Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Hồi ký: Khúc tiêu đồng (Kỳ 1)


                                                        HÀ THƯỢC (HÀ NGẠI)

Ông Nội tôi tên là Hà Thược tự Hà Ngại (thường gọi Án Ngại), sinh năm 1890 tại làng  Phú quý  Na khom, nay là thôn Na khom , xã Điện quang, huyện Điện Bàn , tinh Quảng Nam.
Ông  tôi là cháu đời thứ 13 dòng dõi HÀ PHƯỚC thuộc Tộc  Hà  ở Quảng Nam, (nhánh 6, chi 3, phái 3  Phú quý  Na khom - căn cứ vào quyển Gia Phả Họ Hà năm 1986). Ông  tôi  sinh  ra  trong  gia  đình  “theo đòi nho học”  (theo lời kể của Ông), nhưng gia đinh nghèo lắm, không đủ tiền mua sách, phải mượn sách của các làng lân cận để học.
Ông tôi là học trò nghèo , nhưng nhờ hiếu học nên đỗ đạt và được bổ làm quan.
Khi tôi còn bé vẫn thường nghe Ba Mẹ tôi kể về Ông tôi,  rằng là ” Ông  Nội của con làm Quan Bố chánh Án sát mấy mươi năm....là đã giúp người này, người kia...” , tôi nghe mà cứ ngỡ như nghe chuyện cổ tích.
Nay tôi được đọc Hồi ký  “Khúc Tiêu Đồng” của Ông , tôi mới hiểu tường tận phần nào  cuộc đời làm quan của Ông tôi.
Về Hán Học Ông tôi thi dỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý 1912 tại trường Thừa Thiên. Về Tây học Ông tôi tốt nghiệp Trường Hậu Bổ ở Huế ( Trường Hậu Bổ dành cho những  người khoa giáp , ai được vào học xem như  sơ bổ rồi , tức là đã được bổ dụng , sẽ ra làm quan ) .  Tốt nghiệp Ông tôi được thăng hàm Trước tác (6/2 ) trong khi các vị cử nhân khác chỉ được thăng Biên tu.  Sau đó Ông tôi được bổ vào học tập chính sự và làm Hậu Bổ ở tỉnh Bình định.
Những  phẩm hàm Ông tôi đã kinh qua :
-Hậu Bổ tỉnh Bình định (hàm Tùng lục phẩm *) làm việc 2 năm.
-Tri huyện Phù Cát,tỉnh Bình Định (hàm Chánh lục phẩm *) làm việc 6 năm.
-Tri huyện Hậu lộc, tỉnh Thanh hóa. (Hậu lộc là huyện nhỏ và nghèo nhất tỉnh Thanh hóa lúc bấy  giờ)
-Tri huyện Yên định, tỉnh Thanh hóa (Yên định là huyện lớn và giàu nhất tỉnh Thanh hóa  lúc bấy giờ)
-Tri phủ Đông sơn, tỉnh Thanh hóa (hàm Tùng ngũ phẩm *).
-Tri phủ Thiệu hóa, tỉnh Thanh hóa.
             ( Thời gian Ông tôi làm tri huyện 2 huyện Hậu lộc và Yên định, tri phủ 2 phủ Đông sơn và Thiệu hóa là 10 năm.)
-Tri phủ Triệu phong , tỉnh Quảng tri , làm việc 11 tháng.
-Án sát ** tỉnh Bình thuận (hàm Tùng tam phẩm * ) làm việc 4 năm 1 tháng.
-Phủ Thừa tỉnh Thừa thiên ( hàm Tùng tam phẩm như Án sát) làm việc 2 năm.
-Án sát** Hà tỉnh ( năm 1940 )
-Bố chánh ** Nghệ an ( hàm Chánh tam phẩm * )
-Quản đạo ** Kontum  ( Quản đạo ngang hàm Bố chánh )
-Tuần vũ** Kontum  ( hàm Tùng nhị phẩm * )
             Sau khi  Ông tôi làm Tuần vũ Kontum một thời gian thi đến CMT8 năm 1945  , Ông tôi giao chánh quyền cho CM và được về nghĩ hưu.
             Thời gian Ông tôi nghĩ hưu về sống tại Thành nội Huế, Ông tôi đi dạy thêm chữ Nho , đến năm 1960 sức khỏe Ông tôi giảm sút nên Bác Cả đưa Ông tôi vào Sài gòn sống chung để chăm sóc.
             Ông tôi mất ngày 14 tháng giêng năm Bính thìn ( 1976 ). Hiện nay tro cốt của Ông tôi đang gởi thờ tại Chùa Vĩnh Nghiêm thành phố HCM.
             Với tấm lòng kính yêu và ngưỡng mộ đối với Ông Nội , đồng thời  được sự khuyến khich của các anh trong Tộc, tôi xin mạn phép Ông , “ trình làng ”  Hồi ký   “ Khúc Tiêu Đồng ” của Ông tôi, với mong muốn cung cấp ít nhiếu thông tin về cuộc đời làm quan của Ông  tôi , đối với quí cô- bác- anh - chị  trong Tộc Hà   có sự quan tâm tìm hiểu .
             Rất mong được sự lượng thứ nếu có điều chi sơ sót.
     PHỤ CHÚ  :                                                                                                        
*Theo quan chế triều Nguyễn có  9 phẩm trật ,
  từ Nhất phẩm đến  Cửu phẩm  .

 Nhất phẩm  là phẩm trật lớn nhất , Cửu phẩm là phẩm trật nhỏ nhất . 
Trong mỗi phẩm có trật Chánh và trật Tùng (Chánh nhất phẩm , Tùng nhất phẩm)
 trật Chánh cao hơn trật Tùng.  


**Theo cách tổ chức hành chánh của các triều
trước và triều Nguyễn lúc bấy giờ , mỗi tỉnh
lớn có 3 quan là Tổng đốc , Bố chánh , Án sát .
Tỉnh nhỏ chỉ có Tuần vũ và Án sát . Tỉnh nhỏ
hơn nữa chỉ có Quản đạo .                                                                                      
Tổng đốc , Tuần vũ , Quản đạo  là  chức
Tỉnh trưởng  sau năm 1954.
                                                  Cháu nội Hà Thị Hải Vân

                                                  
*********************************************************************************
Quản trị blog - Tên ông (là Hà Ngại nhưng in nhầm tên là Hà Ngãi) có trong quyển " HỌ HÀ các nhà khoa bảng, các nhân vật lịch sử, văn bia " của tác giả Đại tá Hà văn Sĩ do Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc xuất bản năm 2004.


 Lời giới thiệu của Quản trị Blog :

Cụ Hà Ngại sinh năm 1890 (Canh Dần), tại làng  Phú quý  Na khom, nay là thôn Na khom , xã Điện quang, huyện Điện Bàn , tinh Quảng Nam. Đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân 6 (1912).
Làm Hậu bổ Bình Định(*), có tác phẩm “Khúc tiêu đồng”.
“Khúc tiêu đồng” là một cuốn tự truyện – hồi ức. Kể chuyện học, chuyện đi thi, làm quan…, người thực việc thực, rất sinh động. So với “Lều chõng” của Ngô Tất Tố”, “Nhà Nho” của Chu Thiên thì nó là tài liệu thực lục, không phải hư cấu, nên đọc thú vị, nhất là những thế hệ sau này, khi khoa cử Nho học đã trở thành dĩ vãng xa vời...
Cụ mất ngày 14 tháng giêng năm Bính thìn ( 1976 ).
Sách do Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm và cung cấp.Chúng tôi trích đăng một số đoạn hay nhất.

“… Lúc tôi 7 tuổi, cha tôi làm lễ khai tâm cho tôi, dùng gà xôi, hoa quả, hương đèn, trầu rượu cúng Thánh. Có sắm bút nghiên, giấy mực mới để trên bàn. Cha tôi khấn vái và lạy rồi bảo tôi lạy. Cha tôi sai tôi lấy viên mực mài trên nghiên, lấy cây bút mới thấm mực viết vào quyển vở mới tám chữ: “Thiên tích thông minh, thánh phò công dụng”, nghĩa là trời phú cho tính thông minh, thánh giúp làm nên công nghiệp rồi dạy từng chữ nho cho tôi học thuộc lòng. Sau đó, chọn ngày tốt, cha tôi đem tôi đến trường thọ giáo với thầy.
Lúc ấy, nhà tôi và nhà ông Hương Công trong xóm chung nhau rước thầy Bốn ở làng Chu Bái cho chúng tôi học. Vì chúng tôi nghèo nên phải chung nhau mới rước nổi thầy. Trường học chừng trên hai mươi học trò. Chúng tôi dùng giấy trắng đóng sách vở, còn viết tập thì dùng lá chuối sứ; chỉ có lá chuối sứ mới viết được chứ các loại lá chuối khác thì không ăn mực. Sở dĩ phải tập trên lá là để đỡ tiền mua giấy. Mà học chữ nho, cần phải viết chữ cho đẹp; viết chữ đẹp cũng đã nổi tiếng rồi. Trên mỗi miếng lá chuối, thầy tôi viết một chữ nơi đầu, rồi học trò xem đó viết theo. Khi đi học, trò nào cũng đem lá chuối như mang sách vở và cũng giữ cẩn thận như mang sách vở vậy.

 Thầy giáo làng

Trường học thời ấy không có bàn ghế như bây giờ. Các trường có học trò lớn, ngồi trên phản, còn chúng tôi, lớp đồng ấu, ngồi trên chiếu trải ở nền nhà. Lúc học, vì đông, mạnh đứa nào đứa ấy đọc, nên ồn ào vô tả. Nhưng người ta đều quá hiếu học nên chả ai lấy gì làm phiền hà; có người nghe học trò đọc như thế, lấy làm thú lắm, tự cho là khu vực mình ở có giá trị, vì đã bén đạo thánh hiền và có vẻ tự hào đối với khu vực khác.
Chúng tôi ngồi xếp bằng, vừa học vừa lắc qua lắc lại; có lẽ mỏi quá phải lắc rồi lâu ngày thành thói quen; học trò lớn cũng thế, khiến thành ra một môn thể dục tự nhiên.
Chúng tôi đua nhau lo học cho thuộc bài để khỏi bị thầy quở phạt. Mấy trò lớn hơn tôi, học rất khuya; buồn ngủ đã rục mà họ vẫn gắng tụng bài. Còn tôi, hễ buồn ngủ là tôi đi ngủ. Nhưng đến khoảng ba, bốn giờ sáng tôi thức dậy, lấy cây hương thắp rọi sách vở mà học; giờ ấy, thanh tịnh, đầu óc tỉnh táo, học mau thuộc. Bởi vậy, khi thầy dò bài, tôi thuộc được thầy khen. Đến ngày mồng năm, ngày Tết, phụ huynh học trò đem gạo nếp, đường, đậu và tiền, ít một vài quan, nhiều ba bốn quan đến tết thầy. Số tiền ấy tùy giàu nghèo và tùy hảo tâm. Học trò nghèo, thầy không lấy tiền. Nhưng có khi muốn mời cho được ông thầy đúng theo ý lựa chọn thì không giản dị như vậy. Chủ nhà phải bảo đảm với thầy một năm Tết thầy bao nhiêu nhất định. Rồi họ tùy nghi phân bổ cho nhau.
Sau đó hai năm, tôi vào học thầy cử Nguyễn Nhu ở cùng Châu với tôi. Châu đây là xã. Quê chúng tôi là một cái Gò Nổi, bốn bề là sông. Vì đất phù sa mới bồi luôn nên nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển sâu rộng. Chỉ có những đất thổ cao ráo mới gieo lúa tháng 10 hay trồng mía để nấu đường; không cấy lúa mùa tháng tám. Gò Nổi ấy khá lớn, rộng bằng 1/5 hạt Điện Bàn. Người ta quen gọi đất chúng ta là ba Châu. Châu chúng tôi có ba thôn: Phú Quý, Đông Mỹ, Đông Thành. Dân tuy riêng mà điền (ruộng) thì chung, ba thôn chỉ có một quyển bộ điền. Châu chọn người trong ba thôn đặt chức việc chung: Cai Châu coi toàn Châu, Thủ bộ giữ quyển bộ điền, Thủ sắc giữ sắc thần. Thầy Cử Nguyễn Nhu ở thôn Đông Thành còn tôi ở thôn Phú Quý. Lúc tôi thọ giáo, thầy tôi mới là học sinh, tức là một chức vị nhờ hạch đậu được ăn lương của chính phủ mà đi học, ai đậu thì đương nhiên có địa vị ở làng. Ngày xưa, như thế cũng đã danh giá lắm với làng, tổng rồi. Thầy tôi nhà khá, thấy tôi học được, yêu tôi lắm. Đã mấy lần, thầy cho tôi một xách ngô tươi, bảo đem về dùng.
Vì tục lệ thời ấy tôn trọng khoa mục tột bậc, nên uy quyền thầy tôi to lớn lắm. Có một bữa, tôi thấy ông trùm trưởng Cần đến mời thầy tôi đi dự tế, ông trùm ấy quỳ sát đất vòng tay thưa trình rất cung kính. Ít bữa sau, tôi nghe ông trùm ấy nói chuyện với bạn tôi rằng: “Tôi là trùm trưởng mà con tôi là Hương, thật to đầu khó rúc”. Trùm trưởng có nhiệm vụ sai bắt dân phu làm việc làng, là thủ hạ của Lý trưởng; Hương bộ là người đã lạc quyên cho làng đôi ba trăm quan tiền để chi tiêu việc làng rồi làng trừ tạp dịch cho, như khỏi canh gác, đắp đường xóm… Ý ông Cần nói là cha con ông có những địa vị cao sang, sau này khó làm việc hèn hạ. Ông Cần thật thà, trung hậu, tuổi ngang phụ huynh tôi, tôi đâu dám mỉa mai gì. Duy tôi thấy tâm lý người lúc ấy thật háo danh, an phận. Mới 50 năm qua mà thế đạo nhân tâm thay đổi hết…


Thầy đồ đang dạy học
Trong lúc thầy trò tôi đang vui vẻ, chẳng may giữa cha tôi và thầy tôi vì việc làng cãi cọ rồi hai bên hiềm khích lẫn nhau. Nguyên lúc ấy, những tộc mà xưa kia ông bà đến trước chiêu dân, lập ấp, khai khẩn điền thổ, được khai trình lên, rồi nhà vua sắc phong Tiền hiền, Hậu hiền thờ cúng hai bên đình thờ Thần. Những tộc Tiền hiền ấy, có ý khinh miệt những tộc đến sau hay mới đến ở năm, ba đời. Cha tôi là con cháu Tiền hiền, còn tộc thầy tôi mới đến năm đời, sự bất hòa giữa hai ông bắt nguồn từ đó. Mà không chỉ làng tôi, làng Bảo An ở bên cạnh cũng vì việc Tiền hiền mà kiện nhau trong mấy năm, tổn phí cả hai bên đều rất nhiều. Sau phải ra đến Bộ mới giải quyết xong. Đó là dân chính mà đến ở sau còn phiền lụy như thế chứ nói gì dân ngụ cư: Dân ngụ cư là dân ở các nơi khác tới xin mảnh đất làm nhà, thường bị dân chính quán bạc đãi, xem như hạng người vô giá trị. Thường năm làng tế thần, dân ngụ cư phải lên núi đốn bổi về để thui trâu bò. Những việc bị coi là hèn hạ, dân chính quán không thèm làm, đều sai dân ngụ cư làm hết.
Vì cha tôi thù ghét thầy tôi, nên tôi cũng thù ghét theo. Rồi trong khi tiếp xúc, do lòng hẹp hòi cạn nghĩ của con nít, tôi thấy chuyện gì cũng ngờ là thầy tôi ghét tôi và không chăm dạy tôi nữa. Một bữa, tôi thưa với cha tôi, xin đi học trường khác. Cha tôi nói:
- Việc cha với thầy Cử thì mặc kệ; phần con thì phải giữ đạo thầy trò cho có thủy chung. Thầy con không ghét con đâu, con chớ hiểu lầm…
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét