Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

"Thăng hoa" mì Quảng

Không hiểu vì sao miền Trung có “ngũ Quảng” nhưng món mì Quảng lại chỉ định danh riêng cho xứ Quảng Nam. Thức quà  dân dã của miền đất khó ấy giờ đã “vinh dự” được xếp vào 12 món ăn Việt Nam được công nhận giá trị ẩm thực châu Á.


Khi những cánh đồng vàng chỉ còn trơ gốc rạ, cây rơm “ngạo nghễ” đón nắng, gió góc vườn và lúa vàng khô đã yên vị trong những chum, mái trong nhà là lúc người làng mở hội vui bằng những tô mì gạo mới. Không hiểu “tô mì gạo mới” ấy có gì mà “ám ảnh” những người Quảng tha hương đến vậy?
Mẹ tôi kể, ngày ấy, cứ đến mùa, những người tản cư lại theo xe lam ba bánh hay xe Daihatsu về quê mua gạo mới làm mì, bởi họ quan niệm những thứ gạo ở thành phố không thể cho ra một tô mì “đúng chất Quảng Nam”.
Sau 30.4.1975, trở về quê cũ dựng nhà, ba tôi, đã xây một lò tráng mì… để mưu sinh. Năm tháng ấy, đến mùa gặt hay mùng 5.5 âm lịch mỗi năm, nhà tôi đã phải chong đèn suốt đêm mới tráng xong những chồng mì cho người quê gửi. Ba tôi kể, xưa, người làng chọn lúa lốc, lúa trì, lúa cang cũ ngâm gạo và xay bột để cho một tô mì thơm ngon. Còn bây giờ, người ta đã thôi không làm ra những lá mì màu củ dền nhạt, phơn phớt hồng nâu của giống lúa cũ và thay bằng những lá mì khác, nhưng phải là loại gạo nở mềm và cũng không quá dẻo cơm. Xưa, tráng bằng nồi đất, loại lớn có rút nhiệt tốt, giờ dùng nồi đồng 10 hay chảo gang. Bột ướt là sản phẩm của cối xay bột hai thớt, thấp thoáng bóng dáng Yoni- Linga (sinh thực khí) của nền văn minh Phù Nam. Khuôn tráng thường làm bằng vải láng, khổ rộng hơn 40cm, căng trên miệng nồi với phần thân nồi đặt lút sâu giữa lò xây bằng gạch và đất sét chung quanh để giữ nhiệt. Khi nước sôi, người tráng khuấy bột đều bằng chính chiếc gáo lường làm bằng nửa sọ dừa, đít mài nhẵn bóng, có dùi lỗ tra cán tre thật khít, múc bột đổ lên khuôn, láng đều và đậy nắp. Lá mì được tráng hai lần. Bánh chín, dỡ nắp, dùng thanh tre vót dẹp bản rộng xuyên qua giữa lớp vải khuôn với lớp bánh và vớt bánh bày trên vỉ, chồng lên liên tục cho đến khi hết thau bột. Chất lượng tô mì phụ thuộc rất nhiều thứ nhưng quan trọng hơn cả vẫn là công đoạn tráng bánh. Không có một công thức chung cho việc gia, giảm lượng nước pha bột để tráng mà thuộc về tay nghề “bí truyền” của mỗi gia đình. Những lá mì được xếp chồng lên nhau, để nguội, thoa dầu (tốt nhất là dầu phụng khử chín) và gấp lại. Khi ấy, những đôi bàn tay cầm nắm cả đầu và cán dao lướt đi trên lá mì đã gấp. Người có óc tưởng tượng sẽ  hình dung giống đôi bàn tay “ma thuật” đi qua mặt gỗ và... rổ mì sợi trắng đục màu gạo ấy… đã sẵn sàng cho một bữa tiệc quê vui vẻ. Mì Quảng ngon là nhờ nồi nước nhưn nóng hổi, vàng ươm với nhiều cách chế biến từ tôm, heo, gà, cá..., và không thể thiếu vị mùi cải con, húng, quế, tía tô, bắp chuối sứ xắt nhỏ, vài lát chanh tươi, muỗng dầu béo ngậy, thêm một chút đậu phụng rang vàng giã dập, kẹp miếng bánh tráng bóp nhỏ, rắc cùng hành ngò... lên tô mì. Có vậy thôi, nhưng không hiểu sao, mỗi khi cắn miếng ớt xanh cay tê đầu lưỡi... thì dẫu có ăn đủ của ngon vật lạ, tận trong thẳm sâu tiềm thức người Quảng tha hương hay hoài cổ vẫn không thể quên món mì Quảng.


Những người nhà quê nói món mì Quảng có đủ… âm dương, ngũ hành, bát quái, càn khôn... Ai cũng đều có thể thưởng thức, tìm kiếm cái no bụng, ngon lành hoặc… giá trị văn hóa, khoa học trong một tô mì. Xét về mặt dinh dưỡng, món ăn với thực phẩm tươi non, cân đối dinh dưỡng, nhiều vitamin và khoáng chất của nhiều loại rau hợp vệ sinh, thân thiện với môi trường, không gây ra các bệnh do ăn uống,… là một công thức lý tưởng. Dưới cái nhìn phương Đông, mì Quảng có sự hòa hợp khí chất âm dương. Không nóng quá, cũng không làm lạnh tỳ vị. Hầu hết rau ăn (bắp chuối, chuối cây, rau muống, rau thơm (húng, é, nén, hành hương, rau đắng, diếp cá...), gia vị (nghệ, hạt điều) đều có dược tính kích thích tiêu hóa, phòng nhiều bệnh đường ruột.... Và đó là món ăn có những âm thanh, màu sắc riêng.

Xét cho cùng, nghệ thuật Quảng Nam mà đặc sản là mì Quảng phản ánh được truyền thống văn hóa lâu đời của người gieo trồng trên đất khó. Mỗi thứ dụng cụ, gia vị... cho thấy sự tích lũy kinh nghiệm, sự sáng tạo để thích nghi với mùa vụ và tính khí khắc nghiệt của trời đất. Món ăn của miền đất khó ấy đã bước vào căn nhà ẩm thực danh giá châu Á, có thể là niềm vui của không ít nhà kinh doanh lữ hành hay nhà hàng, nhưng với người Quảng, cũng là chuyện bình thường. Bởi, món mì ấy đã như “một thứ tín ngưỡng”, “một thứ tôn giáo” của riêng người Quảng Nam. Có thể, trong suốt cuộc đời mình, chưa được ăn phở, miến hay bún bò Huế…, nhưng chắc chắn không một người Quảng nào lại chưa được ăn một tô mì Quảng.

Vậy nên:

Thương nhau múc bát chè xanh
Làm tô mì Quảng mời anh xơi cùng…

NHẬT PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét