Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Lan man ký ức bếp



Vài năm gần đây, có lúc tôi nằm mơ thấy… bếp nhà mình, cái thời xa lắm rồi, 50 năm, hoặc nhiều hơn một chút. Cái bếp trong giấc mơ và cái bếp thật, bây giờ nhớ lại chẳng còn phân biệt nữa. Ký ức là sự trộn lẫn giữa những chi tiết sống thực và những điều tưởng tượng, rồi nó thành một sự sống khác, nghĩ rằng bịa đặt, thế mà vẫn tin, vẫn nuôi trong trí nhớ, vẫn sống cùng. Kỳ lạ thật!


Tôi vẫn hình dung ra cái bếp đun củi năm 12 tuổi, năm thầy u tôi rời bỏ thành phố (vùng tạm chiếm) để về Vân Đình, quê tôi, vừa trở thành vùng tự do sau hiệp định đình chiến năm 1954. Ông đầu rau thầy tôi nặn bằng đất sét chín lửa đỏ sậm màu gạch nung;
chiếc kiềng sắt đen mịn như nhung; gác bếp óng ánh mồ hóng; cái chạn bát bằng gỗ lim với hàng song cửa cứng cỏi; vại cà, chum tương xó bếp; và những chiếc ghế gỗ nhẵn thín chỉ cao hơn cục gạch. Cửa bếp thông ra sân sau, nơi có bể nước mưa và 15 bậc gạch dẫn xuống cầu ao, con ao làng, dấu tích của một nhánh sông Đáy bị ngăn lại. Cầu ao, thềm bể nước cũng là một phần của bếp, giống như bồn rửa chén trong nhà bếp hiện đại bây giờ, nhưng nó có chuyện kể hơn, thi vị hơn gấp nghìn lần. Này nhé, bạn ngồi rửa rau hay rửa bát: đầu cầu ao là đám bèo Nhật Bản hoa tím xoè đuôi công, bên cạnh là lũ cá lòng tong cân cấn bé xíu, lũ cá cờ đuôi dài tha thướt lượn lờ và có thể cả bọn cá thiểu, cá mại mại liều lĩnh xong vào cướp mồi. Ngồi rửa bát mà thấy lá sung rơi xuống mặt ao, thấy mưa phùn tháng giêng bay vào mặt mát lạnh, và có thể lén nhìn cô bạn gái xóm trong, phía cầu ao đối diện, một ngày đầu xuân…

Có vào bếp thời ấy mới hiểu ra nhiều điều, thậm chí có thể thấy chân dung của mọt con người. Tôi nhớ thầy tôi rất thích xuống bếp. Ông là một người sành ăn và cực kỳ khó tính. Về quê, chẳng phải làm gì, chẳng có bạn xoa mạt chược, chẳng chỗ hát cô đầu, chẳng có cao lâu, tửu điếm, nhưng ông có một cái bếp như ý. Trong chạn ông tích riêng một liễn mỡ gà sống thiến, một chai nước mắm cốt và một liễn mẻ lúc nào cũng đầy. Trên gác bếp chẳng thiếu thứ gia vị khô nào: hành, tỏi, thảo quả, vỏ quýt, hoa hồi v.v… và một túm lông ngỗng. Ngoai ra, lúc nào cũng sẵn một bó lớn măng khô mà ông nhờ người lái gỗ mua mãi tận Hoà Bình về. Chỉ có gừng, riềng, sả, quả dọc, quả tai chua là mua theo phiên chợ để dùng ngay. Tôi lăng xăng phụ bếp cho thầy những món mà cho đến bây giờ chưa một lần thấy trong thực đơn ở bất kì đâu: nụ hoa huệ xào thịt thăn, rau sắng nấu trứng cua đồng, núc nác nướng chấm tương Cự Đà, xôi cá rô v.v. Ấn tượng nhất là món canh rau sắng. Cua ở cánh đồng làng Ngọ rất béo. Người ta khèo trứng ra khỏi yếm của nó, rồi buộc túm lại trong cuống lá khoai sọ. Ba túm cho một nồi canh. Sau khi đun sôi nước, cho nước mắm cốt và hành khô, đợi bốc mùi thật thơm thầy tôi mới cho tiếp trứng cua, rồi ông nhẩn nha lấy chiếc lông ngỗng quện mỡ gà sống thiến rồi quết lên cành rau sắng (một loại rau ngót rừng mọc ở chùa Hương), hơ qua lửa cho lá lên mùi thơm rồi dùng đũa tuốt lá tanh tách vào nồi. Ông là người luôn “quý hồ tinh” nên bao giờ canh cũng chỉ nấu một bát nhỏ (xào cũng chỉ một dĩa nhỏ) nhưng đã ăn một lần thì nhớ cả đời. Việc làm bếp của thầy tôi kỹ càng, công phu lắm. Tôi nhớ chiều 30 tết năm ấy, ông cất công đun một nồi nước dùng (ninh xương lợn với tôm he, râu mực khô, củ hành nướng) để chuẩn bị nấu cỗ mùng một tết. Bà chị dâu cả mới “nhập gia” nên chưa “tuỳ tục”, dậy sớm dọn dẹp bếp đã không biết đổ đi mất. Ông cụ giận, lên nhà trên chùm chăn nằm suốt cả ngày mùng một, đồ nấu để sẵn dưới bếp không ai dám động tay vì sợ. Có thể cụ “dỗi”, nhưng có lẽ cụ cho rằng cỗ giò nem ninh mọc mà không có nồi nước dùng chất lượng thì thà không nấu còn hơn.


Mùa hè năm 1955, cải cách ruộng đất, gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chẳng có gì để thầy tôi xuống bếp. Món chiến lược là lạc rang trộn nước mắm, nhưng tôi rang lạc hay bị cháy. Ông nhìn tôi thất vọng “làm không được, ăn cũng chẳng xong”. Tôi thật vụng về, thô thiển. Ông đành xuống bếp bảo tôi cách rang lạc và ở dưới đó ông dạy tôi cách ăn lạc rang: “Đừng ăn cả vốc (cái này thì tôi chuyên môn), nên tách nhân lạc ra làm đôi, nửa tách bẻ gãy làm đôi ăn tiếp, ăn tí một, nhai thật kỷ, con sẽ thấy lạc bùi hơn, ngon hơn. Ăn ít mà thấy đủ, thấy ngon mà còn hơn là nhai nhồm nhoàm mà chẳng thấy gì”. Từ những điều thấy và nghe trong bếp, tôi đã hình dung ra phần nào con người ông cụ, một người có triết lý sống rất Á đông mà sau này khi làm nghệ thuật tôi đã áp dụng và gọi nó là sự tinh tế của chủ nghĩa tối giản.

Bếp nhà tôi ngày xưa có lẽ cũng như mọi cái bếp của người Việt thời ấy là nơi bộc lộ một cách chân thật nhất tình cảm của người trong nhà. Ở phòng khách, hoặc nhà trên (thường là nhà thờ) phải khách sáo, phải kiềm chế để giữ chữ lễ, giữ khoảng cách. Dưới bếp thì không, cứ ồn ào cả lên: quát tháo, sai phái, mắng chửi thoải mái, đấy là những ngày vui vẻ. Còn những ngày buồn thì chốn “xó bếp” quạnh hiu. Nhà bếp thường thấp, chật hẹp và muốn giữ cho kín gió, người ta hay để lỗ thông hơi (nếu có cửa sổ thì nó rất nhỏ) nên có nhiều bóng tối, nhiều sự kín đáo, chỗ dựa cho những riêng tư. Tôi bắt gặp thầy tôi ngồi một mình trong xó bếp, nhìn mãi vào ngọn lửa, trong một buổi tối mùa đông khó khăn nhất của đời ông, thấy chị tôi chạy xuống bếp khóc tức tưởi vì một oan ức nào đó. Cái xó bếp yên tĩnh an ủi con người ta chăng? Đôi lúc muốn bộc lộ một thầm kín nào đó, người ta cũng rủ nhau xuống bếp. Tôi nhớ sau này khi dạy học ở Tuyên Quang, một buổi tối đi bộ từ nơi sơ tán xuống thị xã gặp chiếc xe trâu cùng đường, người đánh xe cho tôi đi nhờ. Biết tôi là thầy giáo cấp 3 dạy văn, ông ta thích lắm. Suốt quãng đường dài ông chăm chú nghe tôi nói chuyện âm nhạc, chuyện văn chương, chuyện Hà Nội. Qua nhà ở phố mới, ông cứ mời tôi vào chơi bằng được. Nhà ông có bộ bàn ghế tiếp khách mới đóng, còn thơm phức mùi véc ni, thế mà ông cứ lôi tôi tuồn tuột xuống bếp. Nhóm lửa, đun nước, pha trà, thư thả châm đóm rít một hơi thuốc lào rõ dài, rồi ông trầm ngâm: “Bà nhà tôi và các cháu nó đi ngủ rồi. Ngồi ở đây thích hơn. Tối nào đánh xe về, cơm nước xong, cũng xuống đây nhóm lửa pha trà hút thuốc lào một mình đến nửa đêm”. “Thế còn bác gái?”. “Bà ấy không đọc được sự im lặng của tôi”. Tội ngẩn ra vì cách nói của bác ta (nên nhớ rằng lúc ấy là miền Bắc năm 1966). Một bác đánh xe trâu? Một tri thức? Hay một nhà văn? Chính từ cái bếp xuềnh xoàng kia tôi đã nhìn ra được một con người (sau này trở thành quen thân, tôi biết mình đã đúng khi nghe kể rằng từ những năm 40 ông đã từng là một tú tài Pháp, do hoàn cảnh rắc rối, phải kiếm sống bằng nghề xe trâu để nuôi gia đình).

Đối với người Việt, bếp không chỉ là nơi chốn riêng tư chân thật, gắn bó sâu sằc với đời sống nội tâm, mà còn là nơi dung dưỡng những tình cảm gia đình truyền thống. Những ngày giỗ, ngày tết là cơ hội để người Việt đoàn tụ gia đình. Ai ở đâu xa cũng phải về. Và chỗ để họ dễ gần gũi nhau nhất chính là ở trong bếp chứ không phải trên mâm cỗ. Trong bếp nói chuyện dễ hơn, thân mật hơn. Anh chị em xa nhau lâu ngày, con cái có dịp về thăm bố mẹ, chuyện công việc, chuyện học hành, chuyện nhà cửa, chuyện làng xóm, chuyện phố phường và cả chuyện yêu đương nữa cứ gọi là nở như ngô rang. Mắng yêu, chửi yêu, hờn dỗi, trêu chọc, thôi thì đủ cả. Thành ngữ “vui như tết” chắc phải đẻ ra từ trong bếp.

Bếp là thế, là nơi chốn ấm cúng của đời người, là mối bền chặt của sợi dây gia đình, và còn là chỗ chứa đựng niềm hạnh phúc và cả nỗi thống khổ. Bếp nhà quan, bếp nhà giàu, và có cả bếp chị Dậu chỉ biết mỗi một việc là luộc nồi khoai mót và nhận những giọt nước mắt tủi sầu. Rồi bếp bao cấp thanh bạch của miền Bắc xã hội chủ nghĩa thu xếp khéo léo dưới gầm cầu thang, ngoài hành lang, góc ban công của biết bao biết bao khu nhà tập thể, của những hộ dân cư chen chúc 36 phố phường Hà Nội, ám mùi mắm muối, mùi đồ ăn quá lửa, mùi ẩm mốc lẫn mùi khói dầu, khói than tổ ong, những thứ mùi buồn bã, nặng nề của những ngày dài, tháng dài, năm dài…


Thế kỷ 21. Người Việt đã bắt đầu chia tay với bao cấp. Cuộc chia tay ấy diễn ra ngay trong bếp: bếp Việt xưa, bếp bao cấp đã được thay thế dần dần bằng bếp Tây, bếp của những tiện nghi hiện đại. Chào nhé những cầu ao thơ mộng nằm dưới bóng mát cây sung già trăm tuổi, những bể nước, chum vại với gáo dừa, vỏ lon sữa bò và những xô chậu lỉnh kỉnh! Chào nhé góc sân gạch ẩm ướt rêu phong lúp xúp tàu lá khoai ráy lốm đốm nắng hè bên chiếc rôbinê bằng đồng hơn 50 tuổi lúc nào cũng giỏ giọt tong tong! Bây giờ là bồn rửa chén Mỹ xịn hai ngăn đặt trên tủ phủ đá granít đen Italia, là vòi rửa inox Đức chính hiệu long lanh. Chào nhé những ông đầu rau, những kiềng gang, kiềng sắt, những phẫn than tàu, bếp lò đun than tổ ong, đun củi, và cả những chiếc bếp dầu hoả han gỉ ám khói! Chào luôn cả cái mùi bếp bâng khuâng năm tháng cũ, cái mùi khói thơm lẫn thứ mùi chết tiệt ám ảnh mỗi ngày. Bây giờ là tủ bếp gas Electrolux tiêu chuẩn châu Âu gồm đủ cả bếp gas, bếp điện lẫn lò nướng tự động, là lò vi sóng…, là máy khử mùi… Chào nhé cái chạn bát gỗ lim cứng cỏi của tôi! Bây giờ là dàn tủ bếp đóng theo catalogue ngoại quốc 100% bằng gỗ thông Thuỵ Điển phủ PU cũng mở 100% luôn. Bếp Tây rộng rãi thoáng đãng lại ngăn nắp, bóng loáng, sạch sẽ, lại không khói không mùi, làm sao có chỗ để tạo thành cái không gian tự tình, đa cảm thuở nào. Đâu còn mủi khói để mà “đến bây giờ sống mũi còn cay” (thơ Bằng Việt). Mùi khói, cái hương bếp muôn thuở không còn nữa. Tiện đây cũng xin chào bác đánh xe trâu có câu nói khiến tôi nhớ mãi: “Bà ấy không đọc được sự im lặng của tôi”, nói trong gian bếp xuềnh xoàng sau một hơi thuốc lào đã đời ngày ấy. Bây giờ, một câu như thế nhất thiết phải được nói ra bên ly rượu vang đỏ Bordeaux cạnh chiếc tủ rượu cũ có tuổi thuộc địa, trong một phòng ăn trần thấp, liền với bếp, mờ tỏ dưới ánh sáng đèn halogen.

Như thế là hết ư, cái bếp của người Việt?

Không! Vẫn còn đấy.

Nó không ở với bạn, vì bạn – dân thành thị có thu nhập cao. Nó ở với những người lương ba cọc ba đồng, dân buôn thúng bán thưng kiếm ngày một hai chục bạc, ở với người vùng quê. Buổi chiều, bạn đứng ở một chỗ nào đó, trên đê sông Đáy chẳng hạn, nhìn ra xa vẫn thấy làn khói bếp bay lên trên những nóc nhà ngói cũ mới ẩn hiện nhấp nhô sau luỹ tre làng. Một anh bạn trẻ rất khoái nói chuyện về cái bếp kiểu này đột nhiên hỏi tôi:

“Thế vài chục năm nữa sẽ ra sao?”.

Vài chục năm nữa rồi làng cũng thành phố, bếp Việt rồi sẽ thành bếp Tây, ví ta rồi cũng sẽ sống như Tây! Thật thế à? Tôi cũng chẳng biết nữa. Đến đây tôi lại nhớ cách phản ứng của một ông bạn vong niên đồng thời là một nhà văn, hơn tôi đúng một giáp tuổi, mỗi khi thấy mình không thể giải thích được một điều oái ăm gì đó liền nhún vai, giơ hai tay lên trời rồi nói to lên một câu tiếng Tây rất oách: “C’est la vie!” (Cuộc sống là như thế!).

DƯƠNG THỤ

(Hương vị quê nhà, SGTT Xuân 2004)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét