số
92-278 ngày 24 tháng 4 năm 1972.
* Bên Trung Hoa có vua Thuấn, thuở hàn vi đã cày ruộng ở Lịch Sơn để có chút vật chất cung phụng cha mẹ, sau khi mẹ mất, ông vẫn hiếu kính với mẹ kế và thương yêu các em dị bào.
* Hán Văn Đế con thứ ba Thượng Hoàng Cao Tổ, mẹ là Bạc Hậu, ngọa bệnh 3 năm, nhà Vua luôn hầu hạ, tự tay thuốc thang cung phụng mẹ hiền. Mẫu Hậu nhắc nhở gì về việc triều chính, Hán Văn Đế ghi lòng tạc dạ, giải quyết phân minh.
*Chu Văn Vương hàng ngày đến viếng Phụ Vương 3 bận, Người thăm hỏi sức khỏe, luôn theo dõi những thức ăn và công việc thường nhật của Thượng Hoàng, để nhắc nhở quân hầu tận tình phục vụ.
*Việt Nam có vua Trần Anh Tông được Thái Thượng Hoàng Nhân Tông truyền ngôi năm Quý Tỵ (1293). Thượng Hoàng về cung Thiên Trường (làng Tức Mạc, tỉnh Nam Định, Bắc Việt) hưu dưỡng, vừa chuẩn bị xuất gia cầu đạo, vừa cố vấn cho Ấu Chúa Anh Tông. Nhân gặp tiết Trùng Dương, Thượng Hoàng bất thần hồi cung thăm viếng, Vua Anh Tông lỡ uống rượu ngà ngà không dám nghênh tiếp và hầu ngọ trai. Thượng Hoàng buồn truyền xa giá trở về Thiên Trường, lập tức vua Anh Tông sai Đoàn Nhữ Hài thảo sớ văn, cùng một phái đoàn về Thiên Trường quỳ lạy trước cổng để tạ tội và tâu với Phụ Hoàng xin chừa rượu trước sự chứng kiến của quan quân!
* Vua Tự Đức (1848-1883) cũng lắm lúc sắc thuốc dâng lên Mẫu Hậu, có lần vua đi săn ở vùng sơn cước Quảng Trị, gặp bão tố không quay về được để chuẩn bị hầu kỵ Thượng Hoàng Thiệu Trị. Tại triều, Đức Từ Dũ lo lắng bất an, khi ngự đoàn hồi cung, Dực Tông Anh Hoàng Đế thấy Mẫu Hậu không vui nên đích thân quỳ lạy tạ tội và dâng cây roi để Đức Từ Dũ xử lý như buổi thiếu thời! Thứ dân chúng ta đã mấy ai làm được điều như các vị quân vương đời Trần, đời Nguyễn ?
* Trong Nhị Thập Tứ Hiếu có chuyện Chu Thọ Xương người Thiên Trường đời Tống, do đích mẫu không con nên cha ới kế thất là Lưu Thị, sinh ra ông rồi nuôi dưỡng học hành chu đáo. Khi Thọ Xương lên 7 tuổi rất thông minh đĩnh ngộ, đích mẫu ghen ghét đuổi lưu Thị biệt xứ, mãi đến 50 năm sau, Chu Thọ Xương xuất chinh mới chu đáo hỏi tìm, nên hay biết mẹ lưu lạc tới Đồng Châu đất Tần! Ông xin từ quan tìm gặp mẹ, hiếu tâm của ông được truyền tụng, nên nhà Vua ban chiếu triệu về kinh cho tiếp tục công vụ.
*Qua tiểu truyện „Chơn Hà Tìm Mẹ“ do Ni Cô Thích Nữ Viên Hạnh biên soạn, xuất bản năm 2002 tại Utah, y hệt chuyện „Thọ Xương Tầm Mẫu“. Bà Lựu người Huế mồ côi cha mẹ ở với anh ruột là „ông Xã Bị“, Xã Trưởng Vạn Trường Xuân, Quảng Trị, bà có nhan sắc mỹ miều, sống trong thời chiến tranh khốc liệt triền miên 1945-1975. Sợ em gái bị hiếp đáp bởi quân viễn chinh đương thời, hay gái đẹp thường bị ép làm binh vận, ông Xã Bị gả cô Lựu làm bé quan Tuần Vũ kiêm Án Sát Quảng Trị, sinh ra Chơn Hà, Tạ Thị Hải. Cũng cảnh ngộ như mẹ Chu Thọ Xương, bà Lựu phải phiêu bạc theo thời gian, qua nhiều biến cố tại địa đầu giới tuyến „Cầu Hiền Lương“ - Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, bà Lựu chạy vào sinh sống ở Gò Nổi, Quảng Nam, trong khi Chơn Hà sống kín cổng cao tường, sang giàu nhung lụa với cha, với „Me“ quyền quý nghiêm khắc, cô xuất thân tại trường Đồng Khánh, Huế, có chồng sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Trước khi lâm chung, ba của Chơn Hà trăn trối:
„Con vừa có „Me“ thương yêu nuôi dạy, lại còn có „Mẹ“ là thân nhân với ông Xã Bị Trường Xuân!“. Do đó mà trước khi theo chồng định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O, Chơn Hà may mắn tìm được mẫu thân sau 50 năm lưu lạc. Giờ vợ chồng Chơn Hà bảo lãnh bà Lưu sang du lịch tại Denver, Colorado, đoàn tụ vui vầy.
* Cũng trong chuyện 24 người con hiếu thảo có Hán Lục Tích 6 tuổi, người Giang Nam, đời Tam Quốc, theo cha yết kiến Viên Thuật tại Cửu Giang, thấy Lục Tích xinh đẹp ngoan hiền, Viên Thuật xoa đầu ngợi khen, cho vào bàn dự tiệc với cha và các khách quý. Sau bữa tiệc có trái cây ngon, quít đỏ. Lục Tích giấu vài trái trong tay áo mang về dâng mẹ. Lúc theo cha o từ Viên Thuật. Lục Tích sơ ý để quít rơi xuống đất, chủ nhà cười nói xuề xòa: „Tân khách cũng theo thói quen của trẻ, mang quà về nhà nhỉ?“ (Sao khách hiền mang thói trẻ thơ?). Lục Tích thưa rằng: „Mẹ tôi ở nhà rất thích quít, món quít Ngài đãi khách vừa đẹp lại vừa ngon, tôi nghĩ mang quà này về biếu mẹ tôi, xem như cả nhà chúng tôi đều thọ ân của tướng quân đó“. Viên Thuật hết ca ngợi bé thông minh, hiếu hạnh nên khen thưởng bội phần.
* Hiện giờ chúng tôi cũng chứng kiến cháu Bảo Minh mới hơn 3 tuổi rưỡi, được ba cháu bảo lấy nước lọc và cái bánh ngọt cho daddy dùng nào? Bảo Minh mở tủ lạnh xách chai nước lọc và ly kem mang ra, ba cháu bảo lạnh không ăn được, cháu chau mày nhăn mặt khóng nhõng nhẽo thấy thương, ba cháu bế con hôn bù lại rồi ăn kem. Bảo Minh vui cười thỏa mãn. Tình cha con thể hiện rõ ràng qua cháu Bảo Minh còn măng sữa.
* Sách có ghi người dâu họ Trần ở Trần Châu đời Hán rất trinh thục, hiền hiếu. Gặp thời loạn lạc chồng nàng phải đi lính thú, trước lúc chia tay chàng rơi lệ nhỏ to với vợ rằng: „Chúng ta vì thời cuộc phải xa nhau, sa trường mờ mịt sống chết khó lường. Tôi ra đi mẹ già nhờ em phụng dưỡng thì công ơn xin mãi mãi nhớ ghi“. Vợ khóc mà thưa rằng: „Dâu cũng như con, chàng ra đi thiếp xin giữ niềm chung thủy, thì thở mẹ chồng cũng là phận sự“. Chàng ra đi, mẹ chồng nàng dâu thân thương trìu mến, bỗng đâu tin dữ đưa về, mẹ con nhìn nhau buồn tủi! Mấy năm sau thấy cô dâu lẻ bóng, nhà vắng trẻ thơ, mẹ chồng khuyên nên tái giá, nàng rơi lệ xin giữ lời hứa khi chia tay, để bạn tình được ngậm cuời nơi chín suối!
* Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc cũng có ghi:
„Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về phòng cũ chiếu chăn.
Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh“
Và nhiệm vụ của người chinh phụ đối với gia đình:
„Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,
Miệng hài nhi nhớ bữa mớm cơm.
Ngọt bùi thiếp đỡ hiếu nam,
Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân“.
Ôi tình mẫu tử, nghĩa phu thê, đạo lý con người tuyệt đẹp, vượt qua tâm sinh lý và thông lệ thế gian, đáng thán phục và vinh danh.
Sau khi tìm hiểu ý nghĩa về Giai Tiết Vu Lan và đi sâu vào hiếu tâm con người qua không gian và thời gian, chúng tôi muốn nói lên bổn phận thiêng liêng của tiền nhân đối với đàn hậu bối xuất xứ nơi nhiều sách báo trong và ngoài nước, hay những chuyện viết về loài vật nuôi con rất lý thú, nhưng bài viết khá dài nên xin dừng lại, bởi lẽ thiên chức đấng sinh thành đã được đề cao phần nào trong bài viết, vả lại công đức của ông bà cha mẹ đối với con cháu thật xa vời như trời cao lồng lộng, thăm thẳm như đất sâu nghìn trùng do đó chúng tôi xin viết lại đôi câu đ i thờ cha mẹ bằng Hán văn và phỏng dịch ra Việt ngữ, cống hiến chư độc giả, đồng hương tham khảo và chiêm nghiệm nhân mùa Bông Hồng Cài Áo:
Phụ Đức Sanh Thành, San Nhạc Trọng
Mẫu Ân Cúc Dục, Hải Hà Thâm.

Với đại ý:
Công Cha Gầy Dựng Tợ Non Cao,
Ơn Mẹ Dạy Nuôi Như Biển Cả.


(Nguồn Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét