Quang cảnh Hải Vân Quan
Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân (vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải) hay đèo Mây (vì đỉnh đèo thường có mây che phủ), cao 500 m (so với mực nước biển), dài 20 km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã (là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển) ở giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên-Huế (ở phía Bắc) và thành phố Đà Nẵng (ở phía Nam), Việt Nam [1].
Lịch sử Di tích Hải Vân Quan
Khoảng một thế kỷ sau, vào năm Nhâm Ngọ (1402), nhà Hồ (dưới triều Hồ Hán Thương) sai tướng Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, khiến vua nước ấy là Ba Đích Lại (Jaya Sinhavarman V) phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa [2]. Kể từ đó, cả vùng đất có đèo Hải Vân mới thuộc hẳn về nước Đại Ngu (tức Việt Nam ngày nay), và trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, như sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã chép: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam” [3].
Vào thời Nguyễn, đèo Hải Vân vẫn là chỗ giáp giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Phía bắc chân núi giáp vực biển có hang Dơi, tục gọi là bãi Tiêu. Tương truyền xưa có thần sóng, thuyền đi qua đó thường bị lật chìm, nên ngạn ngữ có câu: "Đường bộ thì sợ Hải Vân/ Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi"[4].
Một vài thông tin khác
Trong nhiều thế kỷ, đường Cái Quan (nay là Quốc lộ 1 A) băng qua đèo Hải Vân rất ít người dám qua lại, bởi đường hiểm, thú dữ và kẻ cướp...Bởi vậy mà văn hóa giữa hai miền Bắc-Nam ít được giao lưu. Về sau, con đường này đã thông thoáng hơn (dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt quanh co qua con đèo này. Ngày 5 tháng 6 năm 2005, hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân cũng đã được đưa ra vào sử dụng, càng tạo thuận lợi cho việc đi lại), nên trở ngại ấy đã không còn nữa, tuy nhiên, đèo Hải Vân vẫn là một “hàng rào” ngăn cản một phần khí hậu giữa hai miền [5].Ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân vẫn còn dấu vết của một cửa ải. Cửa ải này gọi là Hải Vân Quan (雲海關), xây từ đời Trần, và được trùng tu vào thời Nguyễn (Minh Mạng thứ 7, 1826) [6]. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi ông dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn, 1470). Sách Đại Nam thực lục chính biên chép:
- “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan” (雲海關), ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (天下第一雄關). Cửa trước cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng). Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quảng hạt Quảng Nam”.
Đáng tiếc là di tích này đang bị xuống cấp trầm trọng [7].
Một lô cốt còn lại trên đỉnh Hải Vân
Mặc dù ngày nay đã có hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, và địa hình của đường đèo vẫn còn một số hiểm trở, song nhiều du khách vẫn thích đi trên con đường này để thưởng ngoạn. Vào những ngày đẹp trời, họ có thể thấy khá rõ một phần thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa - Bán đảo Sơn Trà, Cù lao Chàm,... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.
Thơ ca
Điểm dừng chân trên đỉnh HẢI VÂN
- Chiều chiều mây phủ Ải Vân.
- Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn.
- Hùng quan chất ngất đỉnh non xây,
- Bước đã quen nơi cúi ngửa này.
- Sầu ngập mắt trông ngàn dặm biển,
- Giận tung quyền phá bốn bề mây.
- Chiều quang mái trú đìu hiu bến,
- Mỏi đáp rừng chim lạnh lẽo cây.
- Bảy dặm quang co đèo vượt khói,
- Non Hành giai khí ngút trời bay [9].
Chú thích
- ^ Thông tin này căn cứ theo sách Sổ tay địa danh Việt Nam (Nxb Giáo dục, 2008, tr. 117). Có nguồn cho rằng đèo Hải Vân cao 496 m so với mực nước biển, và dài 21 km [1].
- ^ Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb Tân Việt, 1968, tr.184.
- ^ Dẫn lại theo [2].
- ^ Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên. Nxb Văn học, 2003, tr. 76.
- ^ Xem trang Khí hậu Việt Nam hay xem bài “Đặc điểm khí hậu Việt Nam” trong sách Địa lý 8. Nxb Giáo dục, tr. 111.
- ^ Theo Quách Tấn, Bước lãng du, Nxb Trẻ, 1996, tr. 219.
- ^ Xem bài viết “Hoang phế Hải Vân” trện Vov online cập nhật ngày 8 tháng 9 năm 2011 [3].
- ^ Việt Nam đất nước giàu đẹp (tập 2). Nxb Sự thật, 1983, tr. 215.
- ^ Chép theo Quách Tấn, Bước lãng du, tr. 222.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét