alt
I. Địa điểm:
- Tháp thuộc địa phận xã Điện An, huyện Điện Bàn
- Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km
- Cách đô thị cổ Hội An khoảng 14 km và cách quốc lộ 1A khoảng 1,2 km.
- Phương tiện lớn nhất có thể đến: Xe du lịch 50 chỗ ngồi
Lưu ý: có sân bãi rộng rãi để xe
- Loại đường giao thông: Đường nhựa
Diện tích: khuôn viên tháp rộng hơn 4000 m2.

II. Lịch sử hình thành:
Tháp Bằng An là một trong những tháp Chăm cổ còn sót lại ở tỉnh Quảng Nam. Về niên đại của tháp Bằng An vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Đầu Thế kỷ XX, H.Parmentier cho rằng niên đại của tháp chính là niên đại của tấm bia. Còn P.Stern thì xếp Bằng An vào phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định (niên đại từ đầu thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XII). Nhưng chính P.Stern cũng đã thừa nhận tháp Bằng An rất khó xác định niên đại bằng phong cách học. Gần đây, Trần Kỳ Phương định niên đại thế kỷ XII và xếp Bằng An vào phong cách Bình Định. Còn Ngô Văn Doanh, sau nhiều lần điều tra điền dã và nghiên cứu bia ký, thì cho rằng niên đại của Bằng An là cuối thế kỷ IX – đầu thế kỷ X(4).

III. Nét đặc sắc

Tháp Bằng An có nhiều đặc điểm khác biệt so với các tháp Chămpa khác như:
- Dạng mặt bằng bát giác
- Cấu trúc mái hình chóp
- Không có các cột ốp tường, không có cửa giả và rất ít hoa văn.
Đây là ngôi tháp duy nhất còn lại ở giữa cánh đồng ven sông Vĩnh Điện, nơi mà xưa kia từng có cả một quần thể di tích kiến trúc cổ Chămpa như đền tháp, thành luỹ… đã được nhắc đến trong sử sách.
Vào đầu thế kỷ XX theo tài liệu vẽ ghi kiến trúc của H. Parmentier thì tổng thể Bằng An gồm ba ngôi tháp. Bên cạnh ngôi tháp mặt bằng bát giác còn hai tháp nhỏ mặt bằng hình vuông nằm về phía Đông Bắc và Tây Nam. Những dấu tích kiến trúc theo bản vẽ của H. Parmentier còn cho thấy tháp Bằng An trong lịch sử kiến trúc Chămpa vừa có tính kế thừa cấu trúc tổng thể gồm ba tháp song song quy mô chênh lệch nhau không đáng kể, vừa có cấu trúc tổng thể dạng một tháp trung tâm thờ thần Siva lớn hơn hẳn các tháp phụ xung quanh.
Cấu trúc tháp Bằng An được chia làm hai phần: Tiền sảnh và Điện thờ. Mọi ấn tượng của Bằng An được tập trung ở Điện thờ. Khác hẳn với các dạng thường gặp ở những tháp Chămpa khác, Điện thờ của tháp Bằng An có mặt bằng bát giác, không có các yếu tố trang trí đặc trưng như: cột ốp, cửa giả, hoa văn. Nhìn từ xa, Điện thờ của Bằng An được thấy ba phần rõ rệt: đế, thân bát giác và mái hình chóp tạo bởi tám mặt cong thu dần về phía đỉnh. Tỷ lệ và hình dáng của Điện thờ như một khối Linga khổng lồ cao gần 21m, còn mặt bằng của toàn bộ tháp lại gợi lên hình ảnh Yoni. Có thể coi Bằng An chính là một tác phẩm điêu khắc bằng gạch lớn nhất trong lịch sử điêu khắc Chămpa thể hiện bộ ngẫu tượng sinh thực khí Linga – Yoni.
Theo sự đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì tháp Bằng An là một di tích có giá trị cao về mặt lịch sử liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm.

IV. Thực trạng và khả năng khai thác, bảo tồn và phát triển du lịch:
Hiện nay toàn bộ Tiền sảnh của ngôi tháp còn lại khá nguyên vẹn, tuy rằng phần đỉnh đã sạt lở và mất các chi tiết trang trí ở các cạnh. Bên trong Điện thờ có một linga bằng đá – biểu tượng của thần Siva tượng trưng cho sức mạnh nhưng nay chỉ còn bệ thờ.
Từ những phân tích về đặc điểm kiến trúc cũng như những nhận định về niên đại vừa nêu có thể thấy tháp Bằng An có nhiều giá trị về lịch sử – văn hoá, kiến trúc – điêu khắc và kỹ thuật xây dựng. Vì vậy ngôi tháp cần được quan tâm nghiên cứu bảo vệ và phát huy giá trị. Tháp Bằng An cần phải được trùng tu để trả lại hình dáng ban đầu. Có thể trùng tu phục hồi một số thành phần kiến trúc theo những tài liệu xác thực liên quan như: tài liệu lịch sử, bản vẽ ghi kiến trúc của H.Parmentier, các kết quả khảo cổ học. Cũng có thể phục hồi chức năng nào đó để phát huy giá trị về du lịch của ngôi tháp
(Nguồn tabaloxuquang.com)