Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Miền Thuận Quảng

Sau ngày Huyền Trân về Chiêm Quốc (1306), Thuận Hóa Quảng Nam cùng chung nhau vùng đất châu Ri (châu Lý) ở phía nam đèo Hải Vân. Dưới quyền cai trị của Tổng trấn Nguyễn Hoàng (1570), Thuận Hóa Quảng Nam hình thành một vùng văn hóa kinh tế chính trị quan trọng của nước Đại Việt ở phía nam gọi là miền Thuận Quảng.
Kỳ 1:  Vùng đất bảo vệ Kinh kỳ
Sách Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi: Năm Nhâm dần (1602), mùa thu tháng 7, chúa Tiên Nguyễn Hoàng: “Đi chơi núi Hải Vân, thấy một dải núi cao giăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển”. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Liền vượt qua núi xem xét hình thể, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (Duy Xuyên) xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ”(1). Hoàng tử thứ sáu đó là ông Nguyễn Phúc Nguyên.
Chùa Linh Ứng tọa lạc ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Chùa Linh Ứng tọa lạc ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Hai ngôi lăng cổ lớn nhất của người Việt trên đất Quảng
Hơn mười năm trấn thủ Quảng Nam (1602-1613), Nguyễn Phúc Nguyên đã giúp chúa Tiên mở mang bờ cõi về phía nam và tổ chức Hội An thành một đô thị cửa biển quan trọng vào bậc nhất của xứ Đàng trong thời bấy giờ. Nặng nợ với đất Quảng Nam, khi bà vợ chính của ông là Mạc(2) Thị Giai qua đời (1630), Nguyễn Phúc Nguyên đã đưa táng bà tại núi Chiêm Sơn thuộc huyện Duy Xuyên, xây lăng Vĩnh Diễn. Người con trưởng của Nguyễn Phúc Nguyên với bà Mạc Thị Giai là Nguyễn Phúc Kỳ (thay cha làm trấn thủ Quảng Nam từ năm 1614). Đến năm 1631, ông Kỳ chết đột ngột, mộ phần của ông được táng tại xã Thanh Quít huyện Điện Bàn(3). Em của Phúc Kỳ là Phúc Lan lấy con gái họ Đoàn ở huyện Diên Phước, thay anh làm trấn thủ Quảng Nam. Sau đó (1635), Phúc Lan lên ngôi chúa gọi là chúa Thượng, bà con gái họ Đoàn theo chồng ra Kim Long (Thuận Hóa). Chăn gối với chồng thêm 13 năm nữa thì chồng mất (1648), con trai bà là Nguyễn Phúc Tần lên ngôi chúa.

 Danh vọng giàu sang vô cùng nhưng bà vẫn canh cánh bên lòng một nỗi nhớ quê. Bà bảo con trai đưa bà về Quảng Nam. Quảng Nam không những là quê hương yêu dấu của bà mà ở đó còn có mộ phần người con trai trưởng của bà là Hoàng tử Võ(4)- anh ruột của chúa Nguyễn Phúc Tần và mộ phần người con gái của bà là Công chúa Ngọc Dung(5). Bà mất tại quê nhà Quảng Nam vào năm 1661. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đã táng mẹ ở gò Cốc Hùng núi Chiêm Sơn thuộc huyện Duy Xuyên. Lăng của bà Đoàn Ngọc phi có tên Vĩnh Diên.
Lăng Vĩnh Diễn và lăng Vĩnh Diên là hai ngôi lăng của Hoàng tộc không nằm trên đất Thuận Hóa. Hai ngôi lăng này cũng là hai ngôi lăng cổ lớn nhất của người Việt còn lại ở đất Quảng Nam ngày nay.
Do mối quan hệ với Quảng Nam thân thiết đến như vậy nên họ Nguyễn Phúc đã có một nhánh tại Duy Xuyên. Hơn ba trăm năm qua nhánh Nguyễn Phúc Duy Xuyên đã âm thầm chăm sóc các ngôi lăng mộ của ông hoàng bà chúa Nguyễn Phúc tại Quảng Nam. Có thể nói ngoài huyện Tống Sơn, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam là mảnh đất có sự gắn bó với dòng họ Nguyễn Phước sớm nhất và thân thiết nhất. Tuy nhiên, với sự đi lại khó khăn, chiến tranh liên miên nên không có nhiều người biết ở đất Quảng lại có nhiều lăng mộ và dòng họ Nguyễn Phước đã nhập cư sớm đến như thế. Sự kiện mà thời nào cũng biết, ai cũng biết là chuyện chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) vào năm 1719 đã đến Hội An và đặt tên cho chiếc cầu Nhật Bản là cầu Lai Viễn.
      Đà Nẵng Hải Khẩu (Cửa Hàn) trên Cửu đỉnh.
Đà Nẵng Hải Khẩu (Cửa Hàn) trên Cửu đỉnh.
Nơi du lịch kỳ thú
Đối với 9 đời chúa Nguyễn và các vua đầu triều Nguyễn, đất Quảng Nam có phố Hội An và núi Ngũ Hành luôn là một nơi du lịch kỳ thú. Trải từ vua Gia Long cho đến vua Tự Đức rồi Thành Thái, Khải Định, vị nào cũng đi Quảng Nam. Lần nào đi, các vua cũng lưu lại nhiều kỷ niệm sâu sắc. Vào thăm núi Non Nước, vua Gia Long (1802-1819) cho xây dựng một ngôi chùa mới lấy tên Ngự Chế Ứng Chơn Tự (năm 1891, vua Thành Thái đổi lại thành Linh Ứng Tự và nó tồn tại cho đến ngày nay). Vua Minh Mạng (1820-1840), thăm Ngũ Hành Sơn 3 lần, nhà vua đã cho xây lại chùa Tam Thai (1825), đúc 9 tượng và 3 quả chuông lớn (1827), cho xây dựng và tu sửa nhiều chùa miếu khác nữa. Hai tên bia Vọng Giang Đài (đài Ngắm sông) và Vọng Hải Đài (đài Ngắm biển) đều do vua Minh Mạng đặt (1837). Chính vua Minh Mạng là người đã dựa vào thuyết Ngũ hành ban tên cho 5 hòn núi Non Nước: Kim (núi Đùng), Mộc (núi Mồng Gà), Thủy (núi Chùa), Hỏa (núi Chài), Thổ (núi Đá Chồng) và gọi cụm núi 5 hòn này là Ngũ Hành Sơn. Nhiều vua quan triều Nguyễn đã làm thơ ngợi ca cảnh sắc ở Ngũ Hành Sơn. Năm 1836, đúc Cửu Đỉnh đặt dưới bóng Hiển Lâm Các trước Thế Miếu, vua Minh Mạng đã cho chạm nhiều cảnh vật và thổ sản Quảng Nam vào các đỉnh. Cụ thể là trên Dụ Đỉnh, nhà vua cho khắc trước hết là cảnh Hải Vân Quan (nằm giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam), rồi đến Đà Nẵng Hải Khẩu (Cửa Hàn), Vĩnh Điện Hà (sông Vĩnh Điện). Đặc biệt trên Nhân Đỉnh có chạm một loại trái cây rừng của Quảng Nam. Đó là trái lòn bon và được vua Gia Long ban tên chữ là Nam Trân.
Trên phương diện địa giới hành chính, Quảng Nam là đất Tả trực kỳ tức là đất thuộc Kinh kỳ ở phía trái Kinh đô. Quảng Nam giữ phần phía nam của đèo Hải Vân để bảo vệ Kinh kỳ, có cửa biển Đà Nẵng - nơi cửa ngõ tàu bè ra bắc vào nam và ra thế giới của Kinh đô Huế. Cũng có thể xem Đà Nẵng là cái yết hầu của Kinh đô Huế nên các vua Nguyễn rất nhạy cảm về tình hình an ninh tại Đà Nẵng.
 Đầu tháng 9-1858, liên quân Pháp Tây-Ban-Nha tiến đánh vào Đà Nẵng với ý đồ lấy xong Đà Nẵng sẽ thần tốc vượt đèo Hải Vân tiến ra đánh chiếm Kinh đô Huế. Vua Tự Đức đã cử Nguyễn Tri Phương - một vị tướng tài của Việt Nam thế kỷ XIX, quê ở làng Chí Long, huyện Phong Điền, Thừa Thiên vào Đà Nẵng lo việc đánh giặc.
Với chức Tổng thống Quân thứ Quảng Nam, Nguyễn Tri Phương cùng với quân dân Quảng Nam, Đà Nẵng đắp một lũy dài (ven biển) từ Hải Châu vào tới Phước Ninh, Thạc Gián, đào hào, cắm chông trước lũy. Liên quân Pháp Tây-Ban-Nha ỷ thế quân đông, súng đạn tối tân tấn công từ ba mặt nhưng không hạ được lũy. Cuối cùng quân giặc đã bị đuổi phải rút chạy khỏi Đà Nẵng. Cuộc đánh Pháp thắng lợi cuối năm 1858 là một sự kiện lịch sử hết sức có ý nghĩa của mối quan hệ qua lại giữa Thuận Hóa và Quảng Nam.
Quảng Nam, vùng đất học
Đối với triều Nguyễn, Quảng Nam cũng là một vùng đất học - nơi cung cấp nhân tài cho nhà Nguyễn. Các vua Nguyễn đã chọn những người Quảng Nam có đủ đức, đủ tài để dạy vua. Đó là các ông Phạm Phú Thứ (1821-1882), Nguyễn Đình Tựu (1828-1888), Trần Văn Dư (1839-1885), Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887), Nguyễn Thuật (1842-1911)... làm thầy dạy các vua Tự Đức, Dục Đức, Kiến Phước, Hàm Nghi... Phạm Phú Thứ là người có đầu óc duy tân sớm nhất trong triều Nguyễn. Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu dạy vua không những trên sách vở của Thánh hiền mà còn dạy vua bằng chính cuộc đời các ông. Không những các ông làm gương với học trò mình mà còn làm gương cho muôn đời sau. Khi nước mất người sĩ phu phải xả thân vì nước. Trong mấy năm 1885, 1886, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu đã hưởng ứng Chiếu Cần Vương lập nghĩa hội chống Pháp. Khi bị phản bội lọt vào tay giặc, Nguyễn Duy Hiệu thà chịu chết chứ nhất định không chịu đầu hàng giặc. Phạm Phú Thứ thấy vua Tự Đức mắc bệnh lười biếng, dám dâng sớ khuyên vua bỏ bệnh lười biếng. Vua cả giận đày ông đi giữ Bưu trạm Thừa Lưu, ông vui vẻ ra đi. Hằng ngày làm xong nhiệm vụ ông bơi thuyền trên sông Thừa Lưu câu cá làm thơ. Thái độ của ông đã làm cho bà Từ Dũ phải kính phục và bà đã phê phán hành động thô bạo của vua Tự Đức. Cuối cùng vua Tự Đức phải nhận khuyết điểm và xuống Dụ triệu Phạm Phú Thứ về triều. Phạm Phú Thứ đã thể hiện đúng cái tính thẳng thắn và không sợ cường quyền của người Quảng Nam.
Nhà Nguyễn biết khai thác cái tính cương nghị của người Quảng Nam. Dùng tiếng Quảng cứng cáp mạnh mẽ để tâu gửi giữa triều đình. Chọn bổ quan lại Quảng Nam vào các chức vụ cần đến tính cương nghị. Phan Văn Thuật (1807-1868) được phái ra Hà Nội phúc thẩm các án hình sự có nhiều bí ẩn (1860). Hoàng Diệu, Hồ Lệ được cử làm Đô Ngự sử ở viện Đô sát. Chức Đô Ngự sử có quyền đàn hạch quan lại và đàn hạch ngay cả nhà vua để giữ nghiêm phép nước. Nếu không can đảm, không cương nghị thì không dám đàn hạch những người quyền cao chức trọng hơn mình như thế. Khi mất 6 tỉnh miền Nam, vua Tự Đức phải vời hai người Quảng Nam là Phạm Như Xương (1844- ?) và Nguyễn Thành Ý (1819-1897) vào Nam thương thuyết với Pháp. Chưa bao giờ học làm ngoại giao, nhưng với tài trí tuyệt vời, Nguyễn Thành Ý đã làm cho bọn Pháp phải kính sợ và ông trở thành người Lãnh sự đầu tiên trong Lịch sử ngoại giao nước ta.
Theo Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục, Quảng Nam có 253 Cử nhân, trong đó có 24 người đỗ Phó bảng và 15 người đỗ Hoàng giáp và Tiến sĩ (TS). Trên 32 tấm bia TS triều Nguyễn đặt tại Văn Thánh Huế, tỉnh Quảng Nam có đến 15 người được khắc tên. Riêng tên ông Hoàng giáp Phạm Như Xương (khoa Ất Hợi, 1875) bị đục mất, như thế vẫn còn đến 14 ông.
Điều đáng suy nghĩ ở đây không phải là số lượng TS nhiều hay ít mà là nhân cách các ông TS ấy ra sao trong sử xanh. Trong 15 vị Hoàng giáp và TS ấy, người đậu cao nhất là Hoàng giáp Phạm Như Xương, vì yêu nước mà tên ông trên bia đá bị đục sạch. Trần Văn Dư lại đứng đầu Nghĩa hội cầm quân chống giặc; Trần Quý Cáp vì muốn canh tân đất nước để chống giặc thì bị thực dân và tay sai chém đầu; Huỳnh Thúc Kháng không chịu làm quan mà phấn đấu làm dân để tiếng nói có trọng lượng trong Viện Dân biểu, trên báo Tiếng Dân, làm phên dậu cho dân chúng nung nấu lòng yêu nước chờ thời chống giặc.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN

(Kỳ 2 :Vùng dậy tìm lối sống )
(1) Đại Nam thực lục (Tiền biên), bản dịch t.I, Nxb Sử học, HN. 1962, tr.42.
(2) Sau đổi thành họ Nguyễn.
(3) Ngày 26-3-2000, bà con Nguyễn Phước ở Đà Nẵng-Quảng Nam đã dời mộ Phúc Kỳ vô nghĩa trang xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
(4) Theo tài liệu của Bảo Tiến - Ban LLNPT tại Đà Nẵng - Quảng Nam thì khu vực mộ phần của ông hiện nay thuộc xã Phú Chánh, huyện Duy Xuyên. Dân làng thường gọi là lăng Đức Ông. Nhưng chưa tìm được dấu tích.
(5) Tại triền núi làng Hòa An, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Hiện nay phần kim tĩnh bị rễ cây làm hư nát nhưng vẫn còn mộ bia, thành trong và thành ngoài. Dân làng thường gọi là lăng bà Bé. (Theo Bảo Tiến)
(baodanang.vn/01.12.2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét