Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Quế Trà Bồng - thơm nồng đặc sản quà tặng Việt Nam

TTO - Đồng bào dân tộc Cor ở hai huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi) đang có một niềm vui chung vì quế Trà Bồng nằm trong số 8 đặc sản quà tặng Việt Nam vừa được xác lập là kỷ lục châu Á mới.
Vỏ quế Trà Bồng
Tin vui này đến trong thời điểm tháng 11, mưa bão đầy trời chứ không phải mùa thu hoạch quế vụ đầu tiên (bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán hay vụ quế “hậu” trong tháng 7 âm lịch hằng năm) nhưng cũng làm nức lòng người trồng quế ở hai huyện này.

Huyện Trà Bồng (trước đây bao gồm cả huyện Tây Trà bây giờ) với phần lớn là người dân tộc Cor sinh sống. Đồng bào trồng quế trên rẫy, xung quanh bản làng. Mùa xuân đến khi quế ra hoa kết trái, bà con hái trái đem ươm chờ mùa mưa tới đem trồng. Năm nào bà con cũng trồng quế và năm nào bà con cũng thu hoạch quế để bán.
Tám đặc sản quà tặng Việt Nam vừa được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục ngày 29-10 gồm: bánh đậu xanh Hải Dương, chè Thái Nguyên, sâm Ngọc Linh, quế Trà Bồng, cà phê Buôn Ma Thuột, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh), bánh phồng sữa dừa Bến Tre, hạt tiêu Phú Quốc. 
8 đặc sản này nằm trong hành trình quảng bá món ăn đặc sản của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử lên Tổ chức kỷ lục châu Á trước đó.
Từ vùng núi rừng miền tây Quảng Ngãi, quế Trà Bồng từng theo thương thuyền xuôi dòng sông Trà Bồng ra cửa Sa Cần rồi chở đi bán ở nơi nơi.
Lúc thương thuyền trở về, ngược dòng sông Trà Bồng chở theo muối, mắm, vải vóc bán cho đồng bào. Cũng nhờ có cây quế nên đồng bào dân tộc có tiền của tha hồ mua chiêng, nồi đồng do người Kinh ở vùng Phước Tượng (Quảng Nam), Chú Tượng (Quảng Ngãi) mang lên bán. Cây quế đã đem lại sự sung túc cho đồng bào dân tộc Cor nơi núi rừng miền tây Quảng Ngãi.
Cùng với chiêng, ché, nồi đồng, từ lâu quế Trà Bồng được làm thước đo để đánh giá sự giàu nghèo của đồng bào, làm của “hồi môn” cho cô gái về nhà chồng, hay làm vốn cho người con trai đi lấy vợ. Ngày tết của người Cor sau mùa thu hoạch lúa rẫy (từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch), lúc đó trên rừng quế ra hoa thơm ngát. Bên những mái nhà sàn, trai làng được các già làng chỉ bảo dựng cây nêu, con gái làm bánh ben tôôp, giết heo, gà làm lễ vật cúng thần núi, thần sông, thần quế.
Tất cả đều xúng xính trong bộ quần áo mới, chờ sau lễ cúng cùng nhau ăn uống rồi đánh đàn brook, thổi kèn a-máp, sáo tà lía, hát các điệu Xà ru, A giới gợi tình.
Quế Trà Bồng có đặc điểm vỏ dày, hàm lượng tinh dầu cao hơn nhiều so với các giống quế ở xứ Bắc. Đây là nguồn hương liệu, dược liệu quý. Thời chống Mỹ, biết quế Trà Bồng là “đệ nhất quế” nên dưới thời Ngô Đình Diệm đã mở con đường từ thị trấn Trà Xuân (nay nằm trên địa bàn huyện Trà Bồng) qua Trà Thủy, Trà Thanh để khai thác quế. Nhưng con đường chưa mở xong quân địch đã bị các lực lượng vũ trang và đồng bào với giáo mác, cung tên đánh bại.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, ở hai huyện Trà Bồng và Tây Trà đồng bào tiếp tục trồng quế. Cho đến nay, theo thống kê ở huyện miền núi Trà Bồng có 2.000ha quế và Tây Trà có hơn 1.000ha. Những năm thời bao cấp, quế Trà Bồng xuất qua thị trường Đông Âu nhưng rồi thị trường ngưng đọng, giá quế hạ dài. Đồng bào dân tộc Cor phải trồng thêm cây mì, cây gỗ keo, nhưng hằng năm vẫn trồng quế và mong chờ Nhà nước tìm đầu ra cho cây quế.
Huyện Trà Bồng, Tây Trà đã phối hợp đề nghị Sở Công thương Quảng Ngãi tạo điều kiện để đăng ký thương hiệu quế Trà Bồng. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp thu mua chế biến tinh dầu quế, làm các sản phẩm mỹ nghệ từ vỏ cây quế. Quế Trà Bồng từng bước “hồi sinh”.
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc cho đây là cơ hội để quế Trà Bồng vươn ra thị trường châu Á, để huyện tập trung vận động đồng bào dân tộc phát triển loại cây truyền thống của vùng đất này.
Còn già làng Hồ Minh Sơn ở xã Trà Sơn hớn hở nói: “Cây quế ở Trà Bồng được xác lập kỷ lục châu Á là điều quá phấn khởi. Mình sẽ cùng với bà con trong làng tiếp tục trồng quế để quê mình mùa quế ngát hương thơm và sản phẩm quế sẽ có đầu ra mạnh hơn, giúp đồng bào cải thiện cuộc sống”…
Lột vỏ quế
Sau thu hoạch bà con đem phơi vỏ quế
Quế Trà Bồng đang được thu mua để xuất khẩu
Bản làng người Cor trong rừng quế Trà Bồng
VÕ QUÝ CẦU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét