“Có thể lấy con người đi khỏi quê hương, nhưng không ai có thể lấy quê hương ra khỏi con người”.
Hàng nghìn người Quảng về tụ họp ở ngày hội đồng hương. |
Có lẽ vì thế mà trong hai ngày 16 và
17.3 vừa qua, tại Công viên văn hóa Đầm Sen TP.Hồ Chí Minh, người Quảng ở
phương Nam cùng nhau rủ về tụ hội để được nghe bài chòi, ăn mỳ Quảng,
uống nước đậu ván…
Ở đó, người ta tự hào nói với khách tham quan Đầm Sen
mình là người Quảng. Ở đó, có những giọt nước mắt mừng vui của ngày gặp
lại bất ngờ sau bao cách xa. Ngày hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng
tại TP. Hồ Chí Minh đã làm nên một sắc màu rực rỡ tình người…
Đậm vị quê
Chính thức khai mạc vào 8 giờ sáng qua
17.3, nhưng sáng sớm đã thấy hàng trăm người con Quảng Nam - Đà Nẵng tụ
họp tại khu sân khấu Ốc Đảo - Đầm Sen để tìm gặp người quen và tìm...
món ăn quê nhà mà mình ưa thích. Nhà ở tận Củ Chi, ông Nguyễn Văn Hòa
(88 tuổi, quê Duy Xuyên) đã bảo con cháu chở lên Đầm Sen từ sáng sớm để
được gặp “bà con mình”. Ông Hòa rưng rưng kể: “Tôi xa quê đã hơn 40 năm.
Từ ngày qua tuổi 70, không về quê được nữa nên lòng vẫn thường ray rứt
nỗi nhớ quê. Nên khi nghe đến ngày hội đồng hương là nước mắt chực trào.
Tôi đến đây còn mang theo niềm hy vọng gặp lại những người của ngày xưa
cũ đã thất lạc bấy lâu”.
Thế hệ người Quảng trẻ rất háo hức với những sản phẩm truyền thống của quê hương như con tò he của gốm Thanh Hà. |
Không chỉ người già mới mong muốn gặp
được đồng hương, các bạn trẻ đang học tập, sinh sống tại thành phố năng
động này cũng xôn xao từ hơn nửa tháng nay trên các trang mạng xã hội về
sự kiện ngày hội đồng hương xứ Quảng. Bạn Nguyễn Thanh Vân (nhân viên
ngân hàng, quê Núi Thành) hào hứng cho biết: “Thiệt là không thể diễn tả
hết sự tự hào khi mình là con em người Quảng. Mình và các bạn từ mấy
hôm trước đã hẹn nhau sẽ đến đây, sẽ ăn nhiều món Quảng và hứa với nhau
cùng góp chút sức cho ngày hội quê hương. Nhìn xung quanh đây mà xem,
bao nhiêu là hình ảnh thân thương của quê nhà. Đồng hương gặp nhau tay
mắt mặt mừng, quý giá lắm!”.
Thưởng thức ẩm thực quê nhà. |
Đến với ngày hội, ngoài sự gặp gỡ, hầu
như ai cũng mang tâm lý “đến để được ngồi với nhau thưởng thức hương vị
ẩm thực quê nhà”, có khi đơn giản đó chỉ là đĩa hến xào xúc bánh tráng,
tô mỳ Quảng, ly nước đậu ván. Chị Nguyễn Thanh Hằng đang có công việc
tận Hà Nội cũng vội vàng đáp chuyến bay về TP.Hồ Chí Minh cho kịp tham
dự ngày hội. “Lần cuối cùng tôi được uống nước đậu ván mẹ nấu là cách
đây đã 20 năm. Giờ thưởng thức hương vị ly nước đậu ván giữa bốn bề
tiếng Quảng, giữa mùi thơm bùi của các món ăn quê hương, tôi không cầm
được lòng mình. Nhớ đến người mẹ đã khuất mà nước mắt cứ chảy dài. Các
con tôi cũng rất thích uống nước đậu ván, và tôi cũng từng nói với con
rằng “có đi suốt cả cuộc đời, mẹ cũng không bao giờ quên được mùi vị
của nước đậu ván”. “Ôi, nghĩ về quê hương, lúc nào lòng mình cũng mơ về
ngày thơ trẻ, chẳng bao giờ quê hương rời khỏi tâm trí mình” - chị Hằng
tâm sự.
Nhiều người tỏ ra háo hức khi xem con kén nhả tơ. |
Trong chuỗi gian hàng hoạt động tại lễ
hội, bài chòi là một trong những gian hàng thu hút nhiều bà con đồng
hương. Vừa thích thú nghe các nghệ nhân hô hát bài chòi, vợ chồng anh
Phạm Huy vừa dạy các con mình cách chơi trò chơi dân gian này. Các con
anh Huy thích thú hò reo cùng bà con mỗi khi ai đó trúng quân, nhận cờ.
“May mà có ngày hội tôi mới có dịp giới thiệu cho con mình biết về trò
chơi dân gian đặc sắc này của Quảng Nam. Các cháu vô cùng thích thú, còn
tôi được trở về với bao điều của ngày xưa yêu dấu”.
Ấm tình người
Buổi gặp mặt thân mật giữa lãnh đạo tỉnh
Quảng Nam, TP.Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh với các doanh nhân, doanh
nghiệp gốc Quảng cũng đã diễn ra ấm cúng và cởi mở. Ông Huỳnh Đăng Linh -
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi
luôn ghi nhận sự đóng góp to lớn của cộng đồng bà con người Quảng đã
sinh cơ, lập nghiệp và đóng góp cho thành phố này. Tại vùng đất mạnh
nhất nước về kinh tế, đa dạng văn hóa này, không thể không nhắc đến
người Quảng. Chính người Quảng đã làm nên một nét đặc trưng mà khi nhắc
đến không ai có thể nhầm lẫn được”.
Chủ tịch UBND Lê Phước Thanh trao bằng khen cho những cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động đồng hương của Quảng Nam tại TP.HCM. |
Sân khấu Ốc Đảo tại Công viên văn hóa
Đầm Sen quá tải trong ngày hội chính. Thiếu tướng Huỳnh Huề - Trưởng Ban
tổ chức cho biết: “Ban tổ chức phát ra 1.000 giấy mời nhưng không ngờ
số lượng bà con đồng hương Quảng đến đây đã vượt qua con số 2.000 người.
Nhưng chẳng ai than phiền vì chật chội, vì không có chỗ ngồi. Bà con
mình đến đây cốt vì cái tình, để thấy rằng mình là người Quảng. Chỉ
chừng đó thôi, Ban tổ chức cũng đã thấy ấm lòng cho những gì mình đã làm
được trong lễ hội này”.
Đọc những thông tin về đồng hương trên báo Quảng Nam được phát hành tại TP. HCM. |
Nghĩa tình Quảng - Đà được xem là chủ đề
chính của ngày hội đồng hương. Điều mà hơn 2.000 người đến tham dự ở
đây nghĩ suy là: Dù quê ở Quảng Nam hay Đà Nẵng thì mình cũng là người
Quảng. Luật sư Phạm Minh Thông (quê Điện Bàn, hiện đang công tác tại
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn mãi là
một khối thống nhất, sự chia tách chỉ là về mặt hành chính mà thôi. Hai
địa phương như một cơ thể không thể tách lìa, theo năm tháng vẫn lớn lên
hằng ngày và phát triển mạnh mẽ. Và văn hóa Quảng là tâm hồn trong cơ
thể đó, một tâm hồn chân chất, hiền hậu nhưng không thiếu tính quyết
đoán để người Quảng được vinh danh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị,
xã hội, văn hóa”.
Ngày hội kết thúc, trong khuôn viên lộng
gió và đầy nắng vàng của Đầm Sen, nhiều người Quảng vẫn còn nán lại rất
nhiều để hướng dẫn cho con trẻ cách thổi con tò he làm bằng gốm Thanh
Hà, hay được tự tay quay sợi tơ mỏng manh từ con kén Mã Châu. Bao người
vẫn nhẩn nha vừa ăn bánh tráng xúc hến, uống nước đậu ván, nghe hô bài
chòi, chơi lô tô. Vì dễ gì lại có dịp được trở về “ngày xưa của quê nhà”
như hôm nay...
MINH KIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét