Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Ðịa lý Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam phía Bắc giáp Thừa Thiên và TP Đà nẵng, phía Đông giáp biển Đông Hải, phía Nam giáp tỉnh Quảng Tín, phía Tây giáp nước Lào. Diện tích khoảng 6.456 cây số vuông. Tỉnh lỵ trước đây là Hội An, còn nay là thành phố Tam Kỳ, cách thành phố Sài Gòn 970 cây số về hướng Bắc.
alt

Đất Quảng Nam chia làm ba phần rõ rệt, gồm núi non, đồng bằng và vùng duyên hải. Đất vùng núi màu đỏ chứa phún sa thạch, vùng đồng bằng là đất phù sa lẫn đất sét và vùng duyên hải với những bãi cát.
Về phía Bắc, dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển tạo thành biên giới giữa hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên, đó là vùng núi Hải Vân gồm những đỉnh Mang Cao (1.700 thước), Bạch Mã (1.444 thước) và Bà Ná (1.500 thước). Đèo Hải Vân cao 496 thước, ăn thông qua hai tỉnh. Phía Đông-Bắc là vũng Đà Nẵng, có bán đảo Sơn Trà, ngọn núi cùng tên cao 693 thước. Ngoài khơi là hòn Sơn Trà che kín gió. Chính vì thế cửa biển Đà Nẵng rất tiện lợi cho tàu bè ra vào và trở thành một hải cảng quan trọng. Xa hơn nữa là quần đảo Cù Lao Chàm. Về phía Tây tỉnh là dãy Trường Sơn hùng vĩ hiểm trở, chạy theo hướng Bắc-Nam là biên giới của nước ta và Lào, cao độ từ 1.000 thước đến 2.000 thước. Về phía Nam của tỉnh có núi Mai Rang cao 952 thước và núi Chòm cao 845 thước, là biên giới của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Ngoài khơi là quần đào Cù Lao Chàm có các hòn La, hòn Giai, hòn Tai....

Sông ngòi trong tỉnh ngắn và hẹp, lưu lượng không điều hòa. Miền thượng lưu hẹp và có độ dốc lớn nên mùa mưa nước sông chảy khá siết, dâng nhanh khiến giao thông bị trở ngại. Cửa Đại là hải khẩu nhưng cũng cạn, chỉ tiện cho những tàu có trọng tải mức trung bình. Sông chính của tỉnh là sông Vu Gia (có hai phụ lưu là sông Cái và sông Con) chảy vào sông Thu Bồn để ra cửa Đại. Ngoài ra là các sông Ly, sông Boung, sông Trường Giang, sông Cẩm Lệ....

Khí hậu Quảng Nam rất oi bức, gió Nồm Tây-Nam không thể đem mưa lại vì bị các dãy núi phía Tây ngăn lại và còn trút hơi nước ở sườn các rặng núi vào tỉnh. Còn mùa mưa bắt đầu từ tháng Mười đến tháng Giêng, do ảnh hưởng gió Bấc đem hơi nước từ Thái Bình Dương vào, nhưng mùa này thường có những trận mưa rào rất dễ gây lụt lội.

Quảng Nam có phi trường Đà Nẵng thuộc loại lớn. Hai quốc lộ 1, 14 và liên tỉnh lộ 4 là trục giao thông quan trọng nối với các tỉnh khác.

 Dân Cư - Kinh Tế

Dân chúng sinh sống tại Quảng Nam khá đông, gồm có người Kinh, người Thượng (sắc dân Khatu), người Chàm và một số người Việt gốc Hoa. Đồng bào trong tỉnh theo đạo Phật, Khổng, Thiên Chúa, Cao Đài và Tin Lành, rất trọng lệ tục, tính tình khẳng khái, hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính người trên, hiếu học. Quảng Nam có câu ca dao:
Ngó lên Hòn kẽm Đá dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!

Nông nghiệp là sinh hoạt chính của tỉnh. Nhưng dù đồng bằng do phù sa bồi đắp, bà con nông dân phải chịu rất nhiều khốn khó vì thời tiết khắc nghiệt. Mùa Hè quá nóng làm khô cháy hoa màu, mùa mưa làm nước sông dâng nhanh gây lụt lội. Ruộng lúa chỉ cấy vào mùa tháng Ba và tháng Tám. Các nông sản phụ là khoai lang, khoai mì, đậu phụng, đậu nành, đậu xanh, mía, trà, thuốc lá, dừa và rau cải. Thuốc lá Cẩm Lệ đậm đà, ai cũng biết. Nhiều người cũng tham gia việc chăn nuôi; việc sản xuất trứng gà và vịt mang lại nhiều lợi tức.

Dân chúng hành nghề đánh cá tại các vùng có sông ngòi và bờ biển, ngoài ra còn làm nước mắm. Nước mắm vùng Nam Ổ khá nổi tiếng.

Lâm sản của Quảng Nam khá phong phú, có nhiều loại gỗ quý như huỳnh đàn, lim, sến, dẻ; nhiều cây thuốc như sâm, phục linh, quế, sa nhơn; những loại cây để lợp nhà như tranh, nứa, lá mây, lồ ô, và loại cây có chất dầu. Rừng Quảng Nam nhiều dã cầm dã thú; vùng rừng núi ở bán đảo Sơn Trà và Bà Ná có trâu bò rừng, cọp, hươu, lợn lòi, gà rừng, công, trăn, khỉ. Rừng Bà Ná có nhiều cây Phong Lan tuyệt đẹp.

Về khoáng sản, có mỏ than đá ở Nông Sơn, mỏ mi-ca ở Đại Lộc, Định Sơn. Núi và bờ biển cung cấp các loại đá xanh ở Đại Lộc, Lộc Quí; đá cẩm thạch ở núi non nước; cát trắng ở Hòa An, An Thới, Liên Trì....

Các ngành tiểu công nghệ khá phổ biến tại Quảng Nam là đan cói, đúc đồ đồng, chạm đồ đá, chằm nón lá..., nhưng nổi tiếng hơn cả là nghề dệt tơ lụa và chiếu.

  Di Tích - Thắng Cảnh
 

Quảng Nam có các di tích và danh lam thắng cảnh như sau:
Mộ hai anh hùng Trần Quý Cáp và Đỗ Thúc Tĩnh: Anh hùng Trần Quý Cáp bị thực dân Pháp chém ở tỉnh Khánh Hòa (1908). Đến năm 1925, thân nhân đã đem hài cốt của ông về táng tại làng Bát Nhị, quận Điện Bàn. Còn mộ anh hùng Đỗ Thúc Tĩnh, sau khi mất tại tỉnh Vĩnh Long năm 1861, triều đình đưa thi hài ông về an táng tại làng Hương Lam, bên cạnh làng La Châu.

Ngũ Hành Sơn: Thuộc xã Hòa Long, quận Hòa Vang, cách Đà Nẵng tám cây số về phía Đông Nam. Đây là vùng núi đá gồm năm ngọn núi đặt tên theo ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; còn có tên là Ngũ Uẩn hay Ngũ Chỉ. Trong những ngọn núi có rất nhiều hang động (như hang Âm Phủ, động Huyền Không, động Linh Nham, động Vận Thông, động Thiên Linh, động Tàng Chân, động Chiêm Thành...), bên trong trải đầy thạch nhũ lóng lánh muôn màu (riêng các hang động của núi Thủy không có nhũ thạch). Trong các động phần lớn đều có chùa và chung quanh núi còn có một số ngôi chùa cổ kính. Ở dưới chân núi có các quán bán những đặc sản kỷ niệm làm bằng đá non như tượng, vòng đeo tay... rất đẹp.

Đèo Hải Vân: Nằm giữa ranh giới Quảng Nam-Thừa Thiên. Không khí ở đây rất mát mẻ; đường lên đèo quanh co, một bên là vách núi với cây rừng dày đặc, một bên là vực biển luôn có tiếng sóng dồn dập. Phong cảnh càng hùng vĩ quyến rũ thì đường đi càng nguy hiểm vì đường đổ dốc quanh co. Còn đi đường biển lại gặp sóng lớn và đàn dơi. Nói đến Hải Vân là nhớ câu: Đi bộ thì khiếp Hải Vân, đi thuyền thì khiếp sóng thần hang dơi!.

Núi Bà Ná: Phía Tây quận Hiếu Đức, đỉnh núi cao 1.500 thước, phong cảnh ngoạn mục.

Bãi biển Tiên Sa: Còn gọi là bãi Nờm, bãi biển rộng, không có sóng lớn, nước trong xanh màu lá cây. Hòn Sơn Trà phía ngoài biền in hình trên mặt nước.

Bãi biển cửa Đại: Thuộc xã Cẩm An, quận Hiếu Nhơn, là nơi sông Thu Bồn đổ ra biển. Trên bãi trồng nhiều dương liễu.

Bãi biển Mỹ Khê: Có bờ cát trắng, chung quanh là phi lao tạo cho khung cảnh rất nên thơ.

Cù Lao Chàm: Nằm ngoài khơi cửa Đại, cách bờ 40 cây số, là nơi trú ngụ của những đàn én và đã đem lại nhiều hải sản quý.

Văn Miếu: Xây từ đời Gia Long, để thờ Khổng Tử và các vị hiền thần. Trước đây, Văn Miếu thuộc huyện Diên Phước, quận Điện Bàn, sau vì đất bị nước sông xoi lở nên phải dời qua làng Thanh Chiêm. Các triều Nguyễn sửa sang nhiều lần. Năm 1947, thực dân Pháp đổ bộ lên Vĩnh Điện, Văn Miếu bị đốt. Năm 1961, Văn Miếu được trùng tu lại trên một khu đất rộng 4.800 thước vuông. Từ cổng vào bên trong Văn Miếu có các kiến trúc, tranh vẽ, phong cảnh cổ kính, thanh tao, nói lên một số điển tích lịch sử liên quan đến Khổng Tử, như: Cửa Tam Quan, Long Mã Phụ Đồ, Ngư Tiều Canh Mục, Kỳ Lân Nhả Ngọc Thơ, Hiếu Tử Hiền Nhân, Đền Khổng Tử....

Bia và tháp Chàm: Ở hai làng Trà Kiệu và Mỹ Sơn thuộc quận Duy Xuyên, còn 123 bia và 30 tháp Chàm. Trước năm 1975, chính quyền địa phương đã thu nhặt một số tượng đá và vật liệu của tháp, bệ thờ bị rơi đổ, đưa về bảo tồn ở Cổ Viện Chàm Đà Nẵng.

Đất Quảng Nam còn là quê quán của nhiều người nổi tiếng về văn học nghệ thuật:

Quận Điện Bàn: Làng Bảo An, quê Phan Khôi, tác giả các tập thơ Nam Âm thi thoại, Tình Già, tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra; ông đã từng than gia các hoạt động đấu tranh của phong trào Văn Thân và bị bắt trong cuộc biểu tình kháng thuế năm 1908 tại Quảng Nam; vào những năm 1956-1957, ông là cây bút chủ lực của hai tạp chí Nhân Văn Giai Phẩm và Văn, những bài viết nổi tiếng là Phê bình lãnh đạo văn nghệ, Tìm ưu điểm, Ông Bình Vôi, Ông Năm Chuột, Nắng Chiều. Làng Cẩm Phổ, quê Hoàng Đạo, nhà văn cận đại, tác giả Mười điều tâm niệm, Trước vành móng ngựa, Con đường sáng....

Quận Đại Lộc, làng Hà Nha, quê Phan Quỳ, thi sĩ đời Nguyễn, tác giả Nhạn Tự, Châu Hành, Vịnh Hát Bội, Dế Đuổi. Quảng Nam là quê của Nữ sĩ Bang Nhãn dưới đời vua Thành Thái, tác giả bài thơ nổi tiếng Chơi núi Ngũ Hành
(Nguồn Internet)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét