Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Hồi ký: Khúc tiêu đồng (Kỳ 2)

… Tôi bất đắc dĩ phải đi học lại, nhưng trong lòng phân vân, nghi ngờ mãi. Vừa lúc ấy, gặp hai người quen trong làng đang học tại trường thầy Tú Ngô Học làng Tân Phong, tôi nhờ hai anh ấy đưa sang học. Hai anh ấy nhận lời. Sau khi cậy người báo cáo cho cha mẹ biết, tôi theo hai bạn qua Tân Phong. Từ làng tôi qua Tân Phong cách một con sông nhỏ, đường đất chừng hai cây số. Vì đời trước tôn trọng địa lý nên phần mộ tiền nhân chúng tôi táng tại làng ấy khá nhiều, thành ra tôi cũng không phải lạ cảnh lạ người lắm.


 Thầy Tú Ngô Học thi đỗ bốn khoa Tú Tài, mở trường dạy học đã lâu. Trường ấy có danh tiếng trong hạt. Thầy tôi, cử nhân Nguyễn Nhu(1) và ông thủ khoa Võ Hoành(2) vốn là học trò trường ấy. Khi hai bạn tôi thưa với thầy Tú xin cho tôi vào học, thầy nói:
- Trò này còn nhỏ quá, đợi cha trò đến xin, tôi sẽ nhận.
Tôi lập tức về nhà thú tội và thuật đầu đuôi. Cha tôi nghe, giận dữ quát:
- Làm như vậy, thầy Cử ngỡ là cha hẹp lượng. Vả lại, một mình con đường đột đến xin học, thầy Tú không nhận là phải lắm. Còn sợ thầy Tú trách đến cha.
Cha tôi không chịu đi. Mẹ tôi phải năn nỉ mấy lần mới chịu đi. Sang đến nơi, nghe ngỏ ý, thấy Tú Ngô Học vui lòng cho tôi nhập học.
Sau này, lớn lên tôi mới hối hận về việc làm dại dột này của mình. Thật ra, sự nghi ngờ của tôi đối với thầy Cử Nguyễn đều sai lầm. Thầy tôi đâu có lòng hẹp hòi như tôi tưởng. Lại không may cho tôi là không còn cơ hội để tạ tội cùng thầy: hai năm sau, đi thi Hội về, thầy Cử cảm bệnh rồi từ trần. Anh em bạn học chúng tôi hội họp lập đồng môn cho thầy, quyên cúng tiền bạc, mua ruộng đất để làm tư bản, mỗi năm đến ngày kỵ lạp, sắm lễ vật đến cúng kỵ.


Thầy đồ đang dạy học
Thầy Tú Ngô có hai ngôi nhà cao, rộng ba gian hai chái. Nhà dưới dùng để ở. Nhà trên dùng làm trường học. Tại đây, căn giữa có kê một bộ phản vuông để hai gối xếp cho thầy ngồi. Trước phản có bộ trường kỷ thật đẹp để tiếp khách. Còn hai bên và hai chái đều lót phản dài, có chỗ ngậm vào cột; trên phản trải chiếu để học trò ngồi. Giữa nhà, trên cao có một bức hoành viết ba chữ Đức lưu quang, các cột đều treo liễn cẩn xà-cừ.
Tuy tôi còn nhỏ, nhưng đi học là cốt để đi thi, cho nên phải biết rõ sẽ thi những gì để chuẩn bị sẵn từ bấy giờ. Thầy Tú Ngô cho chúng tôi biết và trong việc dạy, thầy cũng rất quan tâm những phép tắc thi cử.
Thời đó, thi Hương để lấy cử nhân, tú tài thì gồm có bốn trường, tức là bốn lần làm bài. Về phép làm bài thì trường Nhất Kinh Nghĩa gồm hai bài một Kinh, một Truyện; Kinh là ra đề trong 5 Kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu; Truyện là ra đề trong 4 Truyện: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Học trò thi chỉ làm một bài Kinh, một bài Truyện là đủ quyển; nhưng quan trường ra đến bảy đề: 5 Kinh, 2 Truyện để cho ai kiêm trị được cứ gắng làm hết 7 đề, sẽ được nhiều điểm, còn ai chỉ làm một Kinh, một Truyện, có quyền lựa chọn. Trường Nhì: một bài phú ra trong Kinh, Truyện, Tử, Sử. Người xưa thường nói: ai thông minh mới được thi phú và những người thi hay phần nhiều là chính nhân quân tử. Trường ba: một bài văn mạo, nghĩa là đầu các đề văn sách có một câu tổng quát ý nghĩa cái đề, rồi ở dưới hỏi các đời trước thịnh suy, các việc làm phải trái đều theo ý nghĩa câu ấy. Có khi hỏi đến Kim văn; đó là một thể văn xuôi không vần, tựu trung có đoạn cũng đối nhau. Trường tư: lược bị tam trường là một bài kinh nghĩa, hai vận phú và một bài văn sách ngắn.
Thầy Tú Ngô mỗi ngày dạy một buổi mai; theo trường quy của chính phủ mà dạy. Mỗi tháng một kỳ Kinh Nghĩa, một kỳ thi phú, một kỳ văn sách và một kỳ lược bị tam trường. Kỳ lược bị làm ở nhà thầy một buổi mai. Còn ba kỳ kia đem về nhà làm rồi đem quyển nạp, mỗi tháng bốn buổi bình văn. Bình văn là đem những quyển văn hay của học trò ra bình cho thầy trò cùng nghe. Phải là người có giọng tốt (càng tốt chừng nào càng hay chừng đó), mới bình được. Khi bình, cầm quyển lên, ngâm nga như hát, chỗ lên, chỗ xuống, phải biết triệt để dùng cuống lưỡi để chuyển câu cho uyển chuyển. Những lúc bình văn mà lại được người nghe có giọng hay thường lôi cuốn nhiều người tới đứng nghe, như nghe diễn tuồng. Người bình văn nhiều khi học chẳng ra gì, nhưng cũng có tiếng, dù không được trọng bằng người viết chữ tốt.
Những ngày khác, thầy Tú Ngô giảng sách. Lúc tám giờ sáng mai, thầy chít khăn nhiễu, mặc áo rộng đen, chậm rãi đi ra, lên phản giữa ngồi xếp bằng tựa tay vào chồng gối xếp. Lúc ấy, học trò đã đứng dậy cả rồi, thầy ra lệnh mới được ngồi; không khí yên lặng, trang nghiêm lắm. Học trò từ khoảng 40 đến 50 người đều lớn tuổi, chỉ có tôi mười bốn tuổi là nhỏ nhất. Trong số ấy, có sáu người tỉnh Phú Yên ra học đều trên ba mươi tuổi. Thầy Tú thấy tôi siêng học, khen tôi. Mấy anh Phú Yên nói với tôi rằng: “Thằng bé con học được mấy chữ mà thầy khen?”. Tôi giận, lên thưa, thầy cười và bảo học trò ngồi gần đấy phải làm tờ khai (có lẽ thầy muốn chúng tôi… tập làm tờ khai, chứ không phải chú ý việc kiện). Anh em khai là các bạn ở Phú Yên quả có nói như thế. Rồi trong mấy tờ khai kia, các bạn ở Phú Yên có câu: Bổn thổ nhân vị bổn thổ nhân nghĩa là người hàng xứ họ binh vị nhau. Thầy cười xử hòa.
Lúc còn học với thầy Tú Ngô, cha tôi gửi tôi trọ ở nhà ông Thủ Trượng, cũng ở làng Tân Phong. Thời bấy giờ, chưa có tục nấu cơm tháng mà chỉ vì hiếu học nên các nhà bằng lòng nuôi hộ học sinh. Hai bạn cùng ở với tôi tự nấu lấy ăn uống, chủ nhà không đòi hỏi gì. Còn tôi, chỉ phải trả mỗi tháng một đồng bạc.



Lều chõng đi thi...
Ông Thủ Trượng nhà có ruộng đất, trâu bò, chuyên làm nghề nông, lại ở miền núi. Trong lúc cấy gặt xong, ông thường tổ chức đi núi để lấy gỗ và củi. Lúc ấy chưa có diêm, quẹt lửa. Mỗi nhà ăn cơm chiều rồi đều phải dùng một khúc cây khô hay phân trâu bò phơi khô để nhóm lửa phòng khi cần dùng. Còn đi đường, muốn có lửa dùng thì họ làm sẵn một khúc bùi nhùi, bằng một thứ cây trong rừng tên là đồng đình, tước nhỏ ra bện lại với vài viên đá lượm ở bìa rừng cùng cái dao đánh lửa đã rèn sẵn. Khi cần lửa, họ để bùi nhùi sát đá, cầm dao liếc mạnh vào viên đá, tức thì lửa trong đá bén vào bùi nhùi bùng cháy. Khi đi núi, ông Thủ Trượng đem bùi nhùi và đá theo lại gói cơm và dưa muối, trầu chè trong mo cau đem đi. Ông ấy có cây rựa quéo đẹp lắm, bén ngọt, đi đâu cũng cầm tay.
Một hôm, thấy ông Thủ Trượng cùng hai anh con trai, bốn anh giúp việc, cầm rựa sắc đi, bọn chúng tôi xin theo. Ông vui vẻ chấp nhận. Chúng tôi đi hơn một giờ tới núi, ông Thủ đem bùi nhùi và dao nhen một đống lửa để hút thuốc và nấu nước uống. Chúng tôi thích thú cây cao, bóng mát, chim hót, hoa cười, phong cảnh nên thơ. Thỉnh thoảng khỉ vượn cả bầy hiện ra, thấy chúng tôi, như sợ rồi lại như không sợ, con này leo cây ngồi nhìn, con kia xuống suối dòm lên ra chiều rất tò mò… Chúng tôi hái sim, chà là ăn thỏa thích còn dư thì gói lại. Mấy người kia, kẻ thì hạ cây, người thì đốn củi. Vì núi ấy là chỗ hái củi của nhân dân khắp miền đó nên không bao giờ có cọp hay thú dữ, rắn độc. Chúng tôi vui thích rong chơi không hay mặt trời đã xế. Ông Thủ gọi chúng tôi lại chỗ bờ khe, chọn nơi sạch sẽ, mát mẻ, tụ nhau ăn cơm. Cơm nguội với dưa muối mà ăn ngon lành hơn cá thịt ở nhà. Cơm xong, có người nằm ngủ trên những tảng đá lớn, phẳng phiu, hoặc trên đám cỏ xanh mơn mởn, sạch bóng, hay chụm nhau trò chuyện. Đến chừng bốn giờ, gió nồm hiu hiu thổi lên, trời mát, chúng tôi kéo nhau về…
(Còn tiếp)
............
1. Nguyễn Nhu: Cử Nhân năm Canh Tý (Thành Thái 12, 1900) người xã Đông Thành (Gò Nổi).
2. Võ Hoành: xã Long Phước (Duy Xuyên), Cử Nhân (1903), Phó Bảng (1910).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét