TP - Sống giữa ốc đảo, bốn bề là nước nhưng dân
nghèo thôn Đông Bình, xã Duy Vinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) đã làm nên một
kỳ tích khi hợp sức người chặn một nhánh sông Thu Bồn để làm nên con
đường dẫn vào thôn xóa thế cô lập.
Ngăn sông làm đường Những ngày đầu năm, về ốc đảo Đông Bình không khí tươi mới hẳn. Con đường dài gần 300m chạy vắt ngang nhánh sông Thu Bồn dẫn vào thôn vừa được dân làng hoàn thành trước tết Nguyên đán còn in nguyên màu cát. Buổi đến lớp đầu tiên của năm mới, từng tốp học sinh tung tăng trên con đường đất thay vì những bước chông chênh trên cây cầu phao nguy hiểm rình rập. Người dân thôn nghèo phấn khởi bởi sau bao năm, ước mơ về một con đường nay đã thành hiện thực. Niềm vui gấp lên bội phần bởi đó là công sức chung của cả dân làng.
Đông Bình là thôn nghèo nhất xã Duy Vinh, nằm giữa ngã ba sông, bên này là nhánh Thu Bồn, bên kia dòng Ly Ly. Trước đây, để giao thông với bên ngoài, hơn 340 hộ dân với 1.500 nhân khẩu của thôn phải nhờ vào chiếc cầu phao cũ kỹ.
Mùa mưa lũ, mùa nước lên cả Đông Bình phải chịu cảnh cô lập di chuyển bằng đò ngang. Là ốc đảo nên mấy chục năm qua người dân phải chứng kiến bao cảnh tang thương, mất mát vì sông nước. Bệnh tật, sinh đẻ vào mùa mưa không chạy chữa kịp nên mạng người mong manh. Học sinh của thôn nhiều em phải nghỉ học thường xuyên, nhiều em phải bỏ học cũng vì cách trở sông nước.
Khẩn cầu lên các cấp quá nhiều lần, chờ đợi nhà nước đầu tư làm cầu, làm đường sau bao nhiêu năm nhưng không thấy, để rồi một ngày cuối tháng 10/2013, người dân thôn ốc đảo họp nhau lại quyết rằng: Không thể chờ đợi được nữa, không có gì là không thể, phải ngăn sông làm đường mới may thoát nghèo, con cháu đỡ khổ!
Quyết là làm, dân làng ngồi lại với nhau, thống nhất chủ trương mỗi hộ tùy theo hoàn cảnh mà góp tiền cùng ngày công trên tinh thần tự nguyện. Sau buổi họp toàn thôn, tất cả thống nhất: mỗi hộ tùy sức góp từ 1-3 triệu để làm đường, riêng các hộ nghèo khó có bao nhiêu đóng bấy nhiêu.
Chủ trương đưa ra, dân làng tất thảy giơ tay ủng hộ. Chỉ vài ngày số tiền đóng góp đã lên đến gần 200 triệu đồng. Sáng ngày 2/11/2013, cả thôn Đông Bình người cuốc, người dao kéo ra sông chặt tre, chẻ lạt đóng kè rồi thuê máy hút, xe tải chở cát để ngăn sông - một việc từ trước tới nay chưa ai dám.
Cuối đông lạnh buốt, trên dòng sông hàng chục thanh niên, trai tráng khỏe mạnh đằm mình dưới nước đóng cọc tre làm kè. Trên bờ người già, phụ nữ người chẻ tre, đan phên, kẻ xúc cát vận chuyển ra sông. Cả công trường hàng trăm người rộn ràng tiếng cười nói, động viên nhau gắng sức. Ròng rã hơn một tháng, với hơn 2.000 ngày công của người dân, hình hài con đường cao hơn đỉnh lũ được đắp nổi trên dòng Thu Bồn dài gần 300m. Ngày 24 tháng Chạp con đường hoàn thành trong niềm hân hoan của người dân trong vùng.
Con đường sau khi đã hoàn thành
Anh Võ Đăng Lợi, dân thôn Đông Bình không giấu được niềm vui. Hoàn
cảnh gia đình khó khăn, anh vẫn tự nguyện đóng góp 1,5 triệu đồng cùng
hàng chục ngày công. Nhìn con đường rợp cờ hoa, anh Lợi rưng rưng: “Nếu
như 10 năm trước, có đường này thì em trai tôi đã được cứu sống. Nó bị
sốt xuất huyết vào mùa mưa, nước lũ lên không đưa vào bờ được. Nước
xuống, chèo đò qua sông đưa em vào bệnh viện thì đã muộn mất rồi!”. Con đường của sức dân
Trưởng thôn Lê Công Bình, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng ban xây dựng thôn Lê Hoặc những ngày đầu năm tất bật chuẩn bị sắt thép để tiếp tục gia cố con đường. Toàn bộ sắt thép, vật liệu được tập hợp đầu thôn để dân làng tự tay cưa cắt để đổ bê tông làm kè chống sạt lở. Trưởng thôn Bình trở thành chỉ huy trưởng công trường, tính toán, đo đạc sắt thép cho anh em. “Anh em tôi ai cũng là kỹ sư làng hết. Anh em tự tính toán, thiết kế, chứ tiền đâu mà thuê người ngoài”, ông Bình cười nói.
Ông Bình hồ hởi khoe: Nếu đặt tên đường thì đặt nó là đường sức dân. Nhờ có đường sau bao nhiêu năm, người dân thôn Đông Bình mới có cái tết sum vầy, vui như năm nay. Dù rằng vật chất còn nghèo khó nhưng tinh thần thì ấm áp tràn trề. Tết rồi, con cháu làm ăn xa về đông lắm. Xóm làng tổ chức liên hoan văn nghệ mừng Xuân mừng Đất nước ngay trên con đường mới. Nhiều con cháu làm ăn xa, ủng hộ thêm để dân làng tiếp tục gia cố đường thêm vững chắc.
Đứng trên con đường mới, giữa dòng Thu Bồn, ông Lê Hoặc (73 tuổi), nguyên là Chủ tịch xã Duy Xuyên giai đoạn 1985–1988, người được dân làng tín nhiệm bầu làm Trưởng ban xây dựng con đường, phấn khởi: “Sau 39 năm từ ngày đất nước được giải phóng, lần đầu tiên xe bốn bánh về đến tận làng. Con cháu về đông đủ vui mừng vì không còn cảnh cách đò trở giang”.
Ông Lê Hoặc kể lại việc làm đường của dân làng Đông Bình. “Ai cấm thì xuống đây cho dân con đường”
Ông Hoặc kể rằng đã nhiều lần lãnh đạo tỉnh, huyện và cả trung ương
về tiếp xúc cử tri, ước mơ nguyện vọng của dân Đông Bình có cây cầu bê
tông, con đường được nói lên nhưng rồi vẫn không thành hiện thực. Ông Hoặc và lãnh đạo thôn trực tiếp nghĩ ra cách thiết kế để ngăn sông dựa vào kinh nghiệm của người dân vùng sông nước.
“Ngăn sông cấm chợ là điều tối kỵ, nhưng đó chỉ là quan niệm. Nếu không làm, để vậy thì dân làng chờ đến bao giờ. Có sức dân thì không có gì là không làm được.Cũng chính ông trực tiếp lên gặp lãnh đạo huyện, xã để trình bày ý nguyện của dân làng. Lãnh đạo huyện và xã không đồng tình vì từ trước tới giờ ngăn sông là điều tối kỵ chưa ai làm. Việc ngăn sông vi phạm giao thông đường thủy, làm ô nhiễm môi trường…lãnh đạo sợ bị phạt, bị ảnh hưởng nên không ai dám gật đầu. “Tôi nói thẳng với lãnh đạo xã, huyện rằng: Ai thanh tra, kiểm tra xử phạt thì tôi và dân làng đứng ra chịu hết miễn có đường cho dân làng đi là được”, ông Hoặc nói. Bản thân ông và gia đình khi dân làng phát động đã tự nguyện đóng góp 2 triệu đồng cùng 200 cây tre để ngăn sông làm đường.
Ông Hoặc
“Hôm chuẩn bị làm, Bí thư huyện ủy có xuống trực tiếp hỏi tôi: anh tính làm thế nào? Tôi trả lời rằng: làm đường cho dân đi rồi tính tiếp. Ai cấm thì xuống đây cho dân cây cầu. Nghe xong Bí thư huyện không nói gì. Khi đường hoàn thành mới chỉ là đất cát, thấy xe cộ đi lại khó khăn, huyện mới cho dân làng 80 tấn xi măng cùng 250 khối đá. Dân làng lại gọi nhau góp sức đổ bê tông con đường. Con cháu làm ăn xa về đóng góp tất cả dành hết để tu bổ, gia cố đường ”, ông Hoặc kể.
Thấp thỏm nỗi lo
Cô giáo Phan Thị Tình, giáo viên trường tiểu học số 2 Duy Vinh, người từng có 26 năm trời gieo chữ ở ốc đảo Đông Bình không giấu được niềm vui trong ngày đầu năm đạp xe đến trường dạy học trên con đường mới.
Từ ngày về đây dạy chữ, thấy cảnh học sinh nghèo hiếu học nhưng phải dở dang ước mơ, cô nhiều lần khóc vì thương trò. “Nhiều em học được nhưng đành nghỉ học phần vi nhà nghèo, phần vì sông nước cách trở vào mùa mưa. Giờ có đường rồi, hi vọng học sinh đây thỏa nguyện mơ ước, tương lai không còn nghèo khó như bố mẹ chúng và dân làng” - cô Tình nói.
Ông Phạm Ngọc Phú, Trưởng ban dân vận mặt trận thôn cho biết: “Huyện yêu cầu phải làm cây cầu để thoát nước vào mùa lũ nhưng làm cầu thì phải tiền tỷ. Sức dân làng nghèo lấy đâu?!”.
Rời Đông Bình trên con đường chạy giữa mênh mông nước, nhìn những cọc tre mong manh kè chắn hai bên, chợt thấy lo: Sau bao năm mỏi mòn chờ đợi sự đầu tư của nhà nước, liệu rồi đây con đường sức dân có trụ nổi với những cơn đại hồng thủy? Sức dân bỏ ra liệu có bị cuốn trôi theo dòng nước lũ?... Băn khoăn ấy chỉ lãnh đạo huyện Duy Xuyên và tỉnh Quảng Nam mới trả lời được.
Gần 30 năm bám trụ với Đông Bình trên chiếc xe đạp, trước đây mỗi lần qua thôn, cô Tình và các giáo viên phải nín thở đi trên cầu phao chông chênh, mùa mưa phải đi đò ngang, lũ về cô trò phải nghỉ học cả tháng trời. Dân làng hô hào làm đường, cô cùng các giáo viên của nhà trường đóng góp một ngày lương cùng ngày công để giúp dân làng. “Đường đắp rồi, giờ chỉ mong sao nhà nước đầu tư gia cố, kè chắn. Chỉ sợ mùa nước lũ, con đường sụp mất”, cô Tình tâm sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét