Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Người phụ nữ Việt Nam qua bài thơ " Cảm Xúc" của Hồ Dzếnh


            Hồ  Dzếnh là một nhà thơ rất mực khiêm nhường suốt đời ẩn thân trong một cuộc sống cần lao bình dị, nhưng không hề bị những người đã từng đọc thơ ông quên lãng. Hôm nay nhân “giở bồ sách cũ”, tôi tìm lại tập thơ của ông do tôi tuyển chọn và NXB Đồng Nai đã cho ra mắt vào năm 1997. Một lần nữa, tôi đã thực sự xúc động khi đọc bài thơ mà tôi đã trân trọng đặt ở vị trí đầu tiên trong tuyển tập. Đó là bài “Cảm xúc”. 
           Là  nhà thơ mang hai dòng máu Hoa – Việt (mẹ ông nguyên là một “cô lái đò” ở Thanh Hoá), sinh ra và lớn lên khi đất nước còn đang chìm trong cảnh nô lệ lầm than, hồn thơ của Hồ Dzếnh như thể một hạt “lệ ngọc” được kết tinh từ cuộc đời lam lũ của cha, của mẹ, của bản thân và của đồng bào ông. Sâu xa hơn nữa, nó được kết tinh từ lịch sử của hai dân tộc Việt, Trung, tuy không thiếu những trang oanh liệt, nhưng mênh mang nơi cõi thế, dường như vẫn là cái “bể khổ” mà hằng hà sa số kiếp người đã trầm luân qua bao nhiêu thế kỉ…
           Tình và ý trong bài thơ “Cảm xúc” là  một tiếng nói, một cách cảm nhận mới mang chiều sâu suy tư và cảm xúc của một nhà thơ hiện  đại đối với hình tượng người con gái, người phụ  nữ Việt Nam truyền thống. Tác giả đã nhanh chóng phát hiện được thực chất bi kịch của số phận họ, và đã đi thẳng vào trung tâm của bi kịch ấy:
    Cô  gái Việt Nam ơi!
    Từ  thuở sơ sinh lận  đận rồi.
    Tôi biết tình cô  u uất lắm,
    Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.

                            
              Những câu thơ ấy chứa đựng niềm cảm thương sâu sắc của một trái tim mang nặng tình nhân ái nhưng rơi vào bế tắc bởi chưa có cách nào giải toả được. Vì vậy nỗi cảm thương ấy đã bị ứ nghẹn lại trong lòng nhà thơ. Nhưng vấn đề trọng yếu nhất đã được nêu lên: nhờ một linh cảm nhạy bén, nhà thơ biết rõ rằng có một sự ứ nghẹn gay cấn hơn nhiều ở phía “cô gái Việt Nam” được ông diễn đạt bằng mấy từ: “tình cô u uất lắm”. Nhà thơ đã phát hiện được cái nỗi đau ngầm, cái “vấn nạn” vẫn hiển nhiên tồn tại nhức nhối ở “cô”, cho dù suốt đời cô đã phải ráng hết sức nhấn chìm nhân bản của mình, phải khốn khổ học cho kì được tính “nhẫn” mà gia đình và xã hội gay gắt đòi hỏi cô phải có. Nỗi đau ấy, vấn nạn ấy là gì? Là nỗi khát thèm được người khác biết đến con người và số phận của mình, cảm thông, chia sẻ và an ủi! Trong xã hội Việt Nam, khi mà ánh sáng của một thời đại thật sự văn minh và tiến bộ chưa dọi tới, sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ ấy hình như rất ít ỏi, thậm chí có khi nó còn trở thành sự vô cảm. Đến như vợ của Tú Xương – nhà thơ đã để lại thi đàn bài thơ “Thương vợ” nổi tiếng “Quanh năm buôn bán ở mom sông…” còn phải thở than trách móc rằng “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không” nữa là! Chính vì hiểu thấu tâm tư ấy của cô gái Việt Nam mà Hồ Dzếnh đã mạnh dạn miêu tả thực chất tấn bi kịch của đời cô:
   
    Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa,
    Má  hồng mỗi tiết mỗi phôi pha.
    Khi cô  vui thú là khi đã
    Bồng bế  con thơ, đón tuổi già!

                                
            Vẻn vẹn có bốn câu thơ với vài nét chấm phá  mà tất cả cuộc đời, tất cả số  phận đáng thương của cô gái Việt Nam được lột tả chính xác, giống như những thước phim quay vội nhưng sắc nét!
             Người ta nói không sai: một nỗi đau khổ được chia sẻ  sẽ chỉ còn lại một nửa nỗi đau khổ. Tôi tin rằng bất kì người phụ nữ Việt Nam nào  đọc những câu thơ này cũng cảm thấy xúc động, cũng thấy lòng phần nào vợi bớt khổ đau, và cũng thầm cảm ơn tấm lòng quý hoá của nhà thơ quá cố, cũng muốn thắp cho ông một nén hương tưởng nhớ.
               Có  phải nhà thơ Hồ Dzếnh đã phóng đại tấn bi kịch của cô gái Việt Nam chăng? Tôi xin bày tỏ: trên thực tế, ở nửa đầu thế kỷ XX, thời đại “văn minh Âu hoá” tuy đã mở màn trên đất nước ta, nhưng trừ một số ít phụ nữ ở các thành thị, cuộc sống được ít nhiều thay đổi, tự do hơn, còn ở hầu hết các vùng nông thôn rộng lớn thì – đúng như nhà văn Tô Hoài đã viết – “cuộc sống không một chút thay đổi, như trong tranh vẽ” (Xóm Giếng ngày xưa). Chính Hồ Dzếnh đã lí giải về sự thật này như sau:
    Ngọn gió  thời gian đổi hướng rồi,
    Thế  hệ huy hoàng không đủ xoá 
    Nghìn năm vằng vặc  ánh trăng soi.

                   
              Thế nhưng trong khi nhận thức thực chất tấn bi kịch của người con gái Việt Nam xưa, tâm hồn thi nhân của Hồ Dzếnh đã đồng thời lĩnh hội được đầy đủ về những phẩm chất vàng ngọc của họ. Phát hiện ấy đã tạo nên một sự đối lập triệt để giữa hai phạm trù ĐAU KHỔ - CAO QUÝ khả dĩ gây ra được những hiệu ứng sắc cạnh về trí tuệ và những cảm xúc mãnh liệt về tình cảm – những cái làm nên đặc trưng của văn chương kim cổ.
                 Chính người con gái, người phụ nữ Việt Nam nói chung, đã tạo nên những vẻ đẹp vô ngần gắn liền với quê hương xứ sở thân yêu:
    Tôi  đến đây tìm lại bóng cô,
    Trở  về đường cũ, hái mơ  xưa.
    Rau sam vẫn mọc chân rào trước,
    Son sắt, lòng cô  vẫn đợi chờ.

                             
                  Phải, những người con gái Việt Nam chân chính không khi nào đánh mất đức hạnh cao quý của phụ nữ phương Đông, cũng không bao giờ để lụi tắt niềm tin vào tương lai của cuộc sống. Họ tuyệt nhiên không bao giờ là những kẻ lánh đời và yếm thế. Câu thơ “Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ” gợi nhớ đến câu thơ của Hồ Xuân Hương “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son”. Thơ Hồ Dzếnh đã cho chúng ta thấy vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam là bất hủ với thời gian.
                 Nhà  thơ cũng không quên ghi nhận biết bao “công lênh”  của những cô gái Việt đã đóng góp cho quê  hương đất nước bằng nết chịu thương chịu khó và đức quên mình, khiến chúng ta càng khâm phục bao nhiêu thì càng thương cảm bấy nhiêu:
      Dải lúa cô trồng nay đã tươi,
    Gió xuân ý nhị vít bông, cười…
      Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
    Trong một làng con, đã héo rồi!

                   
                 Hiểu biết, sẻ chia bằng tấm tình yêu thương chân thật, đằm thắm, nhưng đối với nhà thơ, thế vẫn là chưa đủ. Toàn bộ tình cảm và suy nghĩ của ông, ở đoạn thơ kết, đã thăng hoa, dồn nén rồi bùng nổ với một mãnh lực mới. Có thể nói, bằng sức mạnh của một hồn thơ đích thực, bằng cách vươn theo sự phát triển nội tại tất yếu của một tình yêu sâu nặng, của dòng xúc cảm thơ trào cuộn, rốt cuộc lí trí của Hồ Dzếnh bỗng bừng sáng và ông đã tìm thấy chiếc chìa khoá vàng để giải toả nỗi ứ nghẹn tâm tư của cô gái Việt Nam đã dàn trải trong suốt mấy khổ thơ liền. Mẫn tuệ nắm bắt ngay lấy hình thức “tụng ca”, ông đã cất cao giọng để tưởng thưởng, để ca ngợi đức hạnh cao quý, chân giá trị con người, cuộc sống cùng với những công lao và những hi sinh to lớn nhưng thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam đối với gia đình, xã hội và quê hương xứ sở.
                 Như  trên đã nói, nỗi buồn sâu kín nhất của người phụ  nữ Việt Nam là “mình đã cống hiến tất cả  cho cuộc đời này, và nếu được hưởng thụ thì cũng chỉ là “một tí con con”, thế nhưng có ai biết đến điều ấy cho mình đâu?”. Hiểu thấu điều đó, Hồ Dzếnh với thiên chức của một nhà thơ, đã dùng những lời vàng ngọc của thi ca để mạnh mẽ xua tan cái tâm sự u uất ấy và làm bừng lên trong tâm hồn “cô” những tia nắng vui tươi. Chúng ta hãy lắng nghe khúc tụng ca của nhà thơ:
    Cô gái Việt Nam ơi!
    Nếu chữ HI SINH có ở đời,
    Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
    Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

                                
             Cổ  ngôn có câu “Thi khả dĩ hứng” (thơ  có thể làm hứng khởi con người), thì quả  vậy. Hồ Dzếnh đã mang hết tâm huyết để thực hiện cái công việc thật lớn lao, thật cao thượng: thay thế những hiện thực ảm đạm, đáng buồn của cô gái Việt Nam (được diễn đạt bằng những từ lận đận, u uất, già, héo, khổ cực) bằng một hiện thực hoàn toàn mới mẻ, chói ngời, thắm đẹp, được diễn đạt bằng những từ ngữ trang trọng, thân thương và đầy khích lệ: nạm vàng, lòng cô gái Việt Nam, tươi.
               Hành động bằng văn chương nghệ thuật ấy của nhà thơ Hồ Dzếnh nào khác gì hành động “cứu khổ ban vui” của các đấng Phật, Tiên!
              “Cảm xúc” chỉ là một bài thơ dung dị, mềm mại như nước, nhưng qua đó chúng ta đã có thể thấy được trái tim, trí tuệ, hồn thơ và nghệ thuật thơ đích thực của Hồ Dzếnh.
                                                                   KIỀU VĂN 

                     
 nguồn newvietart.com 
                                                              

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Gia đình Việt đang thiếu sự lắng nghe, chia sẻ và thông cảm.

Đa số chúng ta hy sinh phần lớn thời giờ của mình để đầu tư cho việc tiến thân nơi làm việc hoặc phát triển sự nghiệp của riêng mình, nhưng vô tình đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu của gia đình.

Xã hội phát triển mang đến nhiều của cải vật chất làm cho cuộc sống hưởng thụ ngày càng phong phú và thoải mái hơn. Tuy nhiên, đời sống tinh thần và quan hệ gia đình trở nên nghèo nàn đi, dẫn đến nhiều sứt mẻ trong hạnh phúc gia đình.
Một trong những nguyên nhân chính của sự tan vỡ này là thiếu thời gian để lắng nghe, chia sẻ và thông cảm cho nhau. Khoảng thời gian ngắn ngủi sum họp gia đình vào buổi cơm tối và việc sắp xếp hiệu quả những công việc của gia đình vào những ngày lễ và cuối tuần là rất quan trọng vô cùng.
                                  alt           
Mối quan hệ và tình yêu của hai vợ chồng là vấn đề mấu chốt để có được hạnh phúc gia đình. Do đó, thời gian dành riêng cho hai người để chia sẻ công việc, an ủi, âu yếm, vun trồng thêm tình yêu sao cho ngày càng gắn bó nhau hơn cũng là điều rất quan trọng trong cuộc sống.
Sống trong một xã hội phát triển, việc điều chỉnh thời gian cần thiết cho công việc với thời gian quí báu dành cho cuộc sống riêng tư của gia đình quả thật là một thách thức lớn đối với mọi người.
Sự mất quân bình này có thể là nguồn gốc chính sinh ra bệnh stress, gây ra nhiều bất mãn, không những làm giảm hiệu suất lao động mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Khi việc nhà được giải quyết êm đẹp thì người ta ít lơ đãng trong công việc, năng suất lao động ở hãng xưởng cũng được nâng cao.
Ngược lại, khi mà công việc ở hãng xưởng được tổ chức tốt đẹp thì người ta cảm thấy vui vẻ khi về nhà, quan tâm nhiều đến hạnh phúc gia đình. Có thể nói: “ Quân bình giữa công việc và đời sống cá nhân là chỉ số sức khỏe của người dân sống trong xã hội phát triển”                                                                                           alt
Tại Việt Nam, kể từ năm 2001 ngày Gia Đình được quy định là ngày 28 tháng 6 hàng năm.
 Tại Canada, một số tiểu bang như Alberta, Ontario, Manitoba, Saskatchewan và Prince Edward Island, ngày Gia đình là một ngày lễ được luật pháp quy định, là ngày thứ hai của tuần lễ thứ 3 của tháng 2 mỗi năm.
Alberta là tiểu bang đầu tiên cử hành lễ kỷ niệm Ngày Gia đình vào năm 1990. Cũng vào ngày này, người Mỹ cử hành lễ tôn vinh vị Tổng thống đầu tiên George Washington (1789-1797), người lãnh đạo cuộc chiến tranh giành độc lập và có công thống nhất đất nước. Người Mỹ gọi là President’s Day hay còn gọi là Washington’s Birthday.
Riêng tại tiểu bang Arizona, kể từ năm 1978 trở đi, hàng năm Ngày Gia đình được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 8. Tại Vanuatu (Tân Thế Giới), dân số chỉ có hơn 200 ngàn người nhưng người ta cũng ăn mừng Ngày Gia đình vào ngày 26 tháng 12 mỗi năm.
Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển một xã hội lành mạnh. Bởi vì gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách lúc tuổi còn thơ, là nơi khuyên bảo và hướng dẫn những cách ứng xử đứng đắn trong giao tiếp, tránh sai lầm do lúng túng lần đầu ở tuổi trưởng thành, là nơi đào tạo ra những con người hữu ích cho xã hội.
                                    alt
Chính vì thế, người ta đã lập ra Ngày Gia đình, nhằm nhắc nhở mọi người phải luôn nhớ đến giá trị và tầm quan trọng của hạnh phúc gia đình.
Đa số chúng ta hy sinh phần lớn thời giờ của mình để đầu tư cho việc tiến thân nơi làm việc hoặc phát triển sự nghiệp của riêng mình, nhưng vô tình đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu của gia đình                                                                   

Nhiều người đã không tìm thấy hạnh phúc thật sự trong cuộc sống cho dù đã thành đạt hay đã trở nên giàu có. Bởi vì thời gian cho một cuộc sống có giới hạn, nó là một trong những thứ hiếm hoi duy nhất mà khi đã mất đi rồi chúng ta không thể nào tìm lại được, là những thứ vô giá mà chúng ta cũng không thể mua lại bằng tiền bạc được.
Vì thế, danh vọng và tài sản mà chúng ta để lại không quan trọng bằng việc chúng ta đã và đang sống như thế nào?

                                        alt          
Ngô Khôn Trí ( Nguồn Internet)

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

DANH LAM THẮNG CẢNH QUẢNG NAM.


  Biển
 Tỉnh Quảng Nam có 125 km bờ biển kéo dài từ Điện Ngọc (giáp bãi biển Non Nước, thành phố Đà Nẵng) đến giáp vịnh Dung Quất (tên cũ là Vũng Quýt, tỉnh Quảng Ngãi), với nhiều bãi tắm đẹp lý tưởng như: Hà My (huyện Điện Bàn), Cửa Đại (thành phố Hội An), Bình Minh (huyện Thăng Bình), Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ), Kỳ Hà, Bãi Rạng (huyện Núi Thành)... nơi đâu cũng hoang sơ, tràn đầy gió và ánh nắng mặt trời.

                       alt
Hầu hết các bãi tắm ở Quảng Nam đều có bãi cát trắng, mực nước nông, có độ mặn vừa phải và quanh năm trong xanh. Vào những đêm bầu trời quang đãng, mặt biển nơi đây đẹp kỳ lạ bởi ánh đèn nêông từ hàng nghìn chiếc thuyền câu lung linh, rực rỡ trông như những thành phố hoa đăng trên biển.
                        alt
Biển Quảng Nam còn thu hút du khách bởi sự hấp dẫn của nhiều loại đặc sản tươi nguyên: con cá, con tôm, con cua, con mực ... nơi đây, dường như cũng ngon hơn, “đậm” hương vị biển hơn những vùng biển khác. 
Một số bãi tắm nổi tiếng:
Bãi tắm Hà My: thuộc xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, cách phố cổ Hội An 7km về phía Bắc.
Bãi tắm Cửa Đại: thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An, cách trung tâm phố cổ 4km về phía Đông.
                    alt
Bãi tắm Bình Minh:  thuộc xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, cách thị trấn Hà Lam khoảng 15 km về phía Đông.
Bãi tắm Tam Thanh: thuộc xã Tam Thanh, cách trung tâm thành phố Tam Kỳ 7 km về phía Đông.
Bãi tắm Bãi Rạng: nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai, cạnh sân bay Chu Lai, cách trung tâm thị trấn Núi Thành 2 km về hướng Đông.

  Hồ Phú Ninh
Hồ Phú Ninh cách thành phố Tam Kỳ 7 km về phía Tây. Hồ Phú Ninh là công trình thuỷ lợi có sức chứa gần nửa tỷ mét khối nước, với diện tích mặt hồ rộng 3.433ha cùng 23.000ha rừng phòng hộ và 30 đảo, bán đảo nhỏ xinh đẹp.

                      alt
Công trình được khởi công vào năm 1977 và hoàn thành sau gần 10 năm xây dựng. Ngoài các ưu thế để phát triển thuỷ lợi, thuỷ sản, thuỷ điện, nông lâm nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt... hồ Phú Ninh còn là một khu du lịch sinh thái lý tưởng, khí hậu luôn luôn mát mẻ và hệ động thực vật rất đa dạng, trong đó có 14 loại động vật được ghi vào Sách Đỏ cần bảo tồn. Từ trên cao nhìn xuống, lòng hồ như một chảo nước khổng lồ với nhiều ốc đảo, được bao bọc bởi những dãy núi, những bờ đê và những cánh rừng xanh tốt. Bằng chiếc thuyền con, du khách có thể dạo chơi quanh các ốc đảo, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ nhưng cũng thật hùng vĩ giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Trong lòng thung lũng Chấp Trà, giữa mặt hồ yên tĩnh có một mạch nguồn nước khoáng lộ thiêng, có công dụng chữa được nhiều căn bệnh về cơ khớp, gan, mật, tiêu hoá ...

  Sông Thu Bồn
Bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh cao 2598 mét, ban đầu Thu Bồn chỉ là dòng sông nhỏ âm thầm chảy qua các ghềnh đá cheo leo trên vùng núi phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam.

                        alt
Nhờ tăng thêm lưu lượng từ sông Tiên, sông Tranh trên địa hạt Trà My và Tiên Phước, sông Thu Bồn vượt qua bao đồi núi đưa phù sa bồi đắp cho vùng Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên. Tại đây, Thu Bồn hội ngộ cùng sông Vu Gia, trải phù sa ra khắp vùng đất Điện Bàn theo hai hướng: hướng Bắc vẫn là hướng chính với tên Thu Bồn (có nơi còn gọi là sông Chợ Củi, hướng Nam nhánh nhỏ hơn là sông Bà Rén. Gần đến biển, Thu Bồn và Bà Rén gặp lại nhau để hoà với dòng Trường Giang chảy qua phố cổ Hội An rồi đổ ra biển Cửa Đại.

  Mõm Bàn Than
Trên suốt dãi bờ biển nước xanh, cát trắng chạy dài từ bắc xuống nam, bất chợt nổi bật lên một vách đá sắc đen như than, xếp chồng lên nhau kéo dài hơn 2 km, đỉnh cao khoảng 40 mét với nhiều hình thù lạ mắt, kết hợp với những vân đá tạo thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo của tạo hoá.

                            alt
Từ đỉnh Bàn Than có thể phóng tầm mắt, nhìn bao quát một vùng biển trời mênh mông với bóng dáng ẩn hiện của đảo Cù Lao Chàm, của Hòn Ông ngoài đại dương khi xa. Hoà quyện với trời đất và biển cả, Bàn Than tạo nên một cảm giác chênh vênh đến choáng ngợp. Vì thế, Bàn Than được mệnh danh là thắng cảnh dành cho những người thích mạo hiểm và muốn chinh phục thiên nhiên.
Bàn Than nằm trên địa bàn xã Tam Hải, huyện Núi Thành, cách Bãi Rạng khoảng 3 km về hướng Đông Bắc.

 Hồ Giang Thơm
Nằm cách quốc lộ 1A khoảng 10km về phía Tây, thuộc địa bàn thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành. Hố Giang Thơm là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.

                          alt
Đến với Hố Giang Thơm, những cảm giác mệt nhọc của du khách dường như sẽ tan biến bởi âm thanh sôi động của thác và suối. Phía xa, con suối đầu nguồn đổ xuống các tảng đá tạo thành những ngọn thác đẹp quyến rũ. Ở đoạn trũng, suối hình thành những hồ nhỏ phẳng lặng, trong vắt. Giữa cảnh vật thiên nhiên thơ mộng, đôi khi du khách phải dừng bước ngẩn ngơ bởi vẻ hoang sơ kỳ diệu của thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
    
  Hòn Kẽm Đá Dừng

Hòn Kẽm Dá Dừng là thắng cảnh đẹp và thơ mộng, thuộc địa phận 2 xã Quế Lâm và Quế Phước của huyện Quế Sơn. Trên hành trình hướng ra biển Đông, tại đây con sông Thu Bồn bỗng dừng lại và nở to như một hồ nước rộng, trong xanh, phản chiếu nét uy nghi của bóng núi, triền sông. Lúc mờ sáng hoặc khi chiều buông, hơi đá hai bên bờ phả ra mặt sông tạo cho phong cảnh ở đây vẻ huyền bí, kỳ ảo lạ lùng.
                       alt
    “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng,
     Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi...”

Hòn Kẽm Đá Dừng đã đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ và trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân đất Quảng. Nơi đây là danh thắng đồng thời là vùng đất mang nhiều dấu ấn lịch sử, từng là căn cứ nghĩa hội của nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu, chiến khu Hoàng Văn Thụ trong kháng chiến chống Pháp.

Sự cuốn hút của Hòn Kẽm Đá Dừng không chỉ thể hiện bởi cảnh quan sông núi hữu tình mà còn hấp dẫn bởi những dòng chữ cổ Chiêm Thành bí ẩn còn lưu giữ trên những phiến đá nặng hàng mấy chục tấn, đứng sừng sững soi mình xuống dòng Thu Bồn.

  Suối Tiên

Từ ngã ba Hương An (thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) trên quốc lộ 1A, theo đường tỉnh lộ 611 ngược về hướng Tây khoảng 15 km, du khách đi vào vùng đất Quế Hiệp, nơi có danh thắng suối Tiên gắn liền với truyền thuyết về những Tiên ông và người tiều phu đón củi say mê đánh cờ.
                        alt
Suối Tiên là điểm du lịch khá lý tưởng gồm 14 thác nước liên hoàn ngày đêm rì rào chảy giữa vùng núi non hùng vĩ, cảnh đẹp chẳng khác nào chốn bồng lai. Ở phía đầu nguồn, từ trên đỉnh cao khoảng 400 mét dòng nước tuôn trào xuống các tảng đá tung bọt trắng xoá và tạo nên những cung bậc âm thanh sống động nối tiếp nhau rì rào, thì thầm giữa khu rừng đại ngàn. Đến với suối Tiên, ngoài việc thưởng lãm phong cảnh thiên nhiên hữu tình, trầm mình trong làn nước trong xanh mát lạnh để xua tan cảm giác mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả, du khách còn được tham quan khu di tích tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong Bà Thao nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nằm kề bên thác nước.  

Thác Grăng
Thác Grăng thuộc xã Tabhing, huyện Nam Giang, cách quốc lộ 14D khoảng 3 km. Thác Grăng như một dải lụa mềm vắt lưng chừng núi, đẹp nhất là thác 3, cao khoảng 30m, bụi nước tựa sương mờ, tỏa ánh sáng rất đẹp.

                       alt
Theo con đường mòn ngoằn ngoèo, du khách sẽ qua rẫy lúa, nương bắp, ngang dọc theo suối, thấp thoáng ven sườn đồi. Thi thoảng bên đường, rừng nguyên sinh bạt ngàn, bí ẩn... là những bộ ván dã chiến, nhiều chiếc võng rừng bằng rễ cây tự nhiên dựng bên những trạm nghỉ chân, lấy sức chinh phục "Tam thác Grăng".

 Khe Lim
Từ thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, theo con đường quốc lộ 14B khoảng 20 km về phía tây, du khách sẽ đến với thắng cảnh Khe Lim. Nhìn từ xa, thác nước như bức rèm thưa lúc ẩn, lúc hiện giữa núi rừng bao la. Từ trên đỉnh núi Am Thông, một dòng nước rộng khoảng 20 mét ngày đêm ầm ầm đổ xuống dòng suối với nhiều tảng đá lớn nhỏ nằm xếp chồng lên nhau, tạo thành nhiều thác nước tung bọt trắng xoá rồi âm thầm chảy ra con sông Vu Gia để xuôi về với biển.
                       alt
Dọc hai bên bờ suối có những cánh rừng nguyên sinh, những thảm thực vật quanh năm xanh tốt. Cùng với dãy Hio - Hiu sừng sững ở phía Nam và dãy đồi núi nhấp nhô phía tây bắc, tất cả tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Trên đỉnh thác nước ở Khe Lim vẫn còn dấu tích Chùa Am với những giai thoại dân gian huyền bí.
Khe Lim thuộc địa bàn xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc.

   Đồi Bồ Bồ
Bồ Bồ là một cụm gồm bốn ngọn đồi nhỏ nằm liên tiếp nhau có diện tích khoảng hơn 200ha, nằm trên địa bàn hai xã Điện Tiến và Điện Thọ của huyện Điện Bàn.
                        alt
Nơi đây có cảnh quan thơ mộng với những rừng thông xanh tươi, những hồ nước phẳng lặng và bầu không khí trong lành quanh năm mát mẻ. Từ trên đỉnh đồi nhìn về hướng Nam, phong cảnh làng mạc, đồng quê, sông suối... hiển hiện như một bức tranh sống động, hữu tình.
Đồi Bồ Bồ còn là di tích lịch sử ghi dấu những chiến công oai hùng của quân dân Quảng Nam trong các cuộc kháng chiến vệ quốc.
Bồ Bồ nằm cách thành phố Đà Nẵng 15km về phía Tây Nam, cách thành phố Hội An 25km về phía Tây Bắc.

  Suối nước nóng Tây viên

Cách quần thể khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) chưa đầy 3 km theo đường chim bay về hướng Tây là suối nước nóng Tây Viên. Hai suối nước trong vắt quanh năm tuôn chảy. Nhiệt độ trung bình của dòng nước khoảng 850C. Người dân nơi đây quen gọi là suối Ông và suối Bà. Trong nước chứa nhiều khoáng chất quý như: canxi, kali, lưu huỳnh, sắt ... và nhiều khoáng chất khác, là địa điểm lý tưởng cho du khách ngâm mình trong nước nóng, tắm bùn, thư giãn chữa bệnh.
                           alt
“Tây Viên”, theo ý nghĩ nôm na của nhiều người, đây là vườn thảo dược ở phía Tây huyện Quế Sơn, vì núi non tại đây có nhiều trầm hương, thảo mộc quý hiếm. Cũng có giả thuyết cho rằng Tây Viên là hoa viên tiên cảnh của thiên nhiên nằm ở phía Tây, bởi cảnh vật thơ mộng không khác chốn bồng lai, tiên cảnh.

   Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh
Khu bảo tồn Sông Thanh nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước CHDCND Lào, với diện tích gồm 93.249ha vùng lõi và 108.398ha vùng đệm. Riêng khu khu vùng lõm được chia thành hai khu bảo vệ nghiêm ngặt với 75.373ha và khu phục hồi sinh thái với 17.512ha.

                             alt
Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh là nơi ẩn chứa bao điều kỳ thú, hấp dẫn du khách và các nhà nghiên cứu khoa học bởi sự phong phú và độc đáo của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tổng số 831 loài thực vật bậc cao đã được ghi nhận qua các đợt khảo sát năm 1997 và 1999 do WWF - Đông Dương và Viện Điều tra Qui hoạch Rừng Việt Nam thực hiện. Trong số đó có 23 loài hữu dụng, 38 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Hệ động vật rừng của khu bảo tồn này cũng rất đa dạng với danh mục gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá... Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự hiện diện của nhiều loài thú lớn và hiếm như hổ, báo, voi, voọc cá chân nâu, voọc cá chân xám, mang Trường Sơn... Đến khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, du khách còn có thể chiêm ngưỡng thác Grăng, cầu Thác Nước và những cảnh đẹp nên thơ nằm dọc trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, hoặc đi tìm và khám phá những nét đặc trưng trong đời sống văn hoá vô cùng phong phú của đồng bào các dân tộc ít người.

  Khu du lịch sinh thái thuỷ điện Duy Sơn II

Thuỷ điện Duy Sơn II được khởi công xây dựng sau năm 1975, đây là công trình thuỷ điện đầu tiên xây dựng bằng sức dân, thể hiện tinh thần sáng tạo và nghị lực phi thường của nhân dân địa phương lúc bấy giờ. Công trình thuỷ điện nằm trên một ngọn đồi cao, bên những hồ nước xanh biếc, những dòng suối đá, những cách rừng phi lao thơ mộng, với tổng diện tích trên 200ha. Đến đây, du khách có thể tham quan nhà máy xử lý nước trước khi leo lên đỉnh núi thượng nguồn hoặc sinh hoạt dã ngoại trong những hang đá kỳ ảo nằm bên những dòng suối chảy từ trong vách núi ra.
                             alt
Khu du lịch sinh thái thuỷ điện Duy Sơn II nằm trên địa bàn xã Duy Sơn,  huyện Duy Xuyên, cách di tích kinh thành Trà Kiệu khoảng 5 km về phía Nam.

  Khu du lịch sinh thái Thuận Tình

Ở trên một cồn đất rộng khoảng 50ha, Thuận Tình như một chiếc phao bồng bềnh giữa dòng hạ lưu của sông Thu Bồn. Thuận Tình là một điểm du lịch sinh thái đặc trưng của vùng sông nước Hội An.
                         alt
Đến đây, du khách sẽ được hoà mình giữa cảnh vật thiên nhiên thơ mộng. Bên những rặng dừa nước xanh tươi, những hàng dương vi vu trong gió, du khách có thể thư thái giong thuyền vọng cảnh hoặc tham gia các trò chơi dân gian, bơi xuồng trên hồ, câu cá, xem múa rối nước, tham quan những mặt hàng thủ công mỹ nghệ trưng bày trong ngôi nhà cổ theo lối kiến trúc của vùng nông thôn Việt Nam. Du khách có thể cắm trại, đọc sách và sinh hoạt dã ngoại dưới những mái lá yên tĩnh hay nghỉ ngơi trong những bungalow đầy đủ tiện nghi.

Với khoảng cách 3 km, từ trung tâm phố cổ Hội An du khách có thể đến Thuận Tình bằng đường bộ hoặc đường thuỷ đều rất thuận tiện.
(Nguồn Internet)

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Hãy luôn nói không với Notebook và Netbook


 Băn khoăn khi không biết nên chọn lựa loại máy tính xách tay nào?
Notebook và Netbook thường được gọi với cái tên nôm na dễ hiểu là "laptop cỡ nhỏ". Lý do là vì 2 loại sản phẩm này được đơn giản hóa đến mức tối đa nhằm phục vụ các nhu cầu riêng biệt, hạn chế. Điểm thu hút nhất của các sản phẩm này là sự nhỏ gọn và giá cả tương đối thấp. Mặc dù vậy, như đã nói ở trên, do chú trọng nhất đến kích thước và giá cả nên các sản phẩm này thường chỉ được trang bị các thành phần cơ bản và gần như bị lược bỏ hầu hết các yếu tố "râu ria".
 alt
Phần lớn người dùng lựa chọn 2 loại sản phẩm này vì bị thu hút bởi giá cả thấp đồng thời nghĩ "nhu cầu của mình chỉ đến thế mà thôi". Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ không đúng và nên loại bỏ nếu bạn đang có ý đinh mua Notebook hoặc Netbook. Bạn thắc mắc nguyên nhân? Hãy cùng tìm hiểu tại sao không nên mua laptop và netbook thông qua bài viết sau đây.
  Giá cả - Chưa chắc đã hấp dẫn
Như đã nói, nguyên nhân đầu tiên khiến người dùng chọn mua netbook hoặc notebook là vì mức giá tương đối hấp dẫn của chúng so với các sản phẩm khác, đặc biệt là laptop thông thường. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đây không phải là một sự lựa chọn hoàn hảo dù cho túi tiền của bạn có eo hẹp đi chăng nữa.
Bạn nên biết rằng các sản phẩm Notebook và Netbook phổ biến thường có giá khoảng trên 7 triệu đồng. Với giá tiền này chúng ta hoàn toàn có thể sở hữu một chiếc laptop với đầy đủ chức năng. Hơn nữa, với việc các mẫu mới thường chú trọng thiết kế (nhỏ gọn và đẹp) cho nên số tiền bạn phải dành cho kiểu dáng thường tương đối lớn. Thậm chí, có những chiếc netbook với thiết kế đẹp còn đắt hơn hẳn các laptop cùng cấu hình.
 alt
Nhỏ chưa chắc đã hay
Đặc điểm thứ hai của một chiếc netbook/notebook được nhiều người lựa chọn chính là sự nhỏ gọn và tiện lợi. Tuy nhiên, theo tôi, đây không phải là một yếu tố bạn có thể dựa vào để lựa chọn notebook/netbook cho công việc của mình.
Lý do cho ý kiến nằm là ở chỗ: Dù nhỏ đến đâu thì Netbook và Notebook cũng không thể đút vào túi quần, thậm chí, rất khó để đựng trong túi xách của chị em (vốn đã rất nhiều đồ). So với laptop, nó cũng không quá gọn gàng đến nỗi bạn phải hy sinh những thứ khác, đặc biệt là cấu hình.
 alt
Hơn nữa, nhỏ gọn chưa chắc đã là cái hay đối với nhiều người dùng. Theo quan điểm của cá nhân tôi và một số người đã sử dụng qua các dòng sản phẩm này, có một nhận xét chung là chữ hơi bé khi soạn thảo văn bản. Tất nhiên, bạn có thể phóng to lên nếu cần nhưng hiển nhiên điều này sẽ rất bất tiện trong trường hợp bạn muốn xem toàn bộ văn bản/sản phẩm của mình.
 Thiếu hụt tính năng
Hầu hết các netbook/notebook có cấu hình tương đối thấp. Đa số các mẫu sản phẩm chỉ đáp ứng được nhu cầu văn phòng thông thường (notebook) và nhu cầu sử dụng web (netbook). Tất nhiên, nhu cầu của nhiều người chỉ để mức này nhưng bạn có chắc chắn không bao giờ bạn muốn sử dụng máy cho một nhu cầu cao cấp hơn một chút như sử dụng Photoshop hay chơi một số game để giải trí? Bạn có chắc không bao giờ muốn xem film chất lượng cao không? Nếu có hãy mua netbook/notebook còn nếu không thì hãy xem xét lại quyết định của mình.
 alt
Một điểm yếu khác của các dòng sản phẩm này là việc thiếu các thiết bị ngoại vi thích hợp. Trong đó, thiếu sót quan trọng nhất của các sản phẩm này chính là ổ đọc CD/DVD. Đây là bất lợi cực kỳ lớn cho người dùng trong quá trình sử dụng. Điều quan trọng hơn là hầu hết các netbook chỉ có các cổng kết nối cơ bản và số lượng cổng USB là không nhiều. Điều này sẽ làm cho bạn sẽ không thể sử dụng một lúc nhiều thứ qua các cổng kết nối. Đặc biệt, do thiết kế nhỏ gọn nên các cổng kết nối này thường được bố trí sát nhau, đôi khi gây ra khó khăn trong việc sử dụng nếu chân cắm của một số thiết bị ngoại vi quá to.
 Do thiếu hụt cổng kết nối nên đôi khi người dùng gặp phải những rắc rối không đáng có. Hãy thử tượng tượng bạn muốn sử dụng máy in ở nơi công cộng mà máy bạn không có cổng kết nối hay việc tương tự có thể xảy ra khi bạn sử dụng máy chiếu. Thật tệ đúng không?
Đừng quá hi vọng và thiết bị bổ sung
 Nhiều người sẽ phủ nhận các khuyến điểm của dòng thiết bị này bằng các loại phụ kiện bổ sung có thể đem lại nhiều tính năng như mong muốn. Tuy nhiên đây lại là sai lầm lớn trong suy nghĩ của người dùng.
  alt
 Phải biết rằng nếu muốn bổ sung đầy đủ phụ kiện cho thiết bị của mình số tiền bạn bỏ ra chắc chắn không nhỏ hơn 2 triệu đồng (riêng ổ DVD gắn ngoài đã hơn 1,5 triệu). Đây không phải là một số tiền nhỏ. Ngoài ra, chắc chắn hiệu năng của các thiết bị gắn ngoài sẽ không được như đồ tích hợp trong máy. Thêm nữa, hay tưởng tượng bạn phải vác cả chục món đồ đi cùng thì khả năng mất hoặc bỏ quên là rất lớn. Chúng sẽ rất lỉnh kỉnh và làm bạn khó chịu trong quá trình sử dụng.
Nguồn Internet

“Father’s Day” - Ngày của Cha

Chủ Nhật 17 tháng Sáu này (năm 2012) là Father’s Day, ngày lễ vinh danh Cha.

Lịch sử ngày Father’s day

Vào tháng Sáu 1910, lễ “Father’s Day” đầu tiên được cử hành tại Spokane, bang Washington, Hoa Kỳ sau nỗ lực vận động của bà Sonora Smart Dodd. Các ông bố đến nhà thờ dự lễ được trao đóa hồng đỏ. Người nào mà cha mình đã từ trần, thì cài hoa hồng trắng.
alt
Câu chuyện thế nào?
Vào năm 1908, người dân Mỹ hân hoan mừng Mother’s Day, ngày lễ vinh danh Mẹ, vừa được lập ra. Vị tu sĩ tại nhà thờ ở Spokane, nơi bà Sonora Smart Dodd cư ngụ, trong bài giảng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vai trò người mẹ. Sau buổi lễ, Sonora tiến đến thưa với vị tu sĩ là những điều ông nói về người mẹ rất hay tuy nhiên, vai trò của người cha thì sao, người cha cũng xứng đáng được ghi công ơn chứ, phải không ạ.
Thời đó ở Mỹ, người đàn ông trong gia đình bị mang tiếng là chỉ ngồi hút píp và uống rượu say sưa trong khi vợ con làm lụng vất vả. Tới nỗi có bài hát nói về tình trạng ấy: đó là bài “Everybody works but Father”. Điều này khiến Sonora bất bình vì cha bà là hình ảnh khác hẳn và hơn thế nữa, là tấm gương cho các con ngưỡng phục.
           
Vào tháng Sáu 1910, lễ “Father’s Day” đầu tiên được cử hành tại Spokane, bang Washington, Hoa Kỳ sau nỗ lực vận động của bà Sonora Smart Dodd.
Mùa Đông năm 1898, mẹ của Sonora chết khi sanh đứa con thứ sáu. Sonora nhớ lại là sau khi đưa đám mẹ, một đứa em trai đã chạy ra ngoài vườn để khóc trong đêm lạnh giá. Cha đã nén đau thương đưa em vào dỗ dành. Cảnh tượng ấy khiến Sonora xúc động vô cùng.   
Thời đó, nếu như ông William Smart đưa đàn con gồm 5 đứa và một trẻ sơ sinh, nhờ họ hàng nuôi nấng, hoặc ngay cả nếu ông bỏ chúng vào viện mồ côi thì cũng là chuyện thường tình nhưng Không! ông nhất quyết lo toan. Sonora là con gái lớn và duy nhất, khi ấy 16 tuổi, giúp Bố trông nom các em nhưng chỉ được một năm thì cô đi lấy chồng, lập gia đình với anh John Dodd. Như vậy là ông bố vừa làm lụng mưu sinh, vừa lo nuôi dạy đàn con nhỏ trong đó, có một đứa còn ẵm ngửa. Trường hợp của ông William Smart có thể coi là hiếm có vào thời đó.                                                            
Đến khi trưởng thành, hiểu ra được sự hy sinh ấy, sự quên mình của cha, Sonora vận động xin dành ra một ngày trong năm để vinh danh các người cha. Sonora yêu cầu là vào tháng Sáu, tháng sinh của cha bà.
Năm sau đó, yêu cầu của Sonora Dodd được giới chức thành phố Spokane và bang Washington chấp thuận, tuy nhiên bà còn ước muốn là toàn nước Mỹ dành ra một ngày trong năm để vinh danh các người cha.                                    
Gay go hơn cuộc vận động lập ra Mother’s Day rất nhiều vì dân chúng vẫn chưa coi trọng vai trò của người cha bằng người mẹ nhưng Sonora không sờn lòng, đi vận động lên chính phủ trung ương. Mãi đến năm 1966, Tổng thống Johnson mới ra tuyên cáo vinh danh người Cha, và công bố dành Chủ nhật thứ 3 trong tháng 6 hằng năm làm Father’s Day. Tới năm 1972 thì sự việc này được Tổng thống Nixon ký thành luật. Khi ấy, Sonora Dodd đã 90 tuổi!
Như thế, Father’s Day có từ một trăm năm nay, tất cả là do lòng ngưỡng phục cha của đứa con gái mà thành.
                                                                      
            
Trong đôi mắt con trẻ, Bố là nguồn hiểu biết diệu vợi, chỉ bảo mọi điều, hướng dẫn mọi việc cho con. Bố dìu dắt con trên bước đường đời, nâng con dậy mỗi khi con vấp ngã, và luôn bảo bọc con. Bố là anh hùng của con!
Tục lệ này của người Mỹ khá dễ thương nên đã lan truyền ra khoảng 50 quốc gia từ Mỹ châu sang Âu qua Á và Phi châu mừng Father’s Day vào cùng ngày, là Chủ Nhật thứ 3 trong tháng Sáu.
Úc với Tân Tây Lan thì chọn Chủ Nhật đầu tiên của tháng 9, là đầu mùa Xuân ở Nam bán cầu, làm Father’s Day.
Việt Nam chưa có lệ dành ra một ngày trong năm để ghi công ơn Cha. Có lẽ vì trong các xã hội Á đông như Việt Nam mình, người cha ít bày tỏ tình cảm với con cái, nhiều như người mẹ. Chúng ta thường nói về Mẹ mà ít đề cập đến công lao của Cha.
Một bài viết lột tả tình Cha dành cho con, phân tích về tình cảm này: đó là bài “Một bông hồng cho Cha” của nhà văn Võ Hồng, trong đó có đoạn:                                                                        
“… Cha thương con nhưng cuộc sống phân công, mỗi người mỗi việc. Mẹ như cọng mảnh, nhánh thấp càng gần để trái non xúm xít bâu quanh. Cha như thân vững chắc, bám rễ, hút nhựa nuôi hoa, nuôi trái. Thân vươn lên những nhánh cao, phủ trên đầu che mưa che nắng ...”                                                                                               
Dịp Father’s Day, các ông bố, ông nội, ông ngoại, chú, bác, anh lớn (tức là các vị mang vai trò người cha) đều được biếu quà. Thế ... các bạn đã mua quà chưa nào...
Nguồn Internet

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

NHỮNG CÂU CA DAO THUẦN QUẢNG.

 

 

 

Cũng như nhiều di sản khác trong kho tàng văn nghệ dân gian của ta, ca dao thường không có tên tác giả, lại còn có những câu đã vượt khỏi ranh giới địa phương xuất xứ để rồi trở thành "của chung " cho mọi vùng miền.

Ca dao thuộc trường hợp này khá nhiều. Xin đơn cử một câu vui vui sau đây tôi đã nghe, đã đọc, không ít nơi sử dụng và nơi nào cũng cho là của địa phương mình:
Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi
Nếu phạm vi cấp tỉnh mà nơi nào có địa danh mang âm trắc như Bình Định, Quảng Ngãi, Sa Đéc, Quảng Trị... thì đều cho là của mình được cả. Còn với tên các tỉnh mà chữ cuối mang âm bằng như Quảng Nam, Thừa Thiên, Bình Dương, Hà Tây thì đành xem như... không có bánh ít lá gai!
Có những câu ca dao chỉ là "đặc sản" của một địa phương nào đó mà thôi. Phần này cũng nhiều lắm, nhưng trong phạm vi hạn hẹp của bài này tôi chỉ xin nêu một số câu ca dao thuần Quảng, tức rặt ròng chất Quảng, nhất định chỉ được sáng tác tại Quảng Nam, thời trước gồm cả Đà Nẵng. Là người Quảng, ai cũng biết câu:
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Hỏi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta?
Câu này được xem như là ngữ trưng rất lâu đời của đất và người Quảng Nam mặc dù từ lâu cũng có không ít sự bàn cãi chưa ngã ngũ. Nhiều người thắc mắc: trời mới mưa hay chưa chứ sao lại đất chưa mưa; cùng thời với câu ca dao này thì rượu Hồng Đào có hay không; bảo bạn về "nằm nghĩ gác tay" hay "nằm ngủ gối tay”...
Nói gì thì nói, câu ca dao trên vẫn thấm sâu vào tình cảm của người đất Quảng qua nhiều thế hệ.
Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!
Ngoài đầu nguồn sông Thu Bồn của Quảng Nam thì ở đâu có Hòn Kẽm Đá Dừng nữa nhỉ?
Những địa danh, thắng cảnh như Cầu Mới, núi Cấm, Thác Bà, Thác Ông, kể cả Hòn Vọng Phu... còn có thể trùng tên với nơi này nơi khác, nhưng những địa đanh trong các câu ca dao sau đây chắc chắn là của riêng Quảng Nam:
Ai lên mấy nhánh sông Con
Hỏi quân Hường Hiệu có còn đánh Tây?
hoặc:
Tiếng đồn con gái Bảo An
Sớm mai đi chợ, tối đan mành mành;
Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều
Tiếng mai cửi dệt, tiếng chiều xa quay;
Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn;
Đêm nằm nghe trống Mỹ Sơn
Nghe chuông Trà Kiệu, nghe đờn Phú Bông;
Gió nam thổi xuống Lò Vôi
Ai đồn với bạn ta có đôi bạn buồn?
Dời chưn bước xuống ghe buôn
Sóng bao nhiêu dợn dạ ta buồn bấy nhiêu!
Đường mô xa bằng đường Gia Cốc
Dốc mô ngược bằng dốc Phú Cang
Lời em than hai hàng lụy nhỏ
Em còn mẹ già biết bỏ cho ai?
Phần thời chị gái chẳng có em trai
Anh có thương thì thủng thỉnh rài rài chờ nhau...
Lại có những câu ca dao không nêu địa  danh, nhân vật nào của Quảng Nam nhưng do những tính cách đặc thù nào đó, người ta vẫn nhận ra các câu ấy thuần Quảng.
Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên;
Lụt nguồn trôi trái lòn bon
Cha thác mẹ còn chịu chữ mồ côi;
Ngó lên trên rẫy khoai lang
Chẻ tre đang sịa cho nàng phơi khoai
Hai câu trên thì "Quảng Nam" quá rõ rồi (mít non, cá chuồn, lòn bon), còn câu sau được thuần Quảng là ở chữ sịa. Thứ vật dụng này nhỏ hơn chiếc nong, đan bằng tre cật già, mặt sịa toàn những lỗ nhỏ hình vuông. Sịa dùng để đựng, để phơi những thứ nông sản, thực phẩm dạng khô. Phơi khoai lang đã xắt lát như chàng toan tính cho nàng là rất hợp lý và nhờ đó sẽ đạt tình là cái chắc.
Bà con Quảng Nam quen nói "đi dầu", "đầu dầu" để chỉ người đi ngoài trời mà không đội nón, đội mũ hay che dù. Người viết bài này đã đến nhiều vùng miền của đất nước ta nhưng không nghe nơi nào nói như thế mà chỉ gọi là "để đầu trần".
Câu ca dao thuần Quảng về "sự kiện" này là:
Thương em để nón về dầu
Về nhà dối mẹ: qua cầu gió bay
Đây là chàng để nón lại cho nàng đội, động thái này vừa tình tứ, vừa lịch sự, cách nói dối với mẹ nghe cũng có lý, đáng được giảm khinh. Câu này đã có tại Quảng Nam ngót trăm năm rồi. Là người Quảng, ai cũng hiểu và không có gì thắc mắc.
Thế nhưng những năm gần đây có lời nhạc, bài khảo luận về dân ca lại viết: "Thương nhau cởi áo cho nhau” hoặc "đổi áo cho nhau”. Sao lại có thể như vậy được nhỉ? Ngoài cách ứng xử thô, vụng còn có điều thất lý vì áo của nam, nữ hoàn toàn khác nhau về kiểu thức, kích cỡ, thế thì cởi áo, đổi áo cho nhau làm gì? Điều thất lý nữa là khi về lại nói dối với mẹ rằng qua cầu bị gió làm bay mất áo. Gió mạnh cấp nào mà kinh khủng đến áo mặc trong người cũng bị bay mất? Ấy là chưa nói tới việc mẹ thấy sờ sờ ra đó rằng chàng mặc áo của nàng và ngược lại.
Những câu ca dao thuần Quảng như trên còn nhiều nữa. Loại di sản văn hóa dân gian truyền thống này còn chờ những nhà sưu tầm văn học phát hiện và đánh thức.
Nguồn Internet

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Đèo HẢI VÂN


 alt

Quang cảnh Hải Vân Quan

Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân (vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải) hay đèo Mây (vì đỉnh đèo thường có mây che phủ), cao 500 m (so với mực nước biển), dài 20 km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã (là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển) ở giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên-Huế (ở phía Bắc) và thành phố Đà Nẵng (ở phía Nam), Việt Nam [1].

Lịch sử Di tích Hải Vân Quan

alt
Theo sử liệu, trước năm Bính Ngọ (1306), vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa (còn gọi là Chiêm Thành). Sau khi được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân đời Trần vào năm vừa kể (1306), thì ngọn đèo chính là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
Khoảng một thế kỷ sau, vào năm Nhâm Ngọ (1402), nhà Hồ (dưới triều Hồ Hán Thương) sai tướng Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, khiến vua nước ấy là Ba Đích Lại (Jaya Sinhavarman V) phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa [2]. Kể từ đó, cả vùng đất có đèo Hải Vân mới thuộc hẳn về nước Đại Ngu (tức Việt Nam ngày nay), và trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận HóaQuảng Nam, như sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã chép: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam” [3].
Vào thời Nguyễn, đèo Hải Vân vẫn là chỗ giáp giới giữa Thừa ThiênQuảng Nam. Phía bắc chân núi giáp vực biển có hang Dơi, tục gọi là bãi Tiêu. Tương truyền xưa có thần sóng, thuyền đi qua đó thường bị lật chìm, nên ngạn ngữ có câu: "Đường bộ thì sợ Hải Vân/ Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi"[4].

Một vài thông tin khác

Trong nhiều thế kỷ, đường Cái Quan (nay là Quốc lộ 1 A) băng qua đèo Hải Vân rất ít người dám qua lại, bởi đường hiểm, thú dữ và kẻ cướp...Bởi vậy mà văn hóa giữa hai miền Bắc-Nam ít được giao lưu. Về sau, con đường này đã thông thoáng hơn (dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt quanh co qua con đèo này. Ngày 5 tháng 6 năm 2005, hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân cũng đã được đưa ra vào sử dụng, càng tạo thuận lợi cho việc đi lại), nên trở ngại ấy đã không còn nữa, tuy nhiên, đèo Hải Vân vẫn là một “hàng rào” ngăn cản một phần khí hậu giữa hai miền [5].
Ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân vẫn còn dấu vết của một cửa ải. Cửa ải này gọi là Hải Vân Quan (雲海關), xây từ đời Trần, và được trùng tu vào thời Nguyễn (Minh Mạng thứ 7, 1826) [6]. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi ông dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn, 1470). Sách Đại Nam thực lục chính biên chép:
“Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân quan” (雲海關), ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (天下第一雄關). Cửa trước cao và dài đều 15 thước, ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng). Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quảng hạt Quảng Nam”.
Đáng tiếc là di tích này đang bị xuống cấp trầm trọng [7].

alt
Một lô cốt còn lại trên đỉnh Hải Vân

Ngoài ra, nơi đỉnh Hải Vân vẫn còn một lô cốt (được gọi là Ðồn Nhất) do quân đội Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ ngọn đèo chiến lược này. Sau lô cốt ấy được chuyển sang tay quân đội Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đèo Hải Vân là nơi đã liên tiếp diễn ra những trận đánh lớn [8].
Mặc dù ngày nay đã có hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, và địa hình của đường đèo vẫn còn một số hiểm trở, song nhiều du khách vẫn thích đi trên con đường này để thưởng ngoạn. Vào những ngày đẹp trời, họ có thể thấy khá rõ một phần thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa - Bán đảo Sơn Trà, Cù lao Chàm,... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.

Thơ ca

                                                alt

Điểm dừng chân trên đỉnh HẢI VÂN


Nói về Hải Vân, ca dao Việt Nam có câu:
Chiều chiều mây phủ Ải Vân.
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn.
Thơ đề vịnh về ngọn đèo này cũng có nhiều, song đáng chú ý có bài thơ chữ Hán Vãn quá Hải Vân quan của nhà chí sĩ Trần Quý Cáp (1870-1908), tạm dịch ra như sau:
Hùng quan chất ngất đỉnh non xây,
Bước đã quen nơi cúi ngửa này.
Sầu ngập mắt trông ngàn dặm biển,
Giận tung quyền phá bốn bề mây.
Chiều quang mái trú đìu hiu bến,
Mỏi đáp rừng chim lạnh lẽo cây.
Bảy dặm quang co đèo vượt khói,
Non Hành giai khí ngút trời bay [9].

Chú thích

  1. ^ Thông tin này căn cứ theo sách Sổ tay địa danh Việt Nam (Nxb Giáo dục, 2008, tr. 117). Có nguồn cho rằng đèo Hải Vân cao 496 m so với mực nước biển, và dài 21 km [1].
  2. ^ Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb Tân Việt, 1968, tr.184.
  3. ^ Dẫn lại theo [2].
  4. ^ Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên. Nxb Văn học, 2003, tr. 76.
  5. ^ Xem trang Khí hậu Việt Nam hay xem bài “Đặc điểm khí hậu Việt Nam” trong sách Địa lý 8. Nxb Giáo dục, tr. 111.
  6. ^ Theo Quách Tấn, Bước lãng du, Nxb Trẻ, 1996, tr. 219.
  7. ^ Xem bài viết “Hoang phế Hải Vân” trện Vov online cập nhật ngày 8 tháng 9 năm 2011 [3].
  8. ^ Việt Nam đất nước giàu đẹp (tập 2). Nxb Sự thật, 1983, tr. 215.
  9. ^ Chép theo Quách Tấn, Bước lãng du, tr. 222.