Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

LÀM ĂN VỚI MIỀN TRUNG

Hồ Trung Tú



Nhiều doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát, sau những đợt tiếp thị mời uống thử miễn phí khắp cả nước, đã có một nhận xét giống nhau: Khó mời người miền Trung uống thử nhất ! Nếu người Sài Gòn hoặc Nam bộ được mời, bất kể là người lớn hay trẻ em cũng vui vẻ cầm . Người miền Bắc thì khó hơn một chút, nhưng khó như người miền Trung thì quả hy hữu. Các đại diện của Nesttea, Trung Nguyên, Icetea, Lipton... đều than trời vì sự khó tính của người miền Trung. Tiếp thị thức uống của người lớn mà chỉ có trẻ em chen nhau thử, còn người lớn quan tâm lắm cũng chỉ đứng lại xem rồi gật đầu cảm ơn khi được mời rồi cười và đi thẳng.

Thật ra, người miền Trung nói đó là người ở Quảng Nam Đà Nẵng, nơi mà các hội chợ và các đợt tiếp thị tổ chức nhiều nhất. Với địa hình trải dài, ngăn cách nhiều bởi núi đèo, ngay giọng nói của mỗi tỉnh đã mỗi khác nên tính cách của người miền Trung cũng thật khó mà  "gom" lại một mối như Nam Bộ, hoặc Bắc Bộ. Tuy vậy vẫn có cái gì đó giống nhau trên suốt cả dải khúc ruột này. Ví dụ như chuyện cái ang. Miền bắc có cái yến là 10 ký, miền nam có cái giạ là 20 ký, miền Trung có cái ang ...không ai biết là mấy ký ! Chỉ hay nó thường là 30 lon sữa bò, thật ra thì có nơi chỉ 26 lon, 28 lon, có nơi là 32 lon, 36 lon. Ngay bản thân cái lon cũng có lon đáy bằng, lon đáy lõm. Cách đong cũng có nơi đong gạt bằng miệng lon, co nơi lại đong vun đầy hết cỡ. Không phải chỉ chuyện cái ang đong gạo là cái thứ sát sườn hằng ngày đã rất không thống nhất, các thứ khác cũng vậy, hầu như chẳng có cái gì làm chuẩn. Nếu miền Bắc, miền Nam cái cân được sử dụng để cân từ rau hành đến cá, thịt thì ở miền Trung tất cả đều được định bằng mớ. Mớ cá nục là 12 con, không cần biết con lớn hay con nhỏ, chỉ đôi mắt "kinh nghiệm" mà định giá rồi trả. Con gà con vịt cũng vậy, không cân mà cầm trên tay nhắc nhắc mấy cái, bóp bóp cái lườn mà theo giá rồi trả. Thế mới có chuyện vui, một bà bán lươn không dùng cân mà đong lươn bằng lon. Đong một lon lươn đầy, lấy tay gạt ngang vẫn còn một cái đầu lươn ngóc lên. Gạt lần nữa cái đầu vẫn ngóc lên, bà bán lươn mới bảo: "Thôi , thêm cho chị cái đầu. Rẻ rồi đó !". Mấy cô dâu ngoài Bắc hoặc Nam về Trung, ban đầu than trời vì cách mua bán chẳng cần đo lường này. Riết rồi đến khi quen, thấy cái cân đâm lạ lạ, ngàn đồng hành lá mà cũng cân thì trông nó lạnh lùng quá, các bà các chị bảo thế.

Không phải chỉ chuyện cân đong đo đếm người miền Trung có cái cách chẳng giống ai mà ngay chuyện mua bán kinh doanh "tiếp thị" của các bà, các chị, và cả các ông nữa, nó cũng chẳng giống ai. Một lần tôi dừng xe bên lề đường trước chợ để mua bó chè xanh. "Bà bán con bó chè xanh". Tôi lặp lại câu ấy ba lần bà già vẫn cứ tỉnh bơ nhìn mọi người qua lại. Một cô gái bán rau bên cạnh mới cười đứng dậy cầm bó chè đưa tôi rồi bảo, lần sau anh mua thì dựng xe bước vào. Đứng trên xe thế này bà cụ không ưng. Không phải chỉ mấy bà già không lấy chuyện đồng lời làm trọng, chỉ lấy chuyện bán mua làm vui, mua bán cũng phải có trên có dưới ; ngay cả một cửa hàng trên phố cũng một cái tính cách bất cần như vậy. Cách đây chừng hai năm, trên đường Phan Châu Trinh của thành phố Đà Nẵng, có một dãy phố chuyên kinh doanh việc in ấn. Mọi chuyện kinh doanh êm đẹp bỗng đâu một người trương lên tấm bảng "Đại hạ giá in thiệp mùa cưới".  Vậy là hàng loạt cửa hàng khác cũng phải treo bảng "đại hạ giá" theo. Một chủ hàng dân Quảng Nam gốc hình như tức mình mới treo lên tấm bảng " Đại lên giá" ! Cái hay của vấn đề chính là cái chỗ cửa hàng "đại lên giá" ấy lại đắt khách hơn các cửa hàng "đại hạ giá" khác ! Sau khi lặp lại trật tự lề đường, tấm bảng ấy bị công an tịch thu mất chứ không chắc đến nay cũng vẫn còn.

Người miền Trung nói chúng chúa ghét chuyện mời mọc. Người Bắc thì cho đó là dòn giã, đon đả, người Nam thì cho đó là nhiệt thành, lôi cuốn và sự mời mọc thường đem lại kết quả. Người miền Trung thì thường bỏ qua cửa hàng, gian hàng nào mời mọc "dai như đỉa".

Còn nhiều lắm những chuyện trái khoáy như vậy ở vùng Quảng Nam. Ví dụ như chuyện bát đường đen, người quê gọi là đường táng. Bát đường đen thui vì chế biến bằng phương pháp rất thủ công, thủ công đến mức có lẽ hai ngàn năm trước cũng làm đường mía như thế chứ không thể lạc hậu hơn được. Thế mà người ta vẫn cứ giữ cách ép mía, nấu đường cũ kỹ ấy, mặc cho các phương pháp chế biến mía đường của người Quảng Ngãi ở sát nách đó đã vô cùng tinh xảo, cho ra hàng chục sản phẩm cao cấp như đường trắng, đường phèn, đường phổi...

Kể ra hàng loạt các chuyện trái khoáy của người Quảng Nam như thế thật ra cũng dễ nhưng xâu chuỗi nó lại, khái quát nó lên nhằm nhắc nhở các doanh nghiệp khi đến làm ăn ở vùng này cần phải lận lưng làm vốn thì quả là khó. Đó là tính cách gì vậy ? Bảo thủ, lạc hậu ư ? Hỏng phải đâu, xin đừng quên đây là quê hương của phong trào Duy Tân, canh tân đất nước hồi đầu thế kỷ 20. Và đây cũng là quê hương của các cuộc phá rào làm khoán chui của những năm sau 1980 để đưa đến công cuộc đổi mới hiện nay. Đó là tính khí khái của các ông đồ miền Trung ư ? Có thể, cái làng ở miền Trung còn chặc chẽ lắm, miếng thịt làng bằng sàng thịt bếp, chính cái tôi cá nhân trong cộng đồng quan trọng hơn cái tôi cá nhân đích thực mà con người ta sẵn sàng nín nhịn, chịu thua thiệt để giữ gìn nó. Còn sự bảo thủ lạc hậu thì nói không vậy thôi chứ thật ra thì thế này, người miền Trung còn xa lạ lắm một nền văn minh giao tiếp sang trọng, quý tộc. Ông bạn tôi người Quảng Nam giàu có lắm ở đất Sài Gòn mấy chục năm nay, nhưng đến ăn nhà hàng nào có nhân viên phục vụ đứng kề bên là ông chịu, ăn không vô.

Nói như vậy cũng chẳng rút ra được điều gì. Nghe mấy ông bạn kinh doanh nước giải khát than trời vì nước pha ra không ai uống ông già Nguyễn Văn Xuân mới bảo: "Sao không biếu người ta gói nhỏ về nhà pha uống thử, cứ gì phải đứng uống như đói khát lắm giữa đường giữa chợ như vậy !". Hà ! Thì ra là thế. Chưa thấy ai làm thử nhưng câu nói của lão già Xuân ấy làm rõ mọi chuyện. Các doanh nghiệp khi đến Quảng Nam, Đà Nẵng hãy cứ nhớ như vậy, đừng bảo nhân viên mời mọc hoặc đi theo khách hàng phục vụ họ bất cứ việc gì, các cánh cửa kính ngó đẹp vậy chứ là vật cản khách hàng đó. Mới đây một cửa hàng thời trang Lega trên đường PCT ở Đà nẵng sau 2 năm mở cửa đã phải dẹp tiệm chính bởi cái cửa kính nặng ì ấy. Đó là ý bà xã người viết bài này, tầm cỡ "chuyên gia" mua sắm, nhưng thấy cái cửa kính thì thường né.

Mẹ tôi, một bà già Quảng Nam chính gốc, thì bảo: "Làm cho ai việc gì chớ bao giờ kể công. Ai chịu ơn cũng mong có ngày được trả. Người ta chưa trả mà đã vội nhắc, kể công một tiếng là đổ sông đổ biển hết đó, là bạn trở thành thù đó ". Đó là cá tính của người Quảng Nam hay cũng là tính khí chung của người Việt mình ? Thật khó mà biết, thôi thì cứ tạm gọi, thấy đâu nói đó như vậy trong khi chờ đợi các nhà nghiên cứu văn hóa địa phương học tổng kết được điều gì. Thế mới hay cái lý của người Nhật trước khi quyết định đầu tư vào đâu thường cho các nhà nghiên cứu đi trước, quỹ Toyota Foundation là một ví dụ. Không để ý những điều này, thất bại như cửa hàng hàng Lega nọ thì thật tiếc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét