Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thỉ Tổ

TÓM TẮT LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG TỘC HÀ PHƯỚC


Lời Ngỏ
Bài này do ông HÀ BÂN biên soạn. Cô HÀ THỊ HẢI VÂN gửi đến.
Chúng tôi đưa lên đây với mục đích tham khảo, để quý vị cao minh trong Tộc được tường lãm, và con cháu gần xa được tỏ tường.
Chúng tôi mong chư vị cao minh trong Tộc xác định tính chính xác của bài viết để con cháu trong Tộc HÀ - Quảng Nam biết được rõ ràng nguồn gốc của ông bà tổ tiên.
Xin quý vị nhấn vào đây để tải về, dung lượng 1.3 MB.
Chúng tôi chân thành cám ơn cô HÀ THỊ HẢI VÂN đã gửi đến bài này,
Chúng tôi chân thành cám ơn và trân trọng công sức của ông HÀ BÂN là người đã bỏ công biên soạn bài viết này để con cháu đời sau biết được nguồn gốc tổ tiên.

------------------------

CHIM  CÓ  TỔ
NGƯỜI  CÓ  TÔNG

BẢN TÓM TẮT
LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG
TỘC  HÀ - PHƯỚC
*****


                                             UỐNG  NƯỚC  NHỚ  NGUỒN
ĂN  QUẢ  NHỚ  NGƯỜI  TRỒNG  CÂY

***
PHẦN  I
Bối  cảnh  tình  hình  đất  nước  và  sự  có  mặt  tộc  Hà - Phước
trên  đất  Quảng  Nam -  Đà  Nẵng  ngày  nay
*****
          Theo  thông  sử  Việt  Nam  - Từ  trước  thế  kỷ  3  trước  Công  nguyên  đến  thế  kỷ  thứ  14.  Miền  đất  từ  đèo  Ngang  (  Quảng  bình )  đến  Qui  Nhơn  (tỉnh  Bình  Định )  thường  xảy  ra  tranh  chấp   giữa  hai  Nhà  nước  phong  kiến  Việt  Nam  -  Champa.
Trong  thời  kỳ  nói  trên,  biên  giới  giữa  hai  nước  thường  có  sự thay đổi.  Có  lúc  ở  tại  đèo  Ngang, có lúc  tại đèo  Hải Vân, có lúc  ở  sông  Vệ  ( Quảng Ngãi), có lúc tại  đèo  Cù Mông  (Bình  định – Phú Yên).
Vào cuối đời  Trần , triều  đình  ruỗng  nát. Vua nước Champa là Chế  Bồng  Nga  lợi  dụng  sự  suy  yếu  của  nhà  Trần  kéo  quân  xâm  chiếm  các  vùng  đất  phía  Nam  nước  Việt  Nam  (Hà  Tỉnh - Nghệ  An - Thanh  Hóa)  hai  lần  đánh  phá  kinh  đô  Thăng  Long (Hà Nội). 
Năm 1400  Hồ  Quý  Ly  một  tướng  của  triều  Trần  có  nhiều  thế  lực  đã  phế  truất  vua  Trần  lập  nên  triều  Hồ.
Hồ  Quý  Ly  lên  làm  vua  được  một  năm,  nhường  ngôi  cho  con, thân  chinh  cầm  quân   3  lần  đánh  phá  nước  Champa.  Chiếm  được  đất  Chiêm  Động  và  Cổ  Lũy  Động  lập  nên  lộ  Thăng  Hoa (gồm  Quảng  Nam  và một  phần  Quảng  Ngãi  ngày  nay).
Tháng  11  năm  1406,  giặc  Minh  bên Trung  Quốc  đem  80  vạn  quân  xâm  lược  Việt  Nam.
Năm  1417  Hồ  Quý  Ly, thân  thuộc  và  nhiều  tướng  tá  bị  giặc  Minh  bắt. Quân  Minh  xâm  lược  đã  đè  bẹp  cuộc  kháng  chiến  của  nhà  Hồ  nhưng  không  đè  bẹp  được tinh  thần  bất  khuất  của  nhân  dân  Việt  Nam.
Lúc  bấy  giờ, ông  Đặng  Tất  (một  tướng của nhà Trần , sau khi nhà Trần bị nhà Hồ cướp ngôi thì ông làm việc cho triều nhà Hồ) còn  trấn  giữ  lộ  Thăng  Hoa  cùng  nhân  dân  nỗi  dậy  phối  hợp  với  hai  cuộc  khởi  nghĩa  của  tôn  thất  nhà  Trần  chống  giặc  Minh  và  lập  lại  ngôi  vua cho  nhà  Trần. Hai  cuộc  khởi  nghĩa  do tôn  thất  nhà  Trần  lãnh  đạo  đến  giữa  năm  1408  đã  kiểm  soát  dược  một  vùng  dất  khá  rộng  từ  Thanh  Hóa  đến  Tân  Bình  ( Quảng  Bình -  Quảng  Trị).
Đến  năm  1409,  nội  bộ  những  người  cầm  đầu  phong  trào  khởi  nghĩa  chia  rẽ  nghiêm  trọng.  Các  tướng  trụ  cột  như  Nguyễn  Cảnh  Chân, Đặng  Tất    bị  giết  hại.  Đến  năm  1414  phong  trào  khởi  nghĩa  hậu  Trần  bị tan rã.
Năm 1418 Lê Lợi khởi nghĩa  ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Đến năm 1424 tướng  Trần  Nguyên  Hãn  cùng tướng Lê Nô  đánh chiếm Tân Bình ( Quảng Bình- Quảng Trị )  mở  dần vào   đất Thuận  Hóa  chuẩn  bị  cho  việc  giành  lại lộ Thăng  Hoa  ( Quảng  Nam – Đà Nẳng ) do nhà Hồ lập nên, và tiếp tục mở rộng  bờ  cỏi  xuống  phía  Nam  của  triều  Hậu Lê.
Các  năm 1446  đến 1471  triều  Hậu Lê  Việt Nam  hai  lần  đánh  Champa  lập  ra đạo  Quảng  Nam  từ  đèo  Hải  Vân  đến  đèo  Cù  Mông ( giữa  Bình  Định – Phú  Yên ).
Ba  ông :       Hà  Phước  Hồ      _ ( cha )
                   Hà  Phước  Hài     _  ( con )
                   Hà  Phước  Viễn     _ ( cháu  nội )
           Đều là quan  của  triều Hậu Lê  cùng  với  các  vị  Tộc họ bạn  ở  bốn  tỉnh  Cao  Bằng,  Thanh  Hóa,  Hải  Dương,  Hà  Tỉnh  đã vào  trấn  Nam  Dinh (Quảng  Nam)  vừa  chiến  đấu,  đấu  tranh  chính  trị  vừa  lao  động  sản  xuất ,  xẻ  núi  đào sông  khai  hoang  lập  xã , xây  dựng  tinh  đầu  ở  phía  Nam  nước  Việt  Nam,  mở  rộng  việc  di  dân  ở phía  Bắc  vào  phía  Nam của nước Việt lúc bấy giờ.  Có  thể  tộc  Hà  Phước  có  mặt  tại  đất  Quảng  Nam -  Đà  Nẵng  từ lúc ấy.
           Từ  đó  đến  nay  khoảng  540  năm .

PHẦN  II
Cội nguồn truyền thống tộc Hà phước  
***
A-  Cội nguồn :                      
          Nguồn  gốc  tộc  Hà  Phước  ở  tại  Miền  Bắc  Việt  Nam.  Dòng  giống  Lạc  Hồng  Âu  Việt  quê  hương . Theo  phổ  hệ  tộc  Hà  Phước  ông  Thỉ  tổ  đời  thứ  nhất  đến  đời  thứ  chín  ở tại  tỉnh  Cao  Bằng.
          Đời  thứ  mười , ông  Hà  Phước  Hồ  và  vợ  là  bà  Thị  Quý  Linh  vào  ở  tại  xã  Đằng  Vương, huyện  Trà  Thủy, tỉnh  Thanh  Hóa  có  công  góp  phần  xây  dựng  phát  triển  tỉnh  Thanh  Hóa.
B- Góp  công  cùng  quý  tiền  nhân  các  tộc  bạn  mở  rộng  bờ  cỏi  phía  Nam  nước  Đại  Việt  :
Những  người  theo  lệnh  vua  đi  đầu  mở  rộng  vùng  đất  phía  Nam  nước  Đại  Việt – xây dựng tỉnh đầu ở Miền Nam nước Việt Nam ( theo Bắc địa tấu từ ngày 25 tháng 5 năm thứ 5 Lê  Thái Tổ ) :
  1. Ông Phan Thanh Hà – Tả đô thống trấn phủ – Đô thân hầu – Đô trứ công và các con cháu ở tỉnh Cao Bằng.
  2. Ông Hà Phước Hồ- Hữu đô thống trấn phủ- Đô thân hầu. Con Hà Phước Hài  quan thượng tướng quân Bộ Nội Vụ – Phó chỉ huy đốc sứ. Cháu nội Hà Phước Viễn quan tả thống trấn phủ – Thân hầu – Thị chỉ huy sứ thượng tướng quân – Công thần khai quốc ở tỉnh Thanh Hóa.
  3. Ông Trần Công Quân ở tỉnh Hà Tỉnh.
  4. Ông Nguyễn Văn Chánh và các con cháu ở tỉnh Hà Tỉnh.
  5. Ông Thân Văn Thống và các con cháu ở tinh Hà Tinh.
  6. Ông Huỳnh Tiến Công và các con ở tỉnh Cao Bằng.
  7. Ông Ngô Hưng Khả và các con ở tỉnh Cao Bằng
  8. Ông Đỗ Như Hiển, Đoàn Thế Thân, Đinh Hựu Trân, Trịnh Hồ Xuyên, Mai Quý Phủ và các con cháu ở tỉnh Hải Dương.
  9. Ông Huỳnh Vĩnh Nghiêm và các con cháu ở tỉnh Thanh Hóa.
  10.  Ông Đề Thắng Diệu, Hồ Đức Cu, Hà Ngọc Khánh, Nguyễn Đình Hà, Mạc Văn Xảo, Lê Thượng Nhứt và các con cháu ở tỉnh Cao Bằng.
Gồm 24 người chủ chốt, 30 người đi theo cộng 54 người, sau đó vào thêm 18 bà vợ cùng vào trấn Nam Dinh (Quảng  Nam)  khai phá đất đai lập các xã hiệu đầu tiên là Phong đại xã, Phong trung xã, Ngọc  ba xã, Châu minh xã, Phong niên xã, Khả phong xã. Và tiếp tục lập thêm được 118 xã hiệu, khai phá được 1.800 mẫu ruộng. Lập Tự điền còn phân chia cho dân cày cấy. Và thành lập bốn đình, lập hội tề cai quản.
  • Đình phía Đông cận Trấn
  • Đình phía Tây cận Thị
  • Đình phía Nam cận Sơn (núi)
  • Đình phía Bắc cận Biển
          Lúc bấy giờ người Chiêm Thành còn ở xen kẻ với người Việt. Hai bên giao ước mỗi bên làm một cây tháp, bên nào khiêng nỗi tháp thì được ở dất này. Bên nào khiêng tháp không nỗi thì ra đi vĩnh viễn. Người Việt xây dựng cây tháp bằng giấy khiêng nỗi được ở. Người Chiêm làm tháp bằng đất khiêng không nỗi phải ra đi về hướng Nam khoảng trên 3.300 người.
C. Quá trình lịch sử truyền thống tộc Hà Phước từ ngày vào trấn Nam Dinh đến ngày nay.
        I. Các thế hệ :
            Nếu tính từ ông Thỉ tổ tộc Hà Phước ở tại tỉnh Cao Bằng đến đời thấp nhất hiện nay khoảng 27 - 28 đời.
             Nếu tính từ đời ông Hà Phước Hồ vào trấn Nam Dinh đến đời thấp nhất hiện nay kkhoảng 18- 19 đời.
  Lúc đầu sinh cơ lập nghiệp tại xã Châu Minh, nhưng về sau có nhiều người đi làm ăn cư trú ở nhiều địa phương khác. Một số có địa chỉ, nhiều người đến nay chưa được biết.
+  Đời thứ 2 : Con cả của ông Hà Phước Hồ là ông Hà Phước Thanh vào ở tại huyện Quế Sơn. Con cháu ông nay ở ba vùng chính là :
-    Ông thứ nhất : Hà Phước Công ở thôn Đồng Thành ( tiền hiền làng Đồng Thành ) nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn.
-    Ông thứ hai : Hà Văn Quang tiền hiền làng Thuận An, nay là xã Quế An, huyện Quế Sơn.
-    Ông  thứ ba : Hà Công Triều tiền hiền làng Trung Lộc nay thuộc xã Quế Lộc , huyện Quế Sơn.  Ông Hà Phước Lộc vào ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.
+ Đời thứ 3 : ????
+ Đời thứ 4 : Các ông Hà Thúc Tại – Hà Thúc Thượng – Hà Thúc Hình đi ở nơi khác, chưa xác định được địa chỉ.
+ Đời thứ 5 : Ông Hà Phước Chỉ lên ở làng Bình Nhai ( tiền hiền làng Bình Nhai ) nay thuộc xã Điện Thọ . Ông Hà Phước Tú quan trấn phủ vào ở làng Bằng An ( tiền hiền làng Bằng An ) nay thuộc xã Điện An, huyện Điện Bàn.
+ Đời thứ  6 :  Ông Hà Phước Lý ( Thành ) lên ở làng La Kham ( tiền hiền làng La Kham ) nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Ông Hà Phước Võ theo chú ông Hà Phước Tú vào ở làng Bằng An.
+ Đời thứ 7 : Ông Hà Phước Định xuống ở làng Phú Chiêm nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn.
     II. Tổ tiên, ông bà tộc Hà Phước có nhiều người có chức vụ, học vị cao trong các triều đình phong kiến :
  1. Ông  Hà Phước Hồ quan Thượng tướng. Chỉ huy hữu thống trấn phủ – Thân hầu phủ đô- Đô tướng phủ- Thân hầu đô tướng công.
  2. Ông Hà Phước Hài quan Thượng tướng quân Bộ Nội Vụ - Phó chỉ huy đốc sứ.
  3. Ông Hà Phước Viễn quan Tả thống trấn phủ Đô đô tướng phủ hiệu Đô thân Hầu- Thị chỉ huy sứ- Đô công hầu phủ- Thượng tướng quân công thần khai quốc.
  4. Ông Hà Phước Đăng quan Tả thống trấn phủ Đô đô tướng phủ- Đô thân hầu- Thị chỉ huy sứ- Thượng tướng quân công thần khai quốc.
  5. Ông Hà Phước Đức quan Điền địa.
  6. Ông Hà Phước Dương là quan trấn phủ - Chỉ huy sứ - Tiền hiền tướng công - Khâm sai bát quân - Đô đốc phủ chưởng sứ . Được tặng khenThái bảo trấn đô công thành tướng Hà Văn Diệu tôn thần.
  7. Ông Hà Phước Tú quan trấn phủ tiền hiền nhất long  làng Bằng An.
  8. Ông Hà Phước Chỉ tiền hiền làng Bình Nhai.
  9. Ông Hà Phước Công tiền hiền làng Đồng Thành , Quế Sơn.
  10. Ông Hà Văn Quang tiền hiền làng Thuận An , Quế Sơn.
  11. Ông Hà Công Triều tiền hiền làng Trung Lộc, Quế Sơn.
  12. Ông Hà Phước  Lý tiền hiền làng La Kham, Điện Quang.
  13. Bà tổ cô Hà Thị Phiên ( tức Sắt ) hiển thần.
  14. Ông Hà Phước Diều tướng thần.
  15. Ông Hà Phước Cũ lãnh binh được phong Hà đại nhân thần vị.
  16. Ông Hà Phước Tự lãnh binh chiến đấu mất tích tại Hà Nội.
  17. Ông Hà Phước Trang cải tộc Hồ tiền hiền làng Đông Bàng, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn.
  18. Ông Hà Phước Khương lưỡng khoa Tú tài.
Từ cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, nhất là trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian lao ác liệt , con cháu tộc Hà Phước ở tại thôn Ngọc Tú, xã Điện An cũng như ở nhiều địa phương khác trai gái, già trẻ đều một lòng cùng nhân dân chiến đấu giành độc lập , thống nhất tổ quốc và ngày nay xây dựng và bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. Nhiều người có công lao địa vị xứng đáng tiếp tục làm rạng danh tộc Hà Phước.
D. Thỉ tổ tộc Hà Phước tại Miền Nam Việt Nam :
                 Là Ông    :  Hà Phước Hồ
Quan Hữu Thống Trấn Phủ - Thượng Tướng Thân Hầu Đô Tướng Công.
                 Vợ            : Bà Thị Quý Linh
Đời thứ 2 :
Ông Hà Phước Thanh con cả ông Hà Phước Hồ vào ở huyện Quế Sơn.
Ông Hà Phước Lộc con thứ 2 ông Hà Phước Hồ vào ở huyện Thăng  Bình.
Các Cao tổ lúc đầu hình thành bốn chi Phước- Đức- Ngọc- Thúc.
Đến đời thứ 5 tộc Hà Phước mới hình thành bốn phái như sau :
  1. Đứng đầu phái nhất : Ông Hà Phước  Lý ở tại La Kham, xã Điện Quang.
  2. Đứng dầu phái nhì   : Ông Hà Phước Lai ở xứ đất Châu Bông, thôn Ngọc Tứ, xã Điện An.
  3. Đứng đầu phái ba    : Ông Hà Phước Liễn ở xứ đất Minh Đương , thôn Ngọc Tứ , xã Điện An.
  4. Đứng đầu phái bốn  : Ông Hà Phước Tú ở tại thôn Bằng An, xã Điện An.
Đ. Quan hệ thông gia tộc Hà Phước với tộc bạn :
          Làm dâu tộc Hà Phước từ đời thứ 10 về trước gồm các bà ở các họ Trang, họ Bì, họ Ngô, họ Châu, họ Đoàn, họ Nguyễn, họ Lê, họ Phạm, họ Đặng, họ Đỗ, họ Khúc, họ Trịnh, họ Trà, họ Trầm, họ Cao, họ Dương, họ Huỳnh - nhiều nhất là các bà họ Đoàn cùng làng Ngọc Tứ.
         Con gái tộc  Hà Phước làm dâu các tộc họ : họ Đoàn, họ Hồ, họ Trần, họ Nguyễn, họ Trịnh, họ Phạm, họ Lê, họ Trương, ...v.v.. Nhiều nhất là các bà ở trong làng và các thôn Nhất giáp, Nhị giáp, Tam giáp, Hạ liên, Hạ nông, Đông hồ, Nông sơn, Đông bàn, Giáo ái...v.v.
E. Có công trong kháng chiến chống Pháp , chống Mỹ xâm lược :
Thống kê chưa được đầy đủ, tộc Hà Phước ở trong huyện và ngoài huyện Điện Bàn có nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như sau :
-         Được Nhà  nước tuyên dương Bà Mẹ Việt Nam anh hùng : 9 bà ( ở Ngọc Tứ 3 bà, ở Bình Dương 6 bà ).
-         Có khoảng 100 cán bộ từ cấp huyện đến các cơ quan Trung ương.
-         Có khoảng 100 cán bộ quân đội Nhân dân Việt Nam từ cấp úy đến cấp đại tá.
-         Có trên 400 hộ gia đình co công với nước.
-         Có trên 150 liệt sĩ, thương binh .
-         Đuọc Nhà nước khen thưởng trên 200 huân chương các loại và nhiều bằng khen.
-         Có 15 người có  50- 55 tuổi Đảng.


 PHẦN   III
Tiếp tục phát huy truyền thống tộc Hà Phước
*****
Chim có tổ
Người có tông
Uống nước nhớ nguồn
Ăn quả nhớ người trồng cây

          Đó là đạo lý , lẽ sống làm người.
          Cháu con nội ngoại tộc Hà Phước với lòng thành kính biết ơn, khói hương thờ cúng tổ tiên ông bà, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
          Tham gia tái tạo nhà thờ, chăm lo phần mộ tổ tiên ông bà ngày càng khang trang đẹp đẽ.
          Cháu con nội ngoại thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong khó khăn hoạn nạn. Thăm viếng động viên khi ốm đau. Chia xẽ đau thương, phúng điếu giúp đỡ lễ tang khi có người quá cố.
          Gia đình hòa thuận, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cái hiếu thảo chăm học chăm làm.  Dầu còn khó khăn cũng cho cháu con học chữ, học nghề đến nơi đến chốn để lập thân lập nghiệp kế tục sự nghiệp ông cha.
          Đoàn kết với nhân dân chung sức chung lòng xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Phát huy nội lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ, vận dụng khoa học kỷ thuật để làm giàu cho mình và cho đất nước, để sớm đạt được mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng , văn minh”.
          Làm tốt những điều trên đây là tiếp nối truyền thống anh hùng của quê hương đất nước và tộc Hà Phước chúng ta.

--------------------------------------------------------------------------
( Tài liệu này dựa vào phổ hệ tộc Hà Phước ông bà để lại và Bắc địa tấu bằng chữ Nho dịch sang chữ quốc ngữ. Nghiên cứu thêm tài liệu lưu trữ tại Huế, Hà Nội để biên soạn )
Người biên soạn : ĐẠI TÁ HÀ BÂN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét