Hướng Thượng Lê Ðình Duyên


Đông dương Y SĨ LÊ ĐÌNH DƯƠNG, tuổi giáp Ngọ, sanh năm 1894 tại chánh quán làng Đông Mỹ (Na Kham), tổng Phú Khương Thượng (Gò Nổi, Phù Kỳ), huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thứ nam của cụ Đông Các Đại Học Sĩ, Binh Bộ Thượng Thơ, Hà An Tổng Đốc Lê Đình Đỉnh (Triều Tự Đức) và Cụ bà kế thất Chánh Phẩm Phu nhân PHAN THỊ HIỆU .

 Lúc nhỏ theo Nho học, thụ huấn trực tiếp với cụ thân sinh ở nhà, cùng với bào đệ là bác sĩ TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM, tuy tuổi còn non, song cả hai anh em cùng thông đạt Kinh Sách, Văn Bài, Thi Phú đều xuất chúng; nhưng tiếc rằng sau Khoa thi Giáp Thìn (1904), Khoa cử Hán học không còn hợp thời, thực dụng và hấp dẫn nữa, chứ không thì cũng như ai, một phen lều chõng.
Lớn lên theo tân học, thông minh, hiếu học, tính tình đôn hậu, nghiêm trang, được thầy yêu bạn mến và nổi tiếng ngay tại trường tiểu học Pháp Việt Hội An, Quảng Nam, do cụ PHAN TIẾN THỊNH, một nhà tân học thâm Nho làm Đốc học và qua trường Trung Học Quốc Học, Huế, đến trường Cao Đẳng Y Khoa Đông Dương Hà Nội .
Tư tưởng Cách Mạng được mạnh nha trong trí óc ông từ thời thơ ấu, qua ảnh hưởng của gia đình và qua cuộc dân biến năm 1908 (Giặc Cúp Tóc) chóng xâu, kháng thuế tại Quảng Nam nói riêng và các tỉnh Miền Trung nói chung, tiếp đến khi học trường Cao Đẳng Y Khoa Đông Dương, Hà Nội, với tầm hiểu xa thấy rộng hơn, vốn Cách Mạng sẳn có, lại được tinh thần Duy Tân Nhật Bản và tư tưởng Tam Dân Chủ Nghĩa, của Trung Hoa tô bồi, kích thích thêm, nên ông gia nhập VIỆT NAM QUANG PHỤC HỘI (Tiền thân của VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG vối lãnh tụ sáng lập là cụ SÀO NAM PHAN BỘI CHÂU), nuôi chí lớn, quyết trả nợ làm trai, và tỏ ra là người có đủ tác phong đạo đức, cùng lãnh đạo Cách Mạng, rất được anh em sinh viên Hà Nội đương thời tín nhiệm và phục tùng.
Năm 1915, ông tốt nghiệp Á khôi Đông Dương Y Sĩ khóa đầu tiên tại trường Cao Đẳng Y Khoa Đông Dương, Hà Nội. Cùng khóa này, cụ Đông Dương Y Sĩ LÊ VĂN KỶ, tiến sĩ Hán học, người Nghệ An, đậu Thủ khoa .
Ra trường ông được bổ nhiệm Y sĩ điều trị tại bệnh viện Hội An, Quẩng Nam chuyên trách nhãn khoa, rất được sĩ phu, dân chúng và bệnh nhân mến phục do tính tình thuần hậu, bình dân, có lương tâm nghề nghiệp và biết thương yêu giúp đỡ bệnh nhân nghèo . Hàng ngày, ngoài công tác chuyên môn y khoa, ông còn bí mật tích cực hoạt động Cách Mạng, hy vọng rằng nhân cuộc Chiến tranh Pháp Đức (Thế chiến I:1914-1918), nghĩa quân sẽ đánh úp, tiêu diệt được quân thuộc địa Pháp còn đồn trú tại Việt Nam, để khôi phục lại Chủ Quyền cho đất nước, giải phóng Dân Tộc, nên đã cùng các cụ CHÁNH MINH TRẦN CAO VÂN, NAM XƯƠNG THÁI PHIÊN, ĐẠT ĐỨC PHAN THÀNH TÀI, TRẦN CHƯƠNG, LÊ NGƯNG v .v . . . vâng lệnh mật chỉ Vua Duy Tân phụ trách lãnh đạo nhân dân Khởi Nghĩa chống Pháp tại Trung Việt .
Với nhiệm vụ Nam Ngãi Tổng Trấn, kiêm cố vấn đặc trách Ngoại giao của Phong Trào, vào những ngày nghĩ sở, ông phải thường xuyên liên lạc từ Trung ương về Địa phương: Khi tiến Kinh, mật kiến Vua DUY TÂN, lãnh nhận chỉ thị của các đồng chí lãnh đạo . . .hoặc mật nghị với viên Trung Tá, người Pháp gốc Đức, chỉ huy đội quân Lê Dương đồn Mang Cá (Trấn Bình Đài, Thành Nội, Huế); lúc về Nam Ngãi, xây dựng, khuyến kích đoàn "Quân Lính Mộ" (2000 lính Việt Nam được Pháp tuyển mộ, đã được tập luyện kỹ thuật chiến đấu tại Đà Nẵng, chuẩn bị đưa sang Pháp dự trận, giúp Pháp chống Đức) ở Đà Nẵng, hoặc truyền đạt mật lệnh, phối hợp họach thảo chương trình hành động cho địa phương.
Việc lớn tiến triểãn tốt đẹp, nhưng tiếc thay! trước ngày khởi nghĩa thì bị nội phản: Qua cưỡng bức cung khai tự thú của tên lính giang VÕ HUỆ, trực dịch tại dinh Án sát sứ, viên Án Sát sứ Quảng Ngãi, PHẠM LIỆU, người đồng hương, một trong NGŨ PHỤNG TỀ PHI (quán làng Trừng Giang, Điện Bàn, Quảng Nam), thiếu bình tĩnh, cuối đầu tuân phục theo tiếng gọi hư danh, đã tố giác Cơ Mưu Đại Sự Khởi Nghĩa của phong trào Vua DUY TÂN với viên Công Sứ Pháp DE TASTER và Tuần phủ TRẦN TIỄN HỐI (Hậu duệ của Phụ Chánh Đại thần TRẦN TIẾN THÀNH) ở Quảng Ngãi.
Nhận được mật điện báo cáo tình hình của Công Sứ DE TASTER, Quảng Ngãi, Khâm Sứ CHARLES liền ban hành mật lệnh giới nghiêm toàn thể các tỉnh Miền Trung Việt, cấm trại, tước khí giới tất cả quân lính Việt Nam, bố trí mật báo viên chuyên môn theo dõi tình hình và chuẩn bị sẳn sàng đàn áp .
Chủ quan, không biết gì, Phong Trào Cách Mạng vẫn giữ Chương trình Kế hoạch hành động: khuya ngày 3 rạng ngày 4 tháng 5 năm 1916 (1-2 tháng 4 năm Bính Thìn), cụ TRẦN CAO VÂN, THÁI PHIÊN, TÔN THẤT ĐỀ cùng NGUYỄN QUANG SIÊU (ĐỘI SIÊU) phò VUA DUY TÂN rời bỏ cung điện, vượt cấm thành, đến bến Thương Bạc, xuống thuyền hướng vào Hải Vân Quan, dấn thân cầm đầu nghĩa quân chống Pháp. Lệnh đót lữa làm hiệu khởi nghĩa tại các đồn Hỏa hiệu, dọc theo các cao điểm hướng vào Nam, chưa kịp ban hành, thì Phán TRỨ (NGUYỄN VĂN TRỨ, thư ký Tòa Trú Sứ Pháp tại Thừa Thiên), một trong những mật báo viên cấp tốc báo trình ngay cho Khâm Sứ CHARLES. Quân đội Pháp được lệnh khẩn cấp hành quân truy kích, nhà vua và đoàn tùy tùng bị lùng bắt tại nhà viên Đội lính giang VÕ ĐÌNH CƠ, ở xóm Ngũ Tây, thôn An Cựu (Xã Thụy An ngày nay), trong khuôn viên Chùa Thuyền Tôn, núi Tam Thai, cách Đàn Nam Giao 5 cây số, đưa về giam giữ tại Đồn Mang Cá, Thành Nội Huế.
Ngày 3 tháng 11 năm 1916, Vua DUY TÂN cùng với Phụ vương là Cựu hoàng THÀNH THÁI bị Pháp đưa xuống tàu GUADIANA đưa đi lưu đày tại đảo RÉUNION (Đông Nam Phi Châu) . . Và hàng trăm chiến sĩ lãnh đạo Cách Mạng các địa phương, trên toàn miền Trung Việt, hoặc bị xử chém như: Cụ TRẦN CAO VÂN, THÁI PHIÊN, TÔN THẤT ĐỀ, NGUYỄN QUANG SIÊU, PHẠM HỮU KHÁNH . . .bị xử chém tại cửa An Hòa, Thừa Thiên, ngày 17 tháng 5 năm1916 (16 tháng 4 năm Bính Thìn); và cụ PHAN THÀNH TÀI cùng với thủ lãnh thiểu số An Điềm UTHEY (Ân nhân đã tổ chức che dấu cụ trong thời gian tại đào), bị xử chém tại đầu Cầu Chợ Củi, Điện Bàn, Quảng Nam, ngày 9-6-1916 (9 tháng 5 năm Bính Thìn), hoặc bị án khổ sai biệt xứ đày đi thọ hình tại Côn Lôn, Lao Bảo, Ban Mê Thuột.
Việc lớn bất thành, ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt ngay trong đêm khởi nghĩa tại Hội An, Quảng Nam và giải giao giam cứu tại nhà lao Vĩnh Điện, Điện Bàn . . . (Về phương diện nguyên tắc Luật pháp và giấy tờ thì như vậy, song trên thực tế, ông và gia đình đã được Quan Chức đương nhiệm các cấp tại Tỉnh, lúc bấy giờ, rất trọng nể và biệt đãi, nên Tổng Đốc TỪ THIỆP ra lệnh giam lỏng ông trong một nhà kho của Tỉnh, việc đi lại thăm viếng, tiếp xúc với gia đình không bị hạn chế, đồng thời, lại cho phép, ngày hai bữa được ăn cơm tháng xách từ ngoài vào, do gia đình ông Kinh Lịch KHÁNH ở cạnh đó đảm trách giúp). Đồng thời Chánh phủ Pháp ủy cho Chánh phủ Nam Triều, do Tổng Đốc TỪ THIỆP đại diện phụ trách nghị án . . .nhưng ông can đảm nhận hết trách nhiệm cương quyết không khai cho một ai, thẳng thắng yêu cầu"SÁT KỲ TỘI KHÔI" (Chỉ giết người lãnh đạo), để chận đứng mưu hại đến nhiều người và để bảo đảm tối đa an toàn cho hạ tầng Cơ Sở Cách Mạng.
Tuy thế, ở Quảng Nam, một phần vì sự tố giác của Tuần phủ ĐỈNH ( húy NGUYỄN HIỀN ĐỈNH, tục danh là TUẦN AN QUÁN, Điện Bàn) nên nhà chức trách khám phá được rất nhiều tài liệu: Nào giấy tờ tổ chức Chánh Phủ, nào các thứ Quân nhu, đến các thứ Quân phục, toàn bằng vải "Rèn" (Vải rằn ri) chôn giấu ở bãi cát; nào bắt được XÁ MẠI, người làng Phước Kiều, phủ Điện Bàn, (Quảng Nam)là người đã đúc bốn cái Ấn Kinh Lược cho Cách Mạng và khách trú KIM, một Hoa kiều, ngụ ở Tam Kỳ, Quảng Nam, là người đã cho Dân quân mượn súng săn v .v . Thế nên, ở Quảng Nam cũng có rất nhiều người bị liên lụy . (Trích trong "HỒ SƠ VUA DUY TÂN" trang 149, của HOÀNG TRỌNG THƯỢC). Đầu tháng 6 năm 1916, sau khi lãnh án tử hình tại địa phương, cùng với cụ PHAN THÀNH TÀI và UTHEY, chính quyền Quảng Nam được lệnh áp giải ông ra Huế, trình diện Khâm Sứ CHARLES, người đã từng lưu ý và khen tặng 2 anh em ông (LÊ ĐÌNH DƯƠNG và LÊ ĐÌNH THÁM ), học sinh xuất sắc bậc nhất, tòng học tại trường Trung Học Quốc Học, Huế . Khâm Sứ CHARLES gằn giọng, tức tối hỏi: 
"Tại sao, anh lại phản bội nước Pháp? -Nước đã nuôi dạy anh em nhà anh ăn học thành tài ?" 
Ông trịnh trọng đáp: 
"Thưa Ngài, tôi rất lấy làm tiếc, song cũng như Ngài và những người yêu nước khác, tôi có bổn phận thiết yếu là đặc Quyền lợi và Danh dự của Tổ quốc tôi lên trên hết mọi sự . Nếu Ngài nghĩ kỹ lại một chút thì Ngài không thể lấy một nguyên cớ gì mà phiền trách tôi được, vì lẽ mấy chục triệu người dân Pháp bị mất hai tỉnh ALSACE và LORANINE về tay người Đức mà còn tha thiết đau xót thay (!), huống chi, chúng tôi đây, dân Việt Nam thì mất cả nước, từ Nam chí Bắc, mà Ngài bảo chúng tôi cúi đầu mà chịu, thì chúng tôi chịu làm sao được (!?) . . ." 
Khâm Sức CHARLES xúc động, lặng người (!) . . . Ra lệnh cho đưa ông trở về! . ..Và cuối cùng, Khâm Sứ CHARLES đã thẩm phê cải án tử hình của ông thành án 20 năm khổ sai biệt xứ . . . (Trích trong "NHỮNG BÍ ẨN VỀ CỰU HOÀNG DUY TÂN", trang 92 và 93 của Nguyễn Đắc Xuân, theo tài liệu của các ông Huỳnh Tôn, Hà Ngại và Lê Ước).
Mùa thu năm ấy (1916), ông bị đày đi Khánh Hòa . Lúc bấy giờ, đường quốc lộ xuyên Việt chưa có, phải giao thông từng đoạn, từ địa phương này qua địa phương khác, đều phải dùng các tỉnh lộ hay hương lộ thô sơ, có xe thì đi xe, không có xe thì đi bộ, đoàn tù khổ sai bị áp giải, ngày đi đêm nghỉ, bất kể nắng mưa, xuyên rừng vượt suối, lang thang lết thết, tiến vào Nam thọ hình . . Do đó gia đình có xin phép, cử một người em chú bác ruột, ông LÊ ĐÌNH QUÁT, tháp tùng, hầu chăm lo sức khỏe cho ông khi trái nắng trở trời, hay trên đường xa xôi diệu vợi, giúp đở ông mang hành lý khi cần thiệt . . .Đêm khuya canh trường, mưa lạnh sương sa, trong căn nhà trạm lọng gió rừng hoang . . .nhiều lúc anh em không ngủ được, ngồi tựa lưng vào nhau, truyền hơi ấm cho nhau. Ông QUÁT nhỏ nhẹ tâm tình, đượm ý tiếc nuối: "Anh ĐỐC CHÍN, thật không mấy ai như anh, sung sướng, địa vị cao sang không muốn . . .Dấn thân làm những việc xa vời để ngày nay phải ra thân thế này!. . . đã khổ thân đến bản thân mình . . .lại khổ lây đến vợ con, gia đình, họ tộc! . . .Im lặng!. . . Phút im lặng thiêng liêng! . . .Một lát sau, chậm rãi, đầy chân tình, ông giải thích:"Chú Hai ạ! Cám ơn chú đã nặng tình thương tôi mà tâm tình như rứa . . ., nhưng chú ơi! tiền tài, danh vọng là phù vân . . .Làm trai sanh ra ở đời, đâu chỉ vì thế (!?). . .và chỉ có thế (!?). . .Hãy nhìn lên đức vua, với thân chín bệ mà Ngài đâu có quản gì (!?) . . .Tất cả đều hướng về cho QUỐC DÂN ĐẠI NGHĨA . . .Thế mà, chúng ta là con dân đất VIỆT, há lại không dám góp phần hy sinh nhỏ bé cho DÂN cho NƯỚC hay sao? Đến Khánh Hòa hợp chung cùng các đoàn tù nhân khổ" sai đến từ những địa phương khác . . lại tiếp tục lên đường đày đi Ban Mê Thuột . . . Vùng Tây Nguyên Trung Phần, rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, nơi ngự trị của thú dữ, của bùa ngãi, của bệnh sốt rét rừng và bệnh kiết lỵ . . .Đứng trước nhu cầu tìm kiếm hầm mỏ, khai thác lâm sản, mở mang đồn điền, thực dân Pháp đã lợi dụng bàn tay và sức lao động của số tù nhân khổ sai Việt Nam và đám thổ dân ngu dốt, đói rách, người thiểu số . . .Cảnh người bốc lột người, người đàn áp người, người bắn giết người, diễn ra công khai và thường xuyên dưới ánh sáng mặt trời! Ở đây, luật pháp, lẽ phải và lòng nhân đạo đều vắng bóng và duy nhất chỉ có cường quyền, cường quyền tập trung vào một tay Công Sứ Thực dân SABATIER, một viên Chánh Quản Lính Khố Xanh (Adjuent-chef de la Gare Inigene ) được biệt phái . Ngay từ ngày đầu tiên bị giải giam tại Ban Mê Thuột, trong số chính trị phạm khổ sai, ông là người tân học, trẻ tuổi nhất, có văn bằng chuyên môn cao nhất, nên được viên công sứ SABATIER đặc biệt lưu ý, lưu ý vì nể nang phần nào cũng có, lưu ý vì do thành phần trí thức nguy hiểm cần phải đề phòng cũng có . . .Và vì chủ tâm khai thác chuyên môn để trực tiếp giải quyết vấn đề nan giải xưa nay tại nơi đèa heo hút gió này là vấn đề y tế không những cho tù nhân, cho công nhân, cho thổ dân mà cả cho binh lính, cho công chức thuộc hạ tại chỗ cũng có . Do đó, hàng ngày trong những giờ công tác khổ sai, thay vì phải đốn cây, phá núi, đập đá, khai mương . . .như các bạn đồng cảnh ngộ, ông được điều động đến khám bệnh, cho thuốc, phụ giúp phụ giúp viên y tá trưởng bệnh xá Ban Mê Thuột và nhờ thế, sống được khá nhiều người, cả Kinh lẫn Thượng, cả tù nhân lẫn thường dân . . .Và cũng vì thế, mà sự thông cảm, lòng mến yêu giữa họ và ông càng ngày càng thắm thiết, càng sâu đậm và dần dần họ biến ông thành người đại diện đương nhiên và chính thức của họ, mỗi khi cần giao thiệp, đòi hỏi hay tranh đấu bảo vệ quyền lợi của tù nhân khổ sai với viên Công Sứ SABATIER. Vì nhiệm vụ, vì công tâm, vì nhân đạo mà những va chạm, những xích mích giữa ông và viên Công Sứ SABATIER bắt đầu ngày thêm trầm trọng . Rốt cuộc, cường quyền được tái lập khắt khe và thực dân tính được tái hiện nguyên hình rò rệt hơn, tàn ác hơn . . . Ngày 13-6-1919, tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Mùi, không chịu nổi tủi nhục và khắc nghiệt của viên Công Sứ SABATIER, nên ông đã uống Cyanure de Mercure để tự sát, hưởng dương 26 tuổi (1894-1919), để lại một người vợ trẻ: Bà HOÀNG THỊ TUẤT húy HY, pháp danh DIỆU MÃN, 25 tuổi, cháu nội gái Cụ Tổng Đốc HOÀNG DIỆU và là cháu nội gái Cụ Hiệp Tá PHẠM PHÚ THỨ ( Bà an phận thờ chồng nuôi con cho đến lớn khôn thành gia thất . Thật xứng đáng là một gương sáng của "BÀ MẸ VIỆT NAM" . Bà từ trần vào năm 1986 tại Sài Gòn . Thọ 92 tuổi), và một người con gái duy nhất LÊ THỊ CẢ, lên 3 tuổi. (Bà LÊ THỊ CẢ, năm nay 78 tuổi, hiện sinh sống tại Santa Ana, Quận Cam, California với chồng con, đều thành đạt). Thi hài ông được mai táng ngay trong khuôn viên Bệnh xá Ban Mê Thuột và 2 năm sau (1912), gia đình lên cải táng, đem về cải táng tại quê nhà: Xứ Phần Nhứt, làng Đông Mỹ (Na Kham), Điện Bàn, Quảng Nam . Năm 1945, sau cuộc đảo chánh Nhật, dưới thời chánh phủ TRẦN TRỌNG KIM, Hội Đồng Nhân Dân thị xã Huế, đổi tên Viện Nhãn Khoa Albert Sarraut ra Viện Nhãn Nhĩ Tỷ Hầu LÊ ĐÌNH DƯƠNG (Viện Tai, Mắt, Mũi, Họng LÊ ĐÌNH DƯƠNG), ở đường Thượng Lãng Ông (Đường Rheinart cũ), thuộc bệnh trung ương Huế, đồng thời ngay cả tại sanh quán ông, sau ngày Cách Mạng Mùa Thu năm 1945, khi thành lập Liên Xã, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Quảng Nam, cũng kết hợp tên hai nhà Cách Mạng Phong Trào Vua DUY TÂN tại địa phương là TRẦN CHƯƠNG, quán làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam và LÊ ĐÌNH DƯƠNG, quán lành Đông Mỹ (Na Kham), tổng phú Khương Thượng (Gò Nổi, Phù Kỳ), Điện Bàn, Quảng Nam, để đặt tên Liên Xã mới là CHƯƠNG DƯƠNG. Và cũng từ đó, danh tánh ông cũng như các nhà Cách Mạng chống Pháp tiền bối Việt Nam bắt đầu xuất hiện trên những đường lớn khắp các Thị Xã hoặc Tỉnh lỵ các tỉnh Miền Trung Việt .
Tháng 5 năm Kỷ Mùi (1979), vì phong trào phóng mương dẫn thủy nhập điền tại địa phương, thi hành lệnh giải tỏa củ Ủy Ban Nhân Dân Huyện Điện Bàn, gia đình lo việc cải táng ông, cùng một lần với bào đệ là ông LÊ ĐÌNH NHIẾP, nhưng tiếc thay (!?), riêng phần mộ của ông đã bị chiến tranh, thiên tai và thời gian bôi xóa mất .
Nguồn Internet