Nguyễn Văn Chương
                                                      alt

Người dân nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, ngày xuân thường làm các loại bánh để cúng ông bà và ăn Tết, như bánh in, bánh thuẫn, bánh gai, bánh tét, mâm ngũ quả, v.v. nhưng không thể thiếu được món bánh nổ. Không có bánh nổ, coi như chưa phải ăn Tết.

Sao lại gọi là bánh nổ? Có lẽ đơn giản chỉ vì người ta rang thóc nếp cho nổ bung để làm bánh. Muốn có những lát bánh nổ thơm ngon giòn ngọt, người ta chọn nếp từ vụ trước, phơi cất kỹ càng. Gần ngày làm bánh, nếp lại được đem ra phơi cho thật khô, khi rang mới nổ to, bung ra như hoa chanh, hoa cam. Nếu chỉ được búp, khó mà làm bánh. Nếp khô rang trên bếp than hồng, hạt nổ, bung vỏ trấu ra, khoe ruột nổ trắng ngần. Sau khi sàng sảy, giần đãi cho sạch vỏ trấu thì bắt đầu đóng bánh.

Bàn đóng bánh nổ bằng gỗ hình chữ nhật có kích thước 36 cm x 4 cm lắp đứng trên đế gỗ vững chắc. Dùng chày đầu trên tròn, đầu dưới chữ nhật vừa khít với khuôn bánh để đóng cho bánh mịn.

Có thể dùng đường kính trắng, cũng có thể lấy đường mặt chiên là đường thủ công ở lớp trên cùng của muỗng mật làm bánh nổ. Khi thắng đường, múc lên, đường kéo thành sợi tơ là được. Trộn nước đường đã thắng với bỏng nổ có pha chút nước cốt gừng cho bánh thơm rồi đổ vào khuôn. Đặt đầu chày chữ nhật khít khuôn bánh, lấy vồ nện lên đầu tròn theo nhịp đều. Bánh ép ngót thì đổ tiếp cho đầy khuôn là được. Tháo khuôn sẽ được một "cây nổ" dài. Đưa "cây nổ" lên sịa, tức là sấy trên sàn lửa than cho khô. Dùng lưỡi dao mỏng cắt bánh thành từng lát dày nửa phân và sấy lần nữa để bánh thật giòn, cho vào các túi ni-lông chống ẩm. Ngày xưa thì gói bằng lá chuối khô, chống ẩm tốt mà lại có mùi thơm của lá.

Ngày nay, người làm bánh đại trà để bán, có thể rang bằng nồi áp suất, nhưng bỏng không ngon. Còn làm bánh Tết, cúng tổ tiên và tiếp khách, đãi họ hàng, cứ làm theo cách cổ truyền, bánh nổ ngày xuân mới giàu ý vị.