Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Giữa biển trời Tây Nam...

TTCT - Vừa nói chuyện với tôi, Sáu Kịch vừa lom lom nhìn vào chiếc điện thoại đặt trên bàn như đang trông ngóng cuộc điện thoại nào đó quan trọng lắm.
Sáu Kịch là tên thân mật mà dân ở ấp bãi Ngự của đảo Thổ Chu gọi anh, chứ anh chính là phó chủ tịch xã đảo Thổ Châu, Huỳnh Văn Kịch (ở đây tên đảo là Thổ Chu mà tên hành chính của xã là... Thổ Châu).
Lớp học cho các em bé ở Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) do thầy giáo biên phòng Trần Bình Phục đứng lớp
Hóa ra cuộc điện thoại mà anh trông chờ ấy chính là chuyến “vượt biển” đầu đời của đứa cháu đích tôn vừa tròn 1 tháng tuổi, hôm nay theo tàu đò từ Phú Quốc ra Thổ Chu.
Huyền sử những chữ “Ngự”

Hơn 20 năm trước, Sáu Kịch là một trong 17 hộ dân đầu tiên của Kiên Giang ra Thổ Chu gầy dựng cuộc sống mới vào tháng 4-1992, khi đó Huỳnh Quốc Liệc, con trai của anh, cũng vừa 1 tháng tuổi. Hơn 20 năm sau, thằng con trai bé tí theo anh ra đảo ngày đó nay là tài xế chạy chiếc xe tải của UBND xã đảo và đã lấy vợ sinh con.
Vợ Liệc, con dâu của anh Sáu Kịch, là Danh Mỹ Yến, cũng mới 20 tuổi, quê tận Gò Quao (Kiên Giang). Gần đến ngày sinh nở, Yến về đất liền, sinh được một tháng lại bồng con lên tàu ra đảo.
Chuông điện thoại reng reng. Cô con dâu báo hôm nay sóng lớn, tàu đò về bến trễ. Tôi bảo: “Chiều nay cháu đích tôn về đây, vậy là nhà anh có đến ba thế hệ cùng sống với Thổ Chu”, Sáu Kịch cười: Thổ Chu này ba thế hệ đã nhằm nhò gì, từ đời nào đến giờ dân mình lên đây sinh sống ổn định cũng phải hơn ba thế kỷ rồi!
Phải rồi, phải là ba thế kỷ. Cái ấp có ngôi nhà của Sáu Kịch mà tôi đang ngồi đây mang tên là ấp “bãi Ngự”. Trên vùng biển Tây Nam này rất nhiều hòn đảo có những bãi, những cồn, những ấp, những giếng mang chữ “Ngự” vừa cao sang vừa huyền hoặc ấy! Ngự là nơi ngày xưa vua từng ghé đến, cho dù chỉ ghé một đêm ngả lưng trên bãi cát hay một trưa nào dừng chân tìm vò nước ngọt...
Trước đây, đọc về những tháng ngày bôn tẩu mưu nghiệp bá vương của vua Gia Long, chúng tôi đã nghe về vùng biển Tây Nam (và cả vùng đất phương Nam) với những cuộc chở che mang màu sắc huyền thoại.
Ví như có lần trên vùng biển này, đoàn thuyền chở vua bôn tẩu đã cạn nước ngọt mà xung quanh biển cả mênh mông, ngài ngửa mặt lên trời khấn nếu lòng trời giúp rập xin hãy cho mưa xuống, hốt nhiên dông gió nổi lên, trời không mưa nhưng vùng biển xanh thẳm trước thuyền chợt rẽ ra một vùng nước có màu khác, tướng sĩ vốc nước đưa lên uống thấy ngọt, ngài bèn sai lấy đầy mấy chục chum nước chất lên thuyền xong thì trời quang mây tạnh, vùng nước lạ biến mất, nước lại mặn như thường...
Đã bao nhiêu thế kỷ đi qua, bão dông cũng đã từng qua đây nhấn chìm trong dâu bể bao phận đời phận người, nhưng những câu chuyện huyền thoại thì vẫn mãnh liệt sống, như một điểm tựa tinh thần cho đời dân giữa mênh mông sóng cả. Tiền nhân đã đặt tên cho những ấp, những giếng, những bãi, những làng giữa trùng khơi như những điểm tựa vững vàng về lãnh thổ xứ sở, cương vực núi sông biển đảo cho người dân sinh sống làm ăn, ra khơi và trở về...
Từ quần đảo Thổ Chu đến quần đảo Nam Du mà nhà văn Sơn Nam vẫn gọi là quần đảo Củ Tron, rồi Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đốc... dấu ấn chủ quyền thuở bước chân tiền nhân mở cõi cứ hiển hiện như thế, gần gũi mà hiên ngang, xa thẳm mà tin cậy.
Cảnh Hòn Từ nằm trong quần đảo Thổ Chu
Sơ chế hải sản trên đảo Thổ Chu
Đời đảo, đời người...
Giữa tháng 9 này, một buổi sáng mưa dầm, chúng tôi “đổ bộ” đảo Hòn Khoai. Đi theo đường biển từ đảo Thổ Chu về đây mất gần một đêm hải trình nhưng từ hải đăng Hòn Khoai nhìn vào đất liền thấy mũi Cà Mau xanh một vệt mờ mờ, từ đây vào đó chỉ chưa đến mười hải lý.
Dưới tán bàng ngay chân Hòn Khoai, một “ngôi nhà” được dựng lên với mái bạt, tường che cũng quây bằng bạt. Chủ nhân “ngôi nhà” này là hai vợ chồng Đào Minh Thắng và Lê Thị Thủy. Thắng quê tận Thái Bình, là sĩ quan của trạm rađa trên đỉnh Hòn Khoai, còn Thủy quê ở Thường Xuân (Thanh Hóa). Đứa con gái của Thắng và Thủy là Đào Thanh Chi mới 7 tháng tuổi đã theo mẹ ra đây, sống trên đảo nhỏ này.
Quầy tạp hóa nho nhỏ dưới mái bạt nhựa của chị Thủy bán đủ thứ lặt vặt cho ngư dân ghé thuyền vào, từ gói thuốc lá, thùng mì đến chiếc hộp quẹt... khiến chân đảo vắng ấm hơi ấm con người, bởi hầu hết người sống trên đảo này lại định cư trên đỉnh, ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển, là những anh em trong đơn vị rađa và trạm hải đăng Hòn Khoai.
Những chuyến đi ra trùng khơi, giữa mênh mông sóng gió, ấn tượng sâu sắc nhất với tôi không chỉ là những người lính can trường, quanh năm đối mặt với dông bão và nỗi quạnh vắng thường trực mà lại là hình ảnh những đứa trẻ. Chủ quyền Tổ quốc có khi là cột mốc bia đá đã được dựng nhiều thế kỷ bất khuất giữa biển trời, nhưng cũng có khi hiện diện trong tiếng ru con ầu ơ, tiếng khóc trẻ thơ, tiếng đọc bài trên lớp học, giữa muôn trùng sóng gió.
Đứa bé sơ sinh vừa tròn tháng tuổi vượt biển ra Thổ Chu hôm qua và những đứa bé chưa đầy tuổi giữa Hòn Khoai chúng tôi gặp sáng nay, và nhiều nữa những em bé với chiếc cặp sách trên lưng bị gió biển thổi bạt liêu xiêu, leo mấy trăm bậc dốc đá đến lớp học của thầy giáo biên phòng chúng tôi gặp ở Hòn Chuối, Hòn Tre... chính là hình ảnh sinh động của cuộc sống, của chủ quyền, của tương lai Tổ quốc nơi cuối biển cùng trời này.
Đảo trên biển Tây Nam đều giữ nguyên và chăm chút những cánh rừng nguyên sinh. Dưới là biển rộng, trên núi là rừng thẳm. Con đường từ chân Hòn Khoai lên đỉnh nhiều đoạn dốc đứng, để có thể thồ hàng từ dưới chân núi lên trạm, những chiếc xe máy được tháo ống pô để tăng sức mạnh, cài số 1, tiếng máy ầm ầm như... xe tăng cứ thế lao lên. Đưa được một cân ximăng, một ký thép lên tới đây không hề là chuyện dễ, nhưng những hội trường, phòng ốc, đài quan sát... đều được xây dựng khang trang.
Dẫu thế, cuộc sống của những người lính trên những điểm đảo này vẫn đối diện không ít khó khăn. Những mùa nắng hạn, họ tính toán chia phần cho nhau từng lít nước ngọt không khác gì ở Trường Sa. Nhiều hòn đảo giữa biển Tây vẫn chưa nhận được sóng điện thoại. Đủ điện để phục vụ công tác và sinh hoạt vẫn là một giấc mơ của nhiều đảo khi tất cả đều dùng điện chạy bằng máy nổ.
Ở đảo Thổ Chu, điện chạy máy nổ chỉ phục vụ mỗi ngày hai lần, từ 7g30-15g30 và từ 17g-23g. Nhiều khi máy móc hỏng hóc, nhiều khi biển động dầu không đưa từ bờ ra kịp... Tàu đò từ Phú Quốc ra Thổ Chu chạy năm ngày mới có một chuyến. Gặp dân, gặp lính, chuyện trò hỏi han mới hay đúng là biển Tây Nam giàu có nguồn lợi, chuyện cái ăn cái mặc không còn là mối lo sụt sùi như xưa, nhưng để an cư, căn cơ lâu bền thì rõ là dân trên vùng biển đảo này cần được đất liền hỗ trợ nhiều lắm.
Giấc mơ giữa biển trời...
Nhưng mọi khó khăn của xứ đảo này không vì thế mà che lấp được những tiềm năng rờ rỡ hiển hiện. Hôm từ Thổ Chu sang Hòn Từ, một hòn đảo không rộng lắm nhưng đẹp tuyệt vời, chỉ cách Thổ Chu chừng 20 phút chạy tàu, nhìn những vách đá chênh vênh quanh đảo, những bãi cát dài mịn trắng in bóng dừa xanh, thật lòng nghĩ những bãi biển vẫn được in hình trên các poster quảng cáo du lịch cũng khó lòng có được vẻ đẹp tinh khôi, nguyên sơ như vậy.
Nếu những “thiên đường tiềm năng” này được khai phá, được tổ chức tour du lịch, được biến thành resort... chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tích cực đến phát triển kinh tế của khu vực này. Một khi du khách tấp nập ra đây thì chắc ông bí thư xã Thổ Châu Nguyễn Trường Vũ sẽ không “nhờ vả” chúng tôi “kêu giùm” cho dân Thổ Chu để tàu từ Phú Quốc ra đây rút xuống ba ngày/chuyến, thay vì năm ngày/chuyến như bây giờ.
Mà sở dĩ tàu phải chạy năm ngày/chuyến vì chi phí chạy tàu hiện đang được Nhà nước “bao cấp”, mỗi năm bù lỗ 3 tỉ đồng, nếu chạy 3 ngày/chuyến thì tiền bù lỗ phải lên 6 tỉ/năm. Du lịch phát triển được, khách đến khách đi tấp nập, biết đâu bí thư xã Nguyễn Trường Vũ được thấy mỗi ngày... ba chuyến tàu vào.
Chuyện chẳng hề viển vông chút nào, nếu ai đã từng ra với vùng biển này, đã lặng người trước vẻ đẹp huyền hoặc, hoang sơ với những bãi cát, cánh rừng, rặng dừa, với vô số hải sản tươi ngon bậc nhất...
Ở Nam Du - quần đảo gần như ở trung tâm vùng biển Tây Nam, với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ này - cảnh đẹp trải dài ở mọi nơi, mọi chốn. Nếu đã ngủ lại một đêm trên điểm cao nhất của hòn Củ Tron, bạn sẽ thấy mình như đang ở trên Đà Lạt giữa trùng dương, trong khí trời se lạnh và sương đêm, đèn trên những chiếc thuyền câu mực, đánh cá từ khơi xa hiện ra hư ảo.
Khi bình minh vừa hé, từ đỉnh ngọn hải đăng Nam Du phóng tầm mắt ra xa, cả quần đảo bừng dậy trong nắng sớm, đẹp lộng lẫy. Đi qua con đường vừa mở viền quanh đảo còn ngổn ngang cát đá là bãi biển đẹp hiền hòa mang cái tên dân dã “bãi Mến”, là ngôi đền tưởng niệm hàng trăm ngư dân nằm lại biển khơi trong trận bão Linda hồi tháng 11-1997, mới hiểu những miền đất giữa khơi xa vẫn luôn chờ đợi...
Hôm chúng tôi kết thúc hải trình quanh các quần đảo trên vùng biển này và về lại Phú Quốc cũng là khi trên hòn đảo ngọc, thủ phủ biển Tây này đang có một hội thảo góp ý cho đề án xây dựng khu hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc trung ương với sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh. Tương lai của biển trời Tây Nam đang khởi động và chứa chan hi vọng...
LÊ ĐỨC DỤC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét