Chuyến
tàu từ phố cổ Hội An ra cù lao Chàm có nhiều khách phương xa. Trong đó,
có một kẻ lần đầu đến với xã đảo này với khát vọng được soi mình xuống
giếng rêu Chăm còn sót lại để tìm một con trăng thời quá vãng…
Ngồi bên tôi, hai chị em Hoa, 20 tuổi, vừa trải qua những ngày lăn lộn
mưu sinh tận Sài Gòn quay về. Họ bắt chuyện và rủ tôi về nhà ở lại vì:
"Ngoài đó ít nhà trọ lắm. Anh cứ đến ở nhà tụi em, anh muốn đi mô, tụi
em dẫn đi!". Trước đó, đã nghe bạn bè nói nhiều về cái nhiệt tình, quý
khách đến lạ lùng của người xứ đảo, nên tôi tin đó là lời mời thật thà.
Tìm trăng đáy giếng
Những cơn áp thấp ngoài biển khơi làm cho không khí vùng đảo trở nên
thất thường. Những ngày này, gió xuống rùng rùng từ Bát Long, Ngoạ Long,
Tiêm Bút - ba ngọn núi cao nhất - như bờ đê vững chãi ấp ôm xã đảo. Ba
ngọn núi chỉ 500 m nhưng quanh năm chờn vờn mây.
Ngày xưa, khi thương cảng Lâm Ấp phố (Hội An) còn nhộn nhịp thương
thuyền Á - Âu, vùng đảo này là nơi buông neo trung chuyển của nhiều tàu
thuyền lớn. Theo sử cũ, cù lao Chàm đã có từ thế kỷ II- XIV do người
Chăm xây dựng. Trong những cuộc khảo cổ học ở bãi Làng, người ta đã phát
hiện nhiều bình gốm Chăm vỡ, có niên đại 13 thế kỷ. Giáo sư Trần Quốc
Vượng cho rằng, lịch sử cù lao Chàm đã khai sinh từ lâu hơn thế - cách
ba, bốn ngàn năm đã có dấu vết con người biểu hiện qua những vật dụng
thuỷ tinh chôn vùi trong lòng đất.
Dưới lớp đất và mặt biển sâu đầy xao động kia, có thể vẫn còn ôm ấp biết bao nhiêu điều bí mật của những vỉa tầng văn hoá.
Cù lao Chàm - tức cù lao của người Chăm. Ngày trước, ở đây còn có một
tháp biển Chăm, để quan sát, sau bị giật bom, sụp đổ. Nay chỉ còn giếng
nước cổ của người Chăm với hình dạng trên tròn dưới vuông tượng trưng
cho trời và đất. Giếng nước ngọt này từng chứng kiến biết bao cuộc bể
dâu. Ngày xưa, những tàu buồm thương nhân coi đây là trạm trung chuyển,
họ thường buông neo để vào múc nước. Giếng nước này một thời cung cấp
nước cho cả đảo uống quanh năm vẫn không hề cạn. Đặc biệt, Hải Tạng là
một ngôi chùa được xây từ năm 1758, vẫn còn miếu Ngũ Hành thờ tổ nghề
yến và đặc biệt là còn lưu lại nhiều tượng, chuông đồng giá trị.
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi với nhịp phách của sóng, gió và bão giông.
Trong những chuyến khai quật khảo cổ trong lòng biển gần đây, chúng ta
đã phát hiện ra một số hiện vật cổ là gốm sứ Chu Đậu, Mỹ Xá (Hải Dương)
từ thế kỷ XV trên xác tàu đắm gỉ sét dưới lòng biển sâu cù lao Chàm như
dấu vết tang thương của những chuyến vượt biển giao thương của người
xưa…
Đêm đầu tiên nơi đất cù lao Chàm này, tôi đã được soi mình xuống lòng
giếng sâu để tìm màu trăng hoài cổ. Màu trăng đỏ, thấp thoáng mây trời
báo hiệu mùa biển bất trắc. Gió biển thổi qua những khe núi như một
tiếng thở dài. Bước chân trên những thớ gạch xưa nơi ngôi chùa Hải Tạng,
có thể nghe hơi thở của thứ rêu thời gian lạnh lùng. Thi thoảng, tiếng
chuông chùa cất lên như đồng vọng từ một thời gian, không gian nào xa
lắc.
Giấc mơ mang hình cánh neo
Đồi núi và đảo đá, nơi bầy yến xây tổ, sinh sôi, đem lại cho nơi đây
một đặc sản phong phú tuyệt vời. Theo những chuyến đò của ngư dân ra
khơi, đến với những hòn đảo nhỏ rải rác như hòn Mồ, hòn Lá, hòn Yến, hòn
Tai, hòn Dài… Trên những vách đá cheo leo giáp biển, có thể thấy nhiều
tổ yến bám vào vách núi. Loài yến dùng nước miếng của mình quện tổ. Đây
là nguồn yến sào phong phú của đảo nhỏ này. Hiện nay nghề làm yến được
Nhà nước đưa vào khai thác và giữ gìn, không còn tình trạng lấy yến bừa
bãi như trước.
Đến cù lao Chàm, cũng còn những món ngon đặc sản như ốc vú nàng, cua đá
và bánh su sê nổi tiếng ngon và rẻ. Một buổi sáng, đứng trên cảng cá
đợi ghe thuyền về, có thể thấy những ghe cá tươi trên các chuyến đò ghe
cập bến. Nếu rộng rãi thời gian, bạn có thể mướn ghe hoặc thuyền thúng
chèo sang bãi Hương, đi ngang bãi đá hòn Chồng, rồi cùng ngư dân buông
câu, có thể bắt được nhiều loại cá biển đủ màu sắc, rất lạ. Sức hấp dẫn
của những cảnh đẹp ven biển như bãi Ông với trảng cát dài, sóng cứ vỗ
vào bờ những chai lọ, những dép guốc bỏ đi, lũ chem chép lại bám vào đó,
rồi dạt vào bờ tạo nên những hình thù ngộ nghĩnh. Ở bãi Hương, khách có
thể thả tầm mắt sang hòn Tai, mũi đá cuối cùng của ngọn cù lao này.
Cù lao Chàm, nhìn kỹ, mang hình một đuôi neo. Cái đuôi neo ấy, thời
chiến tranh chống Mỹ chưa từng biết đến bom đạn. Sự bình yên của một ốc
đảo cách phố cổ Hội An gần 18 km đường biển đã trở thành nơi bảo vệ cho
nhiều đoàn người vượt biển tìm nơi trú ẩn trước sự thảm khốc của bom
đạn. Tính cách dữ dội của những con người vật lộn với sóng gió, ham khám
phá thiên nhiên kỳ diệu trên một vùng đất có đặc thù văn hoá đảo riêng
làm cho người cù lao Chàm trở nên gan dạ, hiệp sĩ và yêu người đến lạ.
Ông Đinh Văn Nối, 65 tuổi, ba mươi năm lái tàu có dáng người tròn trùng
trục, khuôn mặt phong sương kể: "Ba mươi năm tui đi tàu tuyến Hội An- cù
lao Chàm. Chỗ nào biển sâu biển cạn, biển động, sóng dữ, tui biết hết.
Tui đã vật lộn với hàng trăm cơn bão". Đời lái tàu của ông không có bằng
cấp gì cả, chỉ có Nhà nước chứng nhận là dũng cảm và cam chịu sóng gió
để đưa người ta đi biển an toàn!
Lưu luyến cù lao
Buổi tối, gió từ núi xuống đập sàn sạt trên nóc nhà ngư dân. Tôi nghe
tiếng thở dài của hai vợ chồng ngư dân chủ nhà, tiếng thở dài lo lắng
cho cơn biển động dài ngày. Nhưng rồi sớm mai, hiên nhà có một vệt nắng
qua, dọc những quán cà phê lẹp xẹp, đàn ông cù lao Chàm vẫn ngồi bàn
chuyện đi biển. Đề tài thời tiết và biển đã luôn xuyên suốt trong câu
chuyện của họ. Người cù lao Chàm hầu như quen biết nhau. Cuộc sống ở đây
ngày trước, thuyền bè đi lại giao lưu khó khăn, người ta như bị cô lập,
có khách ra là không cho khách về. Hoạ sĩ Trọng Dũng ở Đà Nẵng kể: "Lần
lễ hội miền biển năm 1997, tôi ra đây và được ở tạm trong nhà một cụ
già. Về không đành. Bà cụ cứ kéo áo lại mà khóc, bảo rằng, chẳng thà tụi
bay đừng ra, chứ ra rồi đi biết khi mô mà gặp lại hả con…". Tôi cũng
gặp hoàn cảnh tương tự. Bọn trẻ con ông Lước cứ bám theo tôi không cho
rời nửa bước, còn vợ chồng anh thì bảo, chịu khó ở lại, vài hôm trời êm,
họ sẽ chèo ghe đi thăm hết những đảo nhỏ. Nhưng lời mời ấy, đành phải
hẹn lần sau…
Mỗi ngày chỉ một chuyến đò vào ra cù lao Chàm. Hôm ấy mưa. Bến thuyền
hun hút gió. Tôi bước lên thuyền về đất liền và thấy mình còn nợ nần với
cù lao Chàm, nợ ánh mắt xa xôi kia một điều gì đó chưa và có thể mãi
mãi không bao giờ bày tỏ hết được.
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét