Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Hành trình tìm chữ Việt cổ

“Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” là công trình công phu, được nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền (tức nhà văn Khánh Hoài) bền bỉ thực hiện 50 năm nay với sự trợ giúp của nhiều nhà nghiên cứu uy tín, tâm huyết với lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền (phải) và nhà văn Đặng Vương Hưng.       Ảnh: ĐỖ QUANG
Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền (phải) và nhà văn Đặng Vương Hưng. Ảnh: ĐỖ QUANG
Tại Trung tâm Văn hóa Người cao tuổi Việt Nam (phố Hồ Đắc Di, Hà Nội) vừa diễn ra một sự kiện đáng nhớ: Nhóm nghiên cứu Người tiền sử và Cội nguồn dân tộc của Trung tâm đã công bố phần 1 cuốn sách “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền. Công trình này đã gây xôn xao dư luận nghiên cứu và báo giới trong những năm gần đây.

Cuộc ra mắt chỉ mang tính văn hóa tâm linh và nội bộ “chọn ngày đẹp lấy may mắn” (nhằm ngày 10 tháng 9 năm Nhâm Thìn, tức ngày 25-9-2012), thu hút sự tham dự của hàng chục tên tuổi: nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Can (nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng); nhà nghiên cứu Lê Ngọc Hoàn (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải); GS-TSKH Nguyễn Trường Tiến và GS-TSKH Đặng Văn Phú; các nhà nghiên cứu Văn hóa - Tâm linh và Tiềm năng con người: Hoàng Kim Chung, Lê Thanh Bảo, Lê Cường, Đỗ Quang; nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử Hoàng Quốc Hải…
Mặc dù đây mới chỉ là bản in thử nghiệm, sách chỉ dày đúng 100 trang, lại là phần 1 của công trình và lưu hành nội bộ; nhưng bìa sách vẫn được ép nhũ vàng tên tác phẩm, ruột sách còn kèm hàng chục bức ảnh màu minh họa. Điều quan trọng hơn, nội dung cuốn sách nhỏ này lại chứa đựng ý nghĩa vô cùng lớn lao: Chứng minh sự tồn tại của chữ Việt cổ là sự thật. Đó là niềm tự hào của dân tộc ta với cả thế giới, đồng thời bước đầu đã giải mã thành công chữ Việt cổ, giúp các nhà nghiên cứu, khảo cổ và thế hệ sau có điều kiện tốt hơn khi tìm hiểu lịch sử Việt Nam từ ngàn năm trước.
Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền cho biết, ông có trong tay bản sao một số tài liệu hiện lưu ở Tòa thánh La Mã, được viết bằng chữ Quốc ngữ, nhưng đoạn cuối tác giả ghi rõ: “Đây là tài liệu tập chuyển thể từ chữ Việt cổ sang chữ Quốc ngữ (năm 1625 - tài liệu)”. Những văn bản tương tự như thế còn được lưu giữ trong các thư viện nổi tiếng ở Lisbon (Bồ Đào Nha), Paris (Pháp), Rome (Ý)..., qua đó cho biết chữ Quốc ngữ mà ta dùng ngày nay được kế thừa từ chữ… Việt cổ. Có một tài liệu do chính nhà truyền giáo Alexandre de Rodes nổi tiếng viết: “Đối với tôi, người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng 3 tuần, anh ta đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ”. Ông Xuyền cho rằng, chữ mà người thanh niên ấy dạy nhà truyền giáo Bồ Đào Nha là chữ Việt cổ. Nghĩa là, những nhà truyền giáo đã tiếp thu bộ chữ cổ của người Việt và có công Latinh hóa nó, để có được chữ Quốc ngữ chúng ta hoàn thiện, sử dụng hiện nay.

Chữ Quốc ngữ được “dịch” ra chữ Việt cổ (bút tích của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền).
Chữ Quốc ngữ được “dịch” ra chữ Việt cổ (bút tích của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền).
Sau nửa thế kỷ miệt mài với công việc nghiên cứu, giải mã chữ Việt cổ, giờ đây nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền đã có thể đọc thông viết thạo và sáng tác các tác phẩm của mình bằng loại chữ viết đó. Khi tặng tôi cuốn sách mới in công bố công trình còn thơm mùi mực, ông đã viết và ký tên bằng chữ Việt cổ. Ông còn cho biết, một người bình thường nếu chăm chỉ thì chỉ sau 3 tuần có thể sử dụng được thứ chữ viết của cha ông mình đã có từ ngàn năm trước.
Từ lâu nhiều người vẫn quen với ý nghĩ rằng, Việt Nam không có chữ viết: Chữ Nôm rắc rối, phức tạp xưa do các cụ nhà ta cải tiến từ chữ Hán; còn chữ Quốc ngữ với mẫu tự Latinh ngày nay thì được gán cho là công lao của các nhà truyền giáo phương Tây, cụ thể là Alexandre de Rodes… Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Cuốn sách của ông Đỗ Văn Xuyền khẳng định: Đông Nam Á, mà chủ đạo là Việt Nam, đã có một nền văn hóa tiền sử phát triển rất sớm; tiên tiến và nhanh chóng; sáng tạo và sống động chưa từng thấy nơi nào trên thế giới. Đó là kết luận chung của một số nhà nghiên cứu Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Ngược dòng lịch sử, vào năm 1923, nhà nghiên cứu người Pháp Madeleine Colani khi tổ chức khai quật ở vùng chân núi Lam Gan (tỉnh Hòa Bình) đã tình cờ phát hiện một số công cụ đá, đĩa gốm, có khắc chữ và dấu tích động thực vật được thuần hóa từ vạn năm trước… Hội nghị quốc tế về tiền sử ở Viễn Đông họp tại Hà Nội năm 1932 đã xác nhận một điều làm chấn động dư luận nghiên cứu thế giới: Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp đầu tiên trên thế giới. Thậm chí, trung tâm này còn có trước Lưỡng Hà tới 3.000 năm. Người ta còn kinh ngạc hơn khi tìm được những di vật văn hóa có nguồn gốc bản địa từ Hòa Bình “phát tán” cách xa nhiều ngàn cây số. Người ta phát hiện thấy dấu tích trống đồng Đông Sơn ở Indonesia, Malaysia, Đông Timor, New Guinea… Thậm chí, trống đồng Đông Sơn còn tới tận Peru và châu Mỹ, trước khi Columbus tìm ra vùng đất này.
Tôi chợt nhớ tới “Việt nhân ca” (Khúc ca của người Việt) - tác phẩm nổi tiếng thế giới. Có thể nói đây là bài thơ tình đầu tiên, bài dân ca xuất hiện sớm nhất của loài người, được ghi nhận trọn vẹn cách đây khoảng 2.800 năm… Tình cờ tôi đọc bài viết “Phát hiện lại về Việt nhân ca” của tác giả Đỗ Thành (Nhạn Nam Phi), nhà nghiên cứu cổ ngữ gốc Triều Châu, hiện sống tại Mỹ. Ông cung cấp một chi tiết thú vị: “Việc khảo cứu và giải mã bí mật của “Việt nhân ca” đối với tôi rất dễ, bởi vì tôi biết chữ tượng hình người Hoa đang dùng vốn là chữ Việt. Khi nghiên cứu cổ sử, tôi thường đọc theo nhiều phương ngữ khác nhau là Bắc Kinh, Quảng Đông, Triều Châu, Hán Việt. Vì thế có thể nói, nhìn vào “Việt nhân ca” là thấy được bài thơ Việt liền…”.
Vậy là ngay từ thời tiền sử, Việt Nam đã là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, trước cả Lưỡng Hà, Trung Quốc, Ấn Độ… tới mấy ngàn năm. Nền văn minh kỳ vĩ của tổ tiên người Việt chính là cơ sở để chữ viết ra đời. Chữ Việt cổ, hay còn được gọi là chữ Khoa Đẩu, có hình dáng gần giống những con nòng nọc, do tổ tiên ta sáng tạo ra từ thời tiền sử, đã bị ngàn năm Bắc thuộc làm quên lãng, tưởng như không còn dấu vết và thất truyền. Nhưng gần đây hàng ngàn bản đã được phát hiện tại vùng Tây Bắc nước ta và tại các kho lưu trữ nổi tiếng ở nước ngoài.
Cái khó nhất là giải mã và hiểu được những bí ẩn chứa đựng trong những ký tự cổ ấy. Và cuộc hành trình do nhiều nhà nghiên cứu cả trong lẫn ngoài nước đồng hành sau nhiều chục năm, đã có những người bế tắc, gục ngã. Nhưng công sức của họ không hoài phí, đó là nền móng để một số người có thể đến đích, tiêu biểu đó là nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền. Ông Xuyền cho rằng, ông đã may mắn hơn các vị tiền bối, biết kế tục công trình nghiên cứu của họ, lại có được nhiều tài liệu quý và tìm ra được phương pháp giải mã loại này.
Cũng theo ông Đỗ Văn Xuyền, bí quyết để giải mã được chữ Việt cổ là phải hiểu ngôn ngữ thời xưa và nắm quy luật thay đổi vị trí nguyên âm theo đạo lý người Việt. Mặc dù về hình dáng, chữ Việt cổ không còn nét nào giống chữ Quốc ngữ, nhưng chúng lại cùng có cấu trúc ghép vần. Khi nắm được quy luật ghép vần, hiểu được ngôn ngữ Việt cổ, chỉ cần học khoảng 10 ngày thì có thể đọc, viết được loại chữ này. Khi đã giải mã được chữ Việt cổ, có thể dễ dàng phiên dịch từ chữ Việt cổ sang chữ Quốc ngữ và ngược lại. Ông Xuyền giải thích chữ Việt cổ không ghi âm được phần lớn ngôn ngữ hiện đại, nhưng khi chuyển ngôn ngữ hiện đại về ngôn ngữ Việt cổ, thì việc dịch diễn ra khá dễ dàng.
Tuy nhiên, cuốn sách viết về “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” mới chỉ công bố phần đầu. Mọi công trình khoa học đều cần phải được phản biện và kiểm chứng trong thực tế đời sống mới thấy được sự đúng đắn của hướng đi và thành công tới đâu.
Ông Nguyễn Mạnh Can, đại diện cho nhóm nghiên cứu của Trung tâm Văn hóa Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, dự kiến cuối năm nay sẽ tổ chức hội thảo về chủ đề cội nguồn dân tộc mang tầm quốc tế. Trung tâm sẽ mời một số nhà nghiên cứu Văn hóa thế giới và người Việt ở nước ngoài về tham dự. Và hy vọng sau đó, toàn bộ công trình “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” sẽ được công bố đầy đủ.
ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

(baodanang.vn/12.10.2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét