Trong nếp nhà Việt của làng Việt ngày xưa, sau nơi thờ tổ tiên, gian bên trái (theo ngũ hành, bên trái - phương Đông, là nơi quan trọng thứ hai, sau trung tâm) đặt bàn thờ ông Táo - vị thần quan trọng nhất, cai quản cái bếp, cái nhà.
Trong nếp nhà Việt của làng Việt ngày xưa, dù năm gian hay ba gian, người Việt bao giờ cũng để gian thờ tổ tiên chính giữa, tạo thành không gian thiêng thờ cúng. Đó còn là nơi gặp gỡ gia tộc, gia đình khi giỗ chạp, tết nhất, và cũng là nơi tiếp khách viếng thăm, tình làng nghĩa xóm.
Sau nơi thờ tổ
tiên, gian bên trái (theo ngũ hành, bên trái - phương Đông, là nơi quan trọng
thứ hai, sau trung tâm) đặt bàn thờ Thổ công (ông Táo) - vị thần quan trọng
nhất, cai quản cái bếp, cái nhà. Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm, sở dĩ, cả
cái bếp cũng được đặt bên trái (phía Đông), biệt lập và vuông góc theo nhà
chính, nhìn về hướng Tây, là do chức năng đặc biệt của bếp là nấu nướng: bếp
hướng tây sẽ tránh được gió thường xuyên thổi từ phía biển (hướng nam và hướng
đông); nếu làm ngược lại, ngọn lửa sẽ bị gió thổi tạt vào vách gây cháy nhà,
chí ít là “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Vì vậy, một cái bếp Việt đúng cách
sẽ là nơi thân mật quây quần vợ chồng con cái, ngày hai bữa cơm rau đạm bạc,
chồng chan vợ húp, của không ngon nhà nhiều con cũng hết…
Cái bếp Việt đã
ngàn đời đỏ lửa rơm rạ, củi cành. Món ăn Việt từ bếp Việt đặc sệt sắc màu lúa
gạo của một nền văn minh lúa nước cổ truyền. Chẳng thế mà từ xưa, đã có một văn
hoá bếp Việt, của nghệ thuật chế biến món ăn Việt, nghệ thuật ẩm thực Việt, để
từ đó thăng hoa thành nghệ thuật sống của người Việt truyền thống, và cả người
Việt hiện đại hôm nay.
Cái khó nhất
của bếp Việt và nấu cho ngon cơm. Cơm ngon được nấu bằng gạo ngon trong niêu
đất. Gạo vo đãi sạch sẽ bằng rá, đợi nước sôi mới tra vào nồi. Phải trông củi
lửa cháy đều. Nghệ thuật nấu cơm cũng uyển chuyển như ứng xử: Chồng nóng thì vợ
bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa không rơi hạt nào. Khi cơm cạn nước, kịp rút lửa, ủ
than hồng cho cơm chín kỹ, đáy niêu có lượt cháy vàng ươm. Cơm ngon được xới ăn
vào lúc vừa chín tới. Bưng bát cơm, hương bay ngào ngạt, chưa ăn đã ấm lòng. Để
cho xứng với cơm ngon, người Việt có tài nấu canh ngọt, phối hợp các loại rau,
và rau với gia vị, với cá, tôm, thịt… chỉ để có hạnh phúc nhỏ nhoi: Canh tôm
nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Bếp Việt là sự
pha trộn tinh tế hài hoà ngũ chất: bột - nước khoáng - đạm - béo có từ món bình
dân: xôi ngô, xôi lúa, bún riêu, rau sống, nước chấm, đến món cầu kỳ: bánh
chưng, nem rán… Bếp Việt còn thoả mãn ngũ vị cho người sành ăn: chua, cay,
ngọt, mặn, đắng… Mâm cơm Việt, thức ăn bày biện hài hoà ngũ sắc: xanh, đỏ,
trắng , vàng, đen… đã thấy ngon con mắt nhìn.
Hoá ra người
Việt thật tinh tế, cũng thật cầu kỳ trong nấu nướng và thưởng thức và một bữa
ngon phải là tổng hoà của đồ ăn, thức uống ngon, tiết trời thích hợp, chỗ ăn
sạch đẹp, bát đũa tinh tươm, và người ăn là bạn thân tình, với không khí vui
vẻ, hạnh phúc. Có thơ nói về bữa ngon Việt thật huê tình: Rượu ngon phải có bạn
hiền. Không mua không phải không tiền không mua…
Những người
Việt lưu lạc thường nhớ khôn nguôi bếp Việt. Tết Nhâm Ngọ 2002, tôi ăn cơm
khách nhà cô bạn người Hà Nội định cư ở Paris cả chục năm. Cô lui cui nấu cơm,
canh cua rau đay mồng tơi, cà pháo, cá chép kho vàng ươm, trong gian bếp sạch
bóng. Chợt cô chép miệng: “Chẳng gì ngon bằng cơm bếp củi mẹ nấu ở nhà”. Ở đây,
chả bao giờ nhìn thấy sợi khói bếp. Bữa cơm tha hương bỗng chùng xuống. Chúng
tôi bèn rủ nhau ra nhà vườn của bạn ở ngoại ô Paris. Tôi nhóm lửa lò sưởi phòng
khách. Lửa cháy bập bùng, khói cay xè mắt, cho bạn tôi nguôi ngoai nỗi nhớ mùi
khói bếp quê nhà. Hình như bạn tôi và nhiều người Việt xa xứ đã nhuốm thứ bệnh
mà cố nhà văn yêu xê dịch Nguyễn Tuân từng chẩn đoán là thiếu quê hương
NGUYỄN THỊ MINH
THÁI
(Hương vị quê
nhà, SGTT Xuân 2004)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét