- Phạm Nên -
Điện
Bàn vùng đất có nhiều di tích. Mỗi di tích gắn liền với những giá trị
lịch sử-văn hóa của đất và người Điện Bàn xưa và nay. Là vùng đất địa
linh nhân kiệt, đất khoa bảng nơi có nhiều danh nhân, nhiều nhà chí sĩ
yêu nước với tên tuổi muôn đời ghi đậm nét trong lịch sử dân tộc.
Vùng
đất Gò Nỗi, đứa con Phù Sa của dòng sông Thu Bồn, nơi sản sinh ra Tổng
đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu, và lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước này đã
tọa lạc trên vùng đất Điện Quang được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử
cấp quốc gia. Trong khoa thi Đình năm 1898 có 5 vị quê ở Quảng Nam được
Thành Thái tặng danh hiệu “Ngũ Phụng Tề Phi” thì đã có 4 vị quê
ở Điện Bàn là Tiến sĩ Phạm Liệu, Tiến sĩ Phạm Tuấn, Phó bảng Ngô Truân,
Phó bảng Dương Hiển Tiến và hiện nay những lăng mộ của các vị là di
tích, là nơi giáo dục truyền thống hiếu học cho nhân dân trong huyện.
Làng quê Thanh Quýt thời Tây Sơn có Thượng thư Bộ hình Trương Công Hy,
thời đánh Mỹ có anh Nguyễn Văn Trỗi với “Chín phút làm nên lịch sử”,
có mẹ Nguyễn Thị Thứ, bà mẹ quê nghèo ở xóm Rừng - Điện Thắng chín lần
tiễn chín đứa con ra trận, nhưng không có một đứa trở về, trở thành Bà
mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu của dân tộc được Chính phủ lấy nguyên mẫu
mẹ để xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, là tấm gương thể hiện
khí phách anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang của đất mẹ Quảng Nam.
Cũng trên mảnh đất Điện Bàn có Bảy dũng sĩ Điện Ngọc với trận đánh đi
vào lịch sử, ghi dấu đậm nét về bản lĩnh chiến đấu chống kẻ thù ngay từ
ngày quê hương Quảng Nam mở màng Đồng Khởi chống bọn Mỹ Diệm.
Mỗi
tên đất, tên làng, mỗi nhà thờ ở Điện Bàn thời khói lửa là những địa
chỉ cách mạng, là nơi che giấu, nuôi dưỡng các đoàn quân giải phóng.
Đình làng Diệm Sơn (Điện Tiến) nơi có căn hầm bí mật nằm ngay
dưới đình đã che chở cho các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà và
qua 35 năm kể từ ngày cánh cửa chiến tranh khép lại, miệng hầm, nắp hầm
vẫn còn nguyên vẹn. Đình làng Thanh Quýt nơi phát động bà con trong vùng
với dáo, mác, gậy gọc tầm vông xuống đường bao vây phủ lỵ Điện Bàn
trong cách mạng mùa Thu tháng tám năm 1945, nơi mà ngày 28/3/1975 đồng
chí Võ Chí Công dừng chân và chọn nơi đây làm điểm chỉ huy các cánh quân
giải phóng tiến về giải phóng Thành phố Cảng Sông Hàn. Vùng đất Điện
Bàn còn có Tháp Bằng An gần 1000 năm tuổi vẫn sừng sững đứng giữa lòng
đất Điện An, có các nhà cổ, có dinh trấn Quảng Nam xưa, Thành tỉnh La
Qua nơi ghi dấu bao sự kiện văn hóa - lịch sử của đất và người Điện Bàn -
Quảng Nam.
Là
vùng đất di tích, nhưng bấy lâu nay việc trùng tu, tôn tạo di tích chưa
được các cấp đầu tư đúng mức. Không thể để các di tích xuống cấp, mai
một theo thời gian và sự tàn phá khốc liệt của thiên tai bão lụt dồn dập
hàng năm, nhiều địa phương ở Điện Bàn đã thực hiện khá tốt phương châm
xã hội hóa để bảo tồn các di tích. Nỗi bật là vai trò các tộc họ. Đi đầu
trong quản lý và thực hiện xã hội hóa trong trùng tu các di tích ở Điện
Bàn là xã Điện Quang. Đến nay 7 di tích trên địa bàn xã đều được xã tu
sửa, nâng cấp hoàn chỉnh. Lãnh đạo xã đã cử cán bộ vào Thành phố Hồ Chí
Minh, ra Đà Nẵng mời các tộc họ, các chủ di tích góp sức cùng với địa
phương làm cho các di tích luôn khang trang, sáng đẹp và xem đấy là bộ
sử sống, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đến
nay cả Điện Bàn có 41 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 4 di tích
cấp quốc gia (Lăng mộ Hoàng Diệu, Tháp Bằng An, lăng mộ Trần Quý Cáp,
Giếng Nhà Nhì-nơi chiến đấu của Bảy dũng sĩ Điện Ngọc) và 37 di tích cấp
tỉnh. Lâu nay, nguồn ngân sách của địa phương đầu tư cho bảo quản,
trùng tu di tích chưa có, ngành Văn hóa - Thông tin Huyện do điều kiện
nguồn kinh phí có hạn nên chỉ hỗ trợ một phần nhỏ cho công tác quản lý.
Hiện nay có nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng như Nghĩa Trung
Viên (Điện Minh), Lăng mộ Nguyễn Thành Ý (Điện Phước), Nhà cổ Nguyễn Nho Phán (Điện Minh), Tháp Bằng An (Điện An)...
Nếu thực trạng này không sớm có giải pháp trùng tu thì e rằng các di
tích này sẽ bị sụp đổ. Trong năm năm đến (2010 - 2015) Hội đồng nhân
dân tỉnh, huyện cần có đề án trùng tu tôn tạo các di tích, nhằm khơi
động các nguồn vốn theo phương thức xã hội hóa “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ” để nhanh chóng trùng tu, nâng cấp các di tích đang xuống cấp.
Năm
2009, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Hội thảo chuyên đề về quản lý di tích
nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa ban hành được, cơ chế, chính sách về quản lý
các di tích kể cả cấp quốc gia và cấp tỉnh. Ngành giáo dục từ tỉnh đến
huyện triển khai chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo về giao cho các
trường học góp phần tôn tạo quản lý các di tích trên địa bàn còn rất
chậm, có nơi học sinh chưa hiểu biết một cách đầy đủ về nguồn gốc, ý
nghĩa của di tích ở địa phương mà các em đã sinh ra và lớn lên.
Đã đến lúc cần phải sớm khắc phục tình trạng bỏ ngõ về quản lý di tích
mà từ tỉnh đến cơ sở phải có giải pháp để tăng cường sự quản lý, sự đầu
tư đúng mức nhất là có cơ chế về quản lý, trùng tu các di tích lịch sử,
văn hóa, xây dựng các di tích trở thành các điểm phục vụ tham quan du
lịch, nơi giáo dục, hun đúc và bồi đắp lý tưởng, truyền thống cách mạng
và yêu nước, truyền thống hiếu học và học giỏi của đất học Quảng Nam,
Điện Bàn xưa và nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét