Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Khí phách đất và người xứ Quảng qua bài thơ " Núi Ngũ Hành"


alt 
Với ngôn từ mộc mạc, bình dị, thẳng thắn như cách nói của người Quảng, lại được kết hợp hài hoà, uyển chuyển với những từ ngữ tinh tế và đắc địa, Vân Long đã viết nên bài thơ đặc sắc thể hiện khí phách đất và người xứ Quảng.

alt
Núi Ngũ Hành

Huyền Không động
Trời ở đây cực hiểm!
Vệt nắng xuyên, tuyệt bút của thiên nhiên
Đá cắt trời như trẻ con cắt giấy

Đứng bên ngoài
Núi Thủy cũng thường thôi
Vào lòng núi bỗng sa mê hồn trận
Đá ẩn hiện, đá thở và đá sống
Tự làm một cõi đời riêng

Người ở đây
Nom cũng thường thôi
Mà bão đạn, bão trời
Mặt người không biến sắc
Sừng sững trước biển Đông
Mặt người như đá tạc!

                           Vân Long
Hai khổ đầu tả về danh thắng Ngũ Hành Sơn với những nét điểm xuyết, liên tưởng, so sánh và nhận xét tinh tế, độc đáo và đầy bất ngờ. Như người ta truyền tụng rằng, thả một trái bưởi xuống “Huyền Không động” thì có thể thấy lại trái bưởi ấy ở ngoài biển khơi. Còn khi tả Núi Thủy, tác giả đưa ra nhận xét bên ngoài “cũng thường thôi”, ấy nhưng khi vào lòng núi thì thật là bất ngờ “sa mê hồn trận” với những “đá ẩn hiện, đá thở và đá sống”. Nếu dừng lại ở đây cũng có thể coi là bài thơ đặc sắc về thiên nhiên hết sức độc đáo với những liên tưởng đầy bất ngờ:
Trời ở đây cực hiểm!
Vệt nắng xuyên, tuyệt bút của
 thiên nhiên
Đá cắt trời như trẻ con cắt
giấy...
........
Vào lòng núi bỗng sa mê hồn
trận
Đá ẩn hiện, đá thở và đá sống...

alt 


Bài thơ càng trở nên đặc sắc hơn nhờ những câu thơ tiếp theo nói về con người đất Quảng. Dù phần nhiều ý thơ tả về cảnh quan thiên nhiên, nhưng đó chỉ là nền để làm nổi bật, để khắc họa tính cách, tinh thần người Quảng mà thôi. Là người Hà Nội, song Vân Long đã có những phát hiện rất sắc sảo và tinh tế về thiên nhiên đất Quảng, về thế giới tinh thần phong phú, ý chí kiên trung của con người đất Quảng. Từ bề ngoài không có gì nổi bật, nhưng khi hiểu sâu sắc mới nhận ra được những vẻ đẹp tiềm ẩn khiến ta hết lòng khâm phục. Con người nơi đây được tôi luyện ở một vùng đất trời “cực hiểm”, cực khắc nghiệt, như “tự làm một cõi đời riêng” để khi đứng trước khó khăn gian khổ, hy sinh mất mát giữa “bão đạn, bão trời” mà “mặt người không biến sắc”. Điều đó được thể hiện khi đối mặt với giặc ngoại xâm, quân và dân đất Quảng đã chiến đấu với ý chí kiên cường, không lùi bước trước một thế lực, một sức mạnh nào :
Mà bão đạn, bão trời
Mặt người không biến sắc
Sừng sững trước biển Đông
Mặt người như đá tạc!

Truyền thống anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang đã được minh chứng một cách hùng hồn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng đất nước và thống nhất cho Tổ quốc. Trước những mất mát hy sinh, quân và dân đất Quảng “sừng sững” đứng lên chiến đấu ngoan cường, trở thành quê hương của những người anh hùng đi đầu diệt Mỹ. Ngợi ca tính cách, tinh thần và ý chí của con người đất Quảng, tác giả dùng rất ít lời để nói trực tiếp, mà đã tả cảnh để ngụ ý, vẽ đá để khắc người.

alt
Bài thơ “Núi Ngũ Hành” như một bức tranh sơn mài với những đường nét chạm khắc rắn rỏi về thiên nhiên khắc nghiệt, hiểm hóc và rất kỳ vỹ của đất Quảng. Và quan trọng hơn, bức tranh có những nét chấm phá đặc sắc về tinh thần bất khuất, ý chí quật cường của người Quảng.
                                                       VŨ ĐÌNH ANH
altalt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét