Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Rộn ràng mùa dế

     

 (TNTS) Ở quê, mùa nắng khô khốc bụi, cây xác xơ còn cỏ thì trốn biệt. Nhưng chỉ cần một cơn mưa là thời tiết bớt nóng nực, cây cối xanh tươi, cỏ lú nhú xanh rờn và vang trời dế gáy, khiêu khích trẻ con. Mùa mưa, đồng nghĩa với mùa dế. Có ai nghĩ chuyện dế gắn với chuyện làm tour du lịch...


Nhưng cũng chỉ tính là đầu mùa. Khi đất lênh láng nước thì lũ dế phải tản cư trốn chạy lên những gò đất cao.
Dù bơi khá giỏi nhưng chúng vẫn sợ nước. Dế thích làm nhà dưới những đống xà bần, gạch vụn, rơm rác. Nhiều nhất là dưới những tảng đất cày mới lật, có lắm cỏ non, loại thực phẩm chủ lực mà họ nhà dế khoái khẩu. Mưa xuống mang theo nhiều lộc của trời, từ dế và các loại côn trùng có ích đến cua, cá, tôm đồng... Khi lũ dế đồng khởi hợp ca là bọn trẻ khó cưỡng lại được. Theo tiếng dế gáy, đứa nào cũng hí hửng ra quân tìm dế về làm bầu bạn. Rồi làm “nhà” cho dế, kiếm thực phẩm bồi bổ để thách đấu. Dế trống cánh mỏng, có hoa văn như vải voan; dùng nghe nhạc dế, thi gáy và thi đá; còn dế mái cánh trơn dày hơn, chỉ dùng làm thức ăn cho các loài chim hoặc cá cảnh. Dế chiến phải đầu to, mình thon, cánh khỏe, cặp chân sau bự, gai sắc; thường ẩn trong hang. Phải đổ nước ngập hang và lấy que thọc lét, chúng mới chịu bò ra. Được bồi dưỡng cỏ non, mà phải là cỏ mật, giá đậu xanh, thêm chút nước miếng, có khi tí rượu là dế sung độ, gáy rền trời, đá chết bỏ. Khi chúng đá bớt hăng thì dùng cỏ quất vào đuôi chọc giận hoặc dùng tóc buộc vào đầu xoay cho chóng mặt. Chúng điên tiết lao vào nhau ăn thua đủ.
Nơi nào cũng có thể trở thành đấu trường dế. Chỉ cần chỗ đứng ngồi cho năm bảy đứa và một hộp giấy, sang hơn thì có rải đất là thành đấu trường sôi động, hò hét khí thế. Giải thưởng chỉ là miếng đường, cái kẹo, củ khoai hay cái cốc đầu, búng tai, búng mũi... Thế mà có đủ hỉ nộ ái ố. Có đứa cãi cọ, có đứa khóc như ri vì dế bị đối phương cắn lòi ruột, gãy càng. Trẻ quê hồn nhiên, chia nhau cả niềm vui lẫn nỗi buồn chân thực. Trong các loài động vật đa phần con cái có giá trị hơn con đực. Dế thì ngược lại vì chỉ có dế trống mới biết gáy và biết đá. Cùng niềm tự hào giống đực như dế còn có cà cuống (con đực mới có túi dầu), chồn hương (có túi xạ), hươu sao (có gạc nhung)... Hình như trẻ con các nước khác không biết chơi đá dế, cái thú hấp dẫn cực kỳ của trẻ con Việt Nam. Nhưng cũng chỉ là trẻ con thời trước. Ở quê bây giờ, tiếng dế gáy cũng xa dần vì quá trình đô thị hóa, vì lạm dụng các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Dế ngày càng hiếm hoi.
 
Ảnh: Shutterstock
Hồi nhỏ tôi chỉ chơi chứ chưa ăn dế bao giờ. Chỉ có chim cá mới ăn dế. Sau này mới biết, dế không chỉ để chơi mà là nguồn thực phẩm giàu chất đạm, canxi, protit, ít chất béo; có tác dụng giảm cholesterol. Theo đông y, dế có tính lạnh và ôn, vị cay và mặn; có tác dụng chữa các bệnh bí tiểu và đại tiện, viêm bàng quang, sỏi mật, sỏi thận, cổ trướng, thủy thũng, đau nhức mình mẩy... Dế được chế biến thành nhiều cách. Cầu kỳ thì nhặt chân, cắt càng gai, nhét đậu phộng hay thịt băm vào ruột, tẩm bột chiên giòn. Có thể xào với mì, rau hoặc trộn gỏi, cuốn bánh tráng. Đơn giản nhất, lại đảm bảo hương vị dế là cứ để nguyên con nướng than hoặc ướp gia vị chiên mão, vừa giòn vừa thơm, bỏ cả con vào miệng nhai rau ráu, thơm giòn, ngọt béo. Nhậu lai rai thì rất tốn bia. Ăn với cơm lâu no còn ăn không thì vừa tốn dế vừa hao tiền. Có cả dế sấy khô. Ẩm thực thế giới hiện nay có xu hướng tìm các loại côn trùng. Động vật càng nhỏ, càng dễ tiêu hóa và ít cholesterol. Thấy thiên hạ ăn dế mà thèm. Ban đầu hơi sợ, phần vì chưa quen, nhưng ăn thử là ghiền.
Dế thiên nhiên ở Việt Nam giờ là hàng hiếm nên nhiều tỉnh có trang trại nuôi dế. Nhờ dế, bao người có công ăn việc làm. Dế giúp người xây nhà, mua xe, sắm đồ dùng, nuôi con cái ăn học. Có người nhờ nuôi dế mà thành tỉ phú. Nhưng dế nuôi không thể sánh với dế đồng, cả chất lượng và hương vị. Dân sành điệu chỉ ăn dế đồng. Nam bộ, Tây nguyên, Bắc Trung bộ, Việt Bắc đều ăn dế và có mùa bắt dế. Toàn bắt thủ công từng con bằng cách bới đất, giở gạch, lật rơm, đào hang, đổ nước và thọc lét... Giỏi lắm được chừng nửa ký mỗi buổi. Bắt dế kiểu công nghiệp chỉ có người Khmer ở Campuchia. Ban ngày, ngang vùng Kampong Thom, bẫy dế trắng xóa như làng dệt đang phơi bông, phơi sợi. Buổi tối, ruộng sáng rực ánh đèn dù trong nhà tối om. Cứ như qua vùng duyên hải, tàu câu mực giữa biển đêm nhộn nhịp.
Dế là loài thiêu thân. Bắt dế đâu cần nhọc công đào bới. Chỉ cần máy phát điện nhỏ, mấy bóng đèn tuýp cỡ 1,2 m, ánh sáng tím là tốt nhất. Bẫy rất giản đơn. Dùng ni lông trắng xếp hình chữ V ngược, 2 đầu mép cuốn thành vũng chứa nước. Hoặc dựng đứng thành phông, bên dưới là vũng nước hình chữ nhật. Cứ tìm chỗ cao ráo mà đặt bẫy liên hoàn hay đơn lẻ tùy khả năng. Trời tối, đứng gió, trong hang khó chịu nên lũ dế bay ra khỏi hang tìm bồ kiếm bạn. Trời mưa, gió lạnh, dế chỉ ở trong hang tâm tình. Bị ánh đèn quyến rũ, chúng hồ hởi lao vào (nên mới gọi là thiêu thân). Đụng vách ni lông, dế lả tả rơi xuống nước, lóp ngóp bơi mà không lên được. Người đặt bẫy cứ canh chừng nửa giờ là xách vợt thăm, vớt dế và các loại côn trùng mê đèn vào thùng rồi phân loại. Dế trũi, dế mèn, dế cơm, dế dừa (loại bự và ngon nhất), và nhiều loại khác. Sáng có thương lái đến mua tận nhà. Giá cả tùy mùa, tùy loại. Có đêm, tỉnh Kampong Thom bắt được mấy tấn dế. Lớp để ăn, lớp để bán, còn lại xuất khẩu qua Thái Lan. Campuchia là nước xuất khẩu dế đồng nhiều nhất.
Người Khmer là chúa ăn côn trùng và côn trùng ở xứ chùa Tháp cũng dồi dào nhất. Họ xem đó là lộc trời cho để ăn, để bán và làm du lịch. Khách du lịch nào đi Campuchia mà chẳng ăn thử dế, ghê ghê mà hấp dẫn. Ăn xong còn mua về cho bè bạn ở nhà. Có cả tour du lịch dế. Du khách nghe giới thiệu về dế, cách làm bẫy và trực tiếp đi vớt dế rồi tự chế biến theo sở thích. Ngon hơn hẳn loại chiên sẵn ngoài đường, ngoài chợ. Ngoài dế, người Khmer còn bán điên điển, cào cào, nhái bén chiên giòn, ễnh ương nhồi thịt, trứng kiến càng (để chiên trứng và nấu canh chua rất tuyệt), nhộng ong, nhộng tằm... Đặc biệt là cà cuống và nhện đất. Chỉ có cà cuống cái vì cà cuống đực có túi dầu, xuất khẩu mỗi con gần chục USD. Còn nhện đất chỉ sống trong hang. Nhện, cà cuống thì bán từng con. Dế, điên điển bán theo lon sữa bò. Nhộng, trứng kiến, nhái, ễnh ương bán từng trăm gram. Tour bắt nhện mấy chục USD mỗi người. Cơm nắm, nước uống, thuổng đào, móc sắt và can nước để đổ vào hang rồi vào rừng bắt nhện. Du khách ăn nhện chiên, mua nhện về ngâm thuốc và khoái nhất là cho nhện bò lên áo, lên mặt (dù sợ chết khiếp) rồi chụp ảnh chân dung về hù thiên hạ.
Tôi nghiệm ra một điều là nếu mình có lòng thì thứ gì cũng có thể gắn với du lịch được. Du lịch “Săn dế”, “Xem đá dế”, “Tham quan trang trại dế”... đảm bảo chỉ Việt Nam mới có, hấp dẫn, độc đáo, không đụng hàng. Các chuyên gia thiết kế tour, những producer lữ hành cứ tha hồ sáng tạo thêm nhiều tour mới lạ. Đó cũng là cách quảng bá hiệu quả mà du lịch Việt Nam đang cần.


Nguyễn Văn Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét