Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta có thêm ngày nữa để yêu thương...Người mà thích điều lành, phúc tuy chưa đến song họa đã xa; người mà không thích điều lành, họa tuy chưa đến, song phúc đã xa...Người ta lúc nhắm mắt đi thì để cho sâu bọ tha hồ đục vào thân xác, thế mà lúc sống không chịu nhường nhịn nhau một chút là tại làm sao ?...Người tốt mà giàu , thế là trời thưởng; người xằng mà giàu, thế là trời phạt...Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết, vật gì thịnh lắm thì suy...Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận....

Facebook Haco Chi

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Huế thi vị qua góc nhìn sông Hương

TTCT - Biết bao tao nhân mặc khách từ xưa đến nay đã dùng nhiều mỹ từ để ca ngợi sông Hương. Bất luận vào thời điểm nào trong ngày, vào mùa nắng hay mùa mưa, sông Hương đều có những vẻ đẹp đặc trưng khó tả.
Nét đẹp nghìn đời cần gìn giữ
Đến Huế nếu chọn tour ngắm sông Hương và các thắng cảnh bằng thuyền Rồng, hẳn du khách sẽ có một cái nhìn thú vị khác về Huế. 

Quá khứ và hiện tại
Thiên Mụ là điểm dừng đầu tiên cho du khách đi tour bằng thuyền. Ngôi chùa có tuổi hơn 400 năm này vẫn luôn là điểm tham quan ấn tượng cho du khách đến Huế. Dường như sự ra đời của tháp Phước Duyên vào năm 1844 lại ngẫu nhiên biến nó thành biểu tượng để người ta biết đến Huế, nhớ đến Huế cả trong quá khứ và hiện tại.
Một ngọn tháp biểu trưng cho “trí tuệ” và “phúc lành” ngày đêm soi mình xuống dòng sông. Nếu như người La Mã khi vào đền thờ ngước lên để chiêm ngưỡng thì ngược lại người Hi Lạp cúi xuống để suy ngẫm.
Thiên Mụ với tháp Phước Duyên cho người ta cả hai: ngước lên trời cao để chiêm ngưỡng cuộc đời, số phận, cái bí ẩn, cao xa. Và rồi sẽ lại cùng nó soi bóng xuống dòng Hương, vừa tiếp tục quan chiêm bóng tháp, tức bóng Phật, lại có thể tự nhìn lại mình qua tấm gương muôn thuở và luôn thay đổi sắc diện là dòng Hương.
Và không còn gì bằng khi du khách được lên đến đỉnh tháp để chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của dòng sông Hương, nhưng vì sự yên tĩnh của chốn thờ tự hãy tạm ngắm sông Hương ở khu vực phía tây của tháp. Đây là đoạn sông Hương uốn mình để chuẩn bị đổ vào tỏa khẩu Thiên Mụ - Long Thọ trước khi xuôi về hạ lưu.
Sự uyển chuyển của dòng sông ở khu vực này có thể ví như sự mềm mại của cơ thể một người con gái. Và từ chùa Thiên Mụ có thể ngắm sắc diện của Hương giang như chiếc áo thiếu nữ mấy lần đổi thay màu sắc trong ngày.
Tạm rời Thiên Mụ, men theo đường cong của làng Nguyệt Biều, “tắm” trong màu xanh của sông và những bãi bồi màu mỡ để ngược lên thượng nguồn. Càng đi ngược lên nước sông càng trong xanh. Hai bên bờ nhà cửa thưa dần nhường cho màu xanh của cây cối và núi đồi. Thuyền đến bến thuyền lăng Tự Đức, hãy dừng chân đi bộ theo đường bêtông khoảng 30 phút để lên độn Bàu Hồ. Đây là địa điểm chưa từng có tên trên bất kỳ bản đồ du lịch nào, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua.
Cách đây gần 150 năm vua Tự Đức đã đến và nhận thấy đây là địa điểm vô cùng thú vị, có thể quan sát được kinh thành Huế và nhiều địa điểm di sản văn hóa quan trọng của triều Nguyễn. Vua đã cho dựng tấm bia khắc tên núi là Cư Khiêm Sơn và ghi lại điều đó trong Khiêm Cung Ký. Cho đến ngày nay đây vẫn là điểm quan sát thành phố Huế khá thú vị. Và đây cũng là điểm tuyệt đẹp để ngắm nhìn sông Hương.
Đoạn sông chảy qua đây thẳng tắp, xanh mướt với những bãi bồi lúp xúp hoa màu. Đối diện bên kia là nhà thờ Ngọc Hồ nằm tĩnh lặng giữa một bình nguyên xanh. Không biết nhà thờ này được xây dựng từ khi nào, chỉ biết là địa điểm xây dựng quá tuyệt vời với lưng dựa vào dãy Trường Sơn, trước mặt là Hương giang và đối diện là độn Bàu Hồ tựa như một bức bình phong thiên nhiên. Không còn gì đăng đối, hợp lý và đẹp đẽ hơn nữa.
Lễ hội văn hóa truyền thống tôn tạo thêm nét đẹp sông Hương
Chùa Thiên Mụ luôn là điểm đến của du khách khi thăm Huế
Công trình nhân tạo xây dựng bên bờ sông cần tính đến nét hài hòa tự nhiên
Gìn giữ nét ngài
Nằm cách độn Bàu Hồ chỉ khoảng mấy phút đi thuyền Rồng là đến đồi Vọng Cảnh. Vẻ đẹp sông Hương từ ngọn đồi này hầu như đã được người Huế khắc cốt ghi tâm. Tuy nhiên cần phải lưu ý Vọng Cảnh không phải chỉ là một điểm nhìn ngắm sông Hương, mà ngọn đồi này là điểm liên kết quan trọng, tầm nhìn của cả một quần thể di sản bao gồm lăng Tự Đức, lăng Đông Khánh, lăng Thiệu Trị, lăng Hiếu Đông, điện Hòn Chén…
Chính vì vậy người Huế và những người yêu Huế đã quyết tâm phản bác việc xây dựng khách sạn 5 sao trên ngọn đồi này.
Hãy ngược lên thượng nguồn thêm một chút nữa để kịp nhìn sông Hương trước khi thấy cội nguồn của sông do hai nhánh hợp lại ở ngã ba Bằng Lãng. Hãy để thuyền cập bến ở điện Hòn Chén. Nước sông từ đầu nguồn đổ về mặc dù vẫn bình thản nhưng cuộn vào bên trong nguồn sinh khí dồi dào chuyên chở từ núi rừng về hạ lưu.
Với bốn điểm ngắm nhìn sông Hương kết hợp tham quan di sản đã lấy hết của du khách biết bao lời ngợi khen. Dòng sông Hương không chỉ là sợi dây gắn kết các di sản của các vua Nguyễn, dòng sông tâm linh và văn hóa của người dân xứ Huế, mà còn là dòng sông của một vẻ đẹp vượt thời gian.
Vẻ đẹp của sông Hương không thể tách rời các di sản và sinh hoạt văn hóa của cư dân bản địa, đặc biệt hơn vẻ đẹp cả dòng sông này liên quan mật thiết các núi, đồi, độn, bến, bờ, dọc hai bờ sông.
Xin đừng khoét thêm trên cơ thể đương xuân của ngọn đồi, dãy núi vùng thượng nguồn những hố sâu nào tựa như mỏ đá Gà Lôi hiện nay; cũng xin đừng xây khách sạn nào ở bờ sông Hương như trước đây đã dự định; cũng xin đừng quy hoạch một khu du lịch tựa như khu du lịch Ngọc Hồ sát với bờ sông.
NGÔ PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét