Hoàng Lộc sưu tầm
\
 Thấy bài viết vui , gợi nhớ bên quê. Chép để bà con đọc để thèm ăn !!!!!!
Bánh bèo Quảng Nam không mỏng như bánh bèo Huế và Sài Gòn - mà khá dày, cắn vào phải sừng sực mới...chịu .Chén dùng hấp bánh bèo là chén đất miệng trẹt. Bánh chín, bột nở, mặt bánh trắng như cơm dừa, vươn gần sát vành miệng chén.
Phần trủng bên trên chén bánh dùng để đổ kín một lớp nhưn tôm khô giả nhỏ, xào với lá hành hay hẹ. Chỉ vậy thôi.
Ăn bánh bèo, không dùng đũa muổng thông thường mà bằng....siêu đao. Đó là thanh tre cật già, dài khoảng 10cm , vót giống hệt thanh siêu đao. Quán bánh bèo nào cũng đặt sẵn trên bàn một ống đựng toàn loại siêu lợi hại ấy. Khách dùng thanh siêu rạch chén bánh một chữ thập, tách thành bốn miếng. Nếu ăn nhỏ nhẻ kiểu quí chị qúi cô thì xin mời xéo đường siêu thêm một chữ X nữa để có tám miếng bánh nhỏ hơn. Chiêu thức kế tiếp là dùng mép siêu kê sát bên trong vành chén, xoáy một vòng tròn giáp mí để các miếng bánh không còn dính chén.. Khách xử dụng mũi nhọn của siêu để cắm từng miếng bánh mà ăn. Chỉ chan thêm nước mắm nếu độ nhưn không vừa miệng. Xin miễn chấm, nhưng muốn cũng không ai cản trở, chỉ ngại thêm động tác thừa này sẽ làm cho lớp nhưn trên miếng bánh tuột cả vào chén nước mắm, mất vui !
Bánh bèo được làm và bán rộ nhất là vào hai vụ gặt tháng ba, tháng tám âm lịch. Vào thời điểm này, ngoài số quán cố định, trong xóm còn những quán mở theo thời vụ, dựng tạm bợ nơi ngã ba đường thôn hay những bìa xóm, cạnh cánh đồng đang gặt.. Trước khi xuống ruộng hay trên đường gánh luá bó về nhà, bà con thường ghé vào quán xơi bánh bèo và uống bát nước chè tươi. Sẵn tiền thì trả ngay, thiếu thì...hãy đợi đấy ! Vài ngày sau, chủ quán sẽ cầm chính chiếc chén hấp bánh, đến từng nhà khách, thu nợ múa siêu bằng luá . Cứ mỗi chén bánh được trả bằng một chén lúa tươi vun ngọn. Đơn giản và....thoáng như vậy - nên có lắm chàng trai ăn khoẻ, nợ bánh bèo cứ "hãy đợi đấy" đến mút mùa gặt mới thanh toán một lần, vẫn không mất khả năng chi trả.